Tin mới

Hạn chế những tiêu cực, giảm bớt bức xúc trong nhân dân

(Mặt trận) - Ngày 29/3, tại TP HCM, UBTƯ MTTQ Việt Nam đã tổ chức Hội nghị lắng nghe tâm tư, nguyện vọng các tầng lớp nhân dân khu vực phía Nam. Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng chủ trì Hội nghị.

Phó Chủ tịch Hoàng Công Thủy tiếp nhận hỗ trợ số tiền 1,8 tỷ đồng cho người nghèo tỉnh Điện Biên

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến dự Lễ Kỷ niệm 70 năm Ngày ký Hiệp định Geneve về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam

Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam thành phố Cần Thơ lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029: “Đoàn kết - Dân chủ - Sáng tạo - Phát triển“

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng phát biểu tại Hội nghị. 

Sau khi nghe Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng thông tin cơ bản về tình hình kinh tế - xã hội và những hoạt động của MTTQ Việt Nam trong thời gian qua, các đại biểu đã cung cấp các thông tin, đóng góp nhiều ý kiến liên quan đến những bức xúc, nguyện vọng của người dân thời gian vừa qua.

Ông Nguyễn Văn Thì, đại diện Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tại TP HCM, đánh giá, mùa vụ của bà con nông dân từ đầu năm đến nay nhìn chung được mùa. Tuy được về sản lượng nhưng thu nhập của họ không tăng, thậm chí giảm bởi các vật tư phục vụ cho nông nghiệp tăng mạnh, trung bình từ 15-20%, thậm chí có những nguyên liệu tăng đến 30%. Ở một số địa phương, như Trà Vinh, Sóc Trăng…các thương lái tìm cách ép giảm giá lúa, mặc dù đã ký với người nông dân từ trước đó. Nếu không giảm giá, thương lái sẽ trì trệ trong việc thu mua dẫn đến lúa bị hao về lượng cũng như chất lượng.

Trong khi đó, dịch bệnh ở một số gia súc, gia cầm diễn ra ở nhiều nơi, gây nhiều khó khăn cho người chăn nuôi. Cụ thể, như dịch tả lợn châu Phi trong năm qua diễn biến nghiêm trọng, thậm chí có nhiều nơi đàn lợn bị “xóa sạch”. Hiện giá lợn giống khá cao nên việc tái đàn gặp nhiều bất lợi, điều đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến giá thịt bán ra thị trường cao. Tương tự, ở lĩnh vực tôm, giá thức ăn tăng hàng ngày nhưng giá bán ra không tăng theo tỉ lệ giá nguyên liệu. So với các lĩnh vực nuôi trồng, nuôi tôm được xếp vào một trong số lĩnh vực gặp nhiều rủi ro nhất…

Theo Mục sư Trần Thanh Truyện, Hội trưởng Giáo hội Cơ đốc Phục lâm Việt Nam, việc ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường là vấn đề lớn, trong vài năm qua Mặt trận cùng với Bộ Tài nguyên & Môi trường phối hợp với các tổ chức tôn giáo cùng ký thực hiện và cũng lần đầu tiên các tổ chức tôn giáo đã đồng thuận ký kết thực hiện lĩnh vực quan trọng này. “Chúng ta muốn sống có chất lượng, phải sống trong một môi trường “xanh –sạch – đẹp”, Mục sư Trần Thanh Truyện nói.

Về vấn đề ngập lụt ở các thành phố, mục sư Trần Thanh Truyện cho biết, tôi quan sát thấy rằng, nhiều khi đường ngập không phải do cống thoát nước nhỏ mà do các tấm lưới lọc rác ở trên bít lối thoát nước. Ở không ít điểm, do miệng cống thoát quá ô nhiễm nên người dân đậy lại cống để đỡ có mùi, điều này khi mưa hay thủy triều lên cũng dễ gây ngập úng.

“Cần nghiên cứu một loại công cụ phù hợp, đặt gần miệng cống để khi rác tới sẽ hút rác, hoặc kéo rác vào một nơi, như vậy làm cho nước thoát được mà cống thoát không bị tắc do rác”, mục sư Trần Thanh Truyện chia sẻ.

Ông Trần Ngọc Liêm, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, thời gian qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 nhưng nền kinh tế của chúng ta vẫn có sự phát triển khả quan, đặc biệt xuất siêu trong năm qua trên đạt 19 tỷ USD, cao nhất 10 năm gần đây. Nhiều nước trên thế giới tăng trưởng âm nhưng Việt Nam tăng trưởng dương, thu ngân sách vẫn đảm bảo.

"Qua đó, chúng ta đã thích nghi rất tốt thời cuộc, các doanh nghiệp (DN) đã có những phương thức kinh doanh sáng tạo, linh hoạt, cũng như những chủ trương, chính sách rất phù hợp của Đảng và Nhà nước ta. Một điểm đáng chủ ý nữa là số lượng DN ngưng hoạt động năm ngoái cũng như quý I năm nay khá cao, xấp xỉ bằng số DN mới nhưng năng suất lao động của Việt Nam lại cao hơn so với năm trước. Điều đó cũng chứng tỏ có nhiều DN đã trở nên sáng tạo, biết cách giảm tối đa chi phí sản xuất để tăng hiệu quả lao động”, ông Liêm nhấn mạnh.

Ông Liêm đề nghị, trong đầu tư công cần được cải thiện hơn; tăng cường xã hội hóa vào đầu tư công, có sự công khai minh bạch để thu hút sự tham gia nhiều hơn nữa từ các DN. Bên cạnh đó, nhằm thu hút đầu tư, các địa phương cần nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), việc này cần có sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan tổ chức có thẩm quyền.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam nêu những tâm tư, nguyện vọng của nhân dân tại Hội nghị. 

Trong khi đó, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam cho hay, người dân và cử tri đánh giá cao những chủ trương và biện pháp giải quyết những khó khăn do thiên tai dịch bệnh, cũng như chỉ đạo triển khai thực hiện đạt kết quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Nhà nước.

Tuy nhiên, Luật sư Hậu cũng phản ánh, ở một số nơi, tình hình sản xuất phát triển nông thôn vẫn còn gặp nhiều khó khăn trước tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vẫn chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp; các dự án trọng điểm gặp không ít vướng mắc trong quá trình triển khai nên ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án và mục tiêu phát triển chung.

Ông Hậu đề nghị, chính quyền các cấp chỉ đạo các ngành chức năng tiếp tục  thực hiện các biện pháp hỗ trợ khắc phục hậu quả đại dịch Covid-19 và cần đẩy mạnh tiêm ngừa dịch Covid-19 cho nhân dân, hỗ trợ những nơi bị thiệt hại do bão lụt, nhất là quan tâm chính sách hỗ trợ về thuế, phí, tín dụng ngân hàng…cho các DN; hỗ trợ về vốn, giống, vật tư cho các hộ nghèo, hộ bị thiệt hại nặng do thiên tai…

Luật sư Nguyễn Văn Hậu cũng mong muốn cần tăng mức độ xử phạt, thường xuyên rà soát, kiểm tra các địa bàn, kể cả trên không gian mạng nhằm giảm thiểu tình trạng tội phạm ngày một nhiều. Để phòng ngừa, hạn chế thấp nhất tai nạn giao thông, các cơ quan chức năng cần thường xuyên tăng cường lực lượng, sử dụng các thiết bị nghiệp vụ để kịp thời phát hiện các vi phạm, đặc biệt là các hành vi có nguy cơ cao gây tai nạn giao thông như vi phạm về ma túy, nồng độ cồn.

 Quang cảnh Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng đánh giá cao những phản ánh, đóng góp của các đại biểu. Các ý kiến sát thực, đều có cơ sở thực tiễn, điều đó có sự nghiên cứu, thực tế có trách nhiệm của các đại biểu. Trong đó có nhiều ý kiến bức xúc, chẳng hạn có ý kiến cho rằng, cần có cơ chế chính sách phù hợp cho các DN phát triển, có ý kiến đề cập tai nạn giao thông; tình hình tội phạm nghiêm trọng còn cao, trong đó có tội phạm sử dụng công nghệ cao rất tinh; hay như tình trạng bạo lực học đường, vấn đề cho vay nợ, đòi nợ theo kiểu xã hội đen, gây bức xúc trong dư luận thường xuyên diễn ra.

Trao đổi với các đại biểu về việc đất đai ở một số nơi tăng đột biến do tình trạng “cò đất”, nhà đầu tư tung tin, đẩy giá lên để kiếm lời, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng bảy tỏ mong muốn Nhà nước cần minh bạch các thông tin dự án giá đất để người dân không đổ xô đi mua đất, gây mất an ninh trật tự và ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Ông Nguyễn Hữu Dũng đồng tình với các đại biểu rằng, những vấn đề trên cần phải có sự quyết liệt của các cơ quan chức năng, đồng thời cần sự chung tay của toàn xã hội.

Dịp này, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng cũng khẳng định, cần thực hiện tốt, đúng tiến độ, minh bạch, công bằng công tác tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; đồng thời các đại biểu, các cử tri cả nước tiếp tục đóng góp để ngày bầu cử thực sự là ngày hội của nhân dân, an toàn, hiệu quả.

Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng, những ý kiến phản ánh, đóng sẽ được tiếp thu, tổng hợp đầy đủ để gửi tới các cơ quan chức năng liên quan, kiến nghị xử lý hoặc sửa đổi kịp thời. Với mục tiêu để hạn chế những tiêu cực, giảm bớt những bức xúc nhằm nâng cao đời sống của Nhân dân.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản