Tin mới

Vùng biên trở thành nơi đáng sống

(Mặt trận) -Xây dựng nông thôn mới ở một tỉnh biên viễn như Cao Bằng thường gặp khó ngay từ… vạch xuất phát. Nhưng khi lòng dân đồng thuận, nhân dân chung sức, những giải pháp đầy sáng tạo xuất hiện từ cơ sở đã giúp nhiều xã, huyện của Cao Bằng “lội ngược dòng”. Không ít xã 135 bây giờ là xã giàu, xã đẹp. Không những thế, nhiều địa phương của Cao Bằng còn hướng tới xây dựng nông thôn mới nâng cao, xây dựng xóm nông thôn mới kiểu mẫu… tạo ra những bức tranh nông thôn đáng sống.

An Giang: Huy động nguồn lực để sớm hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát

Ủy ban MTTQ tỉnh Lạng Sơn phát động phong trào thi đua thực hiện Chương trình hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát

Cần Thơ: Hơn 3.000 người đi bộ vì người nghèo

 Huyện Quảng Hòa (Cao Bằng) thay đổi diện mạo từ thành quả của xây dựng nông thôn mới.

Vùng khó “thay áo mới”

Về Đại Sơn, không ai nghĩ đây từng là địa bàn thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện Quảng Hòa. Không những đường về xã thoáng rộng, từ trung tâm xã Đại Sơn xuống xóm Nam Hà, một xóm thuần nông, cách trung tâm xã Đại Sơn 7 km cũng được trải bê tông phẳng phiu. Đó chính là thành quả của xây dựng nông thôn mới những năm qua. Triển khai xây dựng nông thôn mới, Đại Sơn đặc biệt chú trọng phát triển sản xuất nông nghiệp, coi đây là giải pháp đột phá để phát triển kinh tế.

Từ năm 2014 đến nay, xã đã mở rộng diện tích mía nguyên liệu từ trên 300 ha lên 504 ha (sản lượng bình quân đạt trên 34.000 tấn), mở rộng diện tích cây ăn quả từ 30 ha lên 66 ha với các cây chủ lực như thanh long, bưởi da xanh, dưa hấu, chanh leo. Toàn xã hiện có 9 mô hình trồng trọt, 6 mô hình nuôi trâu sinh sản, trâu vỗ béo, lợn và gia cầm, phát triển đàn trâu trên 2.100 con.

Chúng tôi gặp ông Hứa Đức Sinh, một trong những cá nhân điển hình nỗ lực vươn lên thoát nghèo ở xóm Nam Hà. Ông Sinh kể: Năm 2017, gia đình ông được hỗ trợ 30 gốc bưởi từ nguồn vốn Chương trình 135. Sau 3 năm chăm sóc, 30 gốc bưởi đã cho thu hoạch với doanh thu 30 triệu đồng/năm. Đời sống kinh tế phát triển khiến người dân mạnh dạn hơn trong đóng góp xây dựng nông thôn mới.

Chủ tịch UBND xã Đại Sơn Trương Đàm Hưng cho biết: Sau 10 năm xây dựng nông thôn mới, nhân dân đóng góp hơn 10.000 ngày công lao động, hiến gần 70.000 m2 đất làm đường giao thông và các công trình công cộng; thực hiện cứng hóa được 33,47 km đường trục thôn và tại 11 xóm. Nhờ đó, đến năm 2020, khi về đích nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người toàn xã đạt 33,4 triệu đồng/năm. Riêng con đường về xóm Nam Hà, ngoài nguồn hỗ trợ xi măng của Nhà nước, người dân xóm còn bỏ ra hằng trăm ngày công, hiến hàng ngàn mét vuông đất để chỉnh trang, tu sửa lại cho làng xóm thêm khang trang.

Trong giai đoạn 2018 – 2020, Cao Bằng có tới 36 xã đặc biệt khó khăn nằm trong Đề án hỗ trợ thôn, bản, ấp của các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững. Còn theo phân loại của Chính phủ trong giai đoạn 2021-2025, Cao Bằng có 126 xã vùng 3 (xã đặc biệt khó khăn). Nhưng sự hỗ trợ của Nhà nước, kết hợp với nỗ lực của các địa phương khiến nhiều xã, thôn đặc biệt khó khăn đang thay áo mới.

Thôn Khuổi Ky, xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh nằm trong danh sách 47 thôn đặc biệt khó khăn. Nhưng khác với nhiều địa phương tập trung vào phát triển nông nghiệp, Khuổi Ky lại xây dựng làng văn hoá du lịch. Đặt chân vào làng Khuổi Ky, chúng ta sẽ thấy sự hiện diện của đá ở khắp mọi nơi. Đá được người dân xếp thành đường đi lối lại, tường rào, làm cối xay, làm bàn ghế và dựng lên những căn nhà. Dù những ngôi nhà trong làng vẫn mang kiến trúc quen thuộc của người vùng cao nhưng thay vì bằng gỗ, tường và bậc nhà được làm bằng đá. Thời gian hoàn thành một ngôi nhà bằng đá như vậy có thể mất tới vài năm. Nhưng vì thế, những ngôi nhà ở làng Khuổi Ky đã trở thành điểm hấp dẫn trong mắt du khách tham quan. Từ năm 2018, Khuổi Ky được chọn làm điểm trải nghiệm du lịch cộng đồng trong tuyến du lịch “Trải nghiệm văn hóa bản địa ở xứ sở thần tiên” của Công viên địa chất Non nước Cao Bằng. Nhiều gia đình được vay vốn hỗ trợ mở homestay, tham gia các hoạt động du lịch. Nhờ đó, Khuổi Ky đã thoát nghèo.

Hướng đến nông thôn mới kiểu mẫu

Với điều kiện khó khăn, việc xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu là điều không đơn giản, nhưng Cao Bằng đã làm từng bước, bắt đầu từ mô hình Xóm nông thôn mới kiểu mẫu ở thành phố Cao Bằng. Bà Nguyễn Thị Huệ Chi, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cao Bằng cho biết, để tiếp tục thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn 2021 – 2025 địa phương cũng chủ động chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiên cứu xây dựng và ban hành thí điểm bộ tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu với 13 tiêu chí. Về nội dung này, tiêu chí xóm điểm nông thôn mới kiểu mẫu ngay sau khi được ban hành thì UBND thành phố cũng đã tập trung chỉ đạo, triển khai.

Xóm 6 nằm ở trung tâm xã Vĩnh Quang, thành phố Cao Bằng với 104 hộ và trên 110 nhân khẩu. Những năm qua, người dân trong xóm đã tập trung phát triển kinh tế, đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, chung sức nâng cao các tiêu chí nông thôn mới.

Ông Lương Đức Trung, Bí thư Chi bộ, Trưởng xóm 6, xã Vĩnh Quang cho biết, sau khi xóm 6 được thành phố lựa chọn làm xóm điểm nông thôn mới thì chính quyền địa phương đã tiến hành họp, bàn bạc và xây dựng Nghị quyết sau đó tiến hành họp dân. Thấy vậy, bà con nhiệt tình hưởng ứng. Bên cạnh đó, được sự đầu tư của Nhà nước và thành phố cũng hỗ trợ nhân dân xây dựng cơ sở hạ tầng từ mương máng cho đến nhà văn hóa, hỗ trợ đường điện, đường hoa … tạo cảnh quan sáng, xanh, sạch, đẹp trong môi trường. Việc này rất thiết thực đối với đời sống nhân dân.

Chia sẻ về vấn đề này, bà Đinh Thị Nơ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Vĩnh Quang cho biết, MTTQ xã đã xây dựng kế hoạch giúp các xóm điểm nông thôn mới xây dựng mô hình, khu dân cư tự quản sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn. Việc làm này giúp các xóm đạt được các tiêu chí về môi trường, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp hơn.

Nhờ phát huy sức mạnh đoàn kết của toàn dân trong xây dựng nông thôn mới, tỉnh Cao Bằng không chỉ thay da đổi thịt từng ngày mà đời sống của nhân dân ngày càng được nâng cao. Xác định xây dựng nông thôn mới là không có điểm dừng, làm thường xuyên là liên tục, thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục giữ vững và nâng cao các tiêu chí, chỉ đạo cơ sở nâng cao đời sống văn hóa trong khu dân cư, chỉnh trang khuôn viên trong cộng đồng dân cư, đường làng ngõ xóm. Đồng thời nhân rộng mô hình xóm điểm để lan tỏa tới các xóm khác trên địa bàn các xã để làm tiền đề xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Theo ông Thẩm Văn Phán, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Cao Bằng, trong năm qua, Ủy ban MTTQ các cấp tỉnh đã phối hợp với các tổ chức thành viên phát huy vai trò tích cực của đoàn viên, hội viên và nhân dân trong tham gia phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo vệ sinh môi trường, tham gia vào các tổ tự quản về an ninh trật tự, xây dựng nếp sống văn hóa. 

PHƯƠNG NGUYÊN

 

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản