|
Quang cảnh cuộc làm việc |
Tham dự cuộc làm việc có bà Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; ông Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội; đại diện lãnh đạo Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội; lãnh đạo các ban, đơn vị Cơ quan Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.
“Đoàn kết - Dân chủ - Trách nhiệm - Sáng tạo - Phát triển”
Báo cáo về các nội dung liên quan đến công tác chuẩn bị Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2024-2029, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Nguyễn Sỹ Trường cho biết, thời gian qua, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố đã tập trung chỉ đạo Đại hội MTTQ Việt Nam các quận, huyện, thị xã; chủ động công tác chuẩn bị cho Đại hội cấp Thành phố theo đúng quy định, đảm bảo tiến độ đề ra theo kế hoạch.
Theo đó, đến ngày 25/4/2024, 579/579 Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã đã tổ chức thành công Đại hội, trong đó có 323/567 Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã là Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy; Đến ngày 26/6/2024, 30/30 quận, huyện, thị xã đã tổ chức thành công Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam nhiệm kỳ 2024 - 2029, đảm bảo đúng yêu cầu và tiến độ theo kế hoạch đề ra, 29/30 Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp quận, huyện, thị xã là Ủy viên Ban Thường vụ cấp ủy cấp huyện.
|
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Nguyễn Sỹ Trường trình bày báo cáo về các nội dung liên quan tới công tác Đại hội |
Với tinh thần “Đoàn kết - Dân chủ - Trách nhiệm - Sáng tạo - Phát triển”, Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2024-2029 dự kiến tổ chức trong 3 ngày, từ ngày 21 đến ngày 23 tháng 8 năm 2024. Đại hội đề ra phương hướng, nhiệm vụ và các chương trình hành động thiết thực, hiệu quả trong nhiệm kỳ 2024 - 2029; củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần xây dựng Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại.
Về công tác nhân sự, dự kiến số lượng Ủy viên Uỷ ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội là 145 vị với cơ cấu đại diện các tổ chức thành viên là 51 vị; Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam các quận, huyện, thị xã là 30 vị; Cá nhân tiêu biểu (doanh nhân, tôn giáo, dân tộc) là 46 vị; Cán bộ chuyên trách cơ quan Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội là 18 vị. Dự kiến số lượng Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố nhiệm kỳ 2024 - 2029 là 11 vị gồm Chủ tịch, 4 Phó Chủ tịch; 6 Ủy viên Ban Thường trực.
Điểm lại những nét nổi bật trong hoạt động của MTTQ thành phố, ông Nguyễn Sĩ Trường cho biết, nhiệm kỳ qua, Mặt trận các cấp Thành phố đã chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; chủ động, đổi mới cách thức tổ chức thực hiện, linh hoạt trong triển khai các nhiệm vụ mới phát sinh, thực hiện hiệu quả 5 chương trình hành động; 3 khâu đột phá, 4 nhiệm vụ công tác trọng tâm, 5 giải pháp chủ yếu của Nghị quyết Đại hội MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội khoá XVII; tập trung hướng mạnh về cơ sở, lấy khu dân cư làm địa bàn trọng tâm để vừa tuyên truyền vận động, tập hợp đoàn kết, vừa lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, tiếp nhận những sáng kiến, kiến nghị của Nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, triển khai các phong trào thi đua yêu nước. Trong nhiệm kỳ đã xuất hiện nhiều mô hình điển hình, gương sáng, người tốt việc tốt trong triển khai các phong trào thi đua do Mặt trận phát động.
|
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương phát biểu tại cuộc làm việc |
Trong nhiệm kỳ 2024-2029, Đại hội đề ra 3 mục tiêu đột phá: Đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp Thành phố theo hướng ích nước, lợi dân, linh hoạt, hiệu quả, thích ứng với tình hình mới; Phát huy vai trò nòng cốt chính trị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần xây dựng Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại; Nâng cao chất lượng công tác giám sát, phản biện xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, thực hành dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.
Đại hội cũng đề ra một số chỉ tiêu cụ thể cho cả nhiệm kỳ như: Phối hợp nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hoá, xây dựng “Người Hà Nội thanh lịch, văn minh”; phấn đấu tỷ lệ tổ dân phố được công nhận và giữ vững danh hiệu Tổ dân phố văn hóa: 80%; Thôn, làng được công nhận và giữ vững danh hiệu Thôn, Làng văn hóa: 70%; Gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu Gia đình văn hóa: 88-90%.
Phối hợp tuyên truyền, vận động thực hiện tang văn minh tiến bộ (phấn đấu tỷ lệ hoả táng từ 80% trở lên).
100% Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp xây dựng kế hoạch và giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Hàng năm, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố tổ chức ít nhất 5 chương trình, nội dung giám sát, phản biện ít nhất 6 dự thảo văn bản; cấp huyện tổ chức ít nhất 2 chương trình, nội dung giám sát, phản biện ít nhất 2 dự thảo văn bản; cấp xã căn cứ tình hình và điều kiện thực tế lựa chọn nội dung, hình thức giám sát, phản biện xã hội phù hợp để tổ chức triển khai thực hiện. 100% Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp phối hợp tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân…
|
Ông Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội phát biểu tại cuộc làm việc |
Tại cuộc làm việc, ông Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội trân trọng cảm ơn sự lãnh đạo, hỗ trợ và tạo điều kiện của UBTƯ MTTQ Việt Nam đối với hoạt động của MTTQ thành phố trong nhiệm kỳ qua; đồng thời nhấn mạnh, MTTQ thành phố đã có nhiều đóng góp tích cực vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội, an sinh - xã hội, tiến bộ công bằng xã hội của thành phố. Đến nay, Hà Nội cơ bản không còn hộ nghèo, nhiều quận không còn hộ cận nghèo. Mặt trận các cấp cũng đã góp phần tạo nên sự đồng thuận của nhân dân trong ủng hộ các chủ trương, công việc lớn của thành phố.
Về công tác cán bộ, ông Nguyễn Văn Phong cho biết, Ban Thường vụ Thành ủy luôn quan tâm và tạo điều kiện để cán bộ Mặt trận được luân chuyển qua các vị trí, tạo động lực để cán bộ Mặt trận các cấp phấn đấu và phát triển trong thời gian tới.
Thành phố thí điểm thành lập Ban Công tác Mặt trận ở những tòa chung cư lớn để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân
|
Ông Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát biểu tại cuộc làm việc |
Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến đánh giá cao sự quan tâm của Thành ủy Hà Nội, trực tiếp là Ban Thường vụ Thành ủy đã luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao để MTTQ thành phố chuẩn bị chu đáo các điều kiện để tổ chức thành công Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam thành phố lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2024 - 2029.
Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cũng ghi nhận và biểu dương Đảng đoàn, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố đã bám sát Chỉ thị số 22, các văn bản hướng dẫn của UBTƯ MTTQ Việt Nam, văn bản chỉ đạo của Thành ủy để hoàn thiện các nội dung văn kiện, nhân sự trình Đại hội.
Để Đại hội tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong các tầng lớp nhân dân, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến đề nghị báo cáo chính trị trình Đại hội cần làm nổi bật thêm việc MTTQ các cấp tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia các phong trào thi đua, các cuộc vận động lớn nhằm đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng và xây dựng chính quyền vững mạnh. Bởi vậy cần đưa vào báo cáo chính trị các chỉ tiêu mà thành phố đạt được như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư, thu ngân sách, thu nhập và đời sống nhân dân,... để minh chứng cho những đóng góp của Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố đối với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII đề ra.
“Nhiệm kỳ này, MTTQ thành phố làm được nhiều việc mà cấp ủy, chính quyền và nhân dân ghi nhận, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam ghi nhận, bởi vậy MTTQ thành phố lựa chọn ra 10 sự kiện nổi bật trong nhiệm kỳ nhằm tạo điểm nhấn và ấn tượng đối với đại biểu tham dự Đại hội”, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến gợi mở và cho rằng báo cáo chính trị cần đề cập tới tâm trạng và những vấn đề nhân dân quan tâm, lo lắng như: việc quản lý cháy nổ; ô nhiễm môi trường; tệ nạn xã hội; công tác quản lý các công trình, dự án và giải phóng mặt bằng ảnh hưởng đến đời sống nhân dân; áp lực hạ tầng xã hội lên cư dân thành phố; việc bố trí trường lớp cho các em học sinh trên địa bàn, …
|
Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát biểu tại cuộc làm việc |
Cũng theo Chủ tịch Đỗ Văn Chiến, MTTQ thành phố cần có một báo cáo chuyên đề “Quân và dân thủ đô đồng lòng, chung sức chiến đấu và chiến thắng đại dịch Covid-19”, bởi trong những ngày tháng đó, Hà Nội đã thành công trong chuẩn bị các phương án để đẩy lùi đại dịch. Báo cáo này sẽ giúp những thế hệ người Hà Nội sau này nhớ về những năm tháng không thể nào quên trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Về nhân sự tại Đại hội, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến đề nghị cần lựa chọn những cá nhân tiêu biểu trong một số lĩnh vực như doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, lao động giỏi, cán bộ MTTQ Việt Nam thành phố tiêu biểu, … theo đúng Điều lệ MTTQ Việt Nam quy định; đồng thời lựa chọn những cá nhân tiêu biểu, là những người lao động trực tiếp tham dự Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029.
Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cũng gợi mở, nhiệm kỳ 2024-2029, thành phố Hà nội thí điểm thành lập Ban Công tác Mặt trận ở những tòa chung cư lớn để góp phần lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các hộ gia đình trên địa bàn.
|
Lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội tại cuộc làm việc |
Hương Diệp - ảnh MTTQ thành phố Hà Nội