Tin mới

Đề xuất giải pháp nhằm phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam trong bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu

(Mặt trận) - Chiều ngày 13/6, tại thành phố Sầm Sơn, Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học UBTƯ MTTQ Việt Nam phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội thảo phát huy vai trò MTTQ Việt Nam trong việc bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, thực trạng và giải pháp. Tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam chủ trì Hội thảo.

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến chủ trì Hội nghị triển khai công tác hỗ trợ đợt 3 đối với các địa phương bị thiệt hại do cơn bão số 3 (yagi) gây ra

Ban Vận động Cứu trợ Trung ương phân bổ đợt 3 số tiền 948 tỷ đồng hỗ trợ các tỉnh khắc phục hậu quả cơn bão số 3 (yagi)

Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trao quyết định nghỉ hưu cho các Phó Chủ tịch nhiệm kỳ 2019-2024

Quang cảnh Hội thảo 

Đồng chủ trì có bà Phạm Thị Thanh Thủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam, Trưởng ban Dân vận tỉnh Thanh Hóa; Tiến sĩ Lê Mậu Nhiệm, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học UBTƯ MTTQ Việt Nam.

Vận động người dân bảo vệ môi trường, gắn với phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng nhấn mạnh, Ngày Môi trường Thế giới 5/6/2022 được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) phát động với chủ đề “Chỉ một Trái Đất” (Only One Earth) với mục đích truyền tải ý nghĩa thông điệp cùng xây dựng lối sống bền vững, hài hòa với thiên nhiên sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua các chính sách, hoạt động hướng tới lối sống xanh hơn, sạch hơn.

Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng cho biết, năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng với việc Luật Bảo vệ môi trường chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2022. Đây là giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ trong việc bảo vệ môi trường hướng tới mục tiêu cao nhất là cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, cân bằng sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển kinh tế bền vững. Việc đặt thiên nhiên và con người vào trung tâm của công tác môi trường để nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường và tạo động lực cần thiết cho các nỗ lực toàn cầu, nhằm xây dựng hành tinh tốt hơn và xanh hơn.

“Với quyết tâm cao trong hành động, thông qua các hoạt động nhân ngày môi trường thế giới 5/6, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong cả nước đã tổ chức nhiều hoạt động Tháng hành động vì môi trường, hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm 2022 từ nay đến hết tháng 6-2022, trong đó tập trung mục tiêu đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân bảo vệ môi trường, gắn với phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn nhằm sử dụng hiệu quả và bảo tồn các nguồn tài nguyên, bền vững về môi trường, khí hậu, bảo vệ môi trường sống và sức khoẻ Nhân dân”, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng thông tin.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo.  

Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng, thời gian qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp xây dựng các chương trình, kế hoạch tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nhiệm vụ nhằm bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; tổ chức các hoạt động, các phong trào, các cuộc vận động về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu và xây dựng các mô hình điểm về bảo vệ môi trường; thực hiện chức năng giám sát xã hội, phản biện xã hội về những vấn đề liên quan đến bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; tham gia xây dựng các quy ước, hương ước của cộng đồng dân cư hướng vào công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; tổ chức hỗ trợ, thăm hỏi, tặng thiết bị, hàng hóa, đồ dùng  hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn…; phát huy vai trò của các cá nhân tiêu biểu, có uy tín trong nhân dân như: cán bộ hưu trí, trưởng tộc, chức sắc tôn giáo; biên soạn tài liệu, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao năng lực của cán bộ mặt trận trong tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Bên cạnh những mặt đạt được, công tác tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp còn có những hạn chế, tồn tại nhất định. Do vậy, trong thời gian tới, cần tiếp tục phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam các cấp tuyên truyền cho các tầng lớp nhân dân hiểu rõ về tầm quan trọng, các nhiệm vụ, giải pháp bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu đồng thời thực hiện nghiêm túc và hiệu quả việc lồng ghép nội dung bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu vào các phong trào, các cuộc vận động, trước hết là tuyên truyền, vận động, thuyết phục nhân dân tích cực hưởng ứng và thực hiện Chương trình Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường.

Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng đề nghị trong hội thảo này, các đại biểu cùng phát biểu ý kiến, chia sẻ nhiều kinh nghiệm, hoạt động thực tiễn tại địa phương, cơ quan, để từ đó làm rõ cơ sở lý luận, cơ sở thực tiễn phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam trong bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trao đổi, đề xuất phương hướng nhằm phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam trong bảo vệ môi trường

Bà Phạm Thị Thanh Thủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ, Trưởng ban Dân vận tỉnh Thanh Hóa phát biểu tại Hội thảo 

Phát biểu tại hội thảo, bà Phạm Thị Thanh Thủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ, Trưởng ban Dân vận tỉnh Thanh Hóa cũng gợi mở các đại biểu cần tập trung đánh giá thực trạng, nguyên nhân, những khó khăn, hạn chế trong công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm thực tế của MTTQ các cấp trong tuyên truyền, vận động, xây dựng các mô hình; sự phối hợp giữa chính quyền, ngành Tài nguyên và môi trường trong tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng tập trung trao đổi, đề xuất các giải pháp, phương hướng nhằm phát huy hơn nữa vai trò của MTTQ Việt Nam trong việc bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tại Hội thảo, đại biểu tham dự đã làm rõ cơ sở lý luận, cơ sở thực tiễn việc phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; đánh giá thực trạng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó chỉ rõ thành tựu, hạn chế; nguyên nhân của thành tựu, hạn chế; rút ra một số kinh nghiệm quan trọng, chỉ rõ các vấn đề đặt ra đối với phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong vấn đề này; trao đổi, đề xuất phương hướng và một số giải pháp chủ yếu nhằm phát huy vai trò vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu đến năm 2030.

Tiến sĩ Ngô Hoài Nam, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam tham gia tham luận tại hội thảo 

Tham gia tham luận tại hội thảo, TS Ngô Hoài Nam, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, trong thời gian qua, các tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam đã có nhiều sáng kiến, triển khai đạt kết quả tốt, điển hình như: Hội Phụ nữ có Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động từ năm 2009, xây dựng được nhiều mô hình sáng tạo, hiệu quả như: mô hình “Quỹ quay vòng vốn vệ sinh”, “Bếp cải tiến tiết kiệm năng lượng bảo vệ môi trường”, “Tổ phụ nữ tự quản thu gom rác thải”, “Phụ nữ và nhân dân Thủ đô không đổ rác, phế thải ra đường và nơi công cộng”...

Đoàn Thanh niên, có “Ngày thứ bảy tình nguyện”; “Ngày chủ nhật xanh”; “Thanh niên xung kích vì cuộc sống cộng động”; “Hành trình xanh”;... Hội Nông dân, có phong trào “Sạch từ nhà ra ngõ, sạch từ ngõ vào nhà”, tạo thói quen vệ sinh làng xóm thành nét văn hóa thôn quê, xây dựng các hương ước, quy ước về bảo vệ môi trường. Hội Người cao tuổi, có phong trào thi đua “Tuổi cao - gương sáng” gắn với xây dựng nông thôn mới...

Bên cạnh việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, công tác giám sát, phản biện xã hội được MTTQ Việt Nam các cấp đẩy mạnh, các kiến nghị của nhân dân được xử lý kịp thời góp phần hạn chế các hành vi gây ô nhiễm môi trường và những tác động xâm hại đến bầu khí quyền...

“Có thể khẳng định, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu đã mang lại hiệu quả thiết thực, có ý nghĩa cả hiện tại và tương lai!”, TS Ngô Hoài Nam cho biết.

Bà Trịnh Thị Quế, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) tham luận tại Hội thảo 

Tại buổi hội thảo bà Trịnh Thị Quế, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) cho rằng, MTTQ các cấp cần tập trung vào các giải pháp như: Tiếp tục tăng cường và tổ chức tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, vận động quần chúng nhân dân, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn toàn huyện; nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; ý thức trách nhiệm, chấp hành những quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, sản xuất kinh doanh tại các làng nghề, khu du lịch...

Tích cực tham gia vào phòng ngừa, đấu tranh với những vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, khai thác tài nguyên trái phép trên địa bàn huyện. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường: rà soát các quy định hiện hành để bổ sung, khắc phục các sơ hở, thiếu sót, tồn tại, bất cập trong bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tập trung giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, tăng cường đầu tư nguồn vốn đề đổi mới, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, đổi mới công nghệ sản xuất, đầu tư hệ thống thu gom xử lý nước thải sinh hoạt, giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường do nước thải công nghiệp, chăn nuôi gây ra…

Xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình cộng đồng dân cư bảo vệ môi trường

Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng cùng các đại biểu trao đổi bên lề Hội thảo 

Tiếp thu ý kiến của đại biểu tham dự Hội thảo, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng cho rằng, để phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam trong công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, Mặt trận các cấp cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trong thời kỳ mới; đồng thời tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực hưởng ứng, tham gia các hoạt động, các phong trào, các cuộc vận động về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Cùng với đó cần thuyết phục nhân dân xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình cộng đồng dân cư bảo vệ môi trường; xây dựng mới các mô hình khu dân cư phòng ngừa và ứng phó với biến đổi khí hậu; vận động nhân dân phát huy quyền làm chủ, tích cực, tự giác tham gia xây dựng và thực hiện các quy ước, hương ước của cộng đồng dân cư hướng vào công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng cũng cho rằng Mặt trận các cấp cần phát huy vai trò giám sát, phản biện đối với vấn đề xây dựng, thực thi chính sách, pháp luật về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; Biên soạn tài liệu, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao năng lực của cán bộ MTTQ Việt Nam trong tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng đề nghị thời gian tới, MTTQ Việt Nam các cấp chú trọng việc lựa chọn nội dung trọng tâm, trọng điểm để tập trung làm chuyển biến nhận thức và hành động của cán bộ và nhân dân, xây dựng các mô hình điểm, điển hình khá phong phú và sáng tạo ở các địa phương về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, thường xuyên cung cấp tài liệu, tổ chức tập huấn cho cán bộ Mặt trận, các đoàn thể các cấp, nhất là Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư đáp ứng được nhiệm vụ vận động nhân dân tích cực tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

"MTTQ Việt Nam tiếp tục xây dựng và thực hiện các chương trình phối hợp có hiệu quả với Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc thực hiện nhiệm vụ trên lĩnh vực tài nguyên và môi trường qua các giai đoạn. Ngoài ra, MTTQ Việt Nam cần coi trọng việc tổ chức kiểm tra, hướng dẫn, tiến hành sơ, tổng kết nhân rộng mô hình điểm, điển hình về bảo vệ môi trường ở các địa phương…", Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng nhấn mạnh.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản