|
Đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam gặp gỡ, trao đổi với cử tri xã Ngọc Lâm. Ảnh: Mai Hoa |
Cùng tham dự có ông Thái Thanh Quý, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An; ông Thái Văn Thành, Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An; bà Thái Thị An Chung, Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành cấp tỉnh và lãnh đạo huyện Thanh Chương.
Tại hội nghị, thay mặt các đại biểu Quốc hội thuộc đơn vị bầu cử số 4, đồng chí Thái Văn Thành - Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An thông báo dự kiến chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV và thông tin kết quả trả lời của các bộ, ngành Trung ương về các kiến nghị của cử tri huyện Thanh Chương ở các kỳ tiếp xúc cử tri trước.
|
Các đại biểu Quốc hội được bầu tại đơn vị bầu cử số 4 của tỉnh tham dự hội nghị và các đồng chí chủ trì điều hành hội nghị. Ảnh: Mai Hoa |
Trên tinh thần thẳng thắn, dân chủ, trách nhiệm, cử tri huyện Thanh Chương đã nêu nhiều ý kiến phản ánh, đề xuất, kiến nghị Trung ương và tỉnh liên quan đến kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh. Vấn đề được nhiều cử tri huyện Thanh Chương quan tâm kiến nghị, đề xuất liên quan đến đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Cử tri Nguyễn Văn Tiến (xã Thanh Hương) cho rằng, vùng Hoa Quân, huyện Thanh Chương có vị trí chiến lược quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng – an ninh. Hiện nay, các cấp, các ngành đang triển khai Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, vì vậy đề nghị cấp có thẩm quyền bố trí đưa vào quy hoạch và cân đối nguồn lực đầu tư xây dựng tuyến đường giao thông, nối Quốc lộ 46, từ xã Thanh Lĩnh lên đường Hồ Chí Minh vào xã Ngọc Lâm nhằm tạo sự kết nối và thúc đẩy phát triển ở các xã trong vùng (đã được thiết kế năm 2014).
Cùng với tuyến đường này, cử tri Nguyễn Văn Tiến kiến nghị nâng cấp tuyến đường nối đường Hồ Chí Minh vào xã Ngọc Lâm; tuyến đường huyện 385 đã xuống cấp.
Liên quan đến cơ sở hạ tầng, một số cử tri Thanh Chương cũng đề nghị cấp có thẩm quyền hỗ trợ kinh phí đầu tư tuyến đê ngăn lũ trên sông Lam; quan tâm bố trí duy tu, bảo trì các tuyến tỉnh lộ 533, Quốc lộ 46C và một số tuyến đường trên địa bàn…
|
Cử tri Lô Hồng Phong (xã Ngọc Lâm) kiến nghị Quốc hội quan tâm tháo gỡ các khó khăn cho 2 xã tái định cư thuỷ điện Bản Vẽ. Ảnh: Mai Hoa |
Cử tri huyện Thanh Chương cũng phản ánh bất cập liên quan đến quy hoạch, và thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua địa bàn huyện. Theo cử tri Lê Thị Thuỷ (xã Hạnh Lâm), tuyến đường Hồ Chí Minh được đầu tư xây dựng, đưa vào sử dụng năm 2002, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội các địa phương có tuyến đường đi qua. Tuy nhiên, hiện nay có một số công trình và đất đai, nhà ở của dân nằm trong hành lang an toàn giao thông chưa được đền bù, giải phóng mặt bằng, làm ảnh hưởng đến an toàn giao thông do che khuất tầm nhìn và nhiều hộ dân có nhu cầu cải tạo, xây dựng nhà ở nhưng không thực hiện được; đề nghị cấp có thẩm quyền tháo gỡ.
Vấn đề giáo dục cũng được cử tri Thanh Chương quan tâm, trong đó có nội dung liên quan đến hình thức đánh giá, biểu dương đối với học sinh bậc tiểu học; bất cập về chế độ chính sách hỗ trợ cho trẻ mầm non 3 tuổi vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều vấn đề cũng được cử tri phản ánh, đề xuất liên quan đến quy hoạch và quản lý quy hoạch 3 loại rừng; chế độ đặc thù cho các xã biên giới, chế độ bảo trợ, người cao tuổi; xử lý các tồn tại, bất cập hậu tái định cư tại 2 xã Thanh Sơn, Ngọc Lâm hiện chưa có chợ dân sinh, sân vận động, đài tưởng niệm gắn với nghĩa trang liệt sĩ và một số nhà văn hoá bản; quản lý giá cả thuốc tân dược, đang còn nhiều giá, nhất là chênh lệch giá giữa nhà thuốc trong bệnh viện với các cơ sở tư nhân…
|
Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giải trình ý kiến cử tri phản ánh việc giao quản lý, bảo vệ rừng phòng hộ cho người ngoài địa bàn mà không giao cho người dân địa phương. Ảnh: Mai Hoa |
Sau 10 ý kiến với 29 nội dung cử tri phản ánh, kiến nghị; lãnh đạo và đại diện 10 sở, ngành cấp tỉnh và huyện Thanh Chương đã tiếp thu, giải trình các một số vấn đề thuộc thẩm quyền.
Đồng chí Trình Văn Nhã – Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương đề xuất, kiến nghị một số vấn đề đến Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương.
Trọng tâm là kiến nghị Quốc hội, Chính phủ đẩy nhanh việc triển khai dự án cao tốc Viêng Chăn – Hà Nội, trong đó ưu tiên đoạn từ cửa khẩu Thanh Thuỷ - Thành phố Vinh, kết nối tuyến cao tốc Bắc – Nam; đồng thời sớm bố trí vốn triển khai xây dựng công trình cầu cứng bắc qua sông Giăng để thay thế cầu treo duy nhất trên quốc lộ ở Nghệ An; hiện tại cầu treo này đã xuống cấp nghiêm trọng, gây nguy cơ mất an toàn cho người dân và phương tiện lưu thông qua cầu.
Mặt khác, ưu tiên nguồn lực thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; như Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, hiện những địa phương chưa về đích đều có điều kiện vô cùng khó khăn; cần tháo gỡ các khó khăn, đẩy nhanh tiến độ xây dựng một số công trình, dự án chậm tiến độ trên địa bàn huyện.
Làm rõ trách nhiệm từng cấp, từng ngành
|
Đồng chí Thái Thanh Quý - Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An tiếp thu và giải trình trực tiếp nhiều vấn đề cử tri quan tâm. Ảnh: Mai Hoa |
Thay mặt các đại biểu Quốc hội được bầu tại đơn vị bầu cử số 4, đồng chí Thái Thanh Quý - Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An thông tin khái quát tình hình của đất nước và tỉnh Nghệ An những tháng đầu năm 2024 với nhiều kết quả nổi bật và tích cực hơn so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, kinh tế tiếp tục đà phục hồi và phát triển trên cả 3 lĩnh vực: nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ - thương mại; các mục tiêu, chương trình kinh tế được triển khai theo kế hoạch. Minh chứng cho kinh tế phục hồi sau đại dịch Covid-19 là có hơn 51.000 doanh nghiệp được thành lập mới và hơn 29.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động sau thời gian tạm dừng.
Đồng chí Thái Thanh Quý đánh giá cao, ghi nhận ý thức trách nhiệm của cử tri tại buổi tiếp xúc; cử tri đã phản ánh, đề xuất nhiều nội dung liên quan đến thực tiễn. Đồng chí cũng cho biết, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ tổng hợp, phân loại kiến nghị của cử tri và chuyển đến các cấp có thẩm quyền giải quyết. Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Thanh Quý cũng đã trực tiếp giải trình nhiều nội dung cử tri quan tâm.
Liên quan đến nhóm kiến nghị về cơ chế chính sách, đồng chí Thái Thanh Quý đề nghị huyện Thanh Chương rà soát, kiểm tra cụ thể chính sách đặc thù đối với khu vực biên giới, nếu có đủ điều kiện, tiêu chuẩn thì triển khai thực hiện; nếu chưa có thì tổng hợp kiến nghị gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh để đề xuất Trung ương giải quyết.
Về chính sách bổ sung đối tượng bảo trợ và hạ độ tuổi hưởng chế độ đối với người cao tuổi, bên cạnh việc tiếp thu và tiếp tục kiến nghị Trung ương nghiên cứu tổng thể chính sách trong phạm vi cả nước, đồng chí Thái Thanh Quý cũng khẳng định, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đảm bảo cuộc sống cho người dân. Tuy nhiên trong khả năng cân đối nguồn lực đảm bảo để thực hiện có những khó khăn, cho nên phải thực hiện ưu tiên gia đình chính sách, người nghèo, hộ khó khăn và một số đối tượng hưởng chế độ bảo trợ xã hội, người cao tuổi.
Giải trình nhóm kiến nghị về cơ sở hạ tầng, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội đề nghị huyện Thanh Chương đưa vào kế hoạch đầu tư nhằm bố trí nguồn vốn hợp lý theo thứ tự ưu tiên để triển khai đồng bộ; đồng thời quan tâm huy động các lực lượng xử lý những vấn đề như liên quan đến hệ thống thoát nước trên một số tuyến đường, tránh ngập lụt cục bộ.
Đối với các kiến nghị liên quan đến khu tái định cư thuỷ điện Bản Vẽ, đồng chí Thái Thanh Quý cho rằng, đây là vấn đề lớn, tồn đọng khá lâu, đề nghị huyện Thanh Chương cùng với huyện Tương Dương rà soát, tổng hợp các tồn tại, hạn chế thuộc dự án thuỷ điện gửi Đoàn đại biểu Quốc hội, và trách nhiệm của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ đưa vào chương trình làm việc với UBND tỉnh và các chủ đầu tư để nghe thấu đáo các vấn đề, trên cơ sở đó kiến nghị Trung ương tháo gỡ.
Giải trình ý kiến cử tri phản ánh về vấn đề ban quản lý rừng phòng hộ cho người ngoài địa bàn vào tham gia quản lý, bảo vệ rừng mà không giao cho người dân địa phương, đồng chí Thái Thanh Quý yêu cầu huyện Thanh Chương và Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn rà soát trên phạm vi toàn tỉnh có bao nhiêu trường hợp hợp đồng giao quản lý, bảo vệ rừng cho người dân ngoài địa bàn. Xem xét ưu tiên cho người dân địa phương nếu đủ điều kiện.
Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cũng tiếp thu và giải trình về một số kiến nghị về chính sách đầu tư xây dựng nhà văn hoá ở các khối, xóm, bản thực hiện sáp nhập; xử lý các dự án chậm tiến độ trên địa bàn huyện Thanh Chương…
Theo Báo Nghệ An