Tin mới

Đề xuất hệ thống giải pháp đồng bộ, khả thi nhằm phát huy sức mạnh Đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời gian tới

(Mặt trận) - Ngày 20/2, tại thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra Hội thảo tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh (Nghị quyết 23). Tại Hội thảo, thay mặt Ban Chỉ đạo Trung ương, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến đã phát biểu đề dẫn nhằm nhấn mạnh đến tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc. Ban Biên tập trân trọng đăng toàn văn bài phát biểu quan trọng này.

Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trao quyết định nghỉ hưu cho các Phó Chủ tịch nhiệm kỳ 2019-2024

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến dự Lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam và Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2024 tại Học viện Tài Chính

Hội nghị trực tuyến chia sẻ kinh nghiệm công tác Mặt trận giữa UBTƯ MTTQ Việt Nam và UBTƯ Mặt trận Lào xây dựng đất nước

Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu khai mạc Hội thảo

Kính thưa đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Tổng kết Nghị quyết số 23-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX,

Kính thưa đồng chí Nguyễn Minh Triết, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam,

Kính thưa đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh,

Kính thưa đồng chí Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương Tổng kết Nghị quyết số 23-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX,

Kính thưa đồng chí Huỳnh Đảm, nguyên Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng; nguyên Ủy viên Trung ương Đảng; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo MTTQ Việt Nam, các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương; lãnh đạo TP Hồ Chí Minh, các tỉnh, thành phố; các chuyên gia, nhà khoa học và toàn thể các vị đại biểu,

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Kế hoạch của Ban Chỉ đạo Trung ương, hôm nay, tại thành phố Hồ Chí Minh, Ban Chỉ đạo Trung ương tổ chức Hội thảo tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa IX về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Thay mặt Ban chỉ đạo Trung ương, tôi nhiệt liệt chào mừng, trân trọng cảm ơn và kính chúc các đồng chí lãnh đạo, các chuyên gia, nhà khoa học, quý vị đại biểu mạnh khỏe, hạnh phúc; chúc Hội thảo thành công tốt đẹp.

Như các đồng chí đã biết, đại đoàn kết toàn dân tộc có vị trí đặc biệt quan trọng, là chủ trương nhất quán và xuyên suốt trong đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trải qua các thời kỳ cách mạng, quan điểm của Đảng ta về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng được hoàn thiện, phát triển. Đảng ta luôn xác định “đoàn kết” là giá trị cốt lõi, “đại đoàn kết toàn dân tộc” là đường lối chiến lược, là cội nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu, có ý nghĩa quyết định mọi thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Trong hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh, đại đoàn kết toàn dân tộc là một nội dung cốt lõi, là tư tưởng mang tầm chiến lược đối với sự nghiệp cách mạng của chúng ta. Quán triệt sâu sắc tư tưởng đó, Đảng ta luôn khẳng định quần chúng nhân dân là người làm chủ của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Cùng với văn kiện Đại hội Đảng từ khóa VI đến khóa XIII, quan điểm đại đoàn kết toàn dân tộc còn được khẳng định trong các nghị quyết của Trung ương Đảng như: Nghị quyết 8b, ngày 27/3/1990 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VI về đổi mới công tác quần chúng của Đảng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và Nhân dân; Nghị quyết số 07/NQ/TW, ngày 17/11/1993 của Bộ Chính trị khóa VII về đại đoàn kết dân tộc và tăng cường Mặt trận Dân tộc thống nhất; đặc biệt là Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 12/3/2003 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW và các chủ trương của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã khẳng định: “Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố; dân chủ xã hội chủ nghĩa tiếp tục được phát huy. Ban hành và thực hiện có hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật nhằm tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, vận động đông đảo nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, phát huy ngày càng tốt hơn vai trò đại diện quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân; chủ động tham gia giám sát và phản biện xã hội; làm tốt vai trò cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị, góp phần tích cực vào những thành tựu chung của đất nước”, để đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.

Quang cảnh Hội thảo

Tuy nhiên, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc có lúc, có nơi chưa được phát huy đầy đủ. Các nguồn lực, tiềm năng sáng tạo của nhân dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc chưa được khai thác hiệu quả. Nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội có mặt chưa theo kịp yêu cầu của tình hình mới; chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội còn hạn chế. Một số tổ chức cơ sở đảng, một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức chưa gương mẫu, chưa thực sự tôn trọng ý kiến, kiến nghị của nhân dân và giải quyết kịp thời các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân. Quyền làm chủ của nhân dân có lúc, có nơi còn bị vi phạm; vẫn còn biểu hiện dân chủ hình thức, dân chủ không đi đôi với kỷ cương, pháp chế XHCN; một số giai cấp, tầng lớp xã hội đã có sự phát triển, biến động so với bối cảnh khi ban hành Nghị quyết. Những điều đó đã tác động trực tiếp đến đồng thuận xã hội và việc xây dựng, củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Thời gian tới, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, nhanh chóng và khó dự báo. Ở trong nước, cùng với thời cơ, thuận lợi, tiếp tục đứng trước nhiều khó khăn, thách thức mới do hệ lụy của đại dịch COVID-19 và khủng hoảng kinh tế toàn cầu gây ra. Xu hướng già hoá dân số nhanh; tốc độ công nghiệp hoá, đô thị hoá tăng nhanh làm phát sinh các yếu tố xã hội không mong muốn; biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh ngày càng gay gắt, phức tạp... Bốn nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra vẫn còn tồn tại, có mặt còn gay gắt hơn.

Để tiếp tục thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, trong giai đoạn tới đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phải quán triệt sâu sắc, thực hiện hiệu quả hơn nữa quan điểm “khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.

Vì vậy, chúng ta phải đánh giá toàn diện, đầy đủ, thực chất những kết quả đạt được (ưu điểm, khuyết điểm, hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm) trong thực hiện chủ trương của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc nói chung, thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX nói riêng. Trên cơ sở đó, tiếp tục thống nhất chủ trương, quan điểm và đề xuất hệ thống giải pháp đồng bộ, khả thi nhằm tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa chủ trương của Đảng về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời gian tới.

Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu khai mạc Hội thảo 

Với tinh thần đó, Hội thảo chúng ta cần tập trung vào các vấn đề chủ yếu sau:

1/. Một là, nghiên cứu, thảo luận, đánh giá đúng đắn kết quả đạt được của 20 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW cả về quan điểm (4 quan điểm), mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, đồng thời chỉ ra tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và rút ra bài học kinh nghiệm

2/. Hai là, phân tích làm sâu sắc thêm tình hình 11 nhóm giai cấp, tầng lớp xã hội được ghi trong Nghị quyết, phát triển về số lượng, biến động về tư tưởng, tâm trạng xã hội như thế nào; làm rõ những thành tựu, hạn chế, nguyên nhân, những thuận lợi, khó khăn, thách thức và bài học kinh nghiệm về việc ban hành chính sách đối với từng nhóm đối tượng, cụ thể là:

a/. Về phát huy vai trò của chính quyền nhà nước trong việc thực hiện chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc: Tập trung đánh giá về kết quả, bổ sung, hoàn thiện thể chế để thực hiện dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện. Nhiệm vụ phục vụ nhân dân của các cơ quan Nhà nước. Cơ chế và các điều kiện đảm bảo để Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân phản ánh, tiếp thu ý kiến, nguyện vọng của nhân dân tham gia xây dựng, hoạch định chính sách, pháp luật; giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước và đại biểu dân cử. Các hình thức để nhân dân tham gia ý kiến vào những vấn đề quan trọng của đất nước đã phù hợp chưa.

b/. Về tình hình và kết quả thực hiện mở rộng và đa dạng hóa các hình thức tập hợp nhân dân, nâng cao vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân trong việc thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc.

Đánh giá về công tác phối hợp của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể với các cơ quan nhà nước; việc cử đại diện của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân tham gia các ủy ban, hội đồng, ban điều hành các dự án, chương trình kinh tế - xã hội có liên quan trực tiếp đến quyền lợi và trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân ở cơ sở.

c/. Về công tác chính trị, tư tưởng, nâng cao trách nhiệm công dân, tăng cường đồng thuận xã hội, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, như: Việc đa dạng các hình thức tuyên truyền, nâng cao chất lượng giáo dục truyền thống yêu nước, đề cao trách nhiệm công dân; rèn luyện của cán bộ, đảng viên giữ gìn phẩm chất; nâng cao ý thức chăm lo xây dựng khối đại đoàn kết trong Đảng và trong nhân dân; kết quả tổ chức thực hiện các phong trào thi đua yêu nước lớn.

d/. Về xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, đổi mới và nâng cao năng lực lãnh đạo đối với khối đại đoàn kết toàn dân tộc: Đánh giá kết quả thực hiện công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng; góp phần củng cố sự đoàn kết thống nhất trong toàn Đảng; cơ chế để người dân tham gia xây dựng Đảng và Nhà nước; việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng để phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân.

3/. Ba là, dự báo tình hình, thuận lợi, khó khăn, thách thức trong thời gian tới; xác định mục tiêu, quan điểm, chủ trương và giải pháp cụ thể, khả thi để phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Từ kết quả 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tổng kết thực tiễn, nâng tầm lý luận, làm sâu sắc thêm nội hàm của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đề xuất cơ chế, chính sách, giải pháp gì để thực hiện bằng được tư tưởng chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Tiền hô hậu ủng; nhất hô bá ứng; trên dưới đồng lòng; dọc ngang thông suốt, để hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước ta phát triển phồn vinh, hạnh phúc như Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định. 

Kính thưa các vị đại biểu và toàn thể các đồng chí,

Tôi tin tưởng rằng, với sự chỉ đạo sát sao và trực tiếp dự Hội thảo để lắng nghe các ý kiến của đồng chì Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư – Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương, chắc chắn Hội thảo sẽ có nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận với tinh thần khoa học, cởi mở, thẳng thắn, là cơ sở quan trọng để Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết Nghị quyết số 23-NQ/TW tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện báo cáo tổng kết; trên cơ sở đó, đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương ban hành văn bản phù hợp để lãnh đạo, tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới.

Với tinh thần đó, thay mặt các đồng chí chủ trì, tôi tuyên bố khai mạc Hội thảo khoa học Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Kính chúc đồng chí Thường trực Ban Bí thư, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, các vị đại biểu và toàn thể các đồng chí mạnh khỏe, hạnh phúc và thắng lợi.

Chúc Hội thảo của chúng ta thành công tốt đẹp.

Xin trân trọng cảm ơn!

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản