|
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến tại Hội thảo
|
Chủ trì hội thảo có GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị - Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Bí thư Trung ương Đảng - Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Bí thư Trung ương Đảng - Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ; Phó giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Lê Văn Lợi.
Tham dự hội thảo còn có các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các ban, ngành trực thuộc của tỉnh Bến Tre; đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành gắn liền với hoạt động của đồng chí Huỳnh Tấn Phát, đại diện thân nhân gia đình đồng chí Huỳnh Tấn Phát, cùng các đại biểu, nhà khoa học Trung ương, địa phương; các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương.
Đồng chí Huỳnh Tấn Phát là người con ưu tú của quê hương Bến Tre Đồng khởi anh hùng. Đồng chí sinh năm 1913 trong một gia đình viên chức nghèo tại xã Châu Hưng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Đồng chí là một nhà trí thức yêu nước học cao, hiểu rộng, có uy tín lớn trong xã hội, nhất là tầng lớp trí thức. Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng đã được Đảng, Nhà nước giao giữ nhiều trọng trách quan trọng: Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận dân tộc giải phóng khu Sài Gòn-Gia Định; Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam; Phó Thủ tướng Chính phủ; Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước; Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Ghi nhận công lao to lớn của đồng chí Huỳnh Tấn Phát, Đảng và Nhà nước đã trao tặng cho đồng chí nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Sao vàng; Huân chương Đại đoàn kết dân tộc; Giải thưởng Hồ Chí Minh.
|
Đại biểu tham dự Hội thảo
|
Theo Chủ tịch Đỗ Văn Chiến, đồng chí Huỳnh Tấn Phát là người có công lao to lớn đối với đất nước nói chung, với công tác Mặt trận và sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc nói riêng, góp phần vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Thân thế, sự nghiệp và công lao của đồng chí Huỳnh Tấn Phát được khái quát trong 5 nội dung nổi bật.
Một nhà lãnh đạo mẫu mực, giàu lòng yêu nước và tinh thần lạc quan cách mạng
Trước tiên, đồng chí Huỳnh Tấn Phát được đào tạo cơ bản, là kiến trúc sư tài năng, sáng tạo, học cao, hiểu rộng, có uy tín lớn trong xã hội; là một chiến sỹ cộng sản kiên trung, bị địch bắt tù 2 năm nhưng không nao núng, ra tù tiếp tục hoạt động cách mạng trên nhiều lĩnh vực; đồng chí là một nhà lãnh đạo mẫu mực, giàu lòng yêu nước và tinh thần lạc quan cách mạng; trọn niềm tin tất thắng vào chủ nghĩa Mác Lê Nin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
“Nhiều đồng chí công tác cùng thời đồng chí Huỳnh Tấn Phát kể lại rằng, đồng chí Huỳnh Tấn Phát có gương mặt rạng ngời, nụ cười sảng khoái, thường trực trên môi, mỗi khi gặp đồng chí để báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo là mọi khó khăn đều tan hết, công việc được giải quyết mau lẹ”, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh.
Cũng theo Chủ tịch Đỗ Văn Chiến, trước yêu cầu cần thiết của cách mạng, cần phải có một tổ chức đại diện cho nhân dân, với tài năng và uy tín lớn của mình, đồng chí Huỳnh Tấn Phát được Đảng giao nhiệm vụ vận động thành lập Ủy ban Trung ương lâm thời Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Năm 1962, tại Đại hội lần thứ nhất Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam, Đồng chí được bầu làm Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký. Năm 1966, Đồng chí được cử làm Ủy viên Khu ủy Sài Gòn-Gia Định, phụ trách công tác Dân vận-Trí thức vận. Đồng chí đã thông qua tổ chức Mặt trận, vận động được nhiều trí thức yêu nước, kể cả một số nhà tiểu tư sản, giàu có, rời xa cuộc sống phồn hoa nơi phố thị để ra chiến khu tham gia kháng chiến, đóng góp công sức vào cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Điểm nổi bật thứ ba khi nhắc tới đồng chí Huỳnh Tấn Phát phải kể đến khi là Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tham dự Hội nghị 4 bên tại Paris, đồng chí Huỳnh Tấn Phát đã kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn, hiệu quả giữa ngoại giao Nhà nước với ngoại giao nhân dân, phát huy vai trò, uy tín cá nhân; phối hợp chặt chẽ với đoàn ngoại giao của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa kiên quyết, kiên trì đấu tranh đòi ngừng bắn, chấm dứt can thiệp của Mỹ, trả lại quyền tự do, dân chủ cho miền Nam Việt Nam.
Người tiên phong đổi mới tổ chức hoạt động của MTTQ Việt Nam
Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cũng nhấn mạnh tới sự kiện, tại Đại hội thống nhất các tổ chức Mặt trận họp từ ngày 31/1 đến 4/2/1977, đồng chí Huỳnh Tấn Phát được bầu làm Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Năm 1982, để tăng cường công tác Mặt trận trong tình hình mới, đồng chí Huỳnh Tấn Phát được Bộ Chính trị điều động, phân công tham gia Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đồng chí đã cùng với các đồng chí Hoàng Quốc Việt, đồng chí Xuân Thủy chỉ đạo xây dựng và trình Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 18/4/1983 của về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong tình hình mới”. Nội dung Chỉ thị đã đánh dấu nhận thức mới của Đảng về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; theo đó, Mặt trận có ba chức năng cơ bản là: tuyên truyền, giáo dục; phối hợp thống nhất hành động và phản ánh nguyện vọng, ý kiến của nhân dân, đồng thời đề ra sáu nhiệm vụ cụ thể để thực hiện ba chức năng đó. Chỉ thị số 17-CT/TW có ý nghĩa rất quan trọng đối với quá trình phát triển của Mặt trận và vẫn còn giá trị thiết thực cho đến ngày nay, được thể chế hóa trong Luật MTTQ Việt Nam, tại Điều 3 Quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ II (tháng 5/1983), đồng chí Huỳnh Tấn Phát được cử làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Giai đoạn 1983-1988 là thời kỳ MTTQ Việt Nam đẩy mạnh các hoạt động hướng về cơ sở; mạnh dạn, tích cực thử nghiệm các mô hình quản lý và phát triển kinh tế, góp phần thúc đẩy hình thành đường lối đổi mới và bước đầu thực hiện đổi mới toàn diện đất nước. Điểm nhấn của thời kỳ đồng chí Huỳnh Tấn Phát làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam là đổi mới tổ chức hoạt động của MTTQ Việt Nam bước đầu Mặt trận tiếp cận các vấn đề kinh tế - xã hội. Đúng như chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh tại Lễ kỷ niệm 56 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam: “Khi nói đổi mới tư duy cán bộ chúng ta làm công tác Mặt trận, công tác dân vận không thể nói chính trị, tư tưởng chung chung nữa mà phải tiếp cận các vấn đề kinh tế, cần có sự nhạy cảm tiếp thu các quan điểm kinh tế của Đảng từ đó vận dụng vào hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể”.
"Những tư tưởng đổi mới, tìm tòi, sáng tạo của đồng chí Huỳnh Tấn Phát góp phần rất quan trọng để Đảng họp ban hành chủ trương, Nhà nước thể chế hóa thành pháp luật quy định quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam như: MTTQ Việt Nam góp ý xây dựng Đảng, Nhà nước; MTTQ Việt Nam thực hiện giám sát, phản biện xã hội; MTTQ Việt Nam thực hiện nhiệm vụ đối ngoại nhân dân", Chủ tịch Đỗ Văn Chiến nêu rõ.
Điểm nổi bật thứ năm Chủ tịch Đỗ Văn Chiến nhắc tới là thời kỳ đồng chí Huỳnh Tấn Phát là Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu để ngày 26/3/1986, Ban Bí thư ban hành thông báo lấy ngày 18/11 hàng năm làm ngày kỷ niệm sự ra đời của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam. Hiện nay, Điều lệ MTTQ Việt Nam đã ghi rõ ngày 18 tháng 11 hàng năm là Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và là Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc.
“Ngày kỷ niệm này ngày càng thiết thực, hiệu quả, trở thành ý chí, nguyện vọng của toàn dân, gắn kết cộng đồng, lan tỏa tinh thần đoàn kết, yêu thương, gắn bó với nhau, một nhân tố tích cực, tiếp tục bồi đắp, hun đúc, bồi đắp nên truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam”, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến khẳng định.
Nhắc tới quá trình 93 năm xây dựng và phát triển của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam – Truyền thống vẻ vang của MTTQ Việt Nam ngày nay đã có 12 đồng chí vinh dự được cử giữ chức vụ Chủ tịch, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh, thân thế, sự nghiệp cách mạng của mỗi đồng chí đều gắn liền với một thời kỳ cách mạng hào hùng của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đồng chí Huỳnh Tấn Phát là Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã thể hiện rõ bản lĩnh chính trị vững vàng của người chiến sỹ cộng sản, tận trung với nước, tận hiếu với dân, đóng góp xứng đáng công sức, trí tuệ của mình vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ tổ quốc; đóng góp quan trọng vào việc củng cố, tăng cường sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc vì một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
“Là thế hệ đi sau kế tục sự nghiệp cha anh, kỷ niệm 110 năm Ngày sinh của đồng chí Huỳnh Tấn Phát, chúng tôi rất đỗi tự hào về đồng chí cố Chủ tịch MTTQ Việt Nam tài năng, sáng tạo, kiên trung, mẫu mực, ân tình, để lại dấu ấn sâu sắc về tinh thần Đại đoàn kết toàn dân tộc. Chúng tôi mãi mãi tri ân công lao của Đồng chí và nguyện học tập, noi theo tấm gương cao cả, trọn đời vì nước, vì dân của Đồng chí; nỗ lực hơn nữa, phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của MTTQ Việt Nam, xứng đáng với công lao to lớn của các đồng chí lãnh đạo tiền bối nói chung, đồng chí Huỳnh Tấn Phát nói riêng”, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến bày tỏ.
Hương Diệp - ảnh Đoàn Đại Trí