(Mặt trận) - Ngày 27/4, ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã chủ trì Hội nghị nghiệm thu đề tài khoa học cấp Bộ: “Phát huy vai trò của MTTQ Viêt Nam các cấp tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn hiện nay”.
|
Quang cảnh Hội nghị |
Bảo vệ môi trường là sự nghiệp của toàn dân, để huy động đông đảo nhân dân tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, thời gian qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã xây dựng các chương trình, kế hoạch tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nhiệm vụ nhằm bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; tổ chức các hoạt động, các phong trào, các cuộc vận động về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu và xây dựng các mô hình điểm về bảo vệ môi trường; xây dựng và thực hiện các mô hình điểm về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; thực hiện chức năng giám sát xã hội, phản biện xã hội về những vấn đề liên quan đến bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; tham gia xây dựng các quy ước, hương ước của cộng đồng dân cư hướng vào công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; tổ chức hỗ trợ, thăm hỏi, tặng thiết bị, hàng hóa, đồ dùng hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn…
Tuy nhiên, việc thực hiện nhiệm vụ tham gia bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu của MTTQ Việt Nam các cấp còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế đó là chưa làm rõ sự gắn kết về mặt lý luận và thực tiễn của việc MTTQ Việt Nam tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu hiện nay.
Xuất phát từ thực tế triển khai, nhóm nghiên cứu cho rằng việc nghiên cứu đề tài “Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn hiện nay” có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc. Đề tài nêu và làm rõ các vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, từ đó góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ đảng viên, các cấp ủy đảng và tổ chức đảng, cơ quan nhà nước, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Theo đó, đề tài được chia thành 3 chương: Cơ sở chính trị, pháp lý xác định vai trò của MTTQ Việt Nam tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; vai trò của MTTQ Việt Nam tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu – Thực trạng, nguyên nhân, kinh nghiệm. Xuất phát từ thực tế triển khai, đề tài đã đề ra phương hướng và giải pháp phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu đến năm 2030.
Trong đó tập trung vào việc: Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, cán bộ, đảng viên, các tổ chức trong hệ thống chính trị và nhân dân đối với phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp nhân rộng các mô hình điển hình về bảo vệ mội trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; Phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nâng cao hiệu quả thực hiện chương trình phối hợp công tác về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trong hình hình mới; đồng thời nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ mặt trận nhằm phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tại Hội nghị, Hội đồng nghiệm thu đều khẳng định, đề tài đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ đảng viên, các cấp ủy Đảng và tổ chức Đảng, cơ quan Nhà nước, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Các sản phẩm của nghiên cứu đề tài là tài liệu tham khảo cho các nhà hoạch định chính sách, làm cơ sở khoa học và cơ sở thực tiễn nhằm phát huy vai trò tích cực của MTTQ Việt Nam các cấp tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ghi nhận những ý kiến đóng góp tại hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng đề nghị, nhóm nghiên cứu tiếp tục hoàn thiện các nội dung đã góp ý, đồng thời rà soát, xem xét lại những tồn tại, hạn chế, đảm bảo tính liên kết cho các giải pháp được nêu trong đề tài để hoàn thiện, đảm chất lượng; nghiêm túc, bao quát nội dung cơ bản của đề tài cấp Bộ.
Khẳng định việc Mặt trận tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu là việc làm hết sức ý nghĩa, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng cho rằng, từ giải pháp mà nhóm đề tài đã nêu, thời gian tới cần tiếp tục phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam các cấp để tuyên truyền cho các tầng lớp nhân dân hiểu rõ về tầm quan trọng, các nhiệm vụ, giải pháp bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; đồng thời thực hiện nghiêm túc và hiệu quả việc lồng ghép nội dung bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu vào các phong trào, các cuộc vận động. Trước hết là tuyên truyền, vận động, thuyết phục nhân dân tích cực hưởng ứng và thực hiện Chương trình Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Cũng theo Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng, MTTQ Việt Nam các cấp cần chú trọng việc lựa chọn nội dung trọng tâm, trọng điểm để tập trung làm chuyển biến nhận thức và hành động của cán bộ và nhân dân, xây dựng các mô hình điểm, điển hình phong phú và sáng tạo ở các địa phương về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, thường xuyên cung cấp tài liệu, tổ chức tập huấn cho cán bộ Mặt trận, các đoàn thể các cấp, nhất là Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư đáp ứng được nhiệm vụ vận động nhân dân tích cực tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Hương Diệp - ảnh Tiến Đạt