Tin mới

Tuyên Quang: Ban Công tác Mặt trận khu dân cư nhịp cầu đoàn kết ở cơ sở

(Mặt trận) -Họ là những người tâm huyết, trách nhiệm, đi đầu trong việc khơi dậy, phát huy nội lực trong cộng đồng dân cư, vận động, tập hợp nhân dân triển khai hiệu quả các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước. Ban công tác Mặt trận khu dân cư thực sự là nhịp cầu nối, gắn kết ý Đảng - lòng dân ở cơ sở...

Phát biểu của Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Trần Quốc Cường tại Chương trình gặp mặt, tri ân Chiến sĩ Điện Biên Phủ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ

Sơn La gặp mặt, tri ân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến (trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ)

Ban chỉ đạo Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam tỉnh Quảng Trị triển khai nhiệm vụ năm 2024

 Người dân thôn Càng Nộc, xã Hòa Phú (Chiêm Hóa) phát cỏ, dọn dẹp vệ sinh môi trường định kỳ hàng tháng.
Tuyên Quang hiện có 1.733 Ban công tác Mặt trận khu dân cư, thuộc 7 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh; là những người gần dân, hiểu dân, nắm bắt đời sống nhân dân một cách thấu đáo nhất. Họ là hạt nhân nòng cốt trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, đồng hành cùng cấp ủy, chính quyền thực hiện hiệu quả mọi nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Anh Đặng Văn Dũng, Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn Càng Nộc, xã Hòa Phú (Chiêm Hóa) được biết đến là một người “Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”. Trong 2 năm gần đây, anh đã vận động  nhân dân hiến được gần 1.000 m2 đất; giải tỏa hành lang đường bê tông, xây dựng tuyến đường hoa với chiều dài trên 1.600 mét, với tổng trị giá trên 70 triệu đồng. Vận động nhân dân đóng góp xây dựng hệ thống đèn chiếu sáng với chiều dài gần 4.000 mét với tổng kinh phí trên 100 triệu đồng... Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, giai đoạn 2021 - 2022, Ban công tác Mặt trận cùng với Ban phát triển thôn đã tổ chức vận động nhân dân đóng góp được trên 200 triệu đồng để nâng cấp và xây dựng kết cấu hạ tầng, góp phần đưa thôn Càng Nộc hoàn thành nông thôn mới kiểu mẫu vào cuối năm 2022.

Nhận xét về người Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban công tác Mặt trận của thôn mình, ông Trương Văn Học, người uy tín thôn Càng Nộc cho biết: Từ việc thôn bản đến việc của từng hộ gia đình, có việc gì anh Dũng cũng đều tận tụy, chu đáo với tinh thần trách nhiệm cao nhất, nên người dân rất tín nhiệm, ủng hộ. Với uy tín của mình, anh đã đứng lên vận động, tổ chức nhân dân làm được nhiều việc, huy động được rất lớn sự đóng góp của người dân để nâng cao chất lượng cuộc sống cho chính người dân trong thôn. Hiện nay, 2 cây cầu bắc qua suối nhỏ; hệ thống đèn đường chiếu sáng hết toàn thôn; việc xây lề, kè 2 bên đường giúp ứng phó hiệu quả mỗi khi mùa mưa bão đến không lo bị sạt lở, xói mòn, những đường hoa được chăm chút rực rỡ, tươi tắn, hệ thống loa truyền thanh; hệ thống camera an ninh trên địa bàn phát huy được hiệu quả hoạt động... khiến diện mạo của thôn khởi sắc, văn minh hơn từng ngày. Người dân rất phấn khởi, tin tưởng ở người Bí thư chi bộ, Trưởng Ban công tác Mặt trận của mình.

Thôn Đồng Tày, xã Xuân Vân (Yên Sơn) có trên 60% đồng bào dân tộc, với 5 dân tộc cùng sinh sống. Ông Hoàng Hùng Lục, Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn Đồng Tày bảo, điều quan trọng với người làm công tác mặt trận là phải đi sâu, đi sát nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, phải hiểu tập quán sinh hoạt của từng dân tộc sống trên địa bàn. Chỉ khi tôn trọng, thấu hiểu tâm tư người dân, mới có thể có cách tiếp cận hiệu quả, thuyết phục được người dân... Từ phương châm này, 2 năm qua, Ban công tác Mặt trận thôn đã phối hợp với các tổ chức thành viên, vận động bà con nhân dân hiến được trên 2.000 m2 đất, bê tông hóa 2,7 km đường thôn, lắp đặt 1,4 km đường điện chiếu sáng từ nguồn xã hội hóa. Để hoàn thành những tiêu chí này, nhiều hộ gia đình trong thôn đã chặt bỏ 15 - 20 cây bưởi đang đến mùa thu hoạch, tương đương cả chục triệu đồng. Việc làm này được Đảng bộ, chính quyền biểu dương kịp thời và đánh giá cao. Phong trào “Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa” trên địa bàn thôn cũng chuyển động mạnh mẽ với những việc làm thiết thực, hiệu quả...

Chị Trần Thị Phượng, Phó Bí thư Chi bộ, người đã có 9 năm trên cương vị Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn Chợ Bợ 2, xã Bình Xa (Hàm Yên) chia sẻ. 2 năm qua, Ban công tác Mặt trận thôn đã tuyên truyền, vận động nhân dân đóng góp tiền của, ngày công, hiện vật được gần 500 triệu để cùng với Nhà nước xây dựng các thiết chế văn hóa, đường giao thông, hệ thống đèn chiếu sáng; cùng với đó, Ban công tác Mặt trận còn thường xuyên chăm lo vun đắp, gắn kết tình làng, nghĩa xóm, giúp nhau phát triển kinh tế... Chị Phượng cho biết, đảm nhiệm công việc của Ban công tác Mặt trận bận rộn như con mọn vậy, cần hy sinh rất nhiều thời gian công sức, gác lại nhiều việc cá nhân, gia đình. Quan trọng là luôn xác định vì tập thể, đặt lợi ích của tập thể, của người dân lên trên, lên trước. Để thuyết phục được người khác, bản thân mình phải gương mẫu, nói được, làm được thì người dân sẽ đồng thuận, nghe và làm theo.

Dân chủ, khách quan, minh bạch, gắn bó mật thiết với cuộc sống người dân ở cơ sở, Ban công tác Mặt trận tại các khu dân cư đã phát huy vai trò tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận trong giải quyết các vấn đề phát sinh ở cơ sở... Họ đã và đang đóng góp tích cực để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; triển khai hiệu quả các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước ở cơ sở, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống người dân...

Khánh Vân

 

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản