Tin mới

Kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện trong giai đoạn mới

(Mặt trận) - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện giữ vị trí, vai trò quan trọng trong hệ thống tổ chức của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Kiện toàn về tổ chức bộ máy, cán bộ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện là một chủ trương đúng đắn, cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Bài viết đưa ra những giải pháp về kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ, nhằm làm rõ chức năng, nhiệm vụ của tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả.

Đại đoàn kết dân tộc - Động lực chủ yếu phát huy sức mạnh Nhân dân trong giai đoạn hiện nay

Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam tỉnh Bạc Liêu lần thứ XI: "Đoàn kết - Dân chủ - Sáng tạo - Phát triển"

Phó Chủ tịch Hoàng Công Thủy tiếp nhận hỗ trợ số tiền 1,8 tỷ đồng cho người nghèo tỉnh Điện Biên

Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2023. 

Hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hiện nay được tổ chức theo 4 cấp hành chính là: Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, có tổ chức bộ máy giúp việc là cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, có tổ chức bộ máy giúp việc là cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, thành phố; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, có tổ chức bộ máy giúp việc là cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã, phường, thị trấn, có tổ chức bộ máy giúp việc là cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã, phường, thị trấn.

Ngoài ra, dưới xã, phường, thị trấn có các Ban Công tác Mặt trận được tổ chức theo các khu dân cư, cộng đồng dân cư, tương ứng với các thôn, xóm, bản, làng, khóm, ấp, tổ dân phố.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện trong hệ thống tổ chức Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh là cầu nối giữa Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện. Thông qua hoạt động của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, các chương trình hành động, nội dung công tác do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề ra được cụ thể hóa và tổ chức thực hiện phù hợp với đặc điểm tình hình và điều kiện cụ thể của từng địa phương.

Ngược lại, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh phản ánh thực tế sinh động mọi hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh và tình hình các tầng lớp nhân dân, những vấn đề nảy sinh ở từng địa phương đến với Trung ương, từ đó giúp cho Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có thể bám sát mọi diễn biến trong xã hội, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của quần chúng, trên cơ sở đó đề ra nhiệm vụ và chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong từng thời kỳ; đồng thời phản ánh tình hình xã hội, của các tầng lớp nhân dân với Đảng, Nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận.

Nghị quyết của Đại hội đại biểu toàn quốc của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các chương trình hành động, chủ trương công tác của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có biến thành hành động cụ thể của hệ thống Mặt trận hay không, một phần rất quan trọng là dựa vào kết quả hoạt động của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện là cầu nối giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã (xã, phường, thị trấn).

Thông qua hoạt động các chương trình hành động, chủ trương công tác do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh đề ra, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện cụ thể hóa và tổ chức thực hiện phù hợp với đặc điểm tình hình và điều kiện cụ thể của từng địa phương.

Đồng thời, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện phản ảnh thực tế sinh động mọi hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện và tình hình các tầng lớp nhân dân, những vấn đề nảy sinh ở từng địa phương, giúp cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh có thể bám sát mọi diễn biến trong xã hội, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của quần chúng ở địa phương, trên cơ sở đó đề ra nhiệm vụ và chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh trong từng thời kỳ; đồng thời phản ảnh đến Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về tình hình kinh tế - xã hội của địa phương theo chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện là cơ quan chấp hành giữa hai kỳ Đại hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp, chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Nghị quyết và Chương trình hành động của Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp và cấp trên trực tiếp đề ra.

Thông qua việc tổ chức thực hiện Nghị quyết và Chương trình hành động giữa hai kỳ Đại hội, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có thể bổ sung, hoàn chỉnh và phát triển Nghị quyết của Đại hội. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh chịu sự hướng dẫn, kiểm tra của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thực hiện chế độ báo cáo tình hình và nêu những kiến nghị với Ủy ban Trung ương về những vấn đề có liên quan.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện chịu sự hướng dẫn, kiểm tra của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, thực hiện chế độ báo cáo tình hình và nêu những kiến nghị của địa phương về những vấn đề có liên quan.

Đổi mới cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới

Một là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, hiệu lực quản lý của Nhà nước, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện và đội ngũ cán bộ, công chức của cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp; bám sát Cương lĩnh của Đảng, Hiến pháp, Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các văn kiện của Đảng, của Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện đặt trong tổng thể đổi mới bộ máy Đảng, hệ thống chính trị và hệ thống tổ chức của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Hai là, đổi mới kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ của cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện phải gắn với chức năng, nhiệm vụ chính trị của cơ quan. Do đó, phải xác định và quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện và được thể hiện bằng các quyết định, quy định về tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ và biên chế của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Thành uỷ ban hành hoặc phê duyệt. Trên cơ sở thực hiện nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội của địa phương và theo chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc, Ban Thường vụ các Tỉnh uỷ, Thành uỷ thống nhất với Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ban hành quy định về tổ chức bộ máy, cán bộ của cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện và phân bổ biên chế đảm bảo đúng quy định và phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương.

Ba là, đổi mới tổ chức bộ máy, cán bộ của cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện phải đảm bảo tinh gọn tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, đảm bảo chất lượng, hoạt động hiệu quả.

Quá trình đổi mới bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, liên thông; kết hợp hài hòa giữa kế thừa, ổn định với đổi mới, phát triển; gắn đổi mới tổ chức bộ máy với đổi mới phương thức lãnh đạo, tinh giản biên chế và cải cách chế độ tiền lương; cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức công tác trong cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện; thu hút người có đức, có tài; bố trí đủ nguồn lực cần thiết và có cơ chế, chính sách phù hợp đối với những người chịu tác động trực tiếp trong quá trình sắp xếp.

Bốn là, đổi mới tổ chức bộ máy, cán bộ gắn với hoạt động của cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng cấp với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả. Lãnh đạo cần tập trung, thống nhất trong hệ thống Mặt trận; thực hiện cần thường xuyên, liên tục, tích cực, có trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình, bước đi vững chắc, đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài.

Những việc đã rõ, cần thực hiện thì thực hiện ngay; những việc mới, chưa được quy định hoặc những việc đã có quy định nhưng không còn phù hợp thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, từng bước hoàn thiện, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội; những việc chưa rõ, phức tạp, nhạy cảm, còn có ý kiến khác nhau thì tiếp tục nghiên cứu, tổng kết để có chủ trương, giải pháp phù hợp.

Năm là, đối với cấp tỉnh, thực hiện nguyên tắc ban chuyên môn thực hiện nhiều việc và một việc chỉ giao cho một ban giúp việc chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính. Mô hình và quy mô tổ chức bộ máy phải phù hợp với tính chất, đặc điểm, chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở từng địa phương.

Đồng thời, làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, cán bộ gắn với đổi mới hoạt động thực hiện chức năng, nhiệm vụ; tăng cường tuyên truyền, vận động, thuyết phục, tạo sự thống nhất cao trong tổ chức Đảng và toàn cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện và sự đồng thuận trong xã hội, không để các thế lực thù địch, các phần tử xấu lợi dụng xuyên tạc, chống phá, chia rẽ nội bộ.

Thực trạng về tổ chức bộ máy, cán bộ cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh

Theo tổng hợp báo cáo của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố, tính đến tháng 12/2022, bộ máy của cơ quan chuyên trách cấp tỉnh được sắp xếp, thành lập các đầu mối ban, đơn vị, cơ cấu như sau:

+ Văn phòng cơ quan: có 31/63 tỉnh, thành phố thành lập riêng Văn phòng; có 32/63 tỉnh, thành phố ghép Văn phòng và Tổ chức.

+ Ban Phong trào: có 26/63 tỉnh, thành phố thành lập riêng Ban Phong trào; có 15 tỉnh, thành phố ghép Ban Phong trào và Tuyên giáo; có 22 tỉnh, thành phố ghép Ban Phong trào và Dân tộc - Tôn giáo;

+ Ban Dân chủ - Pháp luật: có 30/63 tỉnh, thành phố thành lập riêng Ban Dân chủ - Pháp luật; có 22 tỉnh, thành phố ghép Ban Dân chủ - Pháp luật và Tôn giáo; có 10 tỉnh, thành phố ghép Ban Dân chủ - Pháp luật và Tuyên giáo; có 1 tỉnh, thành phố ghép Ban Dân chủ - Pháp luật và Đối ngoại - Kiều bào.

+ Ban Tổ chức: có 4 tỉnh, thành phố thành lập riêng Ban Tổ chức; có 21/63 tỉnh, thành phố ghép Ban Tổ chức và Tuyên giáo; có 32/63 tỉnh, thành phố ghép Văn phòng và Tổ chức; có 8 tỉnh, thành phố ghép Ban Tổ chức với Đối ngoại - Kiều bào.

Qua tổng hợp báo cáo của các tỉnh, thành phố (tính đến thời điểm tháng 12/2022), có 61/63 tỉnh, thành phố đã triển khai thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy cơ quan chuyên trách Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh theo Quy định 212-QĐ/TW; có 1 tỉnh đang chờ phê duyệt đề án là Bạc Liêu; Thành phố Hồ Chí Minh triển khai theo Đề án tổ chức bộ máy của cấp ủy địa phương. Số lượng đầu mối ban, đơn vị của cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố thành lập được 229 đầu mối ban, đơn vị.

Tính đến tháng 12/2022, tổng số nhân sự trong Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh 490 người, trong đó Chủ tịch 63 người (chuyên trách 49; kiêm nhiệm 14); Phó Chủ tịch: 186 người; Ủy viên Thường trực: 241 người. Thành phần trong Ban Thường trực: là nữ: 137 người; là người dân tộc thiểu số: 62 người; là người có tôn giáo: 7 người.

Tổng số lãnh đạo là Trưởng ban (Chánh văn phòng), Phó Trưởng ban (Phó Chánh văn phòng) của cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh: 450 người (trong đó Trưởng ban và tương đương 219 người; Phó ban và tương đương 231 người).

Theo số liệu tính đến tháng 12/2022, về nhân sự chủ chốt Mặt trận cấp tỉnh tham gia cấp ủy: Thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 4/1/2018 của Ban Bí thư về lãnh đạo Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019-2024, Ban Thường vụ các tỉnh, thành ủy đã phân công đồng chí Thường vụ làm Bí thư Đảng đoàn và giới thiệu để hiệp thương cử giữ chức vụ Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp, qua theo dõi, tổng hợp, tính đến tháng 12/2022, trên toàn quốc có 61/63 đồng chí Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là Ủy viên Ban Thường vụ. 14 tỉnh có đồng chí Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc đồng thời là Trưởng ban Dân vận cấp ủy.

Về số lượng cấp phó của cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh: Theo số liệu tổng hợp, tính đến tháng 12/2022, tại 63 cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh có 186 đồng chí Phó Chủ tịch, trong đó 5/63 tỉnh, thành phố có bố trí số lượng 4 Phó Chủ tịch; 8/63 tỉnh, thành phố bố trí số lượng 2 Phó Chủ tịch; 50/63 tỉnh thành phố bố trí số lượng 3 Phó Chủ tịch.

Như vậy, số lượng cấp phó của cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh cơ bản được bố trí đủ để có thể đáp ứng được công việc, một số tỉnh, thành phố hiện bố trí 2 Phó Chủ tịch, lý do nhân sự thay đổi do điều động công tác hoặc nghỉ hưu nên chưa kịp kiện toàn hoặc chưa có nhân sự phù hợp, đáp ứng được yêu cầu công việc.

Về trình độ chuyên môn của cán bộ, chuyên viên cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh

Với tổng số biên chế đang sử dụng của 63 cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, qua tổng hợp báo cáo của Ban Tổ chức - Cán bộ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tính đến tháng 12/2022, cho thấy:

+ Về trình độ đào tạo chuyên môn của 1.387 cán bộ, chuyên viên: 4 Tiến sĩ; 327 Thạc sĩ; 1.005 Đại học - Cử nhân; 7 Cao đẳng; 44 Trung cấp.

Riêng về trình độ đào tạo chuyên môn của 490 người trong Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh: 3 Tiến sĩ; 111 Thạc sĩ; 294 Đại học - Cử nhân; 82 Cao đẳng và Trung cấp.

+ Về Trình độ lý luận chính trị của cán bộ, chuyên viên cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh: 656 Cao cấp; 71 Cử nhân; 436 Trung cấp.

Riêng về trình độ lý luận chính trị của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh: 435 Cao cấp; 44 Cử nhân; 6 Trung cấp.

Hiện nay, thực hiện Kết luận số 74-KL/TW ngày 22/5/2020 của Bộ Chính trị và Thông báo Kết luận số 16-TB/TW ngày 7/7/2022 của Bộ Chính trị về thực hiện một số mô hình thí điểm theo Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII” số lượng Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đồng thời là Trưởng ban Dân vận cấp ủy ở cấp tỉnh là 14 đồng chí (tính đến hết tháng 12/2022), tỷ lệ 22,22%.

Thực trạng về tổ chức bộ máy, cán bộ của cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện

Cơ quan chuyên trách Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện giúp việc cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện, tính đến hết tháng 12/2022, tổng số cán bộ, công chức là 3.672 người (trong đó nam là 1.982 người, nữ là 1.690 người).

Tính đến tháng 12/2022, tổng số nhân sự trong Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là 2.752 người, trong đó Chủ tịch 698 người (chuyên trách 239; kiêm nhiệm 459); Phó Chủ tịch: 1.062 người; Ủy viên Thường trực: 812 người. Thành phần trong Ban Thường trực: là nữ có 852 người; là người dân tộc thiểu số có 415 người; người có tôn giáo là 36 người.

Nhân sự Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện tham gia cấp ủy, theo số liệu thống kê đến tháng 12/2022, toàn quốc có 616/703 đồng chí Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc cấp huyện là Ủy viên Ban Thường vụ, trong đó có 459/703 đồng chí Chủ tịch Mặt trận đồng thời Trưởng ban Dân vận cấp ủy.

Về số lượng cấp phó của cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện: Theo số liệu tổng hợp, tính đến tháng 12/2022, tại 703 cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện có 1.012 đồng chí Phó Chủ tịch, trong đó có 13/63 tỉnh, thành phố có bố trí số lượng 1 Phó Chủ tịch (Bắc Kạn, Đà Nẵng, Đắk Nông, Hà Nam, Khánh Hòa, Lai Châu, Lào Cai, Long An, Phú Thọ, Phú Yên, Quảng Ninh, Sơn La, Vĩnh Long); có 2/63 tỉnh trong giai đoạn này bố trí số lượng nhiều nhất là 3 Phó Chủ tịch, ít nhất là 1 Phó Chủ tịch (An Giang, Nghệ An); có 48/63 tỉnh, thành phố bố trí số lượng nhiều nhất là 2 Phó Chủ tịch, ít nhất là 1 Phó Chủ tịch.

Như vậy, đối với việc bố trí số lượng cấp phó của cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện, số lượng địa phương bố trí 1 Phó Chủ tịch là 401, chiếm tỷ lệ 39,62%, còn lại là số địa phương bố trí được 2 Phó Chủ tịch và cá biệt là 3 Phó Chủ tịch, điều này dẫn đến khó khăn trong việc bố trí nhân sự để có thể đáp ứng được công việc.

Về trình độ chuyên môn của cán bộ, chuyên viên cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện:

+ Về trình độ đào tạo chuyên môn của 3.533 cán bộ, chuyên viên: 5 Tiến sĩ; 509 Thạc sĩ; 3.038 Đại học - Cử nhân; 34 Cao đẳng; 103 Trung cấp.

Riêng về trình độ đào tạo chuyên môn của 2.534 người trong Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện: 5 Tiến sĩ; 450 Thạc sĩ; 2.059 Đại học - Cử nhân; 35 Cao đẳng và Trung cấp.

+ Về trình độ lý luận chính trị của cán bộ, chuyên viên cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện: 1.536 Cao cấp; 127 Cử nhân; 1.605 Trung cấp.

Riêng về trình độ lý luận chính trị của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện: 1.517 Cao cấp; 79 Cử nhân; 883 Trung cấp.

Giải pháp kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới

Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên về lãnh đạo việc đổi mới tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, trong đó có tổ chức bộ máy của hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp

Một là, nâng cao chất lượng việc học tập, quán triệt nghị quyết, chủ trương của Đảng về đổi mới tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng, nhất là vai trò Bí thư cấp ủy trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức học tập, quán triệt nghị quyết, chủ trương của Đảng về việc đổi mới tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp phải có sự thống nhất về quan điểm, nhận thức, đồng thời thể hiện quyết tâm chính trị trên cơ sở quán triệt đầy đủ nghị quyết của Đảng, kế hoạch, chương trình hành động, đề án đã được tập thể cấp ủy thông qua. Coi trọng việc cụ thể hóa nghị quyết về đổi mới tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị thành các chương trình hành động, kế hoạch thực hiện cụ thể gắn với chức năng, nhiệm vụ và phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, đơn vị.

Hai là, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền nói chung và nhận thức về vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nói riêng. Từ đó cho thấy, phản biện xã hội không phải là hành động phản đối, phủ định mà là việc nhận xét, đánh giá, thẩm định của xã hội đối với dự thảo chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật nhằm làm cho sự lãnh đạo, điều hành, quản lý của Đảng và Nhà nước được tốt hơn. Do đó, Đảng phải đổi mới công tác cán bộ đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Ba là, Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, coi trọng việc phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị và người đứng đầu của các tổ chức.

Cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp cần phải nắm chắc để vận dụng trong công tác tổ chức - cán bộ của mình, tham mưu cho cấp uỷ cùng cấp chỉ đạo, quyết định những chủ trương về tổ chức và cán bộ của Mặt trận thật chính xác, phù hợp với chức năng và đặc điểm của đơn vị. Nhất là thực hiện đúng tinh thần và hiệu quả Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng về lãnh đạo Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với nhiệm kỳ hiện tại (nhiệm kỳ 2019 - 2024) và nhiệm kỳ sắp tới (nhiệm kỳ 2024 - 2029) như là:

(1) Việc chuẩn bị nhân sự Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp phải căn cứ tiêu chuẩn cán bộ và thực tiễn công tác Mặt trận trong giai đoạn mới; cơ cấu thành phần bảo đảm để Mặt trận thực sự là hình ảnh của khối đại đoàn kết, coi trọng tính thiết thực, tính tiêu biểu và tính đại diện. Nâng cao chất lượng thành phần cá nhân tiêu biểu, đại diện cho các giai cấp, tầng lớp, các dân tộc, tôn giáo và người Việt Nam ở nước ngoài; bảo đảm tỉ lệ phù hợp người ngoài Đảng tham gia Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở các cấp;

(2) Cấp uỷ các cấp phân công, giới thiệu đồng chí Bí thư hoặc Phó Bí thư cấp uỷ tham gia Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp; phân công đồng chí trong Ban Thường vụ cấp uỷ làm Bí thư Đảng đoàn Mặt trận và giới thiệu để hiệp thương giữ chức Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp;

(3) Việc kiện toàn tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ cơ quan chuyên trách Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; mở rộng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức, các Hội đồng tư vấn, Ban tư vấn, cán bộ không chuyên trách, cộng tác viên của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp.

Tổng kết thực tiễn để đánh giá cơ bản, toàn diện về tổ chức bộ máy, cán bộ và việc vận hành tổ chức bộ máy trong hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp

Đối với cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện để có đội ngũ cán bộ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong mọi giai đoạn của cách mạng, cần có sự chuẩn bị chu đáo, chủ động làm tốt công tác quy hoạch cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt; có kế hoạch chăm lo công tác cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ dân tộc thiểu số. Trên cơ sở đó có đủ nguồn cán bộ để bố trí sắp xếp vào các vị trí một cách hợp lý và thường xuyên, đáp ứng chức năng đổi mới đội ngũ cán bộ.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được triển khai thường xuyên nhằm hướng tới chuẩn hóa đội ngũ cán bộ. Để triển khai hiệu quả công tác này, Cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện phải chú trọng việc phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ hàng năm. Kế hoạch đào tạo bồi dưỡng cán bộ các cấp gắn với các quy định về tiếp nhận, tuyển dụng, luân chuyển, điều động cán bộ; quy định tiêu chuẩn đối với một số chức danh cán bộ lãnh đạo các cấp; quy định về phân cấp quản lý, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức…

Công tác đào tạo, bồi dưỡng với nhiều hình thức, biện pháp để nâng cao trình độ, bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ, công chức công tác tại cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện: Thứ nhất, thông qua hoạt động thực tiễn. Đây là cách làm thiết thực, có hiệu quả. Phải giao việc đúng người, có chỉ đạo, hướng dẫn kiểm tra, có tổng kết kinh nghiệm. Các hình thức tham quan, khảo sát, hội thảo chuyên đề… là những hình thức tốt để nâng cao trình độ cán bộ.

Rất nhiều cán bộ lãnh đạo có uy tín của Mặt trận đã trưởng thành nhờ thông qua thử thách trong thực tế. Thứ hai, nâng cao trình độ cán bộ bằng cách cử người đi học tại các trường chính trị của các tỉnh, thành phố, trung tâm bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học Mặt trận của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng khác trong nước.

Kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh

Về tổ chức bộ máy

Trước hết cần có sự thống nhất về quan điểm giữa Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ, các bộ, ngành liên quan và các Tỉnh ủy, Thành ủy nhằm có sự thống nhất chung. Đồng thời, nghiên cứu ban hành hướng dẫn thực hiện Quy định 212-QĐ/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng theo hướng:

- Sửa đổi, bổ sung những quy định về chức năng, nhiệm vụ của cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, các ban chuyên môn của cơ quan cho cụ thể, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

- Thống nhất trong mô hình tổ chức bộ máy:

+ Đối với những địa phương có số lượng biên chế đủ để thành lập 4 đầu mối theo Quy định 212/QĐ/TW, có thể sắp xếp sáp nhập để thành lập 4 đầu mối theo hướng:

(1) Văn phòng: gồm có bộ phận, lĩnh vực như Tổng hợp; Thi đua khen thưởng; Hành chính. Về tên gọi: Văn phòng.

(2) Ban Tổ chức: gồm lĩnh vực Tổ chức - Cán bộ; Tuyên giáo. Về tên gọi: Ban Tổ chức.

(3) Ban Phong trào: gồm lĩnh vực Phong trào; Dân tộc, Tôn giáo. Về tên gọi: Ban Phong trào.

4) Ban Dân chủ - Pháp luật: gồm lĩnh vực Dân chủ -Pháp luật; Đối ngoại nhân dân. Về tên gọi: Ban Dân chủ - Pháp luật.

+ Đối với những địa phương không có đủ có số lượng biên chế theo quy định để thành lập 4 đầu mối theo Quy định 212/QĐ/TW, có thể sắp xếp sáp nhập để thành lập 3 đầu mối theo hướng:

(1) Văn phòng: gồm có bộ phận, lĩnh vực như Tổ chức, Tuyên giáo, Tổng hợp; Thi đua khen thưởng; Hành chính. Về tên gọi: Văn phòng.

(2) Ban Phong trào: gồm lĩnh vực Phong trào; Dân tộc, Tôn giáo. Về tên gọi: Ban Phong trào.

(3) Ban Dân chủ - Pháp luật: gồm lĩnh vực Dân chủ -Pháp luật; Đối ngoại nhân dân. Về tên gọi: Ban Dân chủ - Pháp luật.

Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội có thể thành lập nhiều hơn, nhưng không quá 2 đầu mối theo đúng Quy định 212-QĐ/TW.

Về công tác cán bộ

Xây dựng tiêu chuẩn cho cán bộ cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) "Về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước"; Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về ”Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ”; Quy định số 89-QĐ/TW ngày 4/8/2017 của Bộ Chính trị về “Khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp” và các văn bản có liên quan khác, cụ thể:

- Có tinh thần yêu nước sâu sắc, tận tuỵ phục vụ Nhân dân, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, phấn đấu thực hiện có kết quả đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước;

- Cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Không tham nhũng và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng. Có ý thức tổ chức kỷ luật. Trung thực, không cơ hội, gắn bó mật thiết với Nhân dân, được Nhân dân tín nhiệm;

- Có trình độ hiểu biết về lý luận chính trị, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước;

- Có trình độ văn hóa, chuyên môn, năng lực, sức khoẻ để làm việc hiệu quả, đáp ứng chức năng nhiệm vụ được giao.

Do đặc thù hoạt động của Mặt trận Tổ quốc là tuyên truyền, vận động, thuyết phục, kêu gọi, tập hợp Nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, quán triệt tinh thần đó, đối với đội ngũ cán bộ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngoài những tiêu chuẩn chung nêu trên cần có những tiêu chuẩn cụ thể đó là:

- Cán bộ Mặt trận, trước hết cần có lòng nhiệt tình; tinh thần trách nhiệm cao với Nhân dân, biết thông cảm và chia sẻ những khó khăn của Nhân dân.

- Hết sức nhạy bén, biết khéo léo lựa chọn, lồng ghép các chương trình phối hợp công tác, các nội dung hoạt động, các dự án đang triển khai với việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tại địa phương để vừa tranh thủ được sự lãnh đạo của cấp ủy, sự phối hợp với Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp và các ban, ngành chức năng, vừa tranh thủ được các nguồn nhân lực vừa góp phần phục vụ các nhu cầu, lợi ích chính đáng của quần chúng nhân dân.

- Người cán bộ Mặt trận còn cần luôn năng động sáng tạo, lại mềm dẻo, linh hoạt trong ứng xử, tiếp xúc với dân; nhạy bén phát hiện những vấn đề mới, nhân ái, bao dung và gần gũi với mọi người, giải quyết công việc trên cơ sở có lý, có tình; biết lắng nghe, gợi mở và luôn “gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân. Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”.

Đối với việc sắp xếp, bố trí cán bộ

Đối với việc thực hiện thí điểm mô hình Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh cần có báo cáo chi tiết, cụ thể, nêu rõ những khó khăn, thuận lợi, không tránh né, nêu được những tiêu chí cụ thể, điều kiện cần thiết trên thực tế để tổ chức thí điểm mô hình “ở những địa phương đủ điều kiện”, để cho Ban Thường vụ các Tỉnh, Thành ủy có cơ sở báo cáo Trung ương tổ chức sơ, tổng kết rút kinh nghiệm và quyết định việc tổ chức thực hiện mô hình thí điểm trên trong thời gian tiếp theo như thế nào để phù hợp với thực tế.

Đối với việc bố trí, sắp xếp về số lượng cấp phó của cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, căn cứ Quy định số 212-QĐ/TW, Ban Thường vụ Tỉnh, Thành ủy đã quy định tổng số lãnh đạo cấp phó chuyên trách của cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, ở cấp tỉnh không quá 15 người, số lượng cấp phó từng cơ quan do Ban Thường vụ cấp ủy cùng cấp xem xét, quyết định.

Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh cần xây dựng phương án, đề án cụ thể báo cáo Ban Thường vụ tỉnh, thành ủy trong việc sắp xếp tổ chức bộ máy, cán bộ, đảm bảo tối thiểu cấp tỉnh có 3 Phó Chủ tịch trở lên để thực hiện hiệu quả yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, giám sát và phản biện xã hội trong giai đoạn mới.

Thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển cán bộ. Phải đảm bảo tính kế thừa trong đội ngũ cán bộ làm công tác Mặt trận tại cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, nhất là các chức danh trong Ban Thường trực; cấp trưởng, cấp phó các Ban chuyên môn, Văn phòng của Cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh.

Giải pháp kiện toàn tổ chức, cán bộ cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện

Về tổ chức

Với tổ chức bộ máy cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện cũng cần có quy định để tạo sự thống nhất chung, tránh tình trạng tổ chức bộ máy hiện nay xen ghép không phù hợp; cơ quan Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể ở cấp huyện nên xây dựng theo hướng có văn phòng phục vụ chung về công tác văn thư, kế toán và những công việc hành chính khác. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể khác độc lập về tổ chức, biên chế, kinh phí, tuy nhiên cần có sự chỉ đạo của cấp ủy để thống nhất giữa các tổ chức trong triển khai thực hiện nhiệm vụ, tránh trùng lặp.

- Cần có quy định mở hơn về số lượng biên chế đối với bộ máy cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện, nên bố trí biên chế cán bộ cấp huyện từ 5 - 7 người, đảm bảo số lượng có từ 2 Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trở lên để đảm nhiệm các lĩnh vực công tác.

Về công tác cán bộ

Đối với việc thực hiện thí điểm mô hình Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện cần có báo cáo chi tiết, cụ thể, nêu rõ những khó khăn, thuận lợi, không tránh né, nêu được những tiêu chí cụ thể, điều kiện cần thiết trên thực tế để tổ chức thí điểm mô hình “ở những địa phương đủ điều kiện”, để cho Ban Thường vụ các Tỉnh, Thành ủy có cơ sở báo cáo Trung ương tổ chức sơ, tổng kết rút kinh nghiệm và quyết định việc tổ chức thực hiện mô hình thí điểm trên.

Đối với việc bố trí, sắp xếp về số lượng cấp phó của cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện cần xây dựng phương án, đề án cụ thể báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh, Thành ủy trong việc sắp xếp tổ chức bộ máy, cán bộ, đảm bảo cấp huyện có đủ 2 Phó Chủ tịch trở lên để thực hiện hiệu quả yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, giám sát và phản biện xã hội trong giai đoạn mới đang yêu cầu nhiều hơn, đòi hỏi chất lượng cao hơn.

Về công tác sắp xếp, bố trí sử dụng, luân chuyển cán bộ, hoàn thiện bộ tiêu chí chuẩn hóa về năng lực trình độ, thời gian, kinh nghiệm công tác cho từng vị trí. Chuẩn hóa nhân sự tuyển dụng đầu vào của cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện.

Thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển cán bộ, đảm bảo tính kế thừa trong đội ngũ cán bộ làm công tác Mặt trận; Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cơ quan Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện, đảm bảo cơ cấu cán bộ hợp lý, đồng bộ về cơ cấu ngành nghề chuyên môn.

Nguyễn Bắc Bình -  Ban Tổ chức - Cán bộ,

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản