Tin mới

Giải pháp nhằm nâng cao vai trò, chất lượng hoạt động của Ban Công tác Mặt trận khu dân cư trong giai đoạn mới

(Mặt trận) - Trong quá trình hình thành và phát triển, hoạt động của các Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư đã góp phần to lớn trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn dân cư... tạo nên sức mạnh tổng hợp, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Đây cũng là cầu nối quan trọng trong việc vận động, tuyên truyền những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến mọi tầng lớp nhân dân.

Đại đoàn kết dân tộc - Động lực chủ yếu phát huy sức mạnh Nhân dân trong giai đoạn hiện nay

Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam tỉnh Bạc Liêu lần thứ XI: "Đoàn kết - Dân chủ - Sáng tạo - Phát triển"

Phó Chủ tịch Hoàng Công Thủy tiếp nhận hỗ trợ số tiền 1,8 tỷ đồng cho người nghèo tỉnh Điện Biên

Hội nghị biểu dương Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và Trưởng ban công tác Mặt trận tiêu biểu toàn quốc giai đoạn 2017-2022 

Ban Công tác Mặt trận khu dân cư đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động xã hội điển hình như: Phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”; cuộc vận động “Toàn xây đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; phong trào “Đoàn kết sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, hội nhập quốc tế”; phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở, gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Xây dựng người cán bộ Mặt trận gần dân, trọng dân, lắng nghe ý kiến nhân dân, thực hiện tốt nội dung “Rèn luyện tư cách người cán bộ Mặt trận”…

Trong phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Ban Công tác Mặt trận thường xuyên phát động nhân dân trong khu dân cư tham gia quét dọn, thu gom rác thải, phát quang cây bụi ven đường, khơi thông cống rãnh, vệ sinh đường làng, ngõ xóm gắn với các mô hình “Ngày thứ bẩy tình nguyện”, “Ngày chủ nhật xanh”, mô hình “Sạch đường, sáng ngõ, sạch đồng”, mô hình đoạn đường tự quản... vận động nhân dân hiến đất làm đường, các công trình công cộng, trồng hoa dọc các trục đường liên thôn, khuôn viên các nhà văn hóa, xây dựng cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp...

Những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai

 Hội nghị biểu dương Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và Trưởng ban công tác Mặt trận tiêu biểu toàn quốc giai đoạn 2017-2022  

Trong quá trình triển khai, vẫn còn một bộ phận cán bộ của các ngành, các cấp và cả cán bộ Mặt trận chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò, trách nhiệm của Mặt trận. Từ chưa nhận thức rõ vị trí, vai trò, trách nhiệm của Ban Công tác Mặt trận chưa rõ, chưa nổi và thiếu chiều sâu, sức thuyết phục nhân dân chưa cao. Nhiều nơi chưa chủ động xây dựng được chương trình, kế hoạch công tác hằng năm, quý, tháng; chưa thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ; chưa phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên Ban Công tác Mặt trận phụ trách các khu vực, số hộ dân, chưa trực tiếp tuyên truyền vận động đến từng gia đình, người dân. Vì thế, không ít Ban Công tác Mặt trận chưa thực hiện tốt công tác trực tiếp tuyên truyền, vận động nhân dân. Công tác tuyên truyền, vận động chưa có chiều sâu, còn mang tính chung chung, hình thức; công tác nắm bắt tình hình nhân dân có lúc, có nơi chưa kịp thời, chưa sát dân, gần dân.

Nội dung, phương thức hoạt động một số Ban công tác Mặt trận chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, hoạt động còn biểu hiện hành chính hóa, công tác tuyên truyền vận động chưa đi vào chiều sâu, các phong trào còn dàn trải, sự phối hợp hoạt động giữa MTTQ và các đoàn thể nhân dân và các đoàn thể với nhau chưa chặt chẽ thiếu đồng bộ, đôi khi còn chồng chéo...

Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư có khối lượng công việc lớn song hiện nay Trưởng ban Công tác Mặt trận kiêm nhiệm nhiều chức danh (Bí thư chi bộ, Tổ trưởng Tổ dân vận, Tổ trưởng Tổ hòa giải...), chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn nhiều tổ chức, khối lượng công việc nhiều. Mặt khác, nhiều người coi công việc tham gia hoạt động xã hội chỉ là phần phụ, còn chính yếu phải lao động, sản xuất, phát triển kinh tế, công việc gia đình, nên việc giành thời gian, trí tuệ, công sức cho công tác mặt trận có lúc, có nơi còn hạn chế.

Công tác giám sát chỉ dừng lại ở mức độ “theo dõi - phát hiện”, nội dung kiến nghị còn chung chung, chưa cụ thể, chưa theo sát việc giải quyết của các cơ quan liên quan đến nội dung đã kiến nghị, nên hiệu quả công tác giám sát chưa cao. Hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng một số nơi chưa được phát huy.

Chế độ sinh hoạt phí đối với Trưởng Ban công tác Mặt trận còn thấp, chưa phù hợp từ đó không khuyến khích được Trưởng ban tích cực học tập, nghiên cứu để nâng cao trình độ, năng lực, nhiệt huyết công tác, thậm chí kinh phí hoạt động cho Ban Công tác Mặt trận ở một số địa phương chưa được quan tâm. Nhiều người làm công tác Mặt trận cho rằng, nguồn kinh phí cho hoạt động của Ban Công tác Mặt trận là hoàn toàn không có, phụ cấp của Trưởng ban quá thấp đang là hạn chế lớn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Ban Công tác Mặt trận khu dân cư là những người gần dân, thường xuyên tiếp xúc và giải quyết các vấn đề ở khu dân cư, lắng nghe các ý kiến nhân dân để phản ánh kịp thời với chính quyền địa phương. Vì vậy, đòi hỏi đội ngũ cán bộ làm công tác Mặt trận cơ sở ngoài tinh thần nhiệt tình, trách nhiệm còn cần phải có những kiến thức, năng lực trình độ nhất định. Tuy nhiên, trình độ học vấn, chính trị, kiến thức về kinh tế - xã hội, luật pháp và năng lực phối hợp công tác của Ban Công tác Mặt trận cũng như của Trưởng ban Ban Công tác Mặt trận còn hạn chế, dẫn đến hiệu quả phối hợp, vận động quần chúng nhân dân trên một số lĩnh vực chưa đạt yêu cầu.

Theo nhiều cán bộ làm công tác Mặt trận, một trong những nguyên nhân của những hạn chế, khó khăn là do thôn, bản, tổ dân phố, khu dân cư không phải là một cấp hành chính mà là một tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư; điều kiện, phương tiện làm việc của cán bộ khu dân cư còn gặp rất nhiều khó khăn.

Nguyên nhân của những hạn chế còn đến từ sự quan tâm lãnh đạo của cấp ủy Đảng, tạo điều kiện hỗ trợ của chính quyền các cấp và cơ chế phối hợp thống nhất hành động thiếu tính ràng buộc. Công tác tham mưu cho chi ủy, chi bộ lãnh đạo việc xây dựng và thực hiện chương trình phối hợp thống nhất hành động ở một số nơi còn chung chung, thiếu cụ thể, chưa chủ động.

Những hạn chế này đòi hỏi cần phải có những giải pháp từng bước khắc phục để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới của Ban Công tác Mặt trận trong những nhiệm kỳ tiếp theo.

Những giải pháp đồng bộ, hiệu quả

Hội nghị biểu dương Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và Trưởng ban công tác Mặt trận tiêu biểu toàn quốc giai đoạn 2017-2022   

Trong thời gian tới nhằm tiếp tục nâng cao vai trò, chất lượng hoạt động của Ban Công tác Mặt trận khu dân cư cần thực hiện đồng bộ những giải pháp sau:

Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với cán bộ Ban công tác Mặt trận

Cán bộ và công tác cán bộ là khâu then chốt, có ý nghĩa quyết định đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể nhân dân. Cấp ủy chi bộ cần quan tâm đối với công tác cán bộ Mặt trận, ưu tiên lựa chọn cán bộ Mặt trận tham gia cấp ủy chi bộ vì công tác cán bộ là khâu then chốt có ý nghĩa quyết định đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của Mặt trận. Do vậy cần tranh thủ và tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng đối với công tác cán bộ Mặt trận và hoạt động của Ban Công tác Mặt trận. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém” và “huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”.

Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, trong giai đoạn hiện nay đã có nhiều Trưởng ban Ban Công tác Mặt trận giữ chức vụ lãnh đạo Đảng cấp cơ sở, trong đó không ít giữ chức vụ Bí thư chi bộ. Mô hình tổ chức Bí thư chi bộ kiêm Trưởng ban Công tác Mặt trận khu dân cư góp phần tinh gọn bộ máy tổ chức địa phương và mang lại hiệu quả đáng ghi nhận trong công tác tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách, chủ trương của Nhà nước đến nhân dân. Bí thư chi bộ sẽ hiểu rõ được đường lối của Đảng, chính sách, chủ trương của Nhà nước trong các giai đoạn; do đó, khi thực hiện vai trò của Trưởng ban Ban Công tác Mặt trận để tuyên truyền đến người dân họ sẽ triển khai công tác này đúng trọng tâm, trọng điểm hơn. Đồng thời, là người trực tiếp tiếp xúc nên Trưởng ban Ban Công tác Mặt trận sẽ nắm bắt rõ, hiểu rõ được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; và với vai trò Bí thư chi bộ, họ sẽ đề xuất ý kiến của người dân đến các cấp nhanh hơn.

Thực tiễn cho thấy hiệu quả của việc kiêm nhiệm đã góp phần tinh gọn bộ máy, tạo sự thống nhất, đồng thuận từ việc ban hành chủ trương cho đến tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, Ban Công tác Mặt trận còn thực hiện chức năng giám sát, trong khi Bí thư chi bộ cũng là đối tượng chịu sự giám sát nên nếu bố trí kiêm nhiệm sẽ dẫn đến “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Do vậy để mô hình phát huy hiệu quả, điều quan trọng nhất là cần sự vào cuộc của cấp ủy trong khâu lựa chọn, bố trí những cán bộ hội đủ các yêu cầu để cùng lúc “gánh hai vai”; đồng thời chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, có chế độ đãi ngộ tương xứng với vai trò, công sức của đội ngũ này.

Thứ hai, tiếp tục nâng cao nhận thức và đầy đủ hơn về vị trí, vai trò của Ban Công tác Mặt trận

Xuất phát từ việc tổng kết thực tiễn 35 năm đổi mới đất nước, tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhấn mạnh: “Tăng cường vai trò nòng cốt chính trị, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tập hợp, vận động nhân dân đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; thực hành dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội. Đổi mới tổ chức bộ máy, nội dung và phương thức hoạt động, nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, hướng mạnh về cơ sở, địa bàn dân cư. Thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên, tích cực tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, tăng cường đối ngoại nhân dân. Xây dựng thế trận lòng dân, phát huy sức mạnh đoàn kết, đồng thuận của nhân dân trong và ngoài nước để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Quán triệt chủ trương đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên tiếp tục quán triệt, nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác Mặt trận trong tình hình mới; đề cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị đối với hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”.

Cùng với việc tuyên truyền, triển khai, thực hiện Nghị quyết và Điều lệ MTTQ Việt Nam khóa IX, cần quán triệt, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể và đội ngũ cán bộ, đảng viên về vị trí, vai trò của Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư, là tổ chức phối hợp và thống nhất hành động giữa các thành viên trong Mặt trận, trực tiếp tập hợp, đoàn kết, vận động mọi người dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đại diện cho quyền và lợi ích chính đáng của các tầng lớp nhân dân, tổ chức thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, góp phần cùng chi bộ, Đảng và chính quyền thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh quốc phòng ở địa phương.

Ban Công tác Mặt trận khu dân cư cần học tập, nghiên cứu tài liệu để nắm rõ về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình, dựa trên quy định tại Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam qua các kỳ Đại hội, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam… và thực hiện tốt công tác phối hợp, thống nhất hành động giữa các thành viên trong Mặt trận.

Thứ ba, tiếp tục đổi mới phương thức, tổ chức hoạt động của Ban công tác Mặt trận

Trải qua các kỳ Đại hội, công tác tổ chức và phương thức hoạt động của Ban Công tác Mặt trận đã được thay đổi, ngày càng phù hợp hơn với bối cảnh lịch sử, thực tiễn công tác tổ chức của Mặt trận Tổ quốc, chính quyền địa phương. Vì thế, Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư phải bám sát quy định hướng dẫn Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Thường xuyên, củng cố, kiện toàn tổ chức Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư đảm bảo số lượng, đảm bảo cơ cấu thành phần Ban Công tác Mặt trận theo quy định.

Cần tiếp tục thu hút những người “có năng lực, có tâm, có tài”, già làng, trưởng bản, những cá nhân tiêu biểu,… tham gia công tác Mặt trận.

Xây dựng quy chế hoạt động của Ban Công tác Mặt trận, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, duy trì họp thường kỳ theo quy định và họp bất thường khi cần thiết.

Thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Ban công tác Mặt trận để triển khai các phong trào thi đua một cách linh hoạt, sáng tạo, có trọng tâm, trọng điểm phù hợp với thực tiễn địa phương để thu hút được đông đảo người dân hưởng ứng tham gia. Chủ động nắm chắc tình hình nhân dân ở khu dân cư, kịp thời phát hiện giải quyết những mâu thuẫn bức xúc trong nhân dân để có biện pháp giải quyết, tháo gỡ. Trong công tác tuyên truyền vận động nhân dân quan trọng nhất là người cán bộ phải thực sự gương mẫu, có tinh thần trách nhiệm với công việc, kiên trì, gần dân, hiểu dân, đồng thời biết phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là lực lượng đảng viên chi bộ, đảng viên sinh hoạt theo Quy định số 213-QĐ/TW ngày 02-01-2020 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của đảng viên đang công tác thường xuyên giữ mối liên hệ với tổ chức đảng và nhân dân nơi cư trú.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động một cách phù hợp và an toàn.

Thứ tư, cần chú trọng công tác bồi dưỡng, tập huấn, đào tạo nâng cao nhận thức về công tác Mặt trận

Xuất phát từ thực trạng trình độ học vấn, chính trị, kiến thức về kinh tế - xã hội, luật pháp và năng lực phối hợp công tác của một số Ban Công tác Mặt trận cũng như của Trưởng ban Ban Công tác Mặt trận còn hạn chế,… đòi hỏi Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, kỹ năng cho cán bộ mặt trận khu dân cư.

Thường xuyên tổ chức bồi dưỡng cập nhật kiến thức mới, tình hình mới cho cán bộ, với nhiều nội dung như: các chủ trương, chương trình hành động của Ban Thường trực gắn với các báo cáo chuyên đề thực tế; những mô hình và cách làm hay; các điển hình tiên tiến của địa phương và thông qua rèn luyện từ thực tiễn công tác.

Đổi mới phương thức tập huấn cho đội ngũ cán bộ Mặt trận nhất là những vị mới tham gia bằng nhiều hình thức như: Tổ chức hội thi Trưởng Ban công tác Mặt trận giỏi các cấp; giao lưu, học tập chia sẻ kinh nghiệm...

Thứ năm, ban hành thông tư hướng dẫn về chế độ, chính sách, điều kiện làm việc đối với Ban Công tác Mặt trận và Trưởng ban Công tác Mặt trận

Xuất phát từ thực trạng chưa có chế độ đãi ngộ tương xứng với vai trò, công sức của đội ngũ tham gia Ban Công tác Mặt trận, trong thời gia tới Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp tiếp tục kiến nghị với cấp uỷ, chính quyền quan tâm chế độ phụ cấp đối với Trưởng Ban Công tác Mặt trận và kinh phí hoạt động của Ban Công tác Mặt trận phù hợp với điều kiện kinh tế tại địa phương. Đây là một trong những quyết sách quan trọng để động viên cán bộ nhiệt tình gắn bó với công tác Mặt trận lâu dài, khắc phục khó khăn, vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Thông qua đó, cũng là thể hiện rõ vai trò, vị trí của Ban Công tác Mặt trận nói chung và Trưởng ban Ban Công tác Mặt trận. Cần chú trọng công tác khen thưởng, nhằm biểu dương kịp thời những gương điển hình và nhân rộng mô hình hay, cách làm tốt tại địa phương.

Bên cạnh đó, cần tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị cho hoạt động của hệ thống Mặt trận, nhất là Ban Công tác Mặt trận. Đây là yếu tố quan trọng tác động đến kết quả hoạt động của Mặt trận, nhất là yêu cầu thực hiện nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay.

TS. Ngô Hoàng Nam - Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam;

ThS. Nguyễn Thanh Minh - Trung tâm BDCB và NCKH Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản