Tin mới

Khắc phục tình trạng 'quyền anh, quyền tôi' trong xây dựng pháp luật

(Mặt trận) - Phát biểu tại Hội nghị chuyên đề về công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật của Chính phủ sáng nay 24/11, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực đề nghị Chính phủ chống lợi ích nhóm, khắc phục tình trạng "quyền anh, quyền tôi" trong xây dựng pháp luật.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến chúc mừng Giáng sinh tại Thành phố Hồ Chí Minh

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến thông báo dự thảo báo cáo kết quả kiểm tra đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến thăm, chúc mừng Bộ Quốc phòng nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực 

Theo đó, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực đề nghị Chính phủ chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt việc đánh giá tác động chính sách trong xây dựng pháp luật, chống lợi ích nhóm, khắc phục tình trạng "quyền anh, quyền tôi". Đồng thời, Phó Chủ tịch đề nghị đẩy nhanh tiến độ thực hiện một luật sửa nhiều luật.

Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo người đứng đầu các bộ, ngành, UBND các cấp thực hiện nghiêm các qui định của pháp luật về phối hợp thực hiện xây dựng pháp luật, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, bảo đảm các điều kiện hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể; trách nhiệm giải trình, tiếp thu ý kiến và trả lời sau giám sát, sau phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội, tạo niềm tin trong nhân dân khi tham gia giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, tạo đồng thuận, tự giác thực hiện pháp luật.

Nói về nhiệm vụ của MTTQ thời gian qua, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực cho biết, MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên đã nỗ lực phát huy vai trò của mình trong tuyên truyền, phổ biến, giám sát việc thực hiện pháp luật, phản biện xã hội (PBXH) vào các dự án luật trong đó chủ yếu là những dự án luật liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên, liên quan đến quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân và về tổ chức bộ máy Nhà nước.

“Sự phối hợp của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên đã góp phần giúp Chính phủ, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung và xây dựng mới nhiều luật, pháp lệnh và nghị quyết liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp nhân dân, góp phần vào việc hoàn thiện hệ thống pháp luật của Nhà nước, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế và phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong phát triển đất nước”, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực nói.

Theo ông Ngô Sách Thực, MTTQ Việt Nam cũng phát huy trí tuệ của các chuyên gia, các thành viên tham gia có chất lượng vào việc góp ý, phản biện một số dự án chính sách, pháp luật, chương trình, dự án kinh tế-xã hội của Nhà nước, phối hợp với các tổ chức thành viên ở Trung ương phản biện, góp ý nhiều văn bản quy phạm pháp luật.

MTTQ cũng đóng góp ý kiến cho các cơ quan hoạch định chính sách, các cơ quan quản lý những giải pháp nhằm hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân; phản ánh thực tế nhu cầu chính đáng của doanh nghiệp, của từng ngành, từng lĩnh vực đối với các cơ quan quản lý để ban hành và điều chỉnh chính sách phù hợp; góp ý các đề án, dự án của các cơ quan Nhà nước liên quan đến lĩnh vực hoạt động của hiệp hội, kể cả dự án luật, quy định, quyết định của các cơ quan quản lý nhà nước; đóng góp ý kiến cho các cơ quan xây dựng chính sách, quy hoạch phát triển ngành nghề phù hợp với yêu cầu thực tế.

MTTQ Việt Nam đã tích cực tham gia thẩm định để góp ý, đề xuất, kiến nghị đối với dự thảo một số chính sách, chương trình, dự án của Chính phủ và cơ quan hành chính nhà nước các cấp, các dự án luật, pháp lệnh do các cơ quan có thẩm quyền soạn thảo, dự thảo các chủ trương, đường lối của Đảng cũng như đề án nhân sự trước các kỳ đại hội của tổ chức đảng các cấp, nhất là văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc trong các kỳ đại hội. Kiến nghị với các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền điều chỉnh một số chính sách, biện pháp liên quan trực tiếp tới quyền và lợi ích của người dân nhưng chưa phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Để góp phần thực hiện nhiệm vụ đột phá về chính sách, pháp luật, trên cơ sở kết quả, kinh nghiệm trong việc tham gia hoàn thiện pháp luật, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện pháp luật, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực kiến nghị tiếp tục thực hiện các giải pháp sau:

Thứ nhất, các cấp mặt trận có kế hoạch giám sát, phản biện xã hội hằng năm; phát huy các hình thức giám sát, phản biện xã hội, cả thường xuyên, đột xuất ngoài kế hoạch; bám sát mục đích, nguyên tắc của giám sát, phản biện xã hội; phát huy các lực lượng thành viên của MTTQ, các chuyên gia, nhà khoa học, hội đồng tư vấn, người uy tín, tiêu biểu tham gia giám sát, phản biện xã hội.

Chú trọng thực hiện tốt quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật về phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam. Mặt trận và các đoàn thể ở Trung ương và cấp tỉnh tập trung phản biện dự thảo chính sách, pháp luật, các cấp mặt trận, đoàn thể quan tâm việc góp ý kiến vào các dự án luật. Khi đã được cấp có thẩm quyền thông qua chú trọng vận động thực hiện.

Thứ hai, đẩy mạnh công tác tập huấn, trao đổi kinh nghiệm về phương pháp cách làm hiệu quả, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các quy định của Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam về phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, chính quyền trong hệ thống MTTQ và các đoàn thể; rà soát và bổ sung, đánh giá, rút kinh nghiệm, nâng cao tác dụng thiết thực của hoạt động giám sát, phản biện xã hội, góp ý.

Thứ ba, phấn đấu 100% Ủy ban MTTQ Việt Nam các địa phương tham mưu cấp ủy ban hành Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp với nhân dân và ban hành Quy định trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp tiếp thu góp ý, phản biện xã hội, kiến nghị sau giám sát của MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị xã hội và nhân dân.

Thứ tư, đưa nội dung tham gia xây dựng pháp luật, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện pháp luật vào nội dung phối hợp hằng năm giữa Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ; ở địa phương là giữa MTTQ với Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND, UBND.

Thứ năm, tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức phương pháp tuyên truyền, vận động nhân dân, nâng cao nhận thức của nhân dân về vai trò, trách nhiệm, quyền hạn trong thực hiện Quy chế dân chủ, tham gia phản biện xã hội và tham gia các phong trào thi đua yêu nước do Mặt trận chủ trì và phối hợp triển khai.

Thứ sáu, phân công cán bộ theo dõi, đôn đốc chặt chẽ việc giải quyết, trả lời của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết; đột xuất, định kỳ báo cáo cấp ủy, chính quyền về tình hình xem xét, giải quyết và trả lời các kiến nghị của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản