Tin mới

Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Quy chế phối hợp giữa Ban Nội chính Trung ương và Đảng đoàn MTTQ Việt Nam

(Mặt trận) - Chiều 29/10, tại Hà Nội, Ban Nội chính Trung ương phối hợp với Đảng đoàn MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết 5 năm thực hiện Quy chế phối hợp công tác và thống nhất triển khai các nội dung trọng tâm trong thời gian tới.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến chúc mừng Giáng sinh tại Thành phố Hồ Chí Minh

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến thông báo dự thảo báo cáo kết quả kiểm tra đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến thăm, chúc mừng Bộ Quốc phòng nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Quang cảnh Hội nghị 

Chủ trì Hội nghị có ông Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương; ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; ông Võ Văn Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; ông Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Đảng đoàn, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam.

Chủ trì Hội nghị 
Tham dự Hội nghị có ông Trần Quốc Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương; các Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam: Trương Thị Ngọc Ánh, Ngô Sách Thực, Nguyễn Hữu Dũng, Phùng Khánh Tài; các Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương: Nguyễn Thái Học, Nguyễn Thanh Hải; Ủy viên Đảng Đoàn, thường trực Đảng ủy hai cơ quan cùng lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam, Ban Nội chính của 63 tỉnh, thành phố.

Phát huy dân chủ chủ, tạo sự đồng thuận trong xã hội

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh, Hội nghị được tổ chức sau khi Hội nghị toàn quốc MTTQ Việt Nam và Hội nghị toàn quốc các cơ quan khối Nội chính triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu chỉ đạo rất quan trọng, đó là những căn cứ có tính nền tảng để hai cơ quan triển khai thực hiện nhiệm vụ, trong đó có những nội dung đã đề cập trong quy chế phối hợp giữa hai cơ quan.

Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu tại Hội nghị 

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cho biết, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: Kiên quyết, kiên trì, đấu tranh ngăn chặn, đầy lùi tham nhũng, tiêu cực với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ triệt để hơn, hiệu quả hơn. Đại hội cũng xác định: Phải phát huy mạnh mẽ sức mạnh Đại đoàn kết toàn dân tộc; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, đảm bảo quyền làm chủ của nhân dân. Mới đây nhất, Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị về định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đã chỉ rõ "Phát huy vai trò của Nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong việc nâng cao chất lượng công tác phản biện xã hội đối với quy trình lập pháp và giám sát thực hiện pháp luật; chú trọng bản lĩnh, ý thức chính trị, không bị chi phối, tác động bởi các hành vi không lành mạnh của bất cứ tổ chức, cá nhân nào trong quá trình giám sát, phản biện xã hội".

“Qua những nội dung nêu trên chúng ta cảm nhận được sâu sắc, sự tin tưởng, kỳ vọng của Đảng đối với Cơ quan nội chính các cấp và MTTQ Việt Nam các cấp trong việc tham mưu tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị của mỗi cơ quan trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; đảm bảo pháp chế xã hội chủ nghĩa và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tạo đồng thuận xã hội”, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến khẳng định.

Khẳng định vai trò giám sát, phản biện xã hội và nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng

 Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương Võ Văn Dũng trình bày báo cáo tại Hội nghị

Trình bày Báo cáo sơ kết Quy chế phối hợp giữa Ban Nội chính Trung ương và Đảng đoàn MTTQ Việt Nam, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương Võ Văn Dũng cho biết, qua hơn 5 năm thực hiện Quy chế phối hợp, mỗi cơ quan có nhiều điều kiện thuận lợi để thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của mình. Nổi bật là việc hai bên đã phối hợp tham mưu cho Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, hai Ban Chỉ đạo nhiều chủ trương, chính sách quan trọng về nội chính, phòng chống tham nhũng (PCTN) và phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, góp phần tích cực, nâng cao hiệu quả công tác PCTN của Đảng và Nhà nước; Phối hợp giám sát công tác PCTN ở một số địa phương, lĩnh vực, phát hiện nhiều sai phạm, kiến nghị xử lý và hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan.

MTTQ Việt Nam đã phối hợp với Ban Nội chính Trung ương triển khai nhiều chương trình giám sát liên quan trực tiếp tới những vấn đề mà dư luận và nhân dân quan tâm, những vụ việc, lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, phiền hà, sách nhiễu đối với người dân và doanh nghiệp, như việc triển khai chương trình giám sát việc công khai kết luận thanh tra tại 5 bộ, ngành (Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải; Bộ Y tế, Bộ Xây dựng; Thanh tra Chính phủ) và 5 tỉnh (Ninh Bình, Thừa Thiên - Huế, Đắk Lắc, Bà Rịa - Vũng Tàu và Long An); Giám sát việc triển khai và tổ chức thực hiện các quy định về giám sát cán bộ, đảng viên và công tác cán bộ tại tỉnh Hà Giang và thành phố Đà Nẵng;… Qua giám sát đã phát hiện nhiều tồn tại hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện Luật thanh tra, trong công tác tổ chức, cán bộ, những quy định của pháp luật còn chưa phù hợp với thực tiễn, từ đó, kiến nghị Đảng, Quốc hội, Chính phủ cũng như các cơ quan chức năng sửa đổi các quy định pháp luật và kiến nghị xử lý kịp thời các sai phạm.

Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã chủ trì phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội và Ban Nội chính Trung ương tổ chức các Đoàn giám sát công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 tại 21 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; tổ chức giám sát theo hình thức nghiên cứu, xem xét văn bản báo cáo đối với 9 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Qua đó, góp phần bảo đảm các cuộc bầu cử diễn ra dân chủ, đúng luật, bảo đảm cơ cấu, thành phần, lựa chọn được những đại biểu ưu tú đại diện cho nhân dân.

Đặc biệt, UBTƯ MTTQ Việt Nam đã ban hành Chương trình hành động thực hiện công tác PCTN, lãng phí giai đoạn 2018 - 2020, trong đó đã cụ thể hóa các nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam tham gia PCTN theo các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu phát biểu tại Hội nghị 

Cũng theo ông Võ Văn Dũng, hai bên cũng đã phối hợp tập hợp, phân tích, đánh giá ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân, qua đó đề xuất với Đảng và Nhà nước nhiều nội dung quan trọng liên quan đến an ninh, quốc phòng, tôn giáo, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, công tác PCTN; phối hợp hướng dẫn, đôn đốc các cơ quan thuộc khối đoàn thể chính trị - xã hội và các ban nội chính địa phương xây dựng và thực hiện tốt Quy chế phối hợp và đẩy mạnh công tác PCTN theo chức năng, nhiệm vụ.

Hai cơ quan cũng đã phối hợp chỉ đạo hệ thống MTTQ và Ban Nội chính các địa phương phối hợp thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW, ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân. Kết quả trên đã góp phần tích cực trong viêc nâng cao ý thức cho người dân trong đấu tranh với các biểu hiện tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong xây dựng các công trình, dự án trên địa bàn, xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh.

“Thông qua việc thực hiện Quy chế phối hợp, mối quan hệ giữa hai cơ quan, giữa các vụ, đơn vị của hai cơ quan được gần gũi, gắn bó, qua đó khẳng định xu thế, nhu cầu phối hợp giữa hai cơ quan là thực sự cần thiết”, ông Võ Văn Dũng nhấn mạnh.

Đại biểu tham luận tại Hội nghị 
Đại biểu tham luận tại Hội nghị  

Thời gian tới, hai bên tăng cường phối hợp trong việc tham mưu cho Đảng và Nhà nước về chủ trương, chính sách, pháp luật về nội chính, PCTN, tiêu cực, cải cách tư pháp, về phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam; Phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về công tác nội chính, PCTN, tiêu cực, cải cách tư pháp; làm tốt hơn nữa công tác nắm tình hình, tham mưu xử lý các tình huống chính trị, các vấn đề nổi cộm có liên quan đến an ninh quốc gia, tôn giáo, dân tộc; các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực lớn được dư luận xã hội quan tâm, cũng như các vụ án có liên quan đến người có uy tín trong xã hội...

Đảng đoàn MTTQ Việt Nam chủ trì, Ban Nội chính Trung ương phối hợp tuyên truyền, vận động nhân dân ủng hộ công cuộc đấu tranh PCTN, tiêu cực của Đảng và Nhà nước; chủ trì giám sát chuyên đề việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống, việc chấp hành chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về PCTN, tiêu cực, lãng phí của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên; việc công khai các kết luận thanh tra; giám sát các hoạt động tư pháp nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân; …

Ban Nội chính Trung ương chủ trì, phối hợp với Đảng đoàn MTTQ Việt Nam tiến hành kiểm tra, giám sát trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy trong công tác tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của nhân dân theo Quy định số 11-QĐ/TW, ngày 18/02/2019 của Bộ Chính trị; kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW, ngày 10/01/2019 của Bộ Chính trị; theo dõi và kiểm tra, giám sát trách nhiệm giải quyết của các cơ quan có thẩm quyền đối với các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài, tác động tiêu cực tới ổn định chính trị - xã hội…

Đại biểu tham luận tại Hội nghị   

Tại Hội nghị, đại biểu tham dự đã cùng thảo luận để làm rõ và sâu sắc thêm những kết quả, nhận định, đánh giá trong dự thảo Báo cáo sơ kết; đồng thời đưa ra những kiến nghị, đề xuất về những vấn đề cụ thể nhằm nâng cao chất lượng tổ chức, thực hiện phương hướng công tác phối hợp giữa hai cơ quan trong thời gian tới.

Quang cảnh Hội nghị

Cùng phối hợp để ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh

Tiếp thu ý kiến thảo luận của đại biểu tham dự Hội nghị, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc khẳng định, trong 5 năm qua, công tác phối hợp giữa hai cơ quan đã dần đi vào trọng tâm, hiệu quả hơn, góp phần thiết thực vào công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước.

Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc cho biết, Kết luận tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác PCTN giai đoạn 2013-2020, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định, một trong những nguyên nhân quan trọng của những kết quả trong công tác PCTN vừa qua là sự tham gia tích cực của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, sự đồng tình, ủng hộ, khích lệ của nhân dân, sự chủ động vào cuộc rất tích cực của báo chí, tạo sức mạnh tổng hợp trong phòng, chống tham nhũng.

“Sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa MTTQ Việt Nam và Ban Nội chính Trung ương có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ”, ông Phan Đình Trạc nhấn mạnh.

Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc phát biểu kết luận Hội nghị

Nhất trí cao với những nhiệm vụ, giải pháp phối hợp giữa hai cơ quan trong thời gian tới đã được nêu trong báo cáo, ông Phan Đình Trạc đề nghị, hai bên cần tăng cường, nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp, phát huy mạnh mẽ vai trò của nhân dân trong giám sát việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, kết luận của Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; về bảo vệ tài sản, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân. Nhất là giám sát việc nêu gương, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên; giám sát việc công khai, minh bạch, trách nhiệm người đứng đầu trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; giám sát trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân, xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân; giám sát về giải quyết khiếu nại, xử lý tố cáo, nhất là những vụ khiếu kiện đông người, kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân; ...

“Qua giám sát đề xuất những vụ việc tham nhũng, tiêu cực cần đưa vào diện Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực chỉ đạo xử lý”, ông Phan Đình Trạc nói.

Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc cũng đề nghị hai bên cần tiếp tục phối hợp tham mưu hoàn thiện cơ chế, chính sách về kinh tế - xã hội, nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp; cử cán bộ tham gia các Ban Chỉ đạo, Tổ biên tập xây dựng các Đề án được giao cho mỗi cơ quan theo Chương trình công tác toàn khóa của Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị, Ban Bí thư phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của mỗi bên. Trong đó cần phối hợp tham mưu xây dựng Đề án về chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.

“Cần tăng cường phối hợp, theo dõi, nắm thông tin, tình hình dư luận Nhân dân về các vấn đề nổi lên liên quan đến an ninh, trật tự; các vụ việc tham nhũng, tiêu cực lớn, các vụ án có bị can, bị cáo là người có uy tín, ảnh hưởng lớn trong dân tộc thiểu số, tôn giáo, là nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ có danh tiếng lớn; các vụ án, vụ việc khác được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm để tham mưu, đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền lãnh đạo, chỉ đạo, xử lý”, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc gợi mở.

Cũng theo Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc, hai cơ quan cần đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về PCTN, tiêu cực, xây dựng văn hóa liêm chính, phát huy tối đa vai trò của báo chí trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Gợi mở về nội hàm của văn hóa liêm chính, ông Phan Đình Trạc cho rằng, trước tiên là sự tự giác thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, Nhà nước về phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Cùng với đó cần xây dựng và thực hiện nghiêm quy tắc ứng xử trong một cơ quan đơn vị, mỗi tổ chức; đồng thời tự giác xử lý xung đột lợi ích, đây là khái niệm mới được nêu trong Luật phòng chống tham nhũng 2018. Tiếp theo là tự phê phán, đấu tranh với tham nhũng tiêu cực và trọng liêm sỉ, danh dự, biết xấu hổ khi người thân, đồng chí của mình tham nhũng tiêu cực.

Nhắc tới vai trò của báo chí trong đấu tranh với PCTN, tiêu cực, ông Phan Đình Trạc cho rằng, báo chí không chỉ giúp phát hiện những sơ hở ở cơ chế chính sách để chúng ta khắc phục, phòng chống tham nhũng mà trên thực tế, báo chí còn có vai trò rất quan trọng và hiệu quả trong phát hiện và xử lý các vụ tham nhũng trong thời gian vừa qua. Chính sự vào cuộc kịp thời của cơ quan báo chí mà các cơ quan chức năng đã xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong thời gian qua.

“Trong thời gian tới, với sự quan tâm của lãnh đạo hai cơ quan, công tác phối hợp sẽ có những bước tiến mới, mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn, góp phần xây dựng Đảng, củng cố hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”, ông Phan Đình Trạc tin tưởng.

Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc trao Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Nội chính Đảng” cho 8 cá nhân thuộc Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam 
Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam trao Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân tộc” cho 7 cá nhân thuộc Ban Nội chính Trung ương 

Tại Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc đã trao Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Nội chính Đảng” cho 8 cá nhân thuộc Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam có thành tích xuất sắc trong công tác Nội chính của Đảng; Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã trao Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân tộc” cho 7 cá nhân thuộc Ban Nội chính Trung ương đã có cống hiến xuất sắc cho sự nghiệp Đại đoàn kết dân tộc.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản