Tin mới

Sự phối hợp giữa các cơ quan báo chí với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí

(Mặt trận) - Trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, sợ nhất chùn tay. Phanh phui một vụ tiêu cực, một vụ tham nhũng có thể dễ, nhưng bài học rút ra từ vụ việc đó thì lại không hề dễ. Bên cạnh việc lãnh đạo cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản phải vào cuộc hưởng ứng, sát cánh với các phóng viên, thì sự phối hợp giữa Hội Nhà báo Việt Nam, giữa cơ quan báo chí với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trên cơ sở chức năng giám sát, phản biện của Mặt trận, đang mang lại những tín hiệu tích cực, gợi mở cơ chế để báo chí phát huy vai trò to lớn hơn trong công tác thông tin về phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Hà Nam: Tập huấn kỹ năng tuyên truyền, vận động cho thành viên ban công tác Mặt trận

Hội nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội lần thứ hai, khóa XVIII, nhiệm kỳ 2024-2029

Hội nghị Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Thọ lần thứ Ba - khóa XV, nhiệm kỳ 2024- 2029

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân và các đại biểu tham quan gian trưng bày tại Hội báo toàn quốc năm 2017, tại Hà Nội. Ảnh: Kỳ Anh

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ban hành Chương trình hành động số 19/CTr-MTTW ngày 19/1/2017 thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", tự chuyển hóa" trong nội bộ gửi tới Ban Thường trực Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố và các tổ chức thành viên.

Liên quan đến vấn đề này, trong khuôn khổ Hội nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ 6 (khóa VIII) tại TP Cần Thơ, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã triển khai chương trình hành động và phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam phát động Giải báo chí toàn quốc "Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí". Và từ tháng 3/2017, Ban Tuyên giáo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo dõi, thống kê và hàng tuần tổng hợp báo cáo nhanh về tình hình nhân dân và thông tin trên báo chí triển khai Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, trong đó chú trọng các thông tin phản ánh về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thông qua phản ánh của báo chí, Mặt trận các cấp và các nguồn thông tin khác để báo cáo Ban Thường trực.

Ngay sau khi phát động, các cơ quan truyền thông, các phóng viên, biên tập viên tích cực vào cuộc, phát hiện, đấu tranh, lên án những hiện tượng tiêu cực, những hành vi tham nhũng, lãng phí theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Nhiều tờ báo đã quyết tâm tìm hiểu, phân tích nhiều vụ việc gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Đối với Tạp chí Mặt trận, thời gian qua, bên cạnh việc luôn theo sát định hướng của Đảng, Nhà nước, thực hiện chức năng là một trong các cơ quan ngôn luận của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đã có nhiều bài nghiên cứu, tổng kết thực tiễn công tác Mặt trận, trên cơ sở bám sát thời sự, các vấn đề dân sinh được dư luận quan tâm, không né tránh các đề tài mới, gai góc. Trong đó, Tạp chí đã liên tục có các bài phản ánh những vụ viêc gây bức xúc trong dư luận, như việc phản ánh những sai phạm trong hoạt động xây dựng, những bất cập trong công tác quản lý biệt thự Pháp cổ tại Hà Nội, sai phạm tại các khu đô thị mang thương hiệu “Mường Thanh”...; đồng thời có những kiến nghị nhằm tháo gỡ khó khăn cho các nhà báo trong quá trình tác nghiệp, đề xuất cơ chế để tăng cường vai trò của Mặt trận Tổ quốc các cấp, giúp công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí tại cơ sở đạt hiệu quả hơn.

Sức ép đối với phóng viên, cơ quan báo chí

Những năm gần đây, những bài báo mang tính chất điều tra, phanh phui những vụ việc tiêu cực mang tính phát hiện, đi trước cơ quan chức năng (công an, thanh tra…) ngày càng ít đi. Nếu có thì cũng rất ít vụ việc phóng viên điều tra đến nơi đến chốn như trước đây. Vì sao lại như vậy? Có một thực tế, những người viết điều tra là động đến lĩnh vực nhạy cảm, có sự va chạm với các thế lực có chức quyền, hoặc với những đối tượng làm ăn phi pháp, có rất nhiều tiền, có quan hệ rộng, thậm chí sẵn sàng hành hung, "xử lý" nhà báo bất cứ lúc nào.

Chính những khó khăn đó làm hạn chế tính chiến đấu của nhà báo. Ở đây, có 2 vấn đề: Các nhà báo ngại đụng chạm. Các phóng viên điều tra có tâm huyết khi đưa một bài báo ra công chúng, thì có vài ba, thậm chí rất nhiều phóng viên đến "ăn theo" các bài này, bằng hình thức viết ngược lại, hoặc viết giảm mức độ vi phạm xuống, có tính chất "minh oan, thanh minh" cho cá nhân, tổ chức vi phạm. Do vậy, chúng ta thấy thực tế các cơ quan báo chí hiện nay không thiếu các tuyến bài: Công ty A, Tập đoàn B lên tiếng; hay Lời nói của người trong cuộc, hay Vì sao Công ty A, Tập đoàn B để xảy ra sai phạm??? Vì cái "vì sao" trong bài lại mang tính chất giải thích cho họ "là do khó khăn", do "thế nọ, thế kia". Còn những tờ báo đồng hành với tờ báo phanh phui tiêu cực thì lại ít, cho nên nhiều nhà báo, cơ quan báo chí cảm thấy "cô đơn" khi cuộc đấu tranh chống tham nhũng của mình ít được các đồng nghiệp tham gia cùng. Ngược lại, lại có nhiều nhà báo, cơ quan báo chí nhảy vào viết bài "giãi bày", "trần tình" lên tiếng cho công ty vi phạm. Nên họ cũng phần nào đó không còn "máu lửa" như trước nữa.

Những nhà báo viết bài điều tra chống tiêu cực cũng thường xuyên phải đối mặt với cám dỗ về vật chất, đôi khi còn bị sức ép về chính trị. Tại các cơ quan báo chí, với các phóng viên viết mảng kinh tế - xã hội, công việc đều đặn, không va chạm gì, lương cao. Nhưng phóng viên viết bài điều tra, nhiều khi như các cụ nói "Được tiếng khen ho hen chẳng còn". Thành tích đâu, sản phẩm, kết quả đâu chưa thấy, nhưng thấy ngay đơn kiện của những tổ chức, cá nhân bị viết bài phanh phui sai phạm. Thực tế nhiều đơn vị, cá nhân sai phạm, bản chất sai nhưng dù báo chí đăng đúng, họ vẫn có quyền gửi đơn kiện. Nếu ban biên tập nào thấy các đơn kiện đó gửi đến, bình tĩnh giải quyết thì không sao, nhưng nhiều cơ quan báo chí, ban biên tập, thấy có đơn kiện là cuống cuồng lên, yêu cầu phóng viên giải trình, dừng tuyến bài đăng dở lại, làm nhụt ý chí của anh em phóng viên, bởi chỗ dựa vững chắc nhất là tòa soạn thì nay tòa soạn lại bắt giải trình, mà sao không yêu cầu phóng viên phải tiếp tục điều tra, phanh phui trắng đen rõ ràng. Ở một chừng mực nào đó, việc gửi đơn khiếu nại là quyền của cá nhân, tố chức bị phanh phui sai phạm. Những cơ quan báo chí, nếu sáng suốt, thận trọng, nhận được đơn khiếu nại nhưng vẫn xem xét, khích lệ phóng viên làm tiếp, hoặc kiểm tra hồ sơ, mang tính chất chủ động, không "đổ thêm lửa" vào phóng viên. Báo phát hành tốt, bạn đọc biết đến nhiều thì vinh dự cho tờ báo, vậy tại sao lại làm anh em chùn bước.

Những nhà báo làm bài điều tra phanh phui tiêu cực, cần có sự động viên của cơ quan, người thân. Người cầm bút chống tiêu cực không chỉ nguy hiểm đến bản thân mà còn lo vợ con, người thân. Các cụ có câu "Kẻ nát nhát kẻ bạo", việc này làm cho nhiều nhà báo hiện nay, dù tâm huyết với mảng điều tra chống tiêu cực, mang lại lợi ích cho người dân, nhưng không lựa chọn. Đó là điều cần phải suy nghĩ.

Một vấn đề nữa đó là, những phóng viên làm điều tra hiện nay khó tiếp cận với các nguồn thông tin, tài liệu. Bởi có không ít cá nhân, tổ chức, đơn vị có sai phạm, bưng bít rất khéo. Nhiều đơn vị bị thanh tra, kiểm tra, có kết luận rồi nhưng thông đồng với nhau để ngăn không cho báo chí tiếp cận được nguồn thông tin. Chính vì vậy, những sai phạm sau thanh tra, những hồ sơ vụ việc đó không đến được tay phóng viên. Phóng viên không có hồ sơ thì phản ánh tiêu cực làm sao được, án tại hồ sơ, nói có sách, mách phải có chứng. Để khắc phục điều này, cần thực hiện nghiêm Luật Thanh tra, tất cả các kết luận thanh tra phải được công bố công khai tại các cơ quan bị thanh tra, để nhân dân biết.

 Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân giám sát các điểm khai thác cát tại thôn Vân Đình, xã Cẩm Đình, huyện Phúc Thọ, TP. Hà Nội. Ảnh: Kỳ Anh

Gợi mở cơ chế phối hợp

Thứ nhất, nói về trách nhiệm của bản thân cơ quan báo chí, khi thực hiện các bài điều tra chống tham nhũng, lãng phí, trước tiên chính cơ quan báo chí và phóng viên phải không tham nhũng, mình phải sạch thì mới đi "rửa" cho người khác được. Trong quá trình tác nghiệp, phóng viên cần có phương pháp khoa học, vận dụng các kỹ năng nghiệp vụ để quá trình tác nghiệp được trơn tru. Nhiều phóng viên, động cơ trong sáng nhưng tác nghiệp thiếu thận trọng dẫn đến bị hành hung.

Thứ hai, các tòa soạn, ban biên tập cần xác định cơ quan báo chí hiện nay là công cụ phòng, chống tham nhũng, lãng phí tốt của Đảng và Nhà nước. Nhưng đây là nhiệm vụ đầy chông gai, không phải phóng viên, nhà báo nào cũng đủ can đảm để theo đuổi, do vậy ban biên tập và các toà soạn cần động viên, khen thưởng các phóng viên đam mê nghề, để họ có điều kiện phát huy sự sáng tạo của mình.

Thứ ba, cơ quan báo chí, nếu đã lựa chọn tuyến bài điều tra để thực hiện thì phải đi đến cùng của sự việc. Đồng thời, các cơ quan Trung ương, khi tiếp cận được nội dung phản ánh tham ô, lãng phí mà báo chí phanh phui, cần đồng hành với cơ quan báo chí, thể hiện qua các văn bản chỉ đạo cá nhân, tổ chức được nêu cụ thể trong báo, phải báo cáo giải trình với cơ quan, đơn vị.

Đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở địa phương, cần theo dõi thông tin trên báo chí, chọn vụ việc phù hợp, liên quan đến địa phương mình để theo dõi, giám sát; với các việc có cơ sở thì đưa ý kiến sang chính quyền địa phương, còn các việc chưa có cơ sở nhưng có nguy cơ gây hại thì chuyển hồ sơ đến các cơ quan Đảng tại địa phương để nghiên cứu, tìm hiểu tiếp. Quy trình tiếp nhận, xử lý thông tin trên báo chí đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam như sau:

+ Ban Tuyên giáo và Ban Dân chủ - Pháp luật theo dõi thông tin báo chí về các vấn đề tiêu cực, kiến nghị Ban Thường trực lựa chọn vụ việc để giám sát.

+ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ kiến nghị tới Mặt trận Tổ quốc địa phương vào cuộc, nắm thông tin và ý kiến của nhân dân.

+ Căn cứ vào kết quả giải quyết của địa phương về vụ việc, Mặt trận Trung ương kiến nghị báo chí vào cuộc để thông tin về sự việc.

+ Trong trường hợp Mặt trận địa phương, sau quá trình giám sát, nắm thông tin nhưng không mang lại hiệu quả, Mặt trận Trung ương sẽ có văn bản gửi đến chính quyền địa phương, hoặc có thể cử đoàn xuống địa phương làm việc.

+ Bước sau cùng, nếu các bước trên không mang lại kết quả, Mặt trận Trung ương có thể kiến nghị lên Chính phủ hoặc các cơ quan liên quan ở Trung ương giải quyết vụ việc.

Để làm rõ hơn về cơ chế này, tới đây Mặt trận Tổ quốc Việt Nam dự kiến sẽ có kế hoạch thảo luận về một số nội dung liên quan như công tác phối hợp giữa Mặt trận với báo chí; quy trình tiếp nhận, xử lý thông tin phòng, chống tham nhũng, lãng phí trên các báo.

 Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII là nội dung quan trọng được triển khai tại Hội nghị tập huấn trực tuyến toàn quốc cho cán bộ chuyên trách làm công tác Mặt trận cấp Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện trên cả nước, ngày 4/4/2017. Ảnh: Kỳ Anh

Mới đây, phát biểu tại Lễ bế mạc Hội báo toàn quốc 2017 tại Hà Nội, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: "Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khẳng định, những cơ quan báo chí và các nhà báo tham gia phát hiện các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, lãng phí sẽ không bao giờ cô đơn, họ sẽ được nhân dân ủng hộ, cổ vũ và pháp luật có trách nhiệm bảo vệ họ trong mọi hoàn cảnh". Như vậy, vói chức năng phản biện, giám sát của mình, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có vai trò quan trọng trong việc phối hợp, đồng hành cùng các cơ quan báo chí và nhà báo trong việc thông tin, tuyên truyền về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Để có những bài báo điều tra chống tiêu cực một cách chất lượng, hiệu quả, bên cạnh sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, thì trong quá trình tác nghiệp, các phóng viên, tòa soạn phải sẵn sàng đối mặt với những áp lực, khó khăn đến từ nhiều phía, nhiều mức độ khác nhau. Chỉ có bằng kiến thức chuyên môn, phương pháp làm việc khoa học và bản lĩnh nghề nghiệp, cũng như sự động viên, chỉ đạo kịp thời của tòa soạn, cơ quan chủ quản và cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, các phóng viên, tòa soạn mới có thể nuôi dưỡng nhiệt huyết để theo đuổi thể loại khó khăn nhất này của báo chí.

Bảo Tường

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản