Tin mới

Vấn đề tuyên truyền và tuyên truyền hình ảnh quốc gia trong bối cảnh hiện nay

(Mặt trận) - Tuyên truyền hình ảnh quốc gia ra thế giới là nhiệm vụ quan trọng của các quốc gia, nhằm xây dựng uy tín, thương hiệu quốc gia, từ đó thu hút sự quan tâm của cộng đồng thế giới để phát triển đất nước. Ở Việt Nam, hoạt động tuyên truyền đối ngoại thông tin là về đất nước, con người, lịch sử, văn hóa của dân tộc Việt Nam. Đối tượng công chúng cần hướng tới của hoạt động này là cộng đồng quốc tế ở trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam và người Việt Nam ở nước ngoài.

Hà Nam: Tập huấn kỹ năng tuyên truyền, vận động cho thành viên ban công tác Mặt trận

Hội nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội lần thứ hai, khóa XVIII, nhiệm kỳ 2024-2029

Hội nghị Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Thọ lần thứ Ba - khóa XV, nhiệm kỳ 2024- 2029

Ảnh minh họa.

Tuyên truyền và tuyên truyền đối ngoại

Theo các nhà khoa học Pháp, tuyên truyền là cách giới thiệu và phổ biến một thông tin chính trị theo cách nào để người tiếp nhận vừa đồng ý vừa thấy mình không còn khả năng chọn thứ khác. Tác giả R.A.Nelson cho rằng, “tuyên truyền được định nghĩa một cách trung tính là một dạng thuyết phục chủ đích có hệ thống nhằm tác động đến cảm xúc, thái độ, ý kiến và hành động của một nhóm công chúng mục tiêu xác định vì mục đích tư tưởng, chính trị hay thương mại thông qua việc truyền các thông điệp một chiều (có thể có hoặc không có thật) thông qua các kênh truyền thông đại chúng và truyền thông trực tiếp”.

Theo John Martin, “tuyên truyền là hoạt động truyền thông mang tính thuyết phục”. Còn Richard C.Vincent thì cho rằng, “tuyên truyền là việc sử dụng các kênh truyền thông, thông qua kĩ thuật thuyết phục và gây ảnh hưởng nhằm hình thành hay thay đổi dư luận xã hội”. Như vậy, cả hai tác giả này đều có chung nhận định: Tuyên truyền là hoạt động truyền thông có sử dụng kĩ thuật thuyết phục. Đây là cách hiểu tích cực về tuyên truyền, gây thiện cảm hơn với người nghe.

Theo V.Lênin, tuyên truyền là đem chân lý đến cho người nghe; là đem nhiều ý đến cho một số ít người.  V.Lênin nhấn mạnh, sự thật đẹp đẽ nhất là sự thật được nói đúng sự thật; rằng sự kiện và chỉ có sự kiện mới giúp chúng ta hiểu được, nhận thức được những vấn đề phức tạp của đời sống.

Theo Từ điển Tiếng Việt, tuyên truyền là phổ biến một chủ trương, một học thuyết để làm chuyển biến thái độ của quần chúng và thúc đẩy quần chúng hoạt động theo một đường lối và nhằm một mục đích nhất định. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, tuyên truyền là đem một việc gì đó nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm.

Theo J.M.Domenach, có bốn qui tắc tuyên truyền: 1) đơn giản hoá (cá nhân hoá thành một kẻ địch duy nhất); 2) hoà tấu (lặp đi lặp lại mãi những thông điệp đã được đơn giản hoá và bóp méo); 3) dẫn truyền cho phép thích ứng với nhiều loại công chúng; 4) lây lan (tạo sự nhất trí của toàn thể công chúng).

Ở Việt Nam, tuyên truyền đối ngoại được hiểu là hoạt động tuyên truyền tổng hợp, được thực hiện trên phạm vi toàn thế giới nhằm tạo điều kiện quốc tế thuận lợi cho sự nghiệp cách mạng nước ta và góp phần thực hiện nhiệm vụ quốc tế của Đảng và nhân dân ta. Tuyên truyền đối ngoại hướng đến đối tượng nước ngoài nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho quốc gia. Đối tượng là công chúng nước ngoài, bao gồm các quốc gia, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, các tập đoàn kinh tế, chính trị, xã hội hoặc các nhóm lợi ích và cả những cá nhân có vai trò quan trọng đến việc ra quyết định hoặc hoạch định chính sách; và những công dân của nước sở tại và công dân của nước ngoài đang sinh sống, học tập ở nước sở tại đó.

Từ những đặc điểm nêu trên, có thể hiểu tuyên truyền đối ngoại là hoạt động truyền thông thuyết phục hướng tới công chúng nước ngoài nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của quốc gia.

Vấn đề hình ảnh quốc gia

Hình ảnh quốc gia là “những hình ảnh liên tưởng của người nước ngoài về quốc gia đó, về chính sách kinh tế, chính trị, đầu tư, đặc tính sản phẩm, bản sắc văn hóa và tính cách con người… của đất nước đó”. Theo Martin và Eroglu, đó là “tất cả các niềm tin dựa trên mô tả, suy luận và thông tin mà một người có được về một đất nước cụ thể”. Tác giả Ying Fan cũng cho rằng, hình ảnh quốc gia “được định nghĩa bởi người ở ngoài quốc gia đó và nhận thức của họ bị ảnh hưởng bởi khuôn mẫu, truyền thông cũng như trải nghiệm cá nhân”. Do vậy, hình ảnh quốc gia là tổng hòa tất cả yếu tố của một quốc gia thể hiện nhận thức, ấn tượng, tình cảm dựa trên quá trình học hỏi, thông tin, trải nghiệm mà công chúng quốc tế có được về quốc gia đó.

Hình ảnh quốc gia được hình thành dựa trên quá trình học hỏi, thông tin, trải nghiệm do đó luôn tồn tại, bất kể có hay không có ý thức về tạo dựng hình ảnh từ quốc gia đó. “Mỗi quốc gia đều có hình ảnh hiện tại của mình đối với các công chúng quốc tế bất kể hình ảnh đó rõ ràng hay mập mờ, tốt hay xấu”. Chính vì thế, hình ảnh bên ngoài của quốc gia có thể có khoảng cách xa so với thực tế. Khoảng cách giữa hình ảnh và thực tế này có thể là do yếu tố thời gian, nhất là đối với các nước đang phát triển có sự thay đổi lớn về hệ thống chính trị, kinh tế và xã hội sau một thời gian dài.

Hình ảnh quốc gia có thể khác nhau đối với đối tượng công chúng và thời gian khác nhau. Nếu như vào năm 2003, Trung Quốc được biết đến là nơi bắt nguồn đại dịch SARC, trong khi đến năm 2008 lại là kỳ thế vận hội Olympic được tổ chức tại Thủ đô Bắc Kinh. Nước Đức có thể gợi lại nỗi buồn với người dân một số nước ở châu Âu về tội ác của Đức Quốc xã. Tương tự, Việt Nam có thể được biết đến với rất nhiều yếu tố khác nhau bởi những đối tượng công chúng khác nhau. Đối với du khách, hình ảnh Việt Nam sẽ là kỳ quan thế giới mới Vịnh Hạ Long, hang Sơn Đoòng. Đối với doanh nhân chuyên về cà phê, những người nước ngoài yêu thích cà phê, Việt Nam lại là đất nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới, thương hiệu Trung Nguyên và cách uống “cà phê phin”. Đối với những cựu chiến binh và các quan chức Mỹ, Việt Nam gợi nhớ đến chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” gây nên “hội chứng Việt Nam”. Ngoài ra, Việt Nam sẽ còn là món “bánh mì”, “bún chả” mà nguyên Tổng thống Mỹ Obama và nhiều đầu bếp, đã thưởng thức và ca ngợi, hoặc “nón lá”, “áo dài” trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên các chuyến bay của hãng hàng không quốc gia Vietnam Airline đối với nhiều du khách đã có trải nghiệm ở Việt Nam.

Như vậy, có thể thấy hình ảnh quốc gia bao hàm nhiều thành tố đa chiều, đa lĩnh vực do được hình thành trên quá trình nhận thức, thông tin và trải nghiệm trong tâm trí của đối tượng bên ngoài quốc gia tiếp nhận. Do đó, việc liệt kê các thành tố nào đó của hình ảnh quốc gia đều chỉ có ý nghĩa tương đối.

 Hình ảnh quốc gia dựa trên danh tiếng quốc gia như xuất xứ của sản phẩm, lĩnh vực chỉ là một phần của hình ảnh quốc gia tổng thể. Hình ảnh quốc gia dựa trên danh tiếng quốc gia về hàng hóa, dịch vụ được gọi là hình ảnh xuất xứ (made-in image) vốn là thuật ngữ khởi nguồn cho hình ảnh quốc gia lần đầu tiên được Akira Nagashima định nghĩa là “bức tranh, danh tiếng, khuôn mẫu mà doanh nhân và khách hàng gán cho sản phẩm của một đất nước cụ thể”.

Các quốc gia luôn có sự cạnh tranh với nhau để thu hút thương mại, du lịch, đầu tư của nước ngoài, người nhập cư, nhà tài trợ, truyền thông, sự chú ý của chính phủ các quốc gia khác, khẳng định vị thế của mình nên cũng được coi là một thực thể cạnh tranh trên trường quốc tế như doanh nghiệp.

Tuyên truyền hình ảnh quốc gia ra thế giới

Tuyên truyền hình ảnh quốc gia là giới thiệu rộng rãi các đặc điểm đặc sắc dựa trên bản sắc quốc gia của một quốc gia tới công chúng nước ngoài nhằm đạt được nhận thức và cảm tình, hành vi tốt đẹp về quốc gia đó.

Nhiệm vụ của tuyên truyền hình ảnh quốc gia ở đây thực chất là muốn đem những yếu tố đặc sắc của bản sắc quốc gia đến với thế giới nhằm tạo ra một hình ảnh của quốc gia chứa đựng những bản sắc đó trong nhận thức của công chúng quốc tế, qua đó tác động đến tình cảm và tạo ra hành vi có lợi cho quốc gia. Tuyên truyền hình ảnh quốc gia không phải là việc xây dựng hoặc tạo hình bản sắc quốc gia. Bản sắc quốc gia được quyết định do người dân của quốc gia đó chứ không phải là các nhà tuyên truyền. Thay vào đó, tuyên truyền hình ảnh quốc gia là điều chỉnh lại hình ảnh của người ở bên ngoài đang có về quốc gia. Đồng thời, không thể thay đổi mọi yếu tố của hình ảnh quốc gia. Hình ảnh quốc gia là chứa đựng sự nhận thức, thông tin và trải nghiệm công chúng về một quốc gia. Có những điều về quốc gia mà mọi người luôn tin tưởng do họ đã tin tưởng vào điều đó trong suốt cuộc đời và họ sẽ không thay đổi chỉ vì đoạn quảng cáo 20 giây trên CNN hay BBC.

Mối quan hệ giữa bản sắc quốc gia, hình ảnh quốc gia, tuyên truyền hình ảnh quốc gia được biểu hiện qua sơ đồ sau:

Tuyên truyền hình ảnh quốc gia được nhiều quốc gia trên thế giới triển khai trong chính sách ngoại giao công chúng, vốn bản chất là tuyên truyền đối ngoại, là một phần của “sức mạnh mềm” nhằm khẳng định năng lực, sở trường, vị thế của mình trên trường quốc tế.

Ở Việt Nam, theo Nghị định số 72/2015/NĐ-CP, ngày 22/10/2015 của Chính phủ về quản lý hoạt động thông tin đối ngoại. Thông tin đối ngoại bao gồm: Thông tin chính thức về Việt Nam, thông tin quảng bá hình ảnh Việt Nam và thông tin tình hình thế giới vào Việt Nam. Do đó, tuyên truyền hình ảnh Việt Nam không phải là một bộ phận độc lập riêng biệt mà nằm trong tổng thể của thông tin đối ngoại Việt Nam có nội dung là thông tin về đất nước, con người, lịch sử, văn hóa của dân tộc Việt Nam. Tuyên truyền hình ảnh Việt Nam có nội dung hẹp hơn và có đặc thù riêng so với tổng thể thông tin đối ngoại. Nó bao hàm cả yếu tố tự nhiên, văn hóa, lịch sử với đặc điểm dễ thẩm thấu, lan tỏa tạo sự thấu hiểu nhiều hơn. Phạm vi công chúng hướng tới của tuyên truyền hình ảnh Việt Nam bao gồm cả người nước ngoài ở trong lãnh thổ Việt Nam và ở ngoài lãnh thổ Việt Nam.

Tuyên truyền hình ảnh quốc gia ra thế giới là nhiệm vụ quan trọng của các quốc gia, trong đó báo chí - truyền thông là lực lượng chủ đạo. Đây là tiền đề nhằm xây dựng uy tín, thương hiệu quốc gia, từ đó tạo dựng niềm tin, sự ủng hộ của cộng đồng thế giới - các chính khách, các nhà đầu tư, nhà nghiên cứu, khách du lịch… đối với quốc gia. Vì vậy, tất cả các nước đều huy động mọi lực lượng tham gia công tác tuyên truyền về đất nước mình ra thế giới một cách rộng rãi, qua đó đẩy mạnh hội nhập quốc tế.

Lưu Trần Toàn

Thạc sĩ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Tài liệu tham khảo:

1. Ph.Breton và S. Proulx: Bùng nổ truyền thông, Nxb. Văn hóa - Thông tin, H. 1996.

2. Everette E.Dennis và John C.Merrill: Media Debates Issues in Mass Communication (Vấn đề tranh luận trên truyền thông về truyền thông đại chúng), Nxb. New York, năm 1991.

3. Lê Thanh Bình (chủ biên), Giáo trình Đại cương truyền thông quốc tế, Nxb. Thông tin và Truyền thông, H. 2012.

4. Từ điển Chính trị, Nxb. Sự thật, H. 1962.

5. Hoàng Quốc Bảo: Học tập phương pháp tuyên truyền cách mạng Hồ Chí Minh, Nxb. CTQG, H. 2006.

6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, H. 2011.

7. Dương Xuân Sơn - Đinh Văn Hường - Trần Quang: Cơ sở lý luận báo chí truyền thông, Nxb. Đại học Quốc gia, H. 2007.

8. Lương Khắc Hiếu: Giáo trình Lý thuyết truyền thông, Nxb. CTQG, H. 2013.

 

 

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản