(Mặt trận) -Dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến cuộc sống của nhiều người, đặc biệt là phụ nữ - những người được coi là “phái yếu” song lại là người vừa đảm đương công việc xã hội vừa chăm lo cho gia đình. Nhằm san sẻ “gánh nặng kép” đó, các cấp hội phụ nữ đã có nhiều hoạt động cụ thể, không chỉ thể hiện vai trò đồng hành cùng phụ nữ mà còn góp phần chung tay cùng toàn hệ thống chính trị trong cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh.
|
Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình trao kinh phí chương trình “Mẹ đỡ đầu” cho con hội viên Trần Thị Tâm, xã Thái Hưng |
Bà Phạm Thị Lan, hội viên phụ nữ tổ 7, phường Lê Hồng Phong (thành phố Thái Bình) năm nay hơn 70 tuổi nhưng lại là lao động chính, chỗ dựa cho 2 cháu ngoại mồ côi bố mẹ đã hơn 10 năm nay và người chồng đang ốm nặng. Dịch Covid-19 khiến việc làm tự do của bà cũng hạn chế, kinh tế giảm sút. Nhưng rất kịp thời, qua kết nối của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường, các cháu của bà đã được cửa hàng tự chọn Bẩy Liên nhận đỡ đầu với mức hỗ trợ 500.000 đồng/ tháng.
Bà Lan cho biết: Các ban, ngành, đoàn thể từ thành phố đến phường, các nhà trường, đặc biệt là hội phụ nữ thường xuyên quan tâm, động viên, hỗ trợ các cháu tôi. Vừa động viên tinh thần vừa hỗ trợ vật chất để giúp gia đình bớt khó khăn. Tôi rất cảm ơn, đặc biệt là cửa hàng tự chọn Bẩy Liên. Nhờ sự giúp đỡ đó bà cháu tôi có thêm nghị lực vượt qua khó khăn, nhất là trong thời điểm dịch bệnh này.
Em Bùi Công Hiếu, cháu ngoại bà Lan cho biết: Em rất vui khi được tặng quà, em sẽ học giỏi, chăm ngoan để không phụ lòng mọi người.
Triển khai thực hiện hiệu quả mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch vừa khôi phục và phát triển kinh tế, bên cạnh các hoạt động kết nối để hội viên tiếp cận các nguồn vốn vay, các cấp hội phụ nữ còn hỗ trợ thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã của phụ nữ. Bên cạnh việc góp phần phát triển kinh tế, tạo ra chuỗi giá trị, những mô hình này còn thắt chặt tình đoàn kết, tương trợ lẫn nhau của chị em phụ nữ. Mới đây nhất, các cấp hội phụ nữ đã hỗ trợ thành lập tổ hợp tác đan ghế nhựa xã Vũ Đông (thành phố Thái Bình).
Bà Hoàng Thị Tơ, thành viên tổ hợp tác cho biết: Phụ nữ tầm 50 tuổi trở đi là không thể vào các công ty để làm việc được. Trước đây, hội viên phụ nữ trung tuổi, cao tuổi trong xã chỉ trông chờ vào đồng ruộng. Bây giờ được hội cấp trên hỗ trợ thành lập tổ hợp tác, chúng tôi rất mừng. Chị em tập hợp lại để được hướng dẫn kỹ thuật đan ghế nhựa; được tổ hợp tác tìm thị trường tiêu thụ nhằm giảm thiểu rủi ro trong sản xuất, có thêm thu nhập cho gia đình.
Bên cạnh những món quà trao tặng hội viên, trẻ em khó khăn, hỗ trợ phát triển kinh tế, các cấp hội phụ nữ cũng linh hoạt, sáng tạo tổ chức các hoạt động hội phù hợp với tình hình dịch ở từng thời điểm. Nhiều mô hình, hoạt động đã được thực hiện hiệu quả trong bối cảnh dịch bệnh như cấy lúa, gặt lúa giúp gia đình phụ nữ diện cách ly y tế; cấy lúa trên diện tích ruộng bị bỏ hoang, thu gom phế liệu gây quỹ giúp phụ nữ nghèo, tích cực tham gia bảo vệ môi trường để phòng, chống dịch; tặng quà gia đình hội viên có người mắc Covid-19...
Chị Đinh Thị The, Chủ tịch Hội LHPN huyện Hưng Hà cho biết: Thực hiện đợt thi đua đặc biệt lập thành tích chào mừng Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, kỷ niệm 112 năm ngày Quốc tế Phụ nữ, Hội LHPN huyện đã phát động các cơ sở hội xây dựng các kế hoạch phù hợp với tình hình thực tế địa phương như nhận ruộng bỏ hoang để cấy lúa gây quỹ hội, nhận đỡ đầu trẻ mồ côi, duy trì mô hình cặp lá yêu thương, tiếp sức đến trường. Thời gian tới, Hội LHPN huyện vẫn tiếp tục hỗ trợ phụ nữ trong phát triển kinh tế, đặc biệt là hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được đến trường. Nếu dịch bùng phát mà các em không đến trường được thì các cấp hội sẽ tổ chức vận động quyên góp để hỗ trợ các em điện thoại, máy tính, mạng internet để các em được học trực tuyến ở nhà để bảo đảm các em tuy không đến trường nhưng không ngừng học.
Sự hỗ trợ, giúp đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần của các cấp hội và hội viên, phụ nữ trong tỉnh sẽ tiếp tục giúp nhiều phụ nữ, trẻ em có thêm niềm tin vượt qua đại dịch, vươn lên trong cuộc sống.
Xuân Phương