Đối với Việt Nam, mặc dù Đảng, Nhà nước đã có những chủ trương, chính sách đúng đắn, đã có nhiều nỗ lực và đạt được kết quả bước đầu quan trọng về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, nhưng Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với những thách thức lớn về tình trạng ô nhiễm, suy thoái môi trường, nhất là ở một số khu vực thành thị, nông thôn, khu công nghiệp và làng nghề; tài nguyên thiên nhiên vẫn còn bị khai thác quá mức, thiếu bền vững.
Lễ ký kết Chương trình phối hợp với các tôn giáo về “Phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”. Ảnh: CTV
Các chuyên gia môi trường thế giới cảnh báo, trong 10 năm tới, GDP của Việt Nam có thể tăng gấp đôi, nhưng nếu không quan tâm đúng mức đến công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, tính trung bình GDP cứ tăng thêm 1% thì thiệt hại do ô nhiễm môi trường sẽ làm mất đi khoảng 3% GDP.
Đây là một nhiệm vụ khó khăn, nặng nề đối với Việt Nam khi vừa phải tập trung phát triển kinh tế và bảo vệ tốt môi trường; coi bảo vệ môi trường vừa là mục tiêu vừa là nội dung cơ bản của phát triển bền vững.
Nhằm huy động các nguồn lực trong và ngoài nước cho nhiệm vụ bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng thời tăng cường đối ngoại nhân dân, Năm 2015, Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phối hợp với tổ chức Bắc Âu trợ giúp Việt Nam (NAV/NCA Việt Nam), là cơ quan đại diện của Tổ chức Trợ giúp Nhà thờ Nauy (viết tắt tiếng Anh là NCA - Norwegian Church Aid) - một tổ chức phi chính phủ (NGO) quốc tế của Nauy, địa chỉ trụ sở: P.O. Box 7100 St. Olavs Pla, N-0130 Oslo, Nauy nhằm phát huy vai trò của các tôn giáo Việt Nam trong nhiệm vụ vừa cấp bách vừa nhân văn này.
Tại Việt Nam, NCA/NAV có văn phòng chính tại Lô 9, tầng 6, tòa nhà Công ty Xây lắp Thừa Thiên - Huế, đường Phạm Văn Đồng, thành phố Huế và 1 văn phòng đại diện tại Khu Ngoại giao đoàn Vạn Phúc, số 298 E Kim Mã, Hà Nội. Tổ chức này được thành lập từ năm 1993 với 3 thành viên NGO có nguồn gốc nhà thờ Bắc Âu, gồm: Danish Church Aid (Đan Mạch); Diaknoia (Thuỵ Điển) và Norwegian Church Aid - NCA (Nauy).
Được phép của các cơ quan chức năng, NCA/NAV đã hoạt động tại Việt Nam từ năm 1994 với các hoạt động hỗ trợ cộng đồng về phát triển nông thôn và phát triển cộng đồng tại Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Trị và Hải Phòng. Đến năm 1996, NCA/NAV có thêm các hoạt động phát huy vai trò các tôn giáo tham gia phòng, chống HIV/AIDS: Phối hợp với Sở Y tế và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Thừa Thiên Huế. Những năm tiếp theo, NCA/ NAV triển khai các dự án về chăm sóc sức khỏe cộng đồng; phòng, chống HIV/AIDS... phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các tỉnh, thành phố: Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban Đoàn kết Công giáo thành phố Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh...
Năm 2006, NCA/NAV cùng với UNICEF đã phối hợp với Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị toàn quốc phát huy vai trò các tôn giáo trong phòng chống HIV/AIDS với sự tham dự đầy đủ 6 tôn giáo lớn trong cả nước (Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao đài, Hồi giáo, Phật giáo Hoà Hảo). Kết quả của Hội nghị là tất cả 6 tôn giáo ở Việt Nam (đã được công nhận đến thời điểm đó) đã ra một bản Cam kết chung ủng hộ chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước Việt Nam về phòng chống HIV/AIDS và đưa ra sáng kiến các tôn giáo phối hợp thực hiện phòng, chống HIV/AIDS theo chủ trương của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Đây là lần đầu tiên tất cả các tôn giáo ở Việt Nam ngồi lại với nhau cùng bàn một vấn đề xã hội theo chủ trương của Đảng và Nhà nước dưới sự chủ trì phối hợp tổ chức của Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Từ năm 2007 - 2010, sau khi trao đổi thống nhất với NCA/NAV, được sự nhất trí của Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, mỗi năm NAV/NCA Việt Nam phối hợp, hỗ trợ Mặt trận ở Trung ương và Mặt trận một số tỉnh, thành phố, Ủy ban Đoàn kết Công giáo Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh các hoạt động nhằm phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia phòng, chống HIV/AIDS. Kết quả các hoạt động phối hợp được các tôn giáo, Mặt trận các địa phương, Uỷ ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam và NCA/NAV đánh giá hiệu quả rất tốt.
Các năm 2011, 2012 và 2013, do việc cắt giảm kinh phí cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS nên NCA/NAV không hỗ trợ kinh phí cho hoạt động phát huy vai trò của các tôn giáo trong phòng, chống HIV/AIDS của UBTƯ MTTQ Việt Nam và Ủy ban MTTQ Việt Nam một số tỉnh, thành phố như những năm trước.
Từ năm 2013, NCA/NAV chuyển trọng tâm sang các hoạt động hỗ trợ phòng, chống biến đổi khí hậu tại Việt Nam, vì Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng trực tiếp của biến đổi khí hậu (Nauy là nước hỗ trợ cho Việt Nam về phòng ngừa và ứng phó với biến đổi khí hậu nhiều nhất).
Năm 2015, Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã nhất trí chỉ đạo Ban Tôn giáo phối hợp với Tổ chức NAV/NCA trong chương trình phát huy vai trò của các tôn giáo ở Việt Nam trong việc tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thực hiện sự chỉ đạo đó, với sự hỗ trợ của NAV/NCA, đầu tháng 12/2015 Ban Thường trực đã phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường lần đầu tiên tổ chức Hội nghị quốc gia với sự tham gia của tất cả các tổ chức tôn giáo bàn việc phối hợp bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu ở Huế. Tại Hội nghị, Ban Thường trực đã chủ trì phối hợp với Bộ Trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng lãnh đạo 40 tổ chức tôn giáo tại Việt Nam đã ký Chương trình phối hợp phát huy vai trò của các tôn giáo ở Việt Nam trong việc tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu (giai đoạn 2015-2020).
Thực hiện Chương trình phối hợp đã ký kết, tháng 3/2016, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã ký Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình phát huy vai trò của các tôn giáo ở Việt Nam trong việc tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu (giai đoạn 2015-2020) với sự tham gia của đại diện lãnh đạo cấp cao của 14 tôn giáo ở Việt Nam hiện nay.
Ngày 8/4/2016, Ban Thường trực phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường ký Hướng dẫn xây dựng Chương trình/Kế hoạch phối hợp giữa Ủy ban MTTQVN, Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố với tổ chức tôn giáo để thực hiện Chương trình phối hợp.
Theo Chương trình phối hợp, định hướng việc tăng cường phối hợp với NCA về phát huy vai trò các tôn giáo trong bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu trong thời gian tới tập trung vào các nội dung sau:
- Tăng cường khả năng của cộng đồng dân cư Việt Nam trong ứng phó với thảm họa, ứng phó với các cơn bão và lũ lụt sắp đến, và tăng cường năng lực tự ứng phó với những tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu đối với người dân, nhằm tăng cường khả năng ứng phó của chính người dân ngay cả trong những giờ đầu tiên của các tình huống khẩn cấp.
- Tiếp tục quan tâm phối hợp và hỗ trợ các điều kiện cần thiết cho các hoạt động bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu của các tôn giáo Việt Nam như Chương trình phối hợp đã ký kết giữa Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường với 40 tổ chức tôn giáo ở Việt Nam.
- Trong chương trình phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia lĩnh vực này, đề nghị NCA tập trung vào việc hỗ trợ: Xây dựng năng lực triển khai, quản lý, duy trì các hoạt động; hỗ trợ xây dựng và nhân rộng các mô hình điểm của 14 tôn giáo tại Việt Nam trong việc tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; hỗ trợ việc trao đổi, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong nước và quốc tế đối với các tôn giáo; hỗ trợ việc tổ chức các hội nghị mang tầm vóc quốc gia và quốc tế về phát huy vai trò các tôn giáo trong bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và các hoạt động an sinh xã hội mà các tôn giáo có thế mạnh.
- Phối hợp chia sẻ kinh nghiệm trong tổ chức các hoạt động giám sát việc thực hiện bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu của các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân liên quan nhằm đảm bảo hiệu quả của việc thực hiện Luật Bảo vệ môi trường và Chương trình mục tiêu Quốc gia của Việt Nam về biến đổi khí hậu. Vì giám sát là một chức năng quan trọng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Theo Nguyễn Văn Thanh (Báo Người Công giáo)