Tin mới

Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội

(Mặt trận) - Ngày 17/6, Ban tổ chức Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương và Thành ủy Hà Nội tổ chức hội thảo khoa học quốc gia “Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị - những vấn đề lý luận và thực tiễn”. Tại Hội thảo, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu đã có bài tham luận quan trọng với nội dung "Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội".

200 căn nhà đại đoàn kết đến với hộ nghèo huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang

Gặp mặt, tri ân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ: Không bao giờ quên những người làm nên “cột mốc vàng” của lịch sử

Phát biểu của Chủ tịch Đỗ Văn Chiến tại chương trình gặp mặt, tri ân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ tại tỉnh Điện Biên

Bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương cùng các đại biểu chủ trì Hội thảo

Dự chỉ đạo và chủ trì hội nghị có bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương; ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; ông Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội… Cùng tham dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch – Tổng thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương; các đại biểu chuyên gia, nhà khoa học.

Tiến sỹ Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam tham luận tại Hội thảo

Tại hội thảo, Tiến sỹ Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam thay mặt Đảng đoàn MTTQ Việt Nam đã báo cáo đề xuất một số vấn đề nhằm đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

Trước tiên, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Lê Tiến Châu cho rằng, Đảng cần tiếp tục lãnh đạo cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tiếp tục làm rõ, sâu sắc hơn mối quan hệ Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ. Trong đó chú trọng vai trò làm chủ đại diện, như Văn kiện Đại hội XIII của Đảng là “Phát huy vai trò nòng cốt của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội để nhân dân làm chủ”.

“Hiện nay chủ trương, đường lối của Đảng đã rất rõ, nhưng chưa thể chế hóa thành các quy định của pháp luật nên hạn chế về kết quả thực hiện. Do đó, trong các Nghị quyết của Đảng đặc biệt là Nghị quyết sắp tới về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị cần nhấn mạnh yêu cầu thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm hành lang pháp lý, các điều kiện cho hoạt động của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội”, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Lê Tiến Châu nói.

Nội dung thứ hai Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Lê Tiến Châu đề cập tới là Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, lãnh đạo MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội thông qua Đảng đoàn và phân công cán bộ, Đảng viên đảm nhiệm các chức vụ chủ chốt. Tuy nhiên, tổ chức của Đảng đoàn MTTQ Việt Nam như hiện nay chưa đảm bảo lãnh đạo Ủy ban, Đoàn Chủ tịch vì Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam gồm 374 thành viên, có 48 tổ chức thành viên; Đoàn Chủ tịch có 62 vị gồm đại diện các giai tầng xã hội sinh hoạt ở nhiều tổ chức Đảng khác nhau trong phạm vi cả nước.

 Đảng đoàn MTTQ Việt Nam và Đảng đoàn các tổ chức thành viên có đảng đoàn đều do Ban Bí thư thành lập, giữa Đảng đoàn của MTTQ Việt Nam với Đảng đoàn của các tổ chức thành viên là quan hệ độc lập; nhưng đồng thời, MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên phải hiệp thương, phối hợp với nhau trong chương trình thống nhất hành động chung của MTTQ Việt Nam. Do đặc thù của sự liên minh, liên kết giữa các MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên trong MTTQ Việt Nam và yêu cầu củng cố tính bền chặt của khối đại đoàn kết toàn dân tộc đang đặt ra hiện nay, Đảng đoàn MTTQ Việt Nam cần có sự phối hợp chặt chẽ với đảng đoàn các tổ chức thành viên về mặt cơ cấu tổ chức cũng như nội dung lãnh đạo.

Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Lê Tiến Châu cho rằng cần nghiên cứu tổ chức lại Đảng đoàn MTTQ Việt Nam theo hướng do Bộ Chính trị thành lập (hiện nay là do Ban Bí thư thành lập) để đảm bảo phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ và tương xứng với vị trí, vai trò của MTTQ Việt Nam trong tình hình mới. Trong trường hợp chưa tổ chức lại Đảng đoàn MTTQ Việt Nam theo đề xuất nêu trên thì Bộ Chính trị cần quy định cụ thể về mối quan hệ công tác giữa Đảng đoàn MTTQ Việt Nam và đảng đoàn các tổ chức thành viên.

 Quang cảnh Hội thảo

Điểm thứ ba Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Lê Tiến Châu muốn đề cập là Đảng cần thực hiện tốt công tác cán bộ đối với tổ chức Mặt trận các cấp. Một trong những phương thức lãnh đạo của Đảng đối với MTTQ Việt Nam là Đảng cử những cán bộ là đảng viên tham gia vào tổ chức Mặt trận, nhất là bộ máy lãnh đạo MTTQ Việt Nam. Trong lịch sử, đã có rất nhiều cá nhân tiêu biểu trong Đảng tham gia hoạt động của MTTQ Việt Nam và có tín nhiệm cao. Điều đó thể hiện sức mạnh của Đảng, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong MTTQ Việt Nam.

Từ kinh nghiệm đó, hiện nay Đảng cần cử những cán bộ ưu tú của Đảng, có uy tín, ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội sang công tác Mặt trận. Các cấp ủy đảng cần định rõ tiêu chuẩn, điều kiện cần có của người cán bộ làm công tác Mặt trận và đoàn thể. Đảng lựa chọn những cán bộ ưu tú của Đảng, có uy tín, ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội sang công tác Mặt trận, đoàn thể.

Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Lê Tiến Châu cho rằng, cán bộ Mặt trận và các đoàn thể phải thực sự là người được Nhân dân tin yêu bởi năng lực và phẩm chất, bởi tác phong và lối sống mẫu mực. Bên cạnh đó, cần đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, luân chuyển cán bộ Mặt trận và đoàn thể. Đổi mới mạnh mẽ các khâu của công tác cán bộ, đánh giá, quy hoạch, bổ nhiệm, thực hiện chính sách cán bộ, bảo đảm chọn và sử dụng đúng cán bộ, nhất là người đứng đầu MTTQ Việt Nam, các tổ chức đoàn thể. Khắc phục căn bản tình trạng đưa cán bộ không có năng lực, phẩm chất, uy tín khó bố trí nơi khác để về cơ quan MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Cấp ủy đảng giới thiệu cho các cơ quan này bầu chọn công khai, dân chủ; không nên hạn chế việc cá nhân tự ứng cử từ phía các tổ chức thành viên.

“Các cấp ủy đảng lãnh đạo MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên thực hiện tốt công tác hiệp thương để chọn ra những đại biểu ưu tú đưa vào danh sách bầu đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp và đại biểu Quốc hội. Vì vậy, cần nghiên cứu cơ chế để nhân dân thực hiện quyền làm chủ Nhà nước của mình thông qua MTTQ Việt Nam và các tổ chức đoàn thể, không chỉ bằng giám sát, phản biện xã hội, mà còn thực hiện quyền làm chủ Nhà nước thông qua việc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với những đại biểu trong bộ máy Nhà nước, những đại biểu do Ủy ban MTTQ Việt Nam hiệp thương dân chủ đề cử”, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Lê Tiến Châu nêu rõ.

Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Lê Tiến Châu cũng nhắc tới chủ trương thí điểm Trưởng Ban dân vận đồng thời là Chủ tịch Ủy ban MTTQ được triển khai ở cấp huyện gặp nhiều khó khăn do cán bộ quá tải trong công việc, vừa phải tham mưu cho cấp ủy lãnh đạo công tác dân vận vừa phải tổ chức thực hiện các nhiệm vụ khác của công tác Mặt trận. Trong khi chất lượng đội ngũ cán bộ Mặt trận và các đoàn thể còn nhiều hạn chế nên khó có thể lựa chọn được Trưởng Ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch Ủy ban MTTQ ngang tầm nhiệm vụ. Do đó, cần khẩn trương sơ kết, đánh giá việc thực hiện chủ trương thí điểm Trưởng Ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam.

Đại biểu tham dự Hội thảo

Nội dung thứ tư Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Lê Tiến Châu muốn nhấn mạnh là cần xác định rõ nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam trong tình hình mới. Trong thời gian qua, chức năng của MTTQ Việt Nam hướng vào việc động viên xã hội đối với các tầng lớp Nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh.

Song, việc thực hiện chức năng động viên xã hội của MTTQ Việt Nam phải làm sao cho phù hợp với tính chất của tổ chức Mặt trận, một tổ chức liên minh chính trị, một tổ chức không có hội viên của riêng mình, mà chỉ có các tổ chức với hội viên và các cá nhân thành viên. Do đó, việc động viên xã hội của MTTQ Việt Nam không thể trực tiếp đến với các tầng lớp nhân dân, mà chỉ gián tiếp thông qua các tổ chức thành viên.

“Chính việc tổ chức sự động viên xã hội một cách gián tiếp đó dễ làm cho MTTQ Việt Nam trở thành một tổ chức mang tính hình thức. Từ đó, một vấn đề đặt ra là, trong điều kiện hiện nay, nhiệm vụ trọng tâm của MTTQ Việt Nam sẽ được xác định như thế nào?”, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Lê Tiến Châu trăn trở.

Tiến sỹ Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam tham luận tại Hội thảo  

Theo Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu, muốn đoàn kết được toàn dân, huy động sức mạnh của toàn xã hội, Đảng định hướng, lãnh đạo hoạt động MTTQ Việt Nam tập trung vào nhiệm vụ đại diện và bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của toàn dân, thông qua việc tham gia có hiệu quả vào quá trình xây dựng chủ trương, chính sách, bằng hoạt động giám sát và phản biện xã hội; phản ánh tâm trạng, chuyển tải nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp Nhân dân đến với Đảng, Nhà nước.

Nhắc tới nội dung cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991) đã chỉ rõ: Đảng Cộng sản Việt Nam vừa là thành viên vừa là người lãnh đạo Mặt trận; Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa VI (Nghị quyết số 08B-NQ/HNTW, ngày 27-3-1990) làm rõ: “Các cấp ủy đảng từ Trung ương đến cơ sở phải thực hiện tốt vai trò của Đảng vừa là thành viên, vừa là người lãnh đạo của Mặt trận, trình bày các chủ trương, chính sách của Đảng, lắng nghe ý kiến và cùng bàn bạc, hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động giữa các thành viên của Mặt trận, động viên phong trào hành động cách mạng rộng lớn của nhân dân”, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Lê Tiến Châu khẳng định, trải qua 92 năm xây dựng và phát triển, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, MTTQ Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh cao cả của mình, được Đảng, Nhà nước, Nhân dân và lịch sử giao phó.

Bởi vậy, kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang đó, trong giai đoạn cách mạng hiện nay, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Lê Tiến Châu cho rằng, Đảng cần nâng tầm lãnh đạo MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội bằng các nhiệm vụ cụ thể.

Trước tiên là lãnh đạo thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng thành các quy định của pháp luật, phát huy vai trò nòng cốt của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội để nhân dân làm chủ; thực hiện hiệu quả phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Cùng với đó cần đổi mới tổ chức bộ máy và công tác cán bộ để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội với tư cách là một thành tố quan trọng trong hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng (Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ); đồng thời phát huy vai trò thành viên lãnh đạo tích cực, uy tín của Đảng hóa thân vào MTTQ Việt Nam để vận động các tầng lớp Nhân dân thực hiện mục tiêu lý tưởng của Đảng vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản