Tin mới

Tiền và văn hóa!

Trùng tu, tôn tạo di tích hay xây mới cổng làng hoành tráng nếu chỉ đơn thuần là “tư duy dự án” sẽ làm lu mờ những giá trị văn hóa, lịch sử...

Kon Tum:100% khu dân cư tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc

Lạng Sơn: 100% khu dân cư tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2024

Bắc Giang: 100% khu dân cư tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết

Cổng làng Ninh Vân được xây hoành tráng chủ yếu bằng tiền ngân sách. (Ảnh: dantri.com.vn)

Dư luận xã hội đang xôn xao về một cổng làng mới được xây dựng ở xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình với số tiền 11 tỷ đồng chủ yếu lấy từ ngân sách nhà nước. Người ta nói rằng, công trình nhằm quảng bá thương hiệu làng nghề đá gắn với du lịch để phát triển kinh tế địa phương.

Nếu thuần túy là quảng bá thương hiệu thì đó là kinh doanh, bỏ vốn để kiếm lời, lợi nhuận càng cao càng tốt. Chạy theo việc quảng bá thương hiệu một cách thuần túy, cổng làng sẽ làm lu mờ giá trị văn hóa, lịch sử...

Cổng làng xưa gắn liền với cơ cấu, thiết chế tổ chức làng xã cổ truyền là tự trị, tự quản. Mỗi làng là một đơn vị biệt lập, có lũy tre dày, có các cổng làng ngày mở, đêm đóng, có tuần phiên thay nhau chịu trách nhiệm bảo vệ bình yên, trật tự cho dân làng.

Ngày nay, tổ chức làng xã đã thay đổi. Để phục vụ cho sự phát triển, không ít cổng làng đã phải cơi nới hay phá dỡ để tạo sự thông thoáng cho giao thông, cho các phương tiện chuyên chở hiện đại như: Ô tô, xe tải có thể ra vào làng...

Nhìn ở góc độ văn hóa, cổng làng mang tính văn hóa cao khi nó không cản trở sự phát triển của làng xã, hài hòa với cảnh quan xung quanh; có phong cách kiến trúc đẹp nhưng riêng biệt, không sao chép…

Tiếc rằng, không nhiều cổng làng thỏa mãn những tiêu chí này. Hiện tượng phổ biến là bệnh thích hoành tráng, làm càng lớn càng oai. Cổng làng làm sau phải lớn hơn cổng làng làm trước, nên không hài hòa với cảnh quan xung quanh. Bên cạnh đó là sự sao chép lẫn nhau. Nhiều cổng làng mới xây trông như cổng thành trong phim cổ trang, rất phản cảm...

Từ chuyện cổng làng, nhìn vào các di tích lịch sử, văn hóa là đình chùa, miếu mạo trong các làng xã hiện nay, chúng ta cũng thấy những căn bệnh tương tự. Dễ thấy nhất là tân trang di tích. Không ít di tích đã trải qua nhiều thế kỷ bị biến dạng, thậm chí phá dỡ hoàn toàn để xây dựng lại thành công trình mới; nhiều pho tượng cổ với lớp sơn in dấu thời gian quý giá bị sơn phết lại; nhiều công trình mới xây dựng thêm lấn át, làm hỏng không gian hài hòa của tổng thể di tích… Nhìn lại những gì báo chí phản ánh những năm qua, chúng ta thấy có vô số vụ việc đau lòng.

Di tích là tinh hoa còn lại sau dâu bể thời gian, đó là những “nhân chứng” cho bề dày lịch sử của một cộng đồng, nhưng di tích đang bị xâm hại từng ngày, không chỉ do những kẻ trộm cắp cổ vật, mà đáng tiếc lại là những hành động mang danh “trùng tu”, “tôn tạo” với động cơ vụ lợi cộng với sự thiếu hiểu biết của một số người có trách nhiệm. Tiếc rằng, chúng ta chưa có chế tài đủ mạnh, chưa xử lý nghiêm minh và kịp thời những đối tượng hủy hoại di sản.

Trở lại với phong trào xây mới cổng làng, dường như nông thôn đang tồn tại một nghịch lý, đó là thiếu sự tôn trọng, nâng niu di sản.

Thiết nghĩ, điều cần cân nhắc là trước khi xây dựng cổng làng phải đưa cổng làng đúng về giá trị của nó. Cổng làng phải gắn liền với sự hình thành và phát triển của làng và là tiếng nói, cốt cách, văn hóa của làng. Cổng làng không nhất thiết phải phô trương, to cao, hoành tráng mà phải toát lên dáng dấp, hồn cốt của làng, vừa mang tính giáo dục cao, vừa thể hiện được nét đẹp văn hóa. 

Trùng tu, tôn tạo di tích hay xây mới cổng làng hoành tráng nếu chỉ đơn thuần là “tư duy dự án” sẽ làm lu mờ những giá trị văn hóa, lịch sử...

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản