Tin mới

Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)

(Mặt trận) - Sáng ngày 12/3, tại Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; ông Nguyễn Túc, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Văn hóa - Xã hội; GS.TS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân chủ và Pháp luật chủ trì Hội nghị.

Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam gặp mặt Đoàn đại biểu Câu lạc bộ Tân Trào tỉnh Tuyên Quang

Tổng kết hoạt động Cụm thi đua MTTQ Việt Nam các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc năm 2024

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến dự Hội nghị biểu dương 291 phụ nữ cao tuổi tiêu biểu toàn quốc

 Chủ trì Hội nghị

Tham dự Hội nghị có ông Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và du lịch; các chuyên gia, nhà khoa học; đại diện lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội.

Luật Di sản văn hóa được Quốc hội khóa X thông qua tại kỳ họp thứ 9, ngày 29/6/2001, đánh dấu một bước phát triển quan trọng trong sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa của Việt Nam. Luật được sửa đổi, bổ sung một số điều tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XII (ngày 18/6/2009). Sau 20 năm Luật Di sản văn hóa được ban hành và hơn 10 năm được sửa đổi, bổ sung, sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa đã và đang được Đảng, Nhà nước ta hết sức quan tâm, ngày càng được sự ủng hộ của đông đảo nhân dân ở khắp mọi miền đất nước.

Tuy nhiên, trước những yêu cầu và đòi hỏi cấp bách từ thực tế đang diễn ra, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa cũng dần bộc lộ một số hạn chế, bất cập cả về nội dung và hình thức trong từng lĩnh vực, cụ thể như: Một số quy định của Luật còn mang tính nguyên tắc chung chung cần quy định rõ hơn; một số quy định của Luật có tính khả thi chưa cao, hoặc không còn phù hợp với thực tiễn cần sửa đổi hoặc bãi bỏ; một số vấn đề phát sinh trong thực tiễn cần được bổ sung mới trong Luật.

Do đó, việc tiếp tục sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa cùng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành là hết sức cần thiết. Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) bố cục gồm 9 chương 101 điều, tăng 2 chương, 27 điều so với Luật Di sản văn hóa hiện hành có 7 chương, 73 điều.

 Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh phát biểu tại Hội nghị

Tại Hội nghị, đại biểu tham dự tập trung thảo luận vào nội dung phạm vi, đối tượng điều chỉnh và bố cục của dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); những vấn đề nhằm bảo đảm phù hợp với văn bản của Đảng, bảo đảm tính hợp Hiến, tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật của dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Về bảo đảm tính phù hợp với cam kết trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia trong dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Các quy định liên quan đến quyền con người trong dự thảo luật, trong đó tập trung phản biện xã hội quyền hưởng thụ, tiếp cận và sử dụng các di sản văn hóa; các quyền sở hữu, quyền tự do kinh doanh, dịch vụ về di sản văn hóa của tổ chức, cá nhân trong dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Đại biểu tham dự cũng góp ý kiến đối với quy định về các loại hình di văn hóa vật thể; việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa do nhà nước quản lý; di sản văn hóa do tư nhân quản lý trong dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Quy định về các loại hình di sản văn hóa phi vật thể, việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể do nhà nước quản lý, di sản văn hóa do tư nhân quản lý trong dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ trong các quy định về quản lý, bảo tồn, phát huy di sản văn hóa do các tổ chức tín ngưỡng, tôn giáo quản lý trong dự thảo Luật di sản văn hóa (sửa đổi).

Cùng với đó là điều kiện bảo đảm nguồn lực và huy động nguồn lực xã hội cho hoạt động, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trong dự thảo luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Các quy định về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong quản lý hoạt động kinh doanh, dịch vụ di sản văn hóa trong dự thảo luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Nhất là vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận trong dự thảo luật Di sản văn hóa (sửa đổi);…

GS.TS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân chủ và Pháp luật phát biểu tại Hội nghị 

Khuyến khích phát triển các sản phẩm số dựa trên di sản

GS.TS Trần Ngọc Đường góp ý, nội dung của dự thảo luật nặng quy định về các hoạt động quản lý, bảo vệ di sản văn hóa của các chủ thể sở hữu di sản văn hóa nhất là của chủ sở hữu di sản văn hóa là Nhà nước. Trong khi đó nội dung phát huy giá trị di sản văn hóa không được quy định rõ. Các điều luật đều có 2 chữ “phát huy” nhưng nội dung của phát huy là phải làm gì? phát huy như thế nào không thấy quy định? Khuôn khổ pháp lý để phát huy giá trị di sản văn hóa không thấy quy định đầy đủ, rõ ràng trong dự án luật.

Theo GS.TS Trần Ngọc Đường, ngày nay việc bắt tay giữa di sản văn hóa và công nghệ đang thúc đẩy sự hình thành các khái niệm mới về di sản số, di sản phái sinh… nhưng chưa được luật hóa để hình thành chính sách pháp lý phù hợp, khuyến khích phát triển các sản phẩm số dựa trên di sản. Nếu nghiên cứu đưa di sản số trở thành một khái niệm chính thức trong Luật di sản văn hóa và có các quy định về chính sách đầu tư, chính sách về bản quyền… sẽ thúc đẩy người làm công nghệ có sản phẩm số mang tính ứng dụng cao trong đời sống để di sản văn hóa thật sự phát huy giá trị trong đời sống

“Trong điều kiện hiện nay, khi mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển như vũ bão, giao lưu quốc tế ngày càng mở rộng, nước ta đang hướng tới phát triển nền công nghiệp văn hóa, việc khuyến khích làm sống lại và phát huy các giá trị văn hóa của cha ông ta cần được quy định đầy đủ, rõ ràng, minh bạch trong dự thảo luật này để tạo khuôn khổ pháp lý cho hoạt động sáng tạo trong việc phát huy các giá trị của di sản văn hóa”, GS.TS Trần Ngọc Đường đặt vấn đề.

PGS.TSKH. Trịnh Thị Kim Ngọc - Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam phát biểu 

Đồng quan điểm với GS.TS Trần Ngọc Đường, PGS.TSKH. Trịnh Thị Kim Ngọc - Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam cho rằng, cần phải hình thành một “Bảo tàng số mở” vì các loại di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) của Việt Nam liên tục được phát hiện, tổng hợp, công nhận và bổ sung, nhưng thực tế công tác này còn chưa được quan tâm đúng mức, nhất là các loại hình DSVHPVT và DSVHVT như các tri thức dân gian, các lễ hội cùng diễn xướng, hò ca, hay các nhạc cụ dân tộc... của đồng bào 53 dân tộc thiểu số anh em.

 “Thực tế cho thấy, có sản phẩm văn hóa đã được khai thác từ một cộng đồng văn hóa được coi là những người Việt bản địa đầu tiên, giờ ngôn ngữ và văn hóa của họ đang có hiện tượng mai một, thất truyền bởi xu hướng giao thoa văn hóa hiện nay như: ngôn ngữ của người Chứt được coi là phiên bản khởi thủy của tiếng Việt hiện nay nhưng nay vẫn chỉ có âm thanh mà không có chữ viết, giai điệu Ca tưm cà lềnh, đàn trơ bon của Người Chứt, kỹ nghệ làm cung tiêu của người Mã Liềng... là những sản phẩm quý báu với những chủ thể văn hóa cuối cùng của cộng đồng nắm giữ đã được chúng tôi phát hiện và đưa về Bảo tàng của BTL Biên Phòng nhưng chưa được đưa vào là DSVHPVT của dân tộc”, bà Trịnh Thị Kim Ngọc nói.

Ông Trương Minh Tiến, Thành viên HĐTV Tôn giáo (UBMTTQ thành phố Hà Nội) phát biểu tại Hội nghị

Việc xác định quyền sở hữu, mua bán cổ vật cần có biện pháp quản lý chặt chẽ hơn

Đề cập đến việc quy hoạch di tích, ông Trương Minh Tiến, Thành viên HĐTV Tôn giáo (UBMTTQ thành phố Hà Nội) cho rằng, việc quy hoạch di tích là di tích quốc gia đặc biệt hiện đang thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, tuy nhiên thực tế cho thấy, thời gian qua, thành phố Hà Nội đã phải giành quá nhiều thời gian để xin chủ trương, trình phê duyệt quy hoạch, bởi vậy khi sửa đổi cần giao Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch phê duyệt quy hoạch di tích quốc gia đặc biệt sau khi có ý kiến thẩm định của các Bộ ngành liên quan và Hội đồng di sản văn hóa quốc gia.

Ông Tiến cũng kiến nghị việc xác định quyền sở hữu, mua bán cổ vật cần có biện pháp quản lý chặt chẽ hơn từ các ngành chức năng, làm được điều này thì sẽ góp phần làm giảm tình trạng mất cắp hiện vật, cổ vật ở các di tích lớn. Bên cạnh đó, việc tu bổ di tích cần có sự điều chỉnh tại Điều 58, Chương VII, trong Luật Tín ngưỡng tôn giáo về cải tạo, nâng cấp các công trình là di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng.

TS.Nguyễn Xuân Năng, nguyên giám đốc Bảo tàng lịch sử Quân sự Việt Nam phát biểu 

Đề cập đến việc xếp hạng di tích tại Điều 23 của dự thảo Luật, TS.Nguyễn Xuân Năng, nguyên giám đốc Bảo tàng lịch sử Quân sự Việt Nam cho rằng, có nhiều điểm đưa nội dung không thống nhất, diễn đạt rườm rà, lủng củng. Từ thực tế di tích cấp tỉnh, di tích cấp quốc gia, di tích cấp quốc gia đặc biệt và di sản văn hóa thế giới, Điểm 2 của Điều này nêu “Di tích được công nhận bao gồm các thình thức sau đây” thực chất là nói phạm vi phân bổ của các loại di tích (phạm vi một tỉnh, phạm vi hai tỉnh trở lên và di sản thế giới liên quốc gia). Đặc biệt khái niệm Di sản thế giới nêu là: “Di tích tiêu biểu của Việt Nam có giá trị nổi bật toàn cầu về văn hóa và thiên nhiên, được UNESCO công nhận” chưa chuẩn vì Di sản thế giới có phạm vi rất rộng, không chỉ có di tích mà còn có cả danh lam thắng cảnh và các loại hình di sản khác nữa như di sản tư liệu thế giới Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm.

TS.Nguyễn Xuân Năng cũng kiến nghị nên phân định cấp độ khác nhau giữa di vật, cổ vật và bảo vật quốc gia để có ứng xử phù hợp.

Đi sâu phân tích, TS Năng cho rằng, hiện mới có 300 hiện vật là bảo vật quốc gia. Chính vì vậy phải coi bảo vật quốc gia là tài sản đặc thù, có giá trị đặc biệt và thuộc loại hiện vật quý hiếm.  Với bảo vật quốc gia không cho phép kinh doanh cả trong và ngoài nước. Với cổ vật, không cho phép kinh doanh ở nước ngoài.

“Đối với di vật không phải là những hiện vật thuộc dạng quý hiếm hay có giá trị tiêu biểu hay đặc biệt tiêu biểu như cổ vật và bảo vật quốc gia nên có thể cho phép mua bán cả trong và ngoài nước. Có như vậy các bảo tàng mới có cơ hội sưu tầm được nhiều hiện vật phục vụ trưng bày giới thiệu cho công chúng” ông Năng đề xuất.

TS. Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên HĐTV Văn hóa - xã hội UBTƯ MTTQ Việt Nam phát biểu 

Nhắc tới quy định về cấm kinh doanh bảo vật quốc gia, TS. Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên HĐTV Văn hóa - xã hội UBTƯ MTTQ Việt Nam nhất trí theo phương án 1-Quy định “Bảo vật quốc gia thuộc sở hữu chung, sở hữu riêng chỉ được tiếng chuyển nhượng, trao đổi, tặng cho, để thừa kế ở trong nước theo quy định của pháp luật và không được kinh doanh” tại điểm c khoản 1 Điều 40 Dự thảo 4 Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); đồng thời sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư.

Theo TS. Nguyễn Văn Hùng, phương án này có các ưu điểm như hạn chế quyền kinh doanh bảo vật quốc gia được quy định trong luật (Luật Di sản văn hóa), bảo đảm thống nhất với quy định “Không ai có thể bị hạn chế, bị tước đoạt trái luật quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản” và quy định “Quyền định đoạt chỉ bị hạn chế trong trường hợp do luật quy định” tại khoản 1 Điều 163, khoản 1 Điều 196 Bộ Luật Dân sự.

Bên cạnh đó, bảo vật quốc gia là hiện vật hàm chứa những giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật lớn đối với quốc gia. Cấm kinh doanh những bảo vật quốc gia giúp ngăn chặn nguy mất mát, hủy hoại hoặc mua bán trái phép bảo vật quốc gia; ngăn chặn được nguy cơ lợi dụng danh hiệu bảo vật quốc gia để trục lợi; đồng thời bảo tồn được giá trị văn hoá của bảo vật quốc gia, không bị tác động bởi giá trị kinh tế, giúp đảm bảo di sản văn hoá này được gìn giữ, trao truyền cho thế hệ hiện tại và tương lai, góp phần vào việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa và lịch sử quốc gia.

Liên quan tới việc cấm xuất khẩu di vật, cổ vật, TS. Nguyễn Văn Hùng đồng ý theo phương án 1: Đưa quy định “Di vật, cổ vật thuộc sở hữu chung, sở hữu riêng chỉ được chuyển nhượng, trao đổi, tặng cho, để thừa kế và kinh doanh ở trong nước theo quy định của pháp luật” tại điểm b khoản 1 Điều 40 Dự thảo 4 Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); đồng thời sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư.

TS. Nguyễn Văn Hùng cho rằng phương án này có ưu điểm hạn chế phạm vi chuyển nhượng, trao đổi, tặng cho, để thừa kế và kinh doanh di vật, cổ vật và cấm kinh doanh xuất khẩu di vật, cổ vật được quy định trong luật (Luật Di sản văn hóa), bảo đảm thống nhất với quy định “Không ai có thể bị hạn chế, bị tước đoạt trái luật quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản” và quy định “Quyền định đoạt chỉ bị hạn chế trong trường hợp do luật quy định” tại khoản 1 Điều 163, khoản 1 Điều 196 Bộ Luật Dân sự; Phù hợp với các công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá, trong đó có Công ước 1970 của UNESCO “về các biện pháp ngăn cấm xuất nhập khẩu và chuyển giao trái phép quyền sở hữu tài sản văn hóa”.

Ông Đỗ Duy Thường, Phó Chủ nhiệm HĐTV Dân chủ và Pháp luật phát biểu

Bổ sung vai trò, nhiệm vụ cụ thể của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp

Nhắc tới vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị- xã hội và các các tổ chức thành viên đối với dự thảo Luật, ông Đỗ Duy Thường, Phó Chủ nhiệm HĐTV Dân chủ và Pháp luật đề nghị, dự thảo Luật di sản (sửa đổi) cần bổ sung quy định một điều ở cuối Chương II.

Tại Điều 20 đề cập tới việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị- xã hội và các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc các cấp, Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư có trách nhiệm tham gia quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể; di sản văn hóa phi vật thể; di sản tư liệu và các di tích lịch sử - văn hóa và các danh lam thắng cảnh.  

Trong đó tập trung vào việc tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân, các dân tộc, các tôn giáo và người Việt Nam ở nước ngoài phát huy giá trị văn hóa vật thể, văn hóa phi vật thể và di sản văn hóa tư liệu, Di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh; Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp ở địa phương cử đại diện lãnh đạo tham gia Ban Quản lý di tích thuộc sở hữu toàn của của cấp mình.

Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư tham gia việc lựa chọn công dân thực hiện và tham gia Ban quản lý di tích, bảo vệ, chăm sóc di tích, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật ở thôn, làng, bản, buôn, phum, sóc; Phối hợp với chính quyền cùng cấp tổ chức lễ hội truyền thống của thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc.

Đồng thời kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách pháp luật, các quy định, quy chế về việc bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa vật thể, văn hóa phi vật thể, di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh; di sản tư liệu, di vật, cổ vật ở địa phương, cơ sở, khu dân cư.

“Trên cơ sở 4 vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung vai trò, nhiệm vụ cụ thể của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp, Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư vào tham gia các Ban quản lý di tích, quản lý danh lam thắng cảnh; quản lý di vật, cổ vật, bảo vật của quốc gia, tổ chức lễ hội truyền thống ở thôn, làng ấp bản, buôn, phum, sóc”, ông Thường kiến nghị.

 Quang cảnh Hội nghị

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh nhấn mạnh, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam có ý nghĩa hết sức quan trọng; phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam mang tính xã hội, khách quan, khoa học, xây dựng, góp phần bảo đảm tính đúng đắn, phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội và hiệu quả của văn bản; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; phát huy dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội.

“Thực hiện quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam trong việc tham gia xây dựng pháp luật, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền, xác định tầm quan trọng của Dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), để có những ý kiến, kiến nghị nhằm hoàn thiện dự án luật tốt hơn, tạo sự đồng thuận trong xã hội ngay từ khâu soạn thảo.”, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh nêu rõ.

Tiếp thu ý kiến phát biểu của đại biểu tham dự Hội nghị, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh khẳng định, đây là những ý kiến góp ý tâm huyết, trách nhiệm của các chuyên gia, nhà khoa học góp ý vào nội dung dự thảo. Các ý kiến đã đồng tình, đáng giá cao cơ quan soạn thảo đã nghiêm túc, trách nhiệm trong việc soạn thảo dự thảo luật với 9 chương, 101 điều; tăng 2 chương, 27 điều so với Luật Di sản văn hóa hiện hành.

Qua ý kiến của đại biểu tham dự Hội nghị, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cho rằng, các vấn đề mà Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đặt ra đã được các chuyên gia, nhà khoa học nghiên cứu, phát biểu và bổ sung nhiều nội dung từ thực tiễn để Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục bổ sung, làm rõ những nét mới trong công tác bảo vệ, sử dụng và khai thác di sản văn hóa. Đặc biệt là tập trung phân tích các quy định nhằm làm rõ quan điểm nhân dân làm chủ thể trong quá trình bảo vệ, khai thác và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Về kỹ thuật lập pháp, rất nhiều ý kiến tham gia góp ý nhằm đảm bảo tính chặt chẽ, tính đúng đắn và tính phù hợp với quy định của pháp luật và công ước quốc tế. Trong đó, các ý kiến đề nghị cần phải nghiên cứu các nội dung về công ước quốc tế như định nghĩa, nguyên tắc, …đối với di sản văn hóa để đưa vào quy định của luật; nghiên cứu các khái niệm trong dự thảo luật phù hợp với các tiêu chuẩn đã ban hành; đồng thời cần rà soát để giảm tối đa các nội dung giao cho đơn vị chủ quản để đảm bảo tính hiệu lực của pháp luật.

Cũng theo Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh, đại biểu tham dự cũng tập trung phân tích nội dung các điều, khoản cần thể hiện tính chế tài chứ không đơn thuần mang tính lập pháp; điều chỉnh tên các Điều sao cho ngắn gọn, dễ nhớ…

“Các ý kiến đề cập tới việc phân cấp các loại di sản, cổ vật, bảo vật và bổ sung các quy định đối với công tác quản lý, sử dụng di sản hiện nay. Nhất là việc phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đối với việc quản lý di vật, cổ vật, bảo vật của quốc gia”, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiêm túc tiếp thu những ý kiến góp ý tại Hội nghị để tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện dự thảo trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại phiên họp lần thứ 31 tới đây.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản