Tin mới

4 nhóm giải pháp nhằm nâng cao hoạt động giám sát bằng hình thức nghiên cứu, xem xét văn bản

(Mặt trận) - Sáng 22/10, tại Hà Nội, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng đã chủ trì Hội nghị nghiệm thu đề tài khoa học cấp bộ “Nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của MTTQ Việt Nam đối với văn bản của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân”.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến chúc mừng Giáng sinh tại Thành phố Hồ Chí Minh

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến thông báo dự thảo báo cáo kết quả kiểm tra đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến thăm, chúc mừng Bộ Quốc phòng nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Quang cảnh Hội nghị

Báo cáo tóm tắt nội dung Đề tài, ThS. Phạm Thị Kim Cúc, Chủ nhiệm đề tài cho biết, theo quy định của pháp luật, MTTQ các cấp có thể tổ chức các đoàn giám sát; tổ chức nghiên cứu, xem xét các văn bản của cơ quan có thẩm quyền; thông qua hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân được thành lập ở cấp xã, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng; tham gia giám sát với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền để thực hiện nhiệm vụ giám sát.

Tuy vậy, trong thời gian qua, hoạt động giám sát bằng hình thức nghiên cứu, xem xét văn bản của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân ít được quan tâm thực hiện do đây là một hình thức giám sát mới, có nhiều khó khăn trong việc thực hiện, chịu tác động, ảnh hưởng của nhiều yếu tố trong đó vai trò và năng lực của chủ thể giám sát có ý nghĩa quyết định.

Từ lý do trên, việc tổ chức nghiên cứu góp phần tìm ra giải pháp giúp cho MTTQ Việt nam các cấp tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát trong thời gian tới, trong đó tập trung vào nghiên cứu thực trạng và đề ra giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của MTTQ Việt Nam các cấp bằng hình thức nghiên cứu, xem xét văn bản của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân là yêu cầu cấp thiết đặt ra cả về mặt lý luận và thực tiễn.

GS.TS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Dân chủ - Pháp luật, UBTƯ MTTQ Việt Nam, phản biện 1 phát biểu tại Hội nghị
Ông Nguyễn Văn Pha, nguyên Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, phản biện 2 phát biểu tại Hội nghị

Theo đó, nhóm nghiên cứu đề tài đã tập trung vào việc nghiên cứu cơ sở lý luận, cơ sở pháp lý, đánh giá thực trạng hoạt động giám sát bằng hình thức nghiên cứu, xem xét văn bản MTTQ Việt Nam các cấp trong thời gian qua; trên cơ sở đó đề xuất 4 nhóm giải pháp.

Cụ thể, nhóm giải pháp về nhận thức, với 3 giải pháp nâng cao nhận thức cho các chủ thể giám sát nhất là cán bộ Mặt trận ở địa phương, nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với hoạt động giám sát của MTTQ Việt Nam nói chung và hình thức giám sát văn bản nói riêng và nâng cao nhận thức của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền và chủ thể được giám sát đối với hoạt động giám sát văn bản của MTTQ Việt Nam.

Nhóm giải pháp về hoàn thiện thể chế, chính sách, với 3 giải pháp gồm sửa đổi, bổ sung một số quy định trong Luật MTTQ Việt Nam và văn bản hướng dẫn dưới luật về giám sát văn bản của MTTQ Việt Nam; tiếp tục cụ thể hóa các quy định của pháp luật về giám sát văn bản của MTTQ Việt Nam và xây dựng Luật về hoạt động giám sát và  phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chín trị - xã hội và Luật về hoạt động giám sát của nhân dân góp phần nâng cao chất lượng giám sát văn bản của MTTQ Việt Nam.

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng gợi mở một số ý kiến về các nội dung được triển khai trong Đề tài

Nhóm giải pháp giúp nâng cao năng lực của chủ thể giám sát, với 4 giải pháp cụ thể: Tăng cường hướng dẫn công tác xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát đối với Mặt trận các cấp ở địa phương trong đó có hình thức giám sát văn bản; giải pháp về tổ chức cán bộ; Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác Mặt trận để phát hiện vấn đề, nội dung giám sát; Bảo đảm về kinh phí cho hoạt động giám sát văn bản.

Nhóm giải pháp về công tác phối hợp, với 3 giải pháp cụ thể: Tăng cường phối hợp với các tổ chức thành viên Mặt trận trong hoạt động giám sát và giám sát văn bản; phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp và các cơ quan có thẩm quyền trong giám sát văn bản; thường xuyên phối hợp, huy động sự tham gia tích cực, hiệu quả của các cơ quan truyền thông vào quá trình giám sát văn bản của MTTQ Việt Nam.

ThS. Phạm Thị Kim Cúc, Chủ nhiệm đề tài trả lời một số ý kiến của Hội đồng 

Tại Hội nghị, thành viên Hội đồng nghiệm thu đều đánh giá cao nội dung nghiên cứu của đề tài; đồng thời khẳng định, nhóm đề tài đã xây dựng được các quan điểm và đề xuất các nhóm giải pháp khả thi nhằm góp phần nâng cao chất lượng hoạt động giám sát bằng hình thức nghiên cứu, xem xét văn bản của MTTQ Việt Nam các cấp đáp ứng yêu cầu đặt ra trong giai đoạn hiện nay.

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng phát biểu kết luận Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng nhấn mạnh, đây là đề tài đầu tiên nghiên cứu về hoạt động giám sát bằng văn bản của MTTQ Việt Nam, các sản phẩm của đề tài đã đáp ứng đầy đủ theo quy định của một đề tài Khoa học cấp bộ. Bởi vậy, trên cơ sở góp ý của thành viên Hội đồng, nhóm nghiên cứu cần tiếp thu đầy đủ và hoàn thiện các khái niệm liên quan để hoàn thiện đề tài theo đúng thời gian quy định.

Theo Phó Chủ tich Nguyễn Hữu Dũng, những kết quả thực tế đạt được trong hoạt động giám sát văn bản của MTTQ Việt Nam các cấp trong thời gian qua, nhất là ở cấp Trung ương cũng như các sản phẩm nghiên cứu của đề tài sẽ là cơ sở để Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam quan tâm xem xét, có các biện pháp tăng cường hướng dẫn, tập huấn trong hệ thống Mặt trận, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền tiếp tục hoàn thiện cơ chế, thể chế, chính sách cho công tác giám sát, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát nói chung, giám sát văn bản của MTTQ Việt Nam nói riêng, đóng góp tích cực vào quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật, hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền nước ta hiện nay.

Tại Hội nghị, Hội đồng nghiệm thu đã đánh giá đề tài đạt loại xuất sắc.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản