Tin mới

Doanh nghiệp và người dân cần chủ động nắm bắt cơ hội và thích ứng an toàn, linh hoạt trước đại dịch

(Mặt trận) - Chiều 19/10, tại Hà Nội, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam và Hội đồng tư vấn về Kinh tế UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Tọa đàm “Phát huy vai trò doanh nghiệp và người dân trong phục hồi kinh tế, thích ứng an toàn, linh hoạt kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Ông Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam; bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; PGS.TS Trần Đình Thiên, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về kinh tế UBTƯ MTTQ Việt Nam chủ trì Tọa đàm.

Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam thành phố Cần Thơ lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029: “Đoàn kết - Dân chủ - Sáng tạo - Phát triển“

Phát biểu của Chủ tịch Đỗ Văn Chiến tại Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Cần Thơ lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029

Cần Thơ: Khai mạc Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam điểm cấp tỉnh trên toàn quốc, nhiệm kỳ 2024-2029

Quang cảnh Tọa đàm 

Tham dự Tọa đàm có ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; thành viên Hội đồng Tư vấn của UBTƯ MTTQ Việt Nam.

Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh phát biểu tại Tọa đàm 

Phát biểu khai mạc Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cho biết: Trên cơ sở rút kinh nghiệm công tác phòng, chống dịch và căn cứ tình hình tiêm chủng vaccine của cả nước, ngày 11/10/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Nghị quyết 128 ra đời đã khẳng định bước phát triển về nhận thức, ứng phó trước đại dịch Covid-19, từ loại bỏ dịch đến thích ứng an toàn, linh hoạt, có kiểm soát dịch hiệu quả  trong tình hình mới.

Theo Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh, quan điểm của Chính phủ tại Nghị quyết này đã nhấn mạnh tới việc thực hiện mục tiêu kép, trong đó, đặt tính mạng, sức khỏe của người dân lên trước hết, đồng thời không gây ách tắc cho lưu thông, sản xuất; đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất toàn quốc, đồng thời phát huy tính chủ động, sáng tạo của chính quyền các cấp, nhất là cấp cơ sở. Các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch phải được thực hiện dứt khoát, kịp thời, quyết liệt.

“Tọa đàm hôm nay sẽ góp phần thiết thực vào việc thực hiện mục tiêu kép của đất nước trong điều kiện bình thường mới”, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh nói.

Thời điểm để chuyển sang giai đoạn phục hồi - bình thường mới

PGS.TS Trần Đình Thiên, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về kinh tế UBTƯ MTTQ Việt Nam phát biểu tại Tọa đàm 

Theo PGS.TS. Trần Đình Thiên, sự ‘vật lộn’ của cả hệ thống chính trị, với vai trò chủ công của Chính phủ, khi đồng hành cùng DN chống chịu với Covid-19 trong suốt quãng thời gian khó khăn đặc biệt vừa qua mang lại những kết quả ngày càng tích cực rõ nét.

Trước tiên phải kể đến đó là phương pháp chống dịch của Chính phủ đang đi theo đúng hướng và đang khởi động lại quá trình mở cửa nền kinh tế một cách tích cực nhưng đủ thận trọng, góp phần tạo niềm tin, củng cố động cơ để DN tích cực phục hồi mạnh hơn. Song song với đó là ý thức và nỗ lực phục hồi của DN. Đây chính là cơ sở để xác định đúng yêu cầu, tìm kiếm và lựa chọn đúng hệ giải pháp ưu tiên để sử dụng và phát huy tốt nhất nguồn lực phục hồi đang khan hiếm hiện nay.

Một điểm tựa tăng trưởng nữa đang được Chính phủ tích cực phát huy, đó chính là khu vực đầu tư nước ngoài - khu vực vẫn duy trì được sức tăng trưởng khá tốt trong bối cảnh dịch bệnh. Một tọa độ “phục hồi” đặc biệt của nền kinh tế là đẩy mạnh hơn nữa đầu tư công. Chính phủ đã nhận diện rõ vấn đề này và đã xác định đây là nhiệm vụ ưu tiên. Thủ tướng lập ra tổ công tác đặc biệt thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Đây là một giải pháp quyết liệt, đúng tinh thần đột phá.

Nêu giải pháp để bảo đảm cho nền kinh tế thị trường lưu thông thông suốt, PGS.TS. Trần Đình Thiên đề cập tới việc phải bảo đảm sự thông suốt quốc gia, phải có chế tài nghiêm khắc đối với những địa phương và cá nhân cản trở mạch lưu thông chung, cố tình trì hoãn, hoặc hiểu không đúng, hiểu lệch lạc quy định của Chính phủ; Thứ hai là phải có những chính sách, biện pháp giúp DN giảm chi phí sản xuất, giảm áp lực tài chính - miễn giảm, giãn thuế, phí, lãi suất, nợ... mà Chính phủ và hệ thống ngân hàng áp dụng khá hiệu quả lâu nay nên tiếp tục được duy trì; thậm chí, cần kéo dài thời gian và tăng mức độ hỗ trợ.

“Lúc này dòng tiền ở nhiều doanh nghiệp đã cạn kiệt, điều kiện vay vốn ngân hàng của họ rất “kém”, rất khó đáp ứng các tiêu chuẩn vay của ngân hàng trong khi nhu cầu vốn mới để phục hồi sản xuất kinh doanh lại đặt ra bức bách, thậm chí là “sinh tử”. Bây giờ là lúc chúng ta cần có cách tiếp cận mạnh dạn và can đảm để giải quyết vấn đề này. Cần thành lập sớm Quỹ bảo lãnh tín dụng từ phía nhà nước, tức là nhà nước bảo lãnh cho doanh nghiệp vay ngân hàng khi họ thiếu điều kiện được vay”, PGS.TS. Trần Đình Thiên gợi mở.

Tiến sỹ Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI phát biểu tại Tọa đàm 

Trước những khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, cộng đồng doanh nghiệp đã hết sức cố gắng để chủ động ứng phó, thích ứng linh hoạt và tiếp tục đồng hành cùng các cơ quan Nhà nước trong phòng chống đại dịch. Đồng tình trước chủ trương xây dựng chính sách, biện pháp phù hợp để phòng, chống, "thích ứng an toàn, linh hoạt", "sống chung" với dịch bệnh, Tiến sỹ Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI đưa ra một số khuyến nghị trong công tác đẩy lùi dịch bệnh, nhằm đảm bảo sự vững vàng của cả ba trụ cột y tế, kinh tế và xã hội.

Theo đó, việc thích ứng linh hoạt, an toàn của doanh nghiệp trước đại dịch cần gắn với việc trao niềm tin, sự chủ động cho các doanh nghiệp trong ứng phó dịch bệnh. Việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp duy trì sản xuất, phục hồi kinh tế cần được xác định như một nhiệm vụ quan trọng, cấp bách và quyết liệt thực hiện. Bộ Y tế cần sớm hoàn thiện, ban hành quy định về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” để doanh nghiệp trên cả nước có căn cứ xây dựng phương án tổ chức sản xuất cũng như phòng, chống dịch phù hợp.

Cho rằng cần nhìn nhận đại dịch Covid-19 như một thời cơ thực hiện đột phá trong xây dựng, hoàn thiện thể chế, ông Hoàng Quang Phòng đề nghị cần chủ động rà soát, kịp thời điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp lý và các quy định, chính sách cho phù hợp với điều kiện “bình thường mới”, nhất là những quy định pháp luật, chính sách về kinh doanh đang là rào cản, gây cản trở đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, các quy định pháp luật còn chồng chéo, mâu thuẫn, chưa thống nhất, chưa phù hợp thực tiễn, chưa vì lợi ích chung của nền kinh tế.

 Tiến sỹ khoa học Võ Đại Lược, Ủy viên Hội đồng Tư vấn về Kinh tế, UBTW MTTQ Việt Nam phát biểu tai Tọa đàm

Nêu ý kiến về vai trò của doanh nghiệp trong việc phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện hiện nay của Việt Nam, Tiến sỹ khoa học Võ Đại Lược, Ủy viên Hội đồng Tư vấn Kinh tế dẫn số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Trong 8 tháng năm 2021 đã có 70.209 doanh nghiệp rút lui khỏi thị tường; 85.500 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động. Các doanh nghiệp Việt Nam nói chung, bao gồm cả các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và tư nhân đều chịu tác động mạnh, đặc biệt là khối doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nhóm này chiếm 10% GDP và chịu tác động nặng nề nhất từ đợt dịch lần thứ tư này.

Tuy nhiên, theo ý kiến của một số chuyên gia, thủ tục phân bổ gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng của Chính phủ còn phức tạp, nên khó giải ngân cho các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam tuy đã được xem là động lực phát triển quan trọng, nhưng động lực này còn nhiều rào cản ràng buộc.

Trong điều kiện nguồn lực của Chính phủ có hạn, ông Võ Đại Lược cho rằng, nếu gia tăng các giải pháp tháo gỡ khó khăn về cơ chế chính sách, đổi mới tư duy, giải phóng cho các doanh nghiệp Việt Nam khỏi các rào cản thì có thể các doanh nghiệp sẽ có cơ hội bứt phá tốt hơn. Bên cạnh đó, những hạn chế về logistics, về tiếp thu ứng dụng công nghệ mới cũng như chính sách về vấn đề đất đai... cần được Chính phủ quan tâm hơn nữa.

 GS-TSKH Nguyễn Quang Thái, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam phát biểu tại Tọa đàm

GS-TSKH Nguyễn Quang Thái, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam cho rằng, trong điều kiện “bình thường mới”, cần chấp nhận việc làm khác bình thường, tuân thủ có điều chỉnh ít nhiều như Luật ngân sách, Luật quản lý nợ, Luật quy hoạch... Do đó, Chính Phủ cần lên phương án cụ thể và báo cáo Quốc Hội để có quyết sách nhanh nhất trong kỳ họp này từ 20/10/2021.

“Cần công khai, minh bạch để “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”, với thanh tra, kiểm tra, giám sát và đánh giá chặt chẽ. Các chính sách mới cần huy động trí tuệ của các nhà khoa học, mọi tầng lớp dân cư và toàn hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng. Công khai, minh bạch sẽ chống được khe hở cho các lợi ích nhóm thực hiện ý đồ xấu”, ông Thái nhấn mạnh.

Tiếp tục quan tâm thực hiện tốt công tác an sinh xã hội để duy trì mạch nguồn sản xuất

 Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu phát biểu tại Tọa đàm

Tiếp thu ý kiến của đại biểu tại Tọa đàm, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu khẳng định, đây là những ý kiến tâm huyết, chất lượng, tập trung vào nhiều vấn đề quan trọng, cốt lõi, có tính thời sự để nhằm mục tiêu đưa đất nước ta nhanh chóng thích nghi với bối cảnh bình thường mới do đại dịch Covid-19 gây ra, nhất là trong bối cảnh Quốc hội Khóa V chuẩn bị họp kỳ họp thứ 2 vào ngày 20/10/2021 để bàn về những vấn đề lớn, quan trọng của đất nước, các giải pháp phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội trong năm 2022 và các năm tiếp theo.

Theo Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu, ý kiến tại Tọa đàm đều nhận định, phải nhanh chóng đẩy mạnh các giải pháp thiết thực, hiệu quả, thực chất để phục hồi kinh tế; đồng thời đây cũng là cơ hội, để hệ thống chính trị, doanh nghiệp, người dân cùng thay đổi, tự làm mới mình cả về tuy duy và hành động, thích ứng để phát triển nhanh, bền vững hơn nữa trong tương lai mới với sự tồn tại không thể phủ nhận của Covid-19 và xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ và nay trở thành xu thế tất yếu bởi bối cảnh Covid-19.

Các ý kiến cũng đánh giá cao các chính sách của Chính phủ đang đi đúng hướng tập trung vào việc khởi động quá trình mở cửa nền kinh tế; tập trung các giải pháp hỗ trợ vào nhóm các doanh nghiệp; tạo điều kiện cho hoạt động của Khu vực đầu tư nước ngoài; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.

Cùng với đó, ý kiến cũng nêu rõ về các chính sách tổng thể, toàn diện và thực chất để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp duy trì sản xuất, phục hồi kinh tế, trong đó đảm bảo các yếu tố cơ bản là: tăng tính tự chủ của doanh nghiệp; đẩy mạnh các chương trình ưu tiên hàng Việt; đảm bảo sự lưu thông hàng hóa thông suốt; chính sách về tín dụng lâu dài, căn cơ chứ không chỉ trong ngắn hạn; các gói hỗ trợ trực tiếp và đủ sức mạnh để giúp doanh nghiệp có thể duy trì, phục hồi và thích ứng với bối cảnh mới…

Đặc biệt, trong các nhóm doanh nghiệp thì tập trung ưu tiên nguồn lực hỗ trợ cho khu vực kinh tế số - công nghệ cao, tức là cấu trúc hiện đại của nền kinh tế.

Cũng Theo Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu, giải pháp đưa ra để duy trì được sản xuất, các doanh nghiệp cũng cần tranh thủ, nắm bắt thời cơ để thực hiện đột phá về thể chế; loại bỏ những quy định là rào cản, chồng chéo, cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh; xây dựng, triển khai những chính sách tạo tiền đề cho chuyển đổi mô hình tăng trưởng, chuyển đổi số trong quản trị và hoạt động của Chính quyền, người dân và doanh nghiệp tạo sự đột phá trong chuỗi giá trị toàn cầu.

“Tiếp tục quan tâm thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, đây vừa là giải pháp đảm bảo an ninh - trật tự, an toàn xã hội, chăm lo đời sống cho Nhân dân, nhưng cũng đồng thời là tiền đề để tạo nguồn lao động cho quá trình phục hồi, phát triển kinh tế của đất nước. Trong đó phải tăng cường vai trò của Mặt trận, tăng cường công tác giám sát, phản biện xã hội, đẩy mạnh truyền thông, nâng cao năng lực y tế,... để huy động sự chung tay của doanh nghiệp trong đẩy lùi dịch bệnh và phục hồi kinh tế ”, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu nhấn mạnh.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản