Tới dự Hội nghị, về phía lãnh đạo Trung ương có các đồng chí: Hoàng Công Thủy - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Triệu Tài Vinh - Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương; Bùi Văn Thạch - Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng.
|
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị |
Lãnh đạo thành phố Hà Nội dự Hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Thị Tuyến - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Nguyễn Lan Hương - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố; Lê Hồng Sơn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố; Đỗ Anh Tuấn - Trưởng Ban Dân vận Thành ủy; Phùng Thị Hồng Hà - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố.
Báo cáo tại Hội nghị, ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội nêu bật những kết quả đạt được qua 20 năm tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, giai đoạn 2003 - 2023.
Theo đó, những năm qua, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở cơ sở đã góp phần củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; giáo dục truyền thống yêu nước; tăng cường đồng thuận xã hội, qua đó góp phần xây dựng và phát triển Thủ đô và đất nước.
Những kết quả đạt được trong 20 năm qua, đó là: Hàng năm, các danh hiệu văn hóa ở các địa phương được giữ vững và phát huy, tỷ lệ đạt chuẩn văn hóa ngày càng cao, trong đó, năm 2022: Có 88% đạt danh hiệu Gia đình văn hóa; 1.360/2.149 thôn đạt danh hiệu Làng văn hóa, chiếm tỷ lệ 63%; 2.356/3.249 Tổ dân phố đạt danh hiệu Tổ dân phố văn hóa, chiếm tỷ lệ 72,5%; số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa ước đạt 71,8%; 48.670 hộ gia đình và cá nhân tiêu biểu được khen thưởng, có 13.975 tập thể tiêu biểu được khen thưởng trong Ngày hội.
Đặc biệt, thông qua Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại cơ sở để phát huy vai trò tự quản của mỗi cộng đồng, từng cá nhân, hộ gia đình trong thực hiện cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội của địa phương.
|
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hoàng Công Thủy phát biểu tại Hội nghị. |
Kết quả, 20 năm qua đã có 4.385 công trình dân sinh được xây dựng trong dịp tổ chức Ngày hội, có 9.978 nhà đại đoàn kết được xây mới, có 3.940 nhà đại đoàn kết được sửa chữa, có 5.878 nhà đại đoàn kết được trao tặng trong dịp Ngày hội, có 172.478 tập thể tiêu biểu và 613.211 hộ gia đình và cá nhân tiêu biểu được khen thưởng trong Ngày hội, 23.992 khu dân cư tổ chức “Bữa cơm Đại đoàn kết”… Thông qua tổ chức Ngày hội, nhân dân được hiểu rõ hơn về nhiệm vụ chính trị của mình với quê hương, đất nước, thấy rõ được sức đóng góp của mỗi cá nhân, mỗi gia đình trong xây dựng cộng đồng.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị tổng kết, ông Hoàng Công Thủy - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam ghi nhận: Việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc là một trong những điểm sáng trong công tác Mặt trận của thành phố Hà Nội; đồng thời, đánh giá cao sự quan tâm, sát sao của lãnh đạo Thành phố, sự chủ động, cố gắng, nỗ lực của Mặt trận các cấp Thành phố trong tham mưu tổ chức triển khai thực hiện Ngày hội có hiệu quả.
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề nghị thời gian tới, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp Thành phố bám sát bối cảnh, tình hình và điều kiện của từng địa bàn, chủ động đề xuất giải pháp mới, tạo điểm nhấn tích cực trong tổ chức, lựa chọn chủ đề hằng năm phù hợp để Ngày hội trở nên hấp dẫn, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia.
|
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến trao khen thưởng tới các tập thể tiêu biểu |
Tại Hội nghị, thay mặt lãnh đạo Thành phố, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến ghi nhận: Thời gian qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã phối hợp với UBND các cấp xây dựng kế hoạch liên tịch tổ chức Ngày hội phù hợp theo từng năm, phù hợp với hoàn cảnh cụ thể và theo tính chất của từng khu dân cư, từ đó phát huy sức mạnh của toàn dân, trở thành cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân; triển khai tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư trên địa bàn Thành phố với đa dạng các hoạt động, tạo sức lan tỏa rộng rãi trong từng cộng đồng dân cư.
“Hà Nội là đơn vị đầu tiên trong cả nước có Kế hoạch liên tịch giữa Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố và UBND Thành phố trong triển khai tổ chức Ngày hội, tạo điều kiện về cơ sở vật chất và kinh phí để tổ chức Ngày hội một cách thiết thực, hiệu quả: 100% các khu dân cư trên địa bàn tổ chức Ngày hội, 88% khu dân cư tổ chức cả phần Lễ và phần Hội, 23.992 khu dân cư tổ chức “Bữa cơm đại đoàn kết” do các hộ gia đình tự nguyện đóng góp; biểu dương 172.478 tập thể và 613.211 hộ gia đình và cá nhân tiêu biểu trong thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động. Nội dung hoạt động thiết thực, gắn liền với đời sống nhân dân, xuất hiện nhiều cách làm mới, sáng tạo trong tổ chức Ngày hội...”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội ghi nhận.
Thời gian tới, trước yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, việc phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc có vai trò rất quan trọng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp Thành phố cần phát huy sự năng động, sáng tạo của Ban Công tác Mặt trận trong việc đổi mới nội dung, hình thức tổ chức Ngày hội sát với tình hình thực tế của cộng đồng dân cư, rút ngắn phần Lễ, tăng phần Hội bảo đảm vừa trang trọng, trang nghiêm, vừa vui tươi, phấn khởi, gần gũi, gắn bó trong nhân dân.
Gắn kết chặt chẽ việc tổ chức Ngày hội với phát động, sơ kết, tổng kết các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước; triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội của địa phương, nhất là nâng cao chất lượng thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững; đồng thời biểu dương, tôn vinh những tập thể, cá nhân tiêu biểu trong thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua ở cơ sở.
Cùng với đó, cần phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong việc chủ động tham gia Ngày hội, là những nhân tố tích cực kết nối, lan tỏa tinh thần đoàn kết trong cộng đồng dân cư. Phát huy tính sáng tạo, chủ động và tự quản của nhân dân ở cộng đồng, qua đó tạo sự đồng thuận, thống nhất và tự giác tham gia các hoạt động Ngày hội của nhân dân trên địa bàn dân cư. Tăng cường vận động, tập hợp các tổ chức, cá nhân sinh sống tại địa bàn dân cư, con em quê hương đang sinh sống, công tác ở địa phương khác hướng về Ngày hội, huy động các nguồn lực, thực hiện tốt việc xã hội hóa tạo nguồn lực trong việc tổ chức Ngày hội và các hoạt động ở khu dân cư.
“Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu các cấp ủy Đảng trực thuộc tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, tổ chức thực hiện tốt các chủ trương của Đảng về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; chỉ đạo chính quyền các cấp, các ngành phối hợp chặt chẽ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để tổ chức có hiệu quả Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đề nghị.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của của các đồng chí lãnh đạo Trung ương và Thành phố, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn khẳng định, thời gian tới, UBND Thành phố, Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố sẽ tiếp tục phối hợp, xây dựng các chương trình, kế hoạch để triển khai thực hiện Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tại khu dân cư ngày càng thiết thực, hiệu quả, góp phần tập hợp đông đảo các tầng lớp nhân dân trong triển khai các nhiệm vụ chính trị tại địa phương.
Ghi nhận thành tích của các tập thể, cá nhân, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam quyết định tặng Bằng khen cho 3 tập thể; Thành ủy Hà Nội tặng Bằng khen cho 10 tập thể, 10 cá nhân; UBND Thành phố tặng Bằng khen cho 30 tập thể, 31 cá nhân; Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Hà Nội khen thưởng 116 tập thể và 112 cá nhân.
B.D