Tin mới

Về việc đảng viên sinh hoạt "hai chiều"

(Mặt trận) -

Hà Nam: Tập huấn kỹ năng tuyên truyền, vận động cho thành viên ban công tác Mặt trận

Hội nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội lần thứ hai, khóa XVIII, nhiệm kỳ 2024-2029

Hội nghị Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Thọ lần thứ Ba - khóa XV, nhiệm kỳ 2024- 2029

Tôi xin kể một trường hợp liên quan đến chuyện đảng viên đương chức sinh hoạt “hai chiều”. Cán bộ lãnh đạo một đơn vị, kiêm phó bí thư đảng ủy cơ quan. Ông vừa chuyển nhà ở từ nơi khác về khu dân cư mới. Quen ở nơi cư trú cũ, ông không mấy khi đi họp tổ dân phố, mọi việc đối nội, đối ngoại của gia đình, ông giao hết cho vợ, con. Việc sinh hoạt đảng “hai chiều” cũng không mấy quan tâm. Thỉnh thoảng đi công tác về, ông bảo vợ cầm sang cho đồng chí bí thư chi bộ tổ dân phố nơi cư trú một chút quà. Cuối năm họ nhận xét ngon lành rồi đem nộp chi bộ nơi công tác.       

Năm rồi, mọi việc tổng kết của đơn vị, chi bộ đảng, đảng ủy cơ quan đâu vào đó hết. Vì là người đứng đầu đơn vị, ông được anh em trong đơn vị bình bầu và đề nghị cấp trên công nhận “Chiến sĩ thi đua cấp ngành”, là “Đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”. Chỉ chờ cuộc họp của đảng ủy cơ quan để quyết định và chờ nhận xét của cấp ủy đảng nơi cư trú. Buổi tối, ông nhờ con trai cầm giấy xin xác nhận “sinh hoạt hai chiều” đưa sang cho đồng chí bí thư chi bộ khu dân cư, nơi gia đình ông mới chuyển đến. Bí thư chi bộ bảo cậu thanh niên về mời bố sang. Ông bèn lục trong tủ lấy một cân chè Thái, một chai rượu “tây” cho vào túi, xách sang nhà bí thư chi bộ. Bí thư chi bộ từ chối nhận quà, rằng hôm nào sinh hoạt đảng “hai chiều” chỉ cần mang ấm chè ra pha anh em cùng uống là tốt rồi. Còn đồng chí cứ để giấy lại đây và ghi cho chúng tôi địa chỉ đảng ủy nơi đồng chí sinh hoạt. Chúng tôi hội ý, nhận xét và đóng dấu rồi sẽ gửi đến chỗ đồng chí. Sau đó mấy ngày, văn phòng đảng ủy nơi ông công tác nhận được thư của đảng ủy địa phương gửi đến, trong đó có giấy xác nhận “sinh hoạt hai chiều”, nội dung có dòng nhận xét: “Chưa liên hệ với chi ủy đảng nơi cư trú lần nào. Chưa thật sự quan hệ, gắn bó mật thiết với quần chúng, nhân dân nơi cư trú”. Đến lúc này ông mới “ngã ngửa người ra”: không phải ở đâu cũng giống nơi ở cũ của ông.

Trên đây chỉ là ví dụ rất cá biệt về sự cương quyết của chi ủy, nhất là đồng chí bí thư chi bộ, nơi cán bộ lãnh đạo kia cư trú. Quy định 76-QĐ/TW ngày 15-6-2000 của Bộ Chính trị về việc “Đảng viên đang công tác ở các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp thường xuyên giữ mối liên hệ với chi uỷ, đảng uỷ cơ sở và gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân nơi cư trú” nhằm tăng cường quản lý đảng viên trong tình hình mới, gắn bó mật thiết với nhân dân, là điều kiện để nhân dân tham gia giám sát, kiểm tra hoạt động và các quan hệ xã hội của đảng viên, đóng góp ý kiến xây dựng cho đội ngũ đảng viên đang công tác nói riêng và đội ngũ cán bộ, đảng viên nói chung, qua đó giúp đảng viên rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống. Trong 17 năm qua, thực hiện quy định của Bộ Chính trị, từng tổ chức cơ sở đảng đã có nhiều cố gắng, đạt được những kết quả nhất định, góp phần giám sát, góp ý đảng viên đương chức. Tuy nhiên, vấn đề đảng viên đương chức sinh hoạt “hai chiều” vẫn còn nhiều vấn đề cần bàn, thậm chí đây là một “lỗ hổng” trong việc quản lý, giám sát đảng viên, nhất là trong tình hình nhiều biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống đang diễn ra khá phổ biến, phức tạp, khó kiểm soát hiện nay:

Thứ nhất, kết quả đạt được còn thấp, nhiều nơi còn nặng về hình thức. Phần lớn cấp uỷ nơi đảng viên cư trú hằng năm họp với đảng viên đương chức được 1 hoặc 2 lần. Các cuộc họp thường diễn ra ngắn gọn trong vòng một, hai tiếng đồng hồ, nội dung chủ yếu để cấp ủy nơi đảng viên đương chức cư trú giới thiệu tóm tắt tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh-trật tự, công tác xây dựng đảng của cơ sở; lấy ý kiến góp ý của đảng viên đương chức... Nhiều hội nghị diễn ra “một chiều”, đảng viên đương chức thường ít phát biểu, một phần vì họ thiếu thông tin, nắm không chắc tình hình, phần khác là vì ngại va chạm, nêu lên những ý kiến chung, chủ yếu là ưu điểm, né tránh những vấn đề cụ thể, gai góc, tiêu cực, nhất là những khuyết điểm của tổ chức, cán bộ cơ sở. Trong việc nhận xét đảng viên đương chức vào dịp cuối năm, nhiều cấp ủy đơn thuần dựa vào ý kiến của đồng chí bí thư chi bộ mà đóng dấu xác nhận chữ ký. Nhiều chi ủy, chi bộ nơi cư trú nhận xét, đánh giá đảng viên đương chức (thường là nhận xét tốt, nhưng chung chung theo mẫu), thiếu sự phối hợp với ban công tác mặt trận, tổ dân phố, nhất là với những người hàng xóm, láng giềng của đảng viên đương chức. Còn nhiều cấp ủy ở cơ quan, đơn vị nơi đảng viên đương chức công tác thường chỉ làm thủ tục hành chính, giới thiệu đảng viên sinh hoạt với nơi cư trú nhưng thiếu sâu sát, kiểm tra, thẩm định ý kiến nhận xét; không quan hệ chặt chẽ với cấp ủy cơ sở; không chịu khó lắng nghe, tập hợp những nhận xét, đánh giá của người dân nơi cư trú với đảng viên đương chức.

Thứ hai, cấp ủy nơi đảng viên đương chức công tác, sinh hoạt, chưa coi trọng nhận xét của cấp ủy, nơi đảng viên đương chức cư trú. Hiện nay, cán bộ, đảng viên làm việc trong các cơ quan của Đảng và Nhà nước, tổ chức chính trị-xã hội có quyền lợi, nghĩa vụ phụ thuộc nhiều vào cấp ủy, cơ quan chuyên môn, thủ trưởng nơi công tác. Do đó, cán bộ, đảng viên đương chức thiên về phấn đấu, giữ gìn, tạo mối quan hệ với mọi người ở cơ quan, đơn vị công tác, ít quan hệ mật thiết với cộng đồng nơi cư trú, có người là cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ quan nhà nước nhưng về nơi cư trú không quan hệ với ai, không quan tâm đến láng giềng, không tham gia sinh hoạt với dân phố, làng xóm, bản thân không tích cực thực hiện các chủ trương công tác của nơi cư trú, thiếu tôn trọng sự giám sát, kiểm tra của nhân dân; bản thân và gia đình không gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân. Song đáng tiếc, một số người như vậy nhưng ở nơi công tác vẫn là "đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ'', có trường hợp được công nhận là chiến sỹ thi đua, được tặng thưởng danh hiệu Nhà nước, được đề bạt, bổ nhiệm vào cương cao trong cơ quan, đơn vị. Trong khi đó, việc kiểm điểm cuối mỗi năm, cấp ủy đảng nơi đảng viên công tác không nhất thiết yêu cầu đảng viên có ngay bản nhận xét của cấp úy nơi cư trú, mà có thể nộp bổ sung sau đó. Một số trường hợp vin vào nhiều lý do nộp chậm sau khi đã bình bầu các danh hiệu thi đua ở nơi công tác, thậm chí có đảng viên đến tháng 3 năm sau mới nộp nhận xét của năm trước. Nếu kiểm tra kỹ sẽ có những đảng viên không có bản nhận xét này mà vẫn không sao

Thứ ba, cách quản lý đảng viên đương chức ở không ít nơi còn nhiều hạn chế. Nói chung, việc để cho đảng viên đương chức tự  liên hệ, lấy ý kiến nhận xét của cấp ủy nơi cư trú chỉ có thể quản lý được những đảng viên gương mẫu chấp hành tốt quy định của Đảng, đối với những đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có một số trong 27 biểu hiện mà Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã chỉ ra thì đó như hình thức “đười ươi giữ ống”. Vì những đảng viên như thế có đủ mánh khóe, thủ đoạn để che đậy khuyết điểm, qua mắt mọi người, dễ dàng vượt qua “rào cản” ở nơi cư trú. Trong thực tế có những đảng viên có nhiều nhà, cư trú ở nhiều nơi mà cấp ủy, hàng xóm không biết. Đến khi bị truy tố do sai phạm nghiêm trọng, cấp ủy, hàng xóm của đảng viên đó mới biết lai lịch của đảng viên ấy. Rõ ràng, trong tình hình hiện nay, cách quản lý đảng viên đương chức theo Quy định nói trên vẫn còn nhiều kẽ hở, trong đó thiếu sự phối hợp giữa cấp ủy nơi đảng viên công tác với cấp ủy nơi đảng viên cư trú đã tạo ra lỗ hổng lớn trong quản lý đảng viên hiện nay. Do đó, cần tập trung giải quyết, thực hiện tốt một số vấn đề sau đây, góp phần khắc phục những hạn chế trong thực hiện Quy định này.

Một là, nâng cao tinh thần trách nhiệm của cấp ủy đảng, nhất là người đứng đầu, nơi đảng viên đương chức cư trú, tăng cường sự phối hợp giữa cấp ủy nơi cán bộ, đảng viên công tác với cấp ủy nơi đảng viên cư trú là công việc rất quan trọng, cấp thiết, góp phần nâng cao hiệu quả công tác giám sát, quản lý đảng viên. Có thể cải tiến cách đánh giá, nhận xét đảng viên đương chức cuối năm bằng nới rộng thời gian, mở rộng đối tượng nhận xét, nhất là ý kiến của ban công tác mặt trận, tổ dân phố, hàng xóm, láng giềng của đảng viên cần nhận xét. Nên chăng chuyển phiếu nhận xét qua đường công văn, không để tự đảng viên xin nhận xét rồi tự chuyển về nơi công tác.

Hai là, trong Quy định số 218 –QĐ/TW ngày 12-12-2013 của Bộ Chính trị Quy định về việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị-xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền đã nêu rõ một nội dung góp ý là: “Nêu gương về đức khiêm tốn, giản dị; tác phong sâu sát thực tế, gần gũi để thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng chính đáng của quần chúng, trước hết trong tổ chức, cơ quan, đơn vị công tác và nơi cư trú”. Trong Quy định số 101-QĐ/TW ngày 7-6-2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp” cũng đã chỉ rõ đảng viên phải nêu gương về “phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng; mối quan hệ giữa đảng viên với nhân dân”. Rõ ràng, đảng viên đương chức buộc phải tự phê bình, báo cáo trước chi ủy, ban công tác mặt trận, đại diện nhân dân ở nơi cư trú để được phê bình, góp ý.

Thứ ba, tổ chức đảng, chi ủy nơi đảng viên công tác cần phối hợp với chi ủy nơi đảng viên cư trú công khai bản kê khai tài sản, thu nhập để các tổ chức, người dân nơi cư trú biết, giám sát, phát hiện, tố giác sự chưa đầy đủ, thiếu trung thực khi kê khai;

Thứ tư, hiện nay có hiện tượng đảng viên về hưu nhưng không nộp giấy sinh hoạt đảng cho chi ủy nơi cư trú mà bỏ hồ sơ vào tủ, coi đó là “một kỷ niệm” rồi bỏ sinh hoạt đảng luôn. Để khắc phục tình trạng này, trước khi đảng viên làm các thủ tục nghỉ hưu, cấp ủy nơi đảng viên công tác yêu cầu đảng viên cung cấp địa chỉ cụ thể của chi ủy nơi đảng viên đó cư trú. Trên cơ sở đó, cấp ủy nơi đảng viên công tác bằng các cách phù hợp chuyển hồ sơ đảng viên về đảng bộ nơi cư trú. Nếu đảng viên nào muốn nghỉ sinh hoạt đảng cần có đơn và lý do chính đáng. Làm được như vậy, sẽ hạn chế được việc đảng viên bỏ sinh hoạt đảng mà các tổ chức đảng không hay biết. 

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản