Nhìn lại sau hơn 1 năm thực hiện Quy chế phối hợp
Theo Quy chế phối hợp được ký kết ngày 25/12/2015, Ban Nội chính Trung ương và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thống nhất phối hợp tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện pháp luật về phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm. Đồng thời, yêu cầu cơ quan, tổ chức cá nhân có thẩm quyền áp dụng biện pháp phòng ngừa tham nhũng, lãng phí; xác minh vụ việc tham nhũng, lãng phí, xem xét, trả lời yêu cầu, kiến nghị của MTTQ Việt Nam và kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền bảo vệ, khen thưởng đối với người có công phát hiện, tố cáo hành vi tham nhũng, lãng phí.
Thực hiện Quy chế phối hợp, hai bên chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng của mình triển khai nghiêm túc các nội dung của Quy chế. Phía Ban Nội chính Trung ương chủ trì, phối hợp với Đảng đoàn MTTQ Việt Nam tổ chức theo dõi, nắm tình hình và tham mưu xử lý các tình huống chính trị tại địa bàn chiến lược, trọng điểm quốc gia; các vụ việc liên quan đến an ninh - quốc phòng, chủ quyền lãnh thổ, dân tộc, tôn giáo, nhân quyền; các vụ việc, vụ án tham nhũng, lãng phí lớn; các vụ án có bị can, bị cáo là người có uy tín, ảnh hưởng lớn trong dân tộc, tôn giáo, các vụ án hình sự, hành chính, kinh tế được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Về phía Đảng đoàn MTTQ Việt Nam, sẽ chủ trì, phối hợp với Ban Nội chính Trung ương chỉ đạo việc nghiên cứu, phân tích, đánh giá ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân về các vấn đề an ninh - quốc phòng, chủ quyền lãnh thổ, dân tộc, tôn giáo, nhân quyền, tham nhũng, lãng phí để dự báo tình hình, kịp thời phản ánh, kiến nghị với Đảng, Nhà nước.
Những kết quả được nêu ra tại buổi sơ kết Quy chế phối hợp giữa hai cơ quan ngày 11/4 tại Hà Nội vừa qua cho thấy, năm 2016, công tác phối hợp giữa Ban Nội chính Trung ương và Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được lãnh đạo hai cơ quan đặc biệt quan tâm, chỉ đạo sâu sát, thể hiện trên các nội dung: Ban Nội chính Trung ương đã mời đại diện lãnh đạo Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia Ban Chỉ đạo và chuyên viên tham gia Tổ biên tập sơ kết 03 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí”; Ban Nội chính và Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh đã giám sát việc thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tín dụng chính sách xã hội” đối với Ngân hàng Chính sách cấp tỉnh và một số chi nhánh cấp huyện. Một số địa phương đã phối hợp trong việc giám sát đối với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội về thực hiện Chỉ thị 23/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và thực hiện Chương trình tổng rà soát chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng. Hai cơ quan bước đầu phối hợp trong tiếp công dân, xử lý đơn thư tố cáo, khiếu nại tại Trụ sở tiếp công dân Trung ương và một số nội dung phối hợp khác...
Những kết quả bước đầu đạt được là đáng khích lệ. Việc cụ thể hóa tổ chức thực hiện quy chế phối hợp trong một số công việc được đánh giá là thiết thực, phù hợp, bước đầu phát huy hiệu quả, góp phần vào kết quả công tác của mỗi cơ quan… Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng thẳng thắn nhìn nhận, công tác phối hợp giữa hai cơ quan còn hạn chế, chưa hoàn thành đầy đủ các nhiệm vụ đã đề ra, tiến độ công việc chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu theo sự chỉ đạo của lãnh đạo hai cơ quan.
Đi tìm cơ chế phối hợp hiệu quả
Để thực hiện Quy chế phối hợp, thời gian tới hai bên cần tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng triển khai nghiêm túc các nội dung của Quy chế, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện; định kỳ trao đổi, cung cấp thông tin; đánh giá tình hình, kết quả thực hiện Quy chế, kịp thời tháo gỡ những bất cập, khó khăn, vướng mắc để việc phối hợp công tác và thực hiện Quy chế ngày càng đạt hiệu quả thiết thực.
Về phương hướng trong thời gian tới, đồng chí Võ Văn Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương cho rằng: Hai cơ quan phải làm tốt việc trao đổi thông tin. Ban Nội chính Trung ương làm tốt công tác thông tin cho Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về những vụ án, vụ việc tham nhũng được dư luận quan tâm để theo dõi, giám sát. Đồng thời, Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng thông tin cho Ban Nội chính Trung ương về tình hình, ý kiến của nhân dân đối với những vụ việc này để cùng giám sát. Đồng chí đề nghị, thời gian tới việc phối hợp giữa hai cơ quan phải được triển khai trên tinh thần trách nhiệm và hiệu quả để phát huy những kết quả đạt được và khắc phục tồn tại, hạn chế; Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia góp ý kiến đối với việc triển khai nghiên cứu chuyên đề “Cơ chế bảo vệ với cán bộ, đảng viên, năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, không tiêu cực, tham nhũng”. Xây dựng cơ chế bảo vệ người dân phản ánh, tố giác và tích cực đấu tranh chống tham nhũng suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên. Xây dựng quy định người đứng đầu cấp ủy tiếp dân định kỳ hoặc đột xuất để tiếp nhận thông tin, lắng nghe, đối thoại trực tiếp và xử lý những kiến nghị của nhân dân.
Ban Nội chính Trung ương phối hợp cùng Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xây dựng và triển khai kế hoạch hướng dẫn một số tỉnh, thành tổ chức giám sát nội dung công khai, minh bạch và trách nhiệm người đứng đầu cấp huyện, cấp xã trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng tại một số dự án kinh tế - xã hội ở cơ sở. Trước mắt thực hiện tại hai tỉnh Đồng Nai và Bình Phước. Trên cơ sở sơ kết việc thực hiện tại 2 địa phương làm thí điểm sẽ hướng dẫn các địa phương khác trong cả nước triển khai thực hiện.
Năm 2017, Ban Nội chính Trung ương sẽ tham gia cùng Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức giám sát một số vụ việc điển hình phức tạp kéo dài. Phối hợp tham gia giám sát một số vụ việc vướng mắc liên quan đến các cơ quan tư pháp; phối hợp trong hoạt động trợ giúp pháp lý; phối hợp tổ chức nắm tình hình công tác tôn giáo, dân tộc; tích cực tham gia Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí”…
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cùng đoàn công tác thực hiện giám sát các điểm khai thác cát tại huyện Phúc Thọ, Hà Nội. Ảnh Kỳ Anh.
Về phía Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị cần tăng cường trao đổi thông tin giữa hai cơ quan; phối hợp trong chỉ đạo giám sát, trong nghiên cứu tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri, nhân dân; đôn đốc Mặt trận Tổ quốc và Ban Nội chính các địa phương tiến hành ký kết quy chế phối hợp.
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ban Chương trình hành động số 19/Ctr-MTTW ngày 19/1/2017 thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, tự chuyển hóa” trong nội bộ gửi tới Ban Thường trực Mặt trận Tổ quốc các tỉnh, thành phố và các tổ chức thành viên.
Phát huy vai trò của báo chí trong tuyên truyền đấu tranh phòng, chống tham nhũng
Ngày 24/11/2016, Ban Nội chính Trung ương, Đài Tiếng nói Việt Nam và Thông tấn xã Việt Nam đã ký kết hợp tác tuyên truyền chống tham nhũng. Việc ký quy chế phối hợp tạo cơ sở pháp lý tăng cường và nâng cao hiệu quả phối hợp giữa ba cơ quan trong công tác nội chính và phòng chống tham nhũng. Bởi báo chí có vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin và định hướng dư luận, góp phần quan trọng tạo sự đồng thuận, ổn định chính trị xã hội, phục vụ đắc lực sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.
Vấn đề phát huy vai trò của báo chí trong tuyên truyền đấu tranh phòng, chống tham nhũng cũng là một nội dung lớn được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quan tâm. Hiện quy tình tiếp nhận, xử lý thông tin trên báo chí đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cơ bản được thực hiện theo các bước như sau:
+ Ban Tuyên giáo và Ban Dân chủ Pháp luật theo dõi thông tin báo chí về các vấn đề tiêu cực, kiến nghị Ban Thường trực lựa chọn vụ việc để giám sát.
+ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ kiến nghị tới Mặt trận địa phương vào cuộc, nắm thông tin và ý kiến của nhân dân.
+ Căn cứ vào kiết quả giải quyết của địa phương về vụ việc, Mặt trận Trung ương kiến nghị báo chí vào cuộc để thông tin về sự việc.
+ Trong trường hợp Mặt trận địa phương, sau quá trình giám sát, nắm thông tin nhưng không mang lại hiệu quả, Mặt trận Trung ương sẽ có văn bản gửi đến chính quyền địa phương, hoặc có thể cử đoàn xuống địa phương làm việc.
+ Bước sau cùng, nếu các bước trên không mang lại kết quả, Mặt trận Trung ương có thể kiến nghị lên Chính phủ hoặc các cơ quan liên quan ở Trung ương giải quyết vụ việc.
Để làm rõ hơn về cơ chế này, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam dự kiến sẽ có kế hoạch thảo luận về một số nội dung liên quan như công tác phối hợp giữa Mặt trận với báo chí; quy trình tiếp nhận, xử lý thông tin phòng, chống tham nhũng, lãng phí trên các báo.
Đặc biệt, tại Hội nghị Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam lần thứ 6 (khóa VIII) tại Cần Thơ, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã triển khai chương trình hành động và phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam phát động Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí”. Và từ tháng 3/2017, Ban Tuyên giáo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam theo dõi, thống kê và hàng tuần tổng hợp báo cáo nhanh về tình hình nhân dân và thông tin trên báo chí triển khai Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, trong đó chú trọng các thông tin phản ánh về phòng, chống tham nhũng, lãng phí thông qua phản ánh của báo chí, Mặt trận các cấp và các nguồn thông tin khác để báo cáo Ban Thường trực.
Ngay sau khi phát động, các cơ quan phát động đã nhận thấy sự tham gia tích cực của các cơ quan truyền thông, các phóng viên, biên tập viên trong việc phát hiện, đấu tranh, lên án những hiện tượng tiêu cực, những hành vi tham nhũng, lãng phí theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Nhiều tờ báo đã quyết tâm vào cuộc tìm hiểu, phân tích nhiều vụ việc gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cùng các đại biệu dự Hội báo toàn quốc năm 2017 tại Hà Nội. Ảnh Kỳ Anh.
Đối với Tạp chí Mặt trận, một trong các cơ quan ngôn luận của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thời gian qua, bên cạnh việc luôn theo sát định hướng của Đảng, Nhà nước, thực hiện chức năng là một trong các cơ quan ngôn luận của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đã có nhiều bài nghiên cứu, tổng kết thực tiễn công tác Mặt trận, trên cơ sở bám sát thời sự, các vấn đề dân sinh được dư luận quan tâm, không né tránh các đề tài mới, gai góc. Trong đó, Tạp chí đã liên tục có các bài phản ánh những vụ việc gây bức xúc trong dư luận, như việc phản ánh những sai phạm trong hoạt động xây dựng, những bất cập trong công tác quản lý biệt thự Pháp cổ tại Hà Nội, sai phạm tại các khu đô thị mang thương hiệu “Mường Thanh”…; đồng thời có những kiến nghị nhằm tháo gỡ khó khăn cho các nhà báo trong quá trình tác nghiệp, đề xuất cơ chế để tăng cường vai trò của Mặt trận Tổ quốc các cấp, giúp công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí tại cơ sở đạt hiệu quả hơn.
Thực tế thời gian qua tại Việt Nam, báo chí nói chung đã kịp thời thông tin, tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, phanh phui những hành vi tham nhũng, lãng phí; góp phần tích cực vào công cuộc đấu tranh, từng bước đầy lùi tham nhũng, tiêu cực. Điều cho đó thấy sự phối giữa Ban Nội chính Trung ương và Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng không thể không tính đến việc phát huy vai trò của báo chí.
Bảo Tường