Tin mới

Khi cầm lá phiếu, cử tri sẽ lựa chọn được những người xứng đáng nhất

(Mặt trận) - Với vai trò, nhiệm vụ của mình, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã và đang tiến hành quá trình chuẩn bị và triển khai giám sát bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 theo hướng linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, đảm bảo đúng luật. Để làm rõ hơn một số nội dung, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực đã có cuộc trao đổi với phóng viên báo chí.

Trao giải cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc lần thứ 20

Đoàn công tác của UBTƯ MTTQ Việt Nam khảo sát thực tế tại Ninh Bình

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến tiếp Đại sứ Cuba tại Việt Nam

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực 

Đảm bảo đúng quy trình với 16 mốc của công tác bầu cử

PV: Thưa ông, với vai trò của mình, MTTQ Việt Nam sẽ tham gia vào những nội dung nào của công tác bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026?

Ông Ngô Sách Thực: Trong công tác bầu cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp có 5 quyền và trách nhiệm quan trọng. Cụ thể, Mặt trận tham gia tuyên truyền, hướng dẫn các nội dung bầu cử; tổ chức ba vòng hiệp thương để giới thiệu người ứng cử; tổ chức cho các ứng cử viên đi vận động tranh cử và giám sát thực hiện cuộc bầu cử bảo đảm theo đúng các quy định của pháp luật về bầu cử.

Trong đó, hoạt động kiểm tra, giám sát là một trong những nhiệm vụ quan trọng của MTTQ Việt Nam các cấp. Thông qua giám sát, MTTQ Việt Nam góp phần vào công tác chuẩn bị, tuyên truyền và thông tin đầy đủ đến người dân, nhất là trong việc liên quan đến công tác lập danh sách người ứng cử, gợi ý các nội dung đầy đủ để người dân thấy được người mà mình dự kiến bầu để gửi gắm niềm tin; đồng thời cũng nắm được rõ chương trình hành động của người ứng cử để khi cầm lá phiếu của mình, cử tri sẽ lựa chọn được những người xứng đáng nhất

PV: Ông có thể chia sẻ rõ hơn về những nội dung giám sát của Mặt trận trong cuộc bầu cử lần này cũng như các giải pháp nhằm phát huy tối đa vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam?

Ông Ngô Sách Thực: Một trong những nhiệm vụ quan trọng trong quá trình bầu cử là việc tham gia giám sát của Mặt trận. Mục đích của công tác giám sát là phát huy vai trò của Mặt trận và các tổ chức thành viên và người dân nhằm góp phần thực hiện đúng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về bầu cử. Bên cạnh đó, công tác giám sát của Mặt trận cũng nhằm thúc đẩy sự tham gia tích cực của người dân trong xây dựng chính quyền; kịp thời phát hiện những vướng mắc, bất cập, thiếu sót nhằm giúp các địa phương khắc phục ngay trong quá trình chuẩn bị tổ chức bầu cử.

Để công tác triển khai giám sát đạt hiệu quả cao nhất, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã đề ra 8 nội dung cần tập trung kiểm tra, giám sát. Phương pháp giám sát cũng có nhiều hình thức.

Hình thức thứ nhất là mỗi thành viên của Mặt trận đều có quyền tham gia góp ý vào những nội dung công tác chuẩn bị. Hình thức giám sát thứ nữa là qua phát hiện của người dân để tập hợp, phản ánh.

Ví dụ như Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất đã diễn ra rất dân chủ, công khai nhưng vẫn còn một số bất cập về cơ cấu, thành phần, UBTƯ MTTQ Việt Nam đã có những kiến nghị tới Ủy ban Thường vụ Quốc và cấp có thẩm quyền để có sự điều chỉnh kịp thời cho phù hợp.

Một phương pháp nữa là MTTQ Việt Nam phối hợp với các cơ quan trong giám sát công tác chuẩn bị bầu cử bảo đảm đúng quy định. Mặt trận từng cấp có trách nhiệm tổ chức các cuộc giám sát để qua đó tổng hợp ngay các ý kiến, kiến nghị. Trong từng giai đoạn, từng bước, qua giám sát nếu có những điều bất cập thì kiến nghị hoàn chỉnh ngay để đảm bảo đúng quy trình với 16 mốc chính của công tác bầu cử.

Tạo sự công bằng cho các ứng viên trong quá trình tiếp xúc với cử tri

PV: Để lựa chọn được những người có đức, có tài thì đợt này có một quy định mới của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là người ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp phải được sự đồng ý vượt quá bán 50% của cử tri nơi cư trú. Ông có bình luận gì về vấn đề này?

Ông Ngô Sách Thực: ĐBQH và đại biểu HĐND có tiêu chuẩn rất rõ ràng. Điều 22 của Luật Tổ chức Quốc hội quy định 5 tiêu chuẩn của ĐBQH, trong đó có trung thành với Tổ quốc, với Hiến pháp, với Nhân dân; có đủ trình độ về văn hóa, chuyên môn, năng lực, đạo đức, bản lĩnh dám nói, dám làm, dám đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực, lãng phí để thực hiện nhiệm vụ của mình và giữ mối liên hệ chặt chẽ với cử tri; đặc biệt là phải có điều kiện tham gia thực hiện nhiệm vụ của đại biểu.

Với những quy định như vậy, yêu cầu đặt ra là phải chọn những đại biểu đủ tiêu chuẩn. Trong quy trình lựa chọn thì sự tín nhiệm của cử tri là thước đo rất quan trọng về tiêu chuẩn của ĐBQH cũng như đại biểu HĐND các cấp. Do đó, tại Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam và Chính phủ, trong nội dung về quy trình lựa chọn, sàng lọc đã rất chú ý đến yếu tố tín nhiệm. Nếu những người được giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử không đạt trên 50% tín nhiệm của cử tri tham dự hội nghị lấy ý kiến tại nơi công tác hoặc nơi làm việc thì ngay bước sàng lọc đầu tiên sẽ không đưa vào.

Đặc biệt cuộc bầu cử lần này có quy định về kê khai tài sản theo Nghị định số 130/2020/NĐ-CP về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; theo quy định về công khai sơ yếu lý lịch. Các vấn đề về quốc tịch, thu nhập, tài sản... đều rất được chú ý trong đánh giá tiêu chuẩn đại biểu. Những nội dung quy định này đã được làm rõ và cụ thể hơn.

PV: Bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 có nhiều điểm mới. Xin ông cho biết những điểm mới của đợt bầu cử lần này?

Ông Ngô Sách Thực: Trước hết, do đòi hỏi nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước, trong đó có hoạt động của cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, chất lượng và tính chuyên nghiệp của đại biểu phải được nâng lên.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội quy định tăng đại biểu chuyên trách và giảm đại biểu các khối khác, đặc biệt là khối hành pháp. Theo quy định, Quốc hội khóa XV có tổng số 500, trong đó đại biểu chuyên trách tăng từ 35 lên ít nhất 40% (tương ứng tăng khoảng 19 đại biểu chuyên trách), nâng cao tính chuyên nghiệp của đại biểu Quốc hội.

Cuộc bầu cử lần này việc hướng dẫn số dư người ứng cử tại mỗi đơn vị bầu cử được quy định rõ hơn, đảm bảo các vòng hiệp thương có sự lựa chọn, khắc phục tình trạng hiệp thương không có số dư, hiệp thương "tròn" ở các địa phương. Mỗi đơn vị bầu cử phải có số dư ít nhất là 2.

Một trong những điểm mới của lần bầu cử này là các ứng cử viên của HĐND được quyền tiếp xúc cử tri 5 cuộc, ứng viên Đại biểu Quốc hội ít nhất 10 cuộc. Do những lần trước không quy định số lần tối thiểu nên số lần tiếp xúc cử tri giữa các ứng viên khác nhau, người nhiều người ít. Việc quy định rõ số lần tiếp xúc tối thiểu giúp cử tri có cơ hội tiếp xúc với ứng viên nhiều hơn, qua đó hiểu rõ hơn để cân nhắc lựa chọn khi đi bầu.

Tại các cuộc tiếp xúc cử tri, ứng viên trình bày công khai chương trình hành động toàn khóa, lời hứa với cử tri. Đây là cơ hội bình đẳng cho các ứng viên được thể hiện mình.

Bên cạnh đó, điểm mới trong các hướng dẫn cũng đề cập tới việc tổ chức Hội nghị Hiệp thương, Hội nghị tiếp xúc cử tri trong điều kiện giãn cách do dịch Covid-19.

 Xin trân trọng cảm ơn ông!

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản