Vừa qua đã xảy ra sự kiện bắt quả tang, xử phạt hành vi vi phạm pháp luật của công dân, khiến đông đảo dư luận bức xúc và bàn tán xôn xao. Vụ việc đã đăng tải và tiếp tục được đăng tải trên báo chí, truyền hình, đài phát thanh và các phương tiện thông tin, đó là việc anh thợ điện Nguyễn Cà Rê đem đổi 100 đô la lấy 2.260.000 đồng tại một tiệm vàng, bị cơ quan điều tra công an thành phố Cần Thơ chặn bắt và bị Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ ra quyết định tịch thu số tiền đồng và xử phạt hành chính 90 triệu đồng. Tiệm vàng - Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất, Thương mại Thảo Lực, nơi đổi tiền cho anh Rê bị Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ ra quyết định xử phạt hành chính 295 triệu đồng, cộng với hình phạt bổ sung: tịch thu 100 đô la, 19.910 viên đá nhân tạo và 20 viên kim cương.
Một sự kiện tưởng chừng như nhỏ nhặt, nhưng không ngờ lại gây ra những phản ứng của dư luận trong cả nước theo hai chiều trái ngược nhau giữa hai phía: phía người dân và phía các nhà chức trách thực thi pháp luật. Sự kiện cũng đã trở thành một chủ đề làm nóng diễn đàn phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ sáu (Quốc hội khóa XIV). Dư luận cho rằng, anh Nguyễn Cà Rê với thu nhập từ hai triệu đến bốn triệu đồng/tháng mà bị phạt 90 triệu đồng chỉ vì đổi tiền không đúng nơi quy định của pháp luật là quá nặng. Với gia cảnh của anh, anh lấy đâu ra tiền để nộp phạt? Theo lời khai của chủ tiệm vàng, vì không có tiền đồng (VND) trong túi nên anh Nguyễn Cà Rê nằn nì đổi đô la lấy tiền đồng để trả tiền thuê xe. Việc đổi tiền đang thực hiện thì bị một người đứng cạnh (một cán bộ công an cải trang) chộp lấy và lập biên bản phạm pháp quả tang. Tiếp đó một số cán bộ công an ập vào và tiến hành khám xét tiệm vàng. Dư luận cho rằng, cơ quan chức năng đã nhân việc bắt quả tang việc đổi ngoại tệ không đúng quy định pháp luật của anh Rê để khám xét cửa hàng; tiếp đó xử phạt 295 triệu đồng, rồi tịch thu sung công một số tài sản và 20 viên kim cương của tiệm vàng Thảo Lực với lý do không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ là trái với những quy định hiện hành về căn cứ pháp lý khám người, khám nhà.
Về phía các nhà chức trách thực thi pháp luật thì cho rằng, hành vi vận dụng pháp luật của địa phương vụ việc là đúng với quy định của Nghị định 96/2014 NĐ/CP. Anh Nguyễn Cà Rê đã có đơn xin Ủy ban nhân dân thành phố miễn hình phạt vì gia đình anh hiện rất nghèo túng. Ông chủ tiệm vàng Thảo Lực đã chấp hành hình phạt nhưng tham vấn luật sư để cân nhắc làm đơn khởi kiện vì cho rằng quyết định xử phạt hành chính của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ là trái pháp luật.
Các cơ quan nội chính ở Trung ương đã giao cho các cơ quan địa phương xử lý vụ việc theo hướng giảm nhẹ hoặc miễn hình phạt cho anh Nguyễn Cà Rê. Trong khi đó, dư luận cho rằng việc giao cho Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ xem xét giải quyết theo hướng miễn hoặc giảm nhẹ hình phạt cho anh Nguyễn Cà Rê chưa phải là cách giải quyết một cách thấu lý, đạt tình và trọn vẹn các vấn đề đã phát sinh của vụ việc. Cách vận dụng pháp luật của những nhà thực thi pháp luật ở thành phố Cần Thơ đã làm nảy sinh nhiều vấn đề có liên quan đến thực trạng hoạt động lập pháp, hành pháp ở nước ta mà dư luận đang rất quan tâm. Vì vậy, dư luận xã hội đã đặt ra nhiều câu hỏi:
Câu hỏi thứ nhất: Thế nào là đúng
pháp luật?
Việt Nam hiện có quan hệ buôn bán, giao lưu với rất nhiều nước trên thế giới. Việc người Việt Nam có ngoại tệ (đô-la Mỹ, Canada, Úc, euro của châu Âu, đồng yên của Nhật, đồng rúp của Nga, nhân dân tệ của Trung Quốc) là chuyện phổ biến hiện nay. Nguồn ngoại tệ trong dân là do người đi lao động nước ngoài gửi về hoặc do kiều bào ở nước ngoài gửi về biếu tặng người thân trong gia đình họ. Người nước ngoài đến du lịch tại Việt Nam cũng thường dùng ngoại tệ để mua bán, trả chi phí dịch vụ cho người Việt Nam. Sử dụng tiền tệ của nhau trong buôn bán, giao lưu, nhằm tiết kiệm chi phí trong chuyển đổi ngoại tệ và tránh lệ thuộc vào đô-la Mỹ hiện đang là xu thế của các nước trên thế giới. Nga và Ấn Độ, Nga và Trung Quốc đã có thỏa thuận dùng nội tệ của mỗi nước để thanh toán với nhau. Việc người dân Việt Nam có ngoại tệ không phải là chuyện hiếm. Việc đổi tiền Việt Nam sang tiền nước ngoài để chu cấp cho con đi học ở nước ngoài, hoặc để đi du lịch, công tác hoặc đổi ngoại tệ sang tiền đồng để trang trải cuộc sống là nhu cầu của không ít người Việt Nam. Luật pháp hiện hành không cấm người Việt Nam sở hữu ngoại tệ, nhưng không phải ai cũng biết việc hoán đổi tiền đồng (VND) sang ngoại tệ hoặc ngược lại, phải tiến hành tại các ngân hàng. Hơn nữa, việc hoán đổi ngoại tệ tại các ngân hàng đòi hỏi nhiều thủ tục và với giá thấp hơn giá thị trường tự do. Vì vậy, việc hoán đổi ngoại tệ ngoài quy định của pháp luật, mà dư luận gọi là đổi chui, là hiện tượng có xuất hiện trong đời sống. Thực tiễn cuộc sống đòi hỏi phải phân biệt hành vi hoán đổi ngoại tệ để trang trải cuộc sống với hành vi buôn bán ngoại tệ nhằm mục đích sinh lợi. Nhiều người dân cho rằng, hành vi của anh Nguyễn Cà Rê chỉ là hành vi đổi ngoại tệ, không phải là hành vi mua, bán ngoại tệ.
Pháp luật luôn phải xuất phát và phải phù hợp với thực tế cuộc sống. Nhưng nội dung Nghị định 96/2014/NĐ - CP có rất nhiều điều khoản chưa phù hợp với thực tế cuộc sống, không phù hợp với chính sách quản lý ngoại hối hiện hành của nước ta. Việc căn cứ vào Nghị định 96/2014/NĐ - CP để xử phạt mọi hành vi chuyển đổi ngoại tệ không qua ngân hàng là trái với thực tế cuộc sống. Nghị định 96/2014/NĐ - CP, qua thực tế vận dụng đã bộc lộ nhiều nhược điểm, đòi hỏi phải tiến hành sửa đổi ngay nhằm mục đích ổn định xã hội.
Câu hỏi thứ hai: Thế nào là hình phạt
thỏa đáng?
Xử phạt không đơn thuần nhằm mục đích trừng trị, mà còn nhằm răn đe, giáo dục người vi phạm. Để đạt được mục đích này thì hình phạt được tuyên phải tương xứng với mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi vi phạm đã gây ra. Việc đánh giá mức độ nguy hiểm do hành vi vi phạm gây ra cho xã hội đòi hỏi người cầm cân nảy mực phải cân nhắc rất kỹ, phải hết sức khách quan và phải đặc biệt tránh định kiến, đánh giá, nhận định mang tính cảm tính.
Về mức xử phạt tiền thì luật pháp thường quy định người vi phạm phải đền bù mọi tổn thất đã gây ra, hoặc bị phạt với mức bằng hoặc gấp đôi số tiền vi phạm. Nghị định 96/2014/NĐ - CP không quy định mức xử phạt tiền theo quy tắc lấy giá trị vi phạm làm xuất phát điểm, mà chỉ quy định mức phạt tối thiểu đến mức tối đa. Điều này dẫn đến lập luận cho rằng, giá trị hành vi vi phạm chỉ là 2.260.000 đồng mà bị phạt đến 90 triệu đồng, tức nhiều gấp 50 lần trị giá số tiền đổi vẫn được các nhà thực thi pháp luật cho là đúng pháp luật, với lý do là nó nằm trong khung hình phạt do Nghị định 96/2014/ NĐ - CP quy định. Rõ ràng đây là bất cập lớn của Nghị định 96/2014/NĐ - CP.
Câu hỏi thứ ba: Việc viện cớ cửa hàng vàng không có đầy đủ giấy tờ về nguồn gốc xuất xứ để tịch thu các mặt hàng bày bán là thỏa đáng?
Các cơ quan thực thi pháp luật từng có ý định thiết lập kỷ cương mới bằng cách quy định mọi việc mua bán đều phải có hóa đơn, nhằm tránh thất thu thuế và gian lận trong mua bán. Ý định này không có tính thực thi ở nước ta. Vì vậy, pháp luật hiện hành của nước ta chưa đòi hỏi mọi việc mua bán đều phải có hóa đơn, kể cả việc mua bán vàng bạc tại các tiệm vàng. Việc viện cớ tiệm vàng Thảo Lực không xuất trình đầy đủ nguồn gốc của các sản phẩm bày bán để tịch thu, xử phạt là đòi hỏi không có căn cứ pháp lý, nếu không muốn nói đó là việc dùng pháp luật để bắt chẹt người dân. Tin tức gần đây cho biết, ông Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ đã có quyết định trả lại cho chủ tiệm vàng 20 viên kim cương và 19.910 viên đá nhân tạo. Việc trả lại tài sản bị tịch thu trái pháp luật là đương nhiên. Hành vi sửa sai của nhà thực thi pháp luật rất đáng được khuyến khích. Cùng với đó, đầu tháng 11/2018, nhà chức trách thành phố Cần Thơ đã huỷ bỏ hình thức xử phạt 70 triệu đồng đối với hành vi “kinh doanh hàng hoá không rõ nguồn gốc, xuất xứ”, điều chỉnh tổng mức phạt từ 295 triệu đồng thành 225 triệu đồng. Tuy nhiên, với cách xử lý này, dư luận hoài nghi đặt câu hỏi, vì sao Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ vẫn duy trì một mức xử phạt cao đối với tiệm vàng Thảo Lực. Không lẽ vì việc hoán đổi tiền với giá trị hơn 2 triệu đồng, lại bị phạt với số tiền gấp cả trăm lần? Nếu những người thực thi pháp luật không có hướng xử lý hài hòa hơn vụ việc, thì sẽ là khiên cưỡng, vì nó trái với mục đích của hình phạt như đã nêu trên.
Câu hỏi thứ tư: Việc khám xét tiệm vàng Thảo Lực có hợp pháp?
Luật pháp hiện hành nước ta quy định chỉ được phép khám người, khám nơi ở, nơi làm việc trong trường hợp phạm pháp quả tang hoặc trong trường hợp có căn cứ pháp lý nghi đang cất giấu đồ vật, hoặc tiêu hủy chứng cứ phạm pháp, hoặc che giấu người đang bị truy nã, hoặc trốn tránh pháp luật. Đây là điều mà mọi viên chức thực thi pháp luật phải luôn ghi nhớ và chấp hành đúng. Việc lạm dụng quyền khám xét người, nhà ở, nơi làm việc là hành vi xâm phạm quyền công dân.
Việc cán bộ điều tra thành phố Cần Thơ nhân việc bắt quả tang hành vi đổi ngoại tệ trái pháp luật để khám xét và tịch thu tài sản của tiệm vàng là sự vận dụng pháp luật một cách méo mó, cứng nhắc, nếu không muốn nói đó là hành vi lạm dụng quyền lực.
Những bài học rút ra:
Thông qua vụ việc xảy ra ở thành phố Cần Thơ, có thể rút ra hai bài học lớn: Bài học về công tác lập pháp, lập quy và bài học về thực thi pháp luật.
Bài học thứ nhất: Về công tác lập pháp, lập quy
Các nhà quản lý có kinh nghiệm đều cho rằng, rối loạn trước hết là rối loạn về kỷ cương phép nước. Vì vậy, công việc hàng đầu của công tác quản lý là phải không ngừng chăm lo cho việc hoàn thiện nền pháp luật. Nhà nước, một mặt phải đảm bảo cho mọi mặt hoạt động của Nhà nước, của xã hội đều có pháp luật làm căn cứ, đồng thời phải thường xuyên rà soát, kiểm tra để kịp thời loại bỏ, sửa đổi những bất cập hoặc bổ sung những điều còn thiếu của pháp luật đã ban hành. Trong những năm gần đây, công tác lập pháp đã được Quốc hội đặc biệt quan tâm. Nhà nước đã xây dựng nên nền pháp luật làm căn cứ pháp lý cho việc quản lý xã hội trong tình hình mới, nhiệm vụ mới. Tuy vậy, nền pháp luật của nước ta hiện chứa đựng trong nó hai bất cập lớn:
+ Nhiều quy định của Hiến pháp chưa được pháp luật hóa, đặc biệt là các luật về bảo vệ quyền nhân thân và quyền công dân;
+ Hệ thống văn bản dưới luật do các cơ quan hành pháp ban hành để thi hành luật chứa đựng nhiều trùng lặp, mâu thuẫn, chồng chéo, khó nhớ, khó thực hiện. Theo Bộ Tư pháp, vẫn còn văn bản dưới luật được ban hành với nội dung trái Hiến pháp, trái luật. Các văn bản dưới luật này gây ra khó khăn không đáng có đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, đến đời sống của công dân. Nhưng rất tiếc là các biện pháp ngăn chặn và quy trách nhiệm đối với những tổ chức, viên chức đã ban hành các văn bản trái Hiến pháp, trái luật chưa được quy định cụ thể. Việc rà soát và kịp thời sửa đổi văn bản pháp quy trái pháp luật cũng chưa được quy định thành nhiệm vụ thường xuyên, mà danh từ chuyên môn gọi là công tác “hệ thống hóa pháp luật” của các cơ quan quản lý nhà nước.
Dư luận đề xuất, đã đến lúc cần có pháp luật quy định công dân được quyền khởi kiện và đòi bồi thường thiệt hại do văn bản trái pháp luật gây ra đối với công dân, đối với các tổ chức. Nếu điều luật này được ban hành thì đó là biện pháp quan trọng, mang tính khả thi cao để đảm bảo tốt hơn nhân quyền và quyền công dân đã được quy định trong Hiến pháp năm 2013. Đồng thời, đó cũng là biện pháp hữu hiệu nhằm kịp thời phát hiện và ngăn chặn việc tổ chức và cá nhân tùy tiện trong ban hành các văn bản dưới luật để thi hành luật. Đây cũng là cách huy động xã hội tham gia giám sát hoạt động lập pháp, lập quy của các cơ quan nhà nước.
Bài học thứ hai: Vận dụng pháp luật phải trở thành nghệ thuật của quản lý
Thực tiễn cho thấy, cùng một đạo luật, nhưng có nơi đem áp dụng vào thực tiễn thì được nhân dân đồng tình, ủng hộ, nhưng có nơi lại gây ra bức xúc, chống đối, rồi trở thành điểm nóng. Các nhà quản lý có kinh nghiệm cho rằng, phải đưa việc vận dụng pháp luật đạt trình độ trở thành nghệ thuật vận dụng pháp luật. Cốt lõi của vấn đề là phải làm cho tính bắt buộc của pháp luật trở thành sự tự nguyện tuân theo pháp luật. Dùng cưỡng chế để buộc dân phải tuân theo pháp luật là điều đặc biệt cần tránh và phải coi đó là sự thất bại của quản lý. Việc đòi hỏi công tác vận dụng pháp luật phải đạt đến trình độ nghệ thuật, không phải là đòi hỏi quá cao siêu, khó đạt được. Thực tiễn cho thấy, nơi nào làm tốt công tác thông tin, giải thích pháp luật và lắng nghe nhân dân phản ánh tâm tư, nguyện vọng của họ đối với việc thi hành pháp luật và cùng nhân dân bàn bạc việc tháo gỡ các vướng mắc, thì nơi đó được nhân dân đồng tình ủng hộ. Cán bộ, viên chức phải coi việc giải thích cho nhân dân hiểu rõ pháp luật và giúp đỡ nhân dân thực thi đúng pháp luật là nhiệm vụ chính của mình. Dùng pháp luật để bắt chẹt người dân là điều tối kỵ đối với viên chức nhà nước.
Vụ việc xảy ra ở thành phố Cần Thơ đã cung cấp hai bài học đặc biệt bổ ích về công tác lập pháp, lập quy và nghệ thuật vận dụng pháp luật. Bài học này nên được nghiên cứu, phân tích rộng rãi trong các cơ quan và cán bộ, viên chức để góp phần đổi mới hoạt động lập pháp, lập quy và thực thi pháp luật ở nước ta.
Luật sư Lê Đức Tiết