Tin mới

Giải pháp nâng cao chất lượng thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” của MTTQ Việt Nam

(Mặt trận) - Nghị quyết Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ IX đã đề ra với tinh thần đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, vận động Nhân dân đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, trong đó thúc đẩy cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Để góp phần nâng cao chất lượng cuộc vận động, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh là hết sức quan trọng. 

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến chủ trì Hội nghị triển khai công tác hỗ trợ đợt 3 đối với các địa phương bị thiệt hại do cơn bão số 3 (yagi) gây ra

Ban Vận động Cứu trợ Trung ương phân bổ đợt 3 số tiền 948 tỷ đồng hỗ trợ các tỉnh khắc phục hậu quả cơn bão số 3 (yagi)

Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trao quyết định nghỉ hưu cho các Phó Chủ tịch nhiệm kỳ 2019-2024

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tháng 1/2024. Ảnh: Quang Vinh 

Vì vậy, việc nghiên cứu thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, nhằm đưa ra các giải pháp thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh trong hệ thống Mặt trận các cấp. Kết quả nghiên cứu giúp chuẩn bị những luận cứ khoa học cho việc hoàn thiện về tổ chức thực hiện Cuộc vận động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong giai đoạn hiện nay.

Chủ trương của Đảng về xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh

Hội nghị Trung ương lần thứ bảy (khóa X) ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã nêu một cách toàn diện quan điểm của Đảng ta về xây dựng nông thôn mới, đó là sự kế thừa và phát huy những bài học kinh nghiệm lịch sử về phát huy sức mạnh toàn dân, huy động mọi nguồn lực để tạo ra sức mạnh tổng hợp xây dựng nông thôn mới.

Đại hội XIII của Đảng đề ra những chủ trương lớn, tạo ra sự chuyển đổi mang tính cách mạng về tư duy trong nông nghiệp. Để tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được, nhất là nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân về các chủ trương của Đảng trong xây dựng nông thôn mới theo hướng “toàn diện, nâng cao và bền vững”, đổi mới cách tiếp cận, tư duy mới trong phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới với nguyên tắc “Cơ cấu lại nền nông nghiệp là động lực, nông thôn mới là nền tảng, nông dân là chủ thể”, hướng đến xây dựng “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân thông minh”1.

Nghị quyết số 19-NQ/TW, về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu: Nông thôn phát triển toàn diện, có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, cơ cấu kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, môi trường sống an toàn, lành mạnh, giàu bản sắc văn hoá dân tộc... Phát huy quyền làm chủ của người dân ở cơ sở, tạo điều kiện để người dân tích cực tham gia các hoạt động giám sát, phản biện xã hội, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Phát huy vai trò, tạo điều kiện cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức cộng đồng dân cư tham gia phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ: “Tăng cường vai trò nòng cốt chính trị, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tập hợp, vận động nhân dân đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, đẩy mạnh cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", thực hành dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội”. Vì vậy, thông qua cuộc vận động và các phong trào thi đua nhằm phát huy vai trò làm chủ, tính sáng tạo, tự quản của người dân, qua đó tạo sự gắn kết, đồng thuận trong Nhân dân nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội đã đề ra2.

Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 15/12/2016 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, trong đó nhiệm vụ trọng tâm được xác định đó là: Đẩy mạnh tuyên truyền nhằm phát huy sức mạnh toàn dân thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; đổi mới nội dung, phương thức chia sẻ thông tin, phát huy tính chủ động, sáng tạo, vai trò tự quản của người dân trong thực hiện Cuộc vận động; đổi mới việc phối hợp thống nhất hành động giữa các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; thực hiện có hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội; tập trung xây dựng và nhân rộng các mô hình tự quản của khu dân cư...

Xác định được tầm quan trọng của nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh với trách nhiệm đoàn kết, tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tích cực tuyên truyền cho Nhân dân hiểu về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, từ đó vận động Nhân dân tham gia, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Nghị quyết Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ IX đề ra với tinh thần đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của Nhân dân, trong đó xác định: Tăng cường vai trò nòng cốt chính trị, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tập hợp, vận động Nhân dân đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, đẩy mạnh các cuộc vận động, phong trào thi đua, trong đó thúc đẩy cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", thực hành dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội.

Cùng với việc thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân và nông thôn (nay là Nghị quyết 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045); Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trong từng giai đoạn được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cụ thể hoá thông qua các cuộc vận động, các phong trào thi đua triển khai đến các địa phương trong cả nước.

Thông qua các hoạt động cụ thể, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên đã tích cực vận động Nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới, góp phần thiết thực vào kết quả giai đoạn đầu của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, ở khu vực đô thị, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng các tổ chức thành viên đã vận động Nhân dân xây dựng khu phố, phường, thị trấn văn minh với các nội dung thiết thực như: xây dựng tuyến phố tự quản, khu phố đảm bảo trật tự an ninh, khu phố thực hiện tốt công tác cảm hóa, giáo dục người lầm lỗi tại cộng đồng, khu phố văn minh, tuyến phố xanh, sạch, đẹp… góp phần cùng chính quyền và các ngành chức năng thực hiện nhiệm vụ xây dựng đô thị phát triển, văn minh, hiện đại.

Việc tổ chức thực hiện Cuộc vận động thể hiện sự đổi mới về phương thức tổ chức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân.

Để tạo cơ chế thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh thông qua cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, Đảng đoàn, Ban Thường trực đã đề xuất Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” (Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 15/12/2016 của Ban Bí thư Trung ương đảng khóa XII), trong đó chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền phối hợp triển khai đồng bộ có hiệu quả Cuộc vận động; Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Chính phủ ký Nghị quyết liên tịch về phối hợp thực hiện giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh (Nghị quyết liên tịch số 88/NQLT/CP- ĐCTUBTWMTTQVN ngày 7/10/2016) làm cơ sở pháp lý quan trọng trong việc triển khai thực hiện Cuộc vận động trên phạm vi cả nước.

Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Lễ Ký kết Chương trình phối hợp thực hiện nhiệm vụ xây dựng và phát triển nông nghiệp, nông thôn, tháng 3/2023. Ảnh: Quang Vinh 

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã động viên, khơi dậy trong các tầng lớp nhân dân đoàn kết tham gia phát triển kinh tế, tích cực giúp nhau giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống, khuyến khích Nhân dân làm giàu chính đáng

Thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp vận động Nhân dân giúp nhau phát triển kinh tế; vận động các nguồn lực xây dựng nông thôn mới, nêu cao tinh thần, trách nhiệm của mỗi người dân trong cộng đồng. Điểm nổi bật trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới đó là Mặt trận Tổ quốc các cấp tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia hiến đất, hiến công để xây dựng giao thông nông thôn và các công trình dân sinh ở nông thôn.

Giai đoạn 2016 - 2022, Nhân dân đã tự nguyện hiến hơn 27,5 triệu m2 đất để làm đường, công trình dân sinh; các địa phương đã huy động được hàng trăm tỉ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu ở nông thôn. Công tác giám sát xã hội xây dựng nông thôn mới bước đầu thực hiện có hiệu quả, nhất là giám sát thông qua đánh giá sự hài lòng của người dân về xây dựng nông thôn mới, giám sát các nguồn lực, giám sát thực hiện tiêu chí xây dựng nông thôn... đã phát huy tinh thần dân chủ trong xây dựng nông thôn mới, góp phần nâng cao chất lượng, đảm bảo tính bền vững trong xây dựng nông thôn mới trong thời gian qua.

Thông qua việc tổ chức lấy ý kiến sự hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng nông thôn mới đã thể hiện vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng”. Với những kết quả đã đạt được của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia xây dựng nông thôn mới đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”.

Tính đến tháng 12/2022, cả nước có 6.022/8.177 xã (73,65%) đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 1.331 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (tăng 340 xã so với cuối năm 2022) và 176 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; bình quân cả nước đạt 16,9 tiêu chí/xã; có 263 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 8 đơn vị so với cuối năm 2022; 19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới3, trong đó có 5 tỉnh4 đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững và công tác an sinh xã hội thông qua Quỹ “Vì người nghèo” mang lại những kết quả thiết thực. Tính từ năm 2016 - 2022, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã vận động ủng hộ cho Quỹ “Vì người nghèo” và an sinh xã hội được trên 34.384 tỷ đồng, trong đó Quỹ “Vì người nghèo” vận động được trên 7.828 tỷ đồng, thực hiện an sinh xã hội được trên 26.556 tỷ đồng. Từ nguồn lực vận động được cùng với hỗ trợ của ngân sách nhà nước và trợ giúp của cộng đồng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã hỗ trợ người nghèo xây dựng và sửa chữa được 239.536 căn nhà Đại đoàn kết; hỗ trợ trên 7,5 triệu lượt người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được khám, chữa bệnh.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tuyên truyền, vận động Nhân dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, chăm lo sự nghiệp giáo dục, chăm sóc sức khỏe Nhân dân; phát huy truyền thống tương thân, tương ái

Cuộc vận động xây dựng nông thôn mới đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ nhận thức của cán bộ và Nhân dân trong xây dựng đạo đức, lối sống gắn với việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tạo môi trường văn hóa lành mạnh ở mỗi cộng đồng dân cư, góp phần giữ gìn thuần phong mỹ tục, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Toàn quốc hiện có 6.102/11.027 xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa (55,3%). Phong trào xây dựng xã hội học tập được phát triển mạnh, các mô hình “Gia đình, dòng họ hiếu học”, “Quỹ khuyến học, khuyến tài” đã được nhân rộng ở nhiều địa phương, qua đó đã giúp cho nhiều trẻ em có cơ hội đến trường, tỷ lệ phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở ngày càng cao ở địa bàn nông thôn.

Công tác chăm sóc sức khoẻ cho Nhân dân luôn được quan tâm thực hiện, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tập trung tuyên truyền, vận động người dân giữ gìn, chăm sóc sức khoẻ; phòng và chống dịch bệnh. Vận động Nhân dân tham gia bảo hiểm y tế, hỗ trợ các hộ cận nghèo mua bảo hiểm y tế, góp phần nâng tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế, năm 2022 trung bình đạt trên 90,2%.

Đặc biệt, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ra Lời kêu gọi "Toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19" và “Toàn dân đoàn kết, ra sức phòng, chống dịch bệnh Covid-19”, chỉ đạo tổ chức tiếp nhận và phân bổ nguồn lực ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên đã chủ động vào cuộc, tích cực tuyên truyền, vận động và giám sát công tác phòng, chống dịch từ cơ sở, phát huy hiệu quả vai trò của các “Tổ Covid cộng đồng” với tinh thần “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, vận động, huy động sự vào cuộc của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia phòng, chống đại dịch Covid-19.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu

Phong trào "Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường” đã được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp triển khai thực hiện đến địa bàn khu dân cư trong cả nước với nhiều nội dung, hình thức phong phú, đa dạng... Các mô hình bảo vệ môi trường tiếp tục được triển khai và nhân rộng như “Khu dân cư tự quản môi trường”, “Ngày Chủ nhật xanh - sạch - đẹp”, “Khu dân cư thực hiện hài hoà xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường”; vận động Nhân dân tích cực, tự giác tham gia xây dựng và thực hiện các quy ước, hương ước của cộng đồng dân cư về công tác bảo vệ môi trường...

Giai đoạn 2017 - 2022, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã hỗ trợ 54/63 tỉnh, thành phố triển khai xây dựng mới, duy trì, nhân rộng 360 mô hình điểm bảo vệ môi trường, từ các mô hình điểm, đến nay các tỉnh, thành phố đã xây dựng mới, duy trì và nhân rộng được 42.626 mô hình trong toàn quốc.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp vận động Nhân dân chấp hành pháp luật, đảm bảo trật tự an toàn xã hội

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã tích cực tuyên truyền, vận động và triển khai phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, bảo vệ an ninh biên giới quốc gia, thực hiện công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội. Quá trình thực hiện đã được cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch, đề án để triển khai thực hiện.

Nhiều mô hình về đảm bảo an ninh trật tự đã được áp dụng và nhân rộng ở nhiều nơi như: mô hình “Khu dân cư an toàn lành mạnh”, “Khu dân cư không có tội phạm, tệ nạn xã hội”, “Tiếng kẻng an ninh”, “Hàng rào an ninh”, “Tổ liên gia”, “Tổ tự quản”, “Dòng họ an toàn”, “Câu lạc bộ phòng, chống tội phạm”, “Tổ an ninh nhân dân”, “Đội dân phòng”, “Nhóm nòng cốt”, “Xứ đạo bình yên, gia đình văn hóa”, “Khu dân cư lành mạnh không có tội phạm, ma túy”... đã góp phần giữ vững an ninh trật tự ở nhiều địa phương.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tuyên truyền, vận động Nhân dân phát huy dân chủ, tích cực tham gia giám sát góp phần xây dựng hệ thống chính trị cơ sở trong sạch vững mạnh

Thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW của Bộ Chính trị về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội. Trong thời gian qua, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã tập trung tổ chức nhiều hoạt động giám sát trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Nội dung giám sát tập trung vào những vấn đề thiết thực, liên quan đời sống, việc làm của người dân nông thôn như: thực hiện chính sách, chế độ bồi thường, giải phóng mặt bằng; bố trí tái định cư và tạm cư cho người dân có nhà, đất bị thu hồi; thực hiện các quy định về công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân ở địa bàn nông thôn; giám sát việc thực hiện chế độ chính sách đối với hộ nghèo; giám sát thực hiện các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19...

Riêng về lĩnh vực giám sát xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2016 - 2021, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã tổ chức giám sát được 98.420 cuộc (trong đó cấp tỉnh 2.308 cuộc; cấp huyện 12.256 cuộc; cấp xã 83.856 cuộc). Thông qua các hoạt động giám sát đã cùng với Chính phủ thực hiện có hiệu quả các chế độ, chính sách đối với công tác giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được cũng còn những tồn tại, hạn chế như: Công tác tuyên truyền, vận động chưa đủ mạnh, chưa đổi mới về nội dung và hình thức, vì vậy chưa tác động mạnh mẽ đến nhận thức của một số cán bộ và người dân về ý nghĩa cũng như hiệu quả của Cuộc vận động đã mang lại. Cuộc vận động tuy đã được cấp ủy, chính quyền quan tâm, phối hợp trong việc triển khai thực hiện giữa Mặt trận Tổ quốc và các ban, ngành, song hiệu quả chưa cao, nhất là ở cấp cơ sở và địa bàn dân cư.

Giải pháp nâng cao chất lượng thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Về nâng cao nhận thức thực hiện chất lượng, hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”

Giải pháp quan trọng hàng đầu là nâng cao vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng, nhận thức của các cấp chính quyền về vị trí, vai trò của công tác Mặt trận, đặc biệt đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp cơ sở trong thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước. Để thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động, trước hết phải có sự nhận thức từ cấp ủy, các cơ quan quản lý nhà nước về nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể và toàn xã hội trong thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, vận động, giám sát, phản biện xã hội về lĩnh vực nông thôn mới, đô thị văn minh, qua đó thấy được sự cần thiết nâng cao chất lượng Cuộc vận động và vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong triển khai thực hiện Cuộc vận động.

Làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức của người dân về ý nghĩa và tầm quan trọng của nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, bởi lẽ trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh người dân vừa là người làm vừa là người thụ hưởng. Do vậy, tuyên truyền, vận động để người dân tích cực tham gia đóng góp công sức xây dựng nông thôn mới một cách tự nguyện vì lợi ích và trách nhiệm trong việc xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh thông qua thực hiện Cuộc vận động.

Các cấp chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên phát huy dân chủ, tạo điều kiện để Nhân dân tự quản, tự bàn bạc quyết định Chương trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh ở địa phương. Tích cực tăng cường tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức, nội dung phong phú để người dân nâng cao ý thức, tự giác tham gia thực hiện Cuộc vận động tại địa phương, cơ sở.

Về nâng cao năng lực của chủ thể thực hiện Cuộc vận động

Đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đáp ứng yêu cầu chức năng, nhiệm vụ trong thời gian tới, đòi hỏi công tác tổ chức cán bộ của cơ quan Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong giai đoạn hiện nay cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các khâu trong công tác cán bộ, tạo chuyển biến căn bản để xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất đạo đức cách mạng, có trình độ, năng lực đảm bảo công việc hoàn thành nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, đổi mới, hoàn thiện chế độ chính sách đối với cán bộ chuyên trách Mặt trận các cấp và đội ngũ cộng tác viên. Đây là giải pháp then chốt vì có cán bộ tốt thì mới có bộ máy tốt và thường xuyên năng động, sáng tạo tìm tòi đổi mới phương thức hoạt động sát thực, hiệu quả.

Nâng cao năng lực cán bộ Mặt trận ở cơ sở và lực lượng nòng cốt trong triển khai thực hiện Cuộc vận động. Cùng với hoạt động Ban Công tác Mặt trận ở các khu dân cư - tổ chức gần dân và sát dân nhất, đó là cầu nối quan trọng để tuyên truyền, vận động đưa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nông thôn mới, đô thị văn minh đến với người dân, tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh tại cộng đồng, do vậy, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở cơ sở chủ trì tổ chức thực hiện Cuộc vận động với sự tham gia của các tổ chức đoàn thể và Nhân dân. Với chức năng, nhiệm vụ của mình, cán bộ Mặt trận cơ sở tham gia trực tiếp tổ chức các hoạt động để kết nối Nhân dân và giải thích để Nhân dân thấy được lợi ích và tích cực tham gia thực hiện xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Đổi mới phương pháp, hình thức tập huấn cho cán bộ Mặt trận chuyên trách theo hướng tổ chức các lớp tập huấn chuyên đề chuyên sâu về kỹ năng, nghiệp vụ công tác Mặt trận. Có hình thức để tổ chức trao đổi kinh nghiệm, trao đổi các mô hình hay giữa các địa phương. Muốn nâng cao chất lượng nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh ở cơ sở, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, huyện cần khảo sát thực tiễn, xây dựng kế hoạch để tổ chức hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ Mặt trận các cấp, nhất là cấp cơ sở và Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư để thực hiện nhiệm vụ theo quy định.

Về công tác phối hợp trong thực hiện Cuộc vận động

Trên cơ sở Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 và tiêu chí đô thị văn minh, hàng năm cần lựa chọn nội dung, chủ đề phù hợp để xây dựng Chương trình phối hợp thông qua Cuộc vận động, các nhiệm vụ cần tập trung phối hợp nâng cao hiệu quả đó là: (1) Phối hợp hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo để đảm bảo các tiêu chí về nhà ở trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh - đây là một trong những tiêu chí khó thực hiện, cần phải được sự hỗ trợ từ nhà nước và nguồn xã hội hóa từ hoạt động an sinh xã hội; (2) Phối hợp trong hoạt động giám sát việc công nhận các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh khi hoàn thiện hồ sơ đề nghị xét công nhận đơn vị đạt chuẩn và sau khi đạt chuẩn để đảm bảo tính thực chất và bền vững trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Ngoài ra, chính quyền cần tạo điều kiện, cơ chế để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động.

Hàng năm, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp, hiệp thương với Trung ương các tổ chức chính trị - xã hội để hướng dẫn trong hệ thống Mặt trận về việc triển khai thực hiện Cuộc vận động theo Thông tri số 25/TTr-MTTW-BTT ngày 25/2/2022 của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về hướng dẫn thực hiện Cuộc vận động giai đoạn 2021 - 2025. Cần xác định nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm hàng năm để tổ chức triển khai thực hiện Cuộc vận động.

Đối với mỗi nội dung, mỗi phần việc do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên đảm nhiệm cần có mô hình và kết quả cụ thể. Do vậy, để nâng cao chất lượng thực hiện Cuộc vận động, cần thiết phải thành lập nhóm liên ngành; xây dựng quy chế hoạt động; quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức; định kỳ họp nhóm và thông tin trao đổi kết quả thực hiện, có như vậy mới phát huy được thế mạnh của từng tổ chức và hạn chế được sự chồng chéo về nội dung trong quá trình tổ chức thực hiện.

Về đổi mới nội dung, phương thức tổ chức thực hiện Cuộc vận động

Đổi mới nội dung Cuộc vận động

Trên cơ sở các nội dung của Cuộc vận động, với 5 nội dung toàn diện, từ những vấn đề thực tiễn đang đặt ra, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần lựa chọn những vấn đề trọng tâm làm chủ đề thực hiện, thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong triển khai thực hiện Cuộc vận động; đó là những vấn đề bức thiết, những vấn đề địa phương và cả nước đang quan tâm:

(1) Chủ trì xây dựng và phát động trong toàn quốc cuộc vận động “Toàn dân bảo vệ môi trường” nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong vấn đề bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu gắn với thực hiện Cuộc vận động.

(2) Xây dựng mô hình khu dân cư đoàn kết, đồng thuận; an ninh, an toàn, ấm no, hạnh phúc tạo sức mạnh nội lực ngay từ mỗi gia đình, mỗi khu dân cư.

(3) Phát động phong trào thi đua xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người nghèo trong cả nước; nâng cao hiệu quả thực hiện công tác giảm nghèo bền vững, có mục tiêu, trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và sự phối hợp tham gia của chính quyền và các tổ chức đoàn thể.

(4) Đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Nâng cao chất lượng tổ chức lấy ý kiến của người dân về kết quả xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh (hình thức giám sát trực tiếp của người dân).

(5) Nâng cao hiệu quả công tác phản biện xã hội về xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Đổi mới phương thức tổ chức thực hiện Cuộc vận động

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp triển khai thực hiện Cuộc vận động thông qua các phương thức cơ bản sau:

(1) Xây dựng hệ thống văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện Cuộc vận động.

(2) Phối hợp với chính quyền trong tổ chức triển khai thực hiện Cuộc vận động gắn với các phong trào thi đua ở cộng đồng dân cư.

(3) Hiệp thương, phối hợp, phân công trách nhiệm tổ chức thực hiện Cuộc vận động.

(4) Xây dựng các mô hình trong triển khai thực hiện Cuộc vận động.

(5) Lồng ghép Cuộc vận động với các phong trào thi đua yêu nước ở cơ sở, địa bàn dân cư; tăng cường nguồn lực trong tổ chức thực hiện Cuộc vận động, tránh sự chồng chéo.

(6) Nâng cao chất lượng Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư. Thông qua Ngày hội để đánh giá, sơ kết kết quả thực hiện Cuộc vận động; kết hợp tổ chức công bố, công nhận các danh hiệu của khu dân cư (nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, đô thị văn minh...); tôn vinh gia đình văn hóa, dòng họ hiếu học, các gương nghị lực vươn lên vượt khó, các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp cho cộng đồng.

Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đã được triển khai rộng khắp, có sức lan toả trong toàn quốc, đồng thời có ý nghĩa quan trọng trong đời sống Nhân dân, gắn liền với việc nâng cao vị thế, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc các cấp theo phương châm đưa công tác Mặt trận về với địa bàn khu dân cư. Qua triển khai thực hiện, Cuộc vận động đã đem lại hiệu quả thiết thực trên nhiều mặt của đời sống xã hội, thể hiện tính đúng đắn trong chủ trương của Đảng, được đông đảo các tầng lớp nhân dân hưởng ứng và tham gia tích cực. Cuộc vận động đã được các cấp chính quyền, ban, ngành, đoàn thể quan tâm hưởng ứng và thường xuyên phối hợp với Mặt trận Tổ quốc đã tạo nên sự thống nhất giữa ý Đảng, lòng Dân, tạo nên sự đồng thuận trong xã hội, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân.

Để nâng cao chất lượng hiệu quả công tác xây dựng nông thôn mới, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần có sự chỉ đạo tập trung, sâu sát, cụ thể, thường xuyên mở rộng và nâng cao chất lượng Cuộc vận động đến từng cơ sở, địa bàn dân cư trên cơ sở cụ thể hóa các nội dung của thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Các giải pháp đưa ra nhằm mục đích nâng cao chất lượng, hiệu quả Cuộc vận động trong thời gian tới, đồng thời khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình tổ chức thực hiện trong thời gian qua. Nâng cao chất lượng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” phải đảm bảo theo hướng thiết thực, hiệu quả, hướng mạnh về cơ sở để đông đảo người dân tham gia, thực sự là chủ thể thực hiện.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với chính quyền đề xuất, tiếp tục triển khai, duy trì Cuộc vận động, làm tốt công tác tôn vinh, khen thưởng các tổ chức, cá nhân tiêu biểu, điển hình; tích cực phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng mô hình hay, cách làm tốt. Hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách về thi đua, khen thưởng; tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ nhằm thúc đẩy mạnh mẽ Cuộc vận động nói riêng và các phong trào thi đua yêu nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân.

Chú thích:

1,2.  Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021.

3.  Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, Ninh Bình, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ, Bạc Liêu, Trà Vinh.

4.  Nam Định, Đồng Nai, Hà Nam, Hưng Yên và Hải Dương.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản