Tin mới

Mặt trận các cấp cần quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp

(Mặt trận) - Sáng 22/1, tại Hà Nội, UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến Tập huấn công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến chúc mừng Giáng sinh tại Thành phố Hồ Chí Minh

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến thông báo dự thảo báo cáo kết quả kiểm tra đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến thăm, chúc mừng Bộ Quốc phòng nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Chủ trì Hội nghị 

Dự và chủ trì Hội nghị có ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia, Trưởng Ban Chỉ đạo Hội đồng bầu cử UBTƯ MTTQ Việt Nam; ông Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam; các Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam: Trương Thị Ngọc Ánh, Ngô Sách Thực, Nguyễn Hữu Dũng cùng hơn 8.500 đại biểu tại 64 điểm cầu trên cả nước.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Hội nghị 

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân là hình thức dân chủ trực tiếp, là phương thức thể hiện ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong việc xây dựng Nhà nước nói chung và cơ quan đại diện - cơ quan quyền lực Nhà nước từ Trung ương đến địa phương ở nước ta nói riêng. Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, diễn ra sau thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, gắn liền với công tác cán bộ, liên quan đến trách nhiệm của các cấp, các ngành; là dịp để cử tri phát huy quyền và nghĩa vụ của công dân, lựa chọn, bầu ra những người tiêu biểu, xứng đáng trong cơ quan quyền lực Nhà nước ở Trung ương và địa phương.

“Thời gian qua Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam và các ban bộ ngành Trung ương đã ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn công tác bầu cử để kịp thời triển khai thực hiện trong hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.

Quang cảnh Hội nghị

Theo Chủ tịch Trần Thanh Mẫn, từ Thông báo số 174 ngày 08/6/2020 Kết luận của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 05 ngày 16/9/2020 của Hội đồng bầu cử quốc gia về việc triển khai 6 nhiệm vụ cơ bản của MTTQ Việt Nam, đến thời điểm này, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã ban hành các văn bản liên quan nhằm đảm bảo quy trình hiệp thương, giới thiệu người ứng cử và Thông tri của Ban Thường trực hướng dẫn giám sát cuộc bầu cử.

Cũng tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác bầu cử, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng chỉ đạo công tác bầu cử trong thời gian tới; Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng quán triệt Chỉ thị số 45 của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử và thành viên Hội đồng bầu cử quốc gia cũng đã quán triệt, trao đổi những nội dung quan trọng, thiết thực đối với quá trình bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

“Trên cơ sở nhiệm vụ được giao, Mặt trận các cấp cần quyết tâm hoàn thành tốt các nhiệm vụ đảm bảo đúng tiến độ, yêu cầu có chất lượng, góp phần vào thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị.

Từ nội dung các chuyên đề được trình bày tại Hội nghị, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn yêu cầu đại biểu tham dự cần tập trung nghiên cứu kỹ tài liệu, từ đó tập trung trao đổi, thảo luận về những vấn đề liên quan như việc thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử, quy trình Hiệp thương, tổ chức hội nghị cử tri, công tác tuyên truyền, tiếp công dân, xử lý đơn thư công tác giám sát thi đua, khen thưởng,…

Số lượng đại biểu Quốc hội ở cơ quan Trung ương là 207 đại biểu

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh phát biểu tại Hội nghị 

Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh đã quán triệt việc thực hiện các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam triển khai công tác bầu cử đại biểu quốc hội khóa XV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Theo đó, đến thời điểm này, đã có 17 văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam ban hành liên quan đến công tác bầu cử. Đây là hệ thống văn bản hết sức cơ bản, quan trọng, xuyên suốt trong quá trình bầu cử. Vai trò, quyền, trách nhiệm của Mặt trận các cấp thể hiện rất rõ trong từng văn bản và cũng là trọn vẹn, xuyên suốt cả quá trình.

Từ các văn bản liên quan, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam và Ban Thường trực Ủy ban MTTQ VN các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, xây dựng các kế hoạch công tác bầu cử cụ thể và chi tiết; rà soát kỹ các công việc, nhất là các công việc liên quan đến vai trò, quyền, trách nhiệm của MTTQVN, bám sát hướng dẫn, tiến độ, phân công trách nhiệm tập thể, cá nhân, từng người, từng việc, bảo đảm sự chính xác, kịp thời, chủ động trước mọi tình huống; tổ chức tốt các hội nghị tập huấn để cán bộ Mặt trận nắm vững pháp luật bầu cử và các văn bản hướng dẫn của các cơ quan trung ương, nhất là những nội dung trong công tác hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử.

“Đây là tiền đề quan trọng, quyết định đến việc thực hiện các nhiệm vụ tiếp theo của MTTQVN trong cuộc bầu cử”, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cũng đề nghị, để triển khai nhiệm vụ, cần coi trọng sự phối hợp chặt chẽ giữa Ủy ban Trung ương MTTQVN với Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các tổ chức thành viên của MTTQVN ở trung ương và các cơ quan, tổ chức có liên quan; giữa Ủy ban MTTQ VN các cấp với Ủy ban bầu cử, Thường trực HĐND, Ủy ban nhân dân và các tổ chức thành viên của MTTQ VN cùng cấp là điều kiện hết sức quan trọng đảm bảo cho Mặt trận hoàn thành trách nhiệm của mình trong cuộc bầu cử.

Bên cạnh đó cần chuẩn bị chu đáo và thực hiện tốt các bước quy trình hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử, đảm bảo về cơ cấu, thành phần, số lượng người ứng cử trên cơ sở dự kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thường trực HĐND; trong quá trình thực hiện phải đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của Đảng đi đôi với phát huy dân chủ trong công tác hiệp thương của Mặt trận; Phát huy vai trò của các chức sắc tôn giáo, người tiêu biểu, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng dân cư tham gia cuộc bầu cử…

Quán triệt về Nghị quyết số 1185/NQ-UBTVQH14 ngày 11/1/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn việc xác định dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử ĐBQH khóa XV nhiệm kỳ 2021-2026, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị số lượng ĐBQH khóa XV là 500 đại biểu.

Theo đó số lượng đại biểu ở cơ quan Trung ương là 207 đại biểu (41,4%); trong đó UBTƯ MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên là 29 đại biểu (5,8%). Số lượng đại biểu ở địa phương là 293 đại biểu (58,6%); trong đó Ủy ban MTTQ Việt Nam là 9 đại biểu (1,8%); Công đoàn 6 đại biểu (1,2%); Đoàn TNCSHCM 5 đại biểu (1,0%); Hội LHPNVN 7 đại biểu (1,4%); Hội Nông dân VN 5 đại biểu (1,0%); Hội CCBVN 3 đại biểu (0,6%).

Ngày 4/2/2021: Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng phát biểu tại Hội nghị

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng đã trình bày “Hướng dẫn quy trình hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026”. Theo đó, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất vào ngày 4/2/2021. Hội nghị hiệp thương lần thứ 2 xong trước ngày 19/3/2021 và Hiệp thương lần thứ 3 xong trước ngày 18/4/2021.

Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng cho biết, từ Nghị quyết liên tịch số 09/2021/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTƯMTTQVN Hướng dẫn quy trình hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, quy trình hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 tập trung vào 5 bước sau:

Bước một: Tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất để thoả thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND được thực hiện trong khoảng thời gian từ ngày 03/2 đến ngày 17/2/2021.

Bước hai: Cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND được thực hiện thời gian từ ngày 24/2/2021 đến ngày 11/3/2021.

Bước ba: Tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ hai để thoả thuận lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND được thực hiện trong thời gian từ ngày 15/3/2021 đến ngày 19/3/2021.

Bước bốn: Tổ chức Hội nghị lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND được thực hiện thời gian từ ngày 21/3/2021 đến ngày 13/4/2021.

Bước năm: Tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ ba để lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND được tổ chức thời gian từ ngày 14/4/2021 đến ngày 18/4/ 2021.

Giải quyết ngay những phản ánh, kiến nghị liên quan đến bầu cử

Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực phát biểu tại Hội nghị 

Trình bày chuyên đề về “Tổ chức các hội nghị cử tri và công tác kiểm tra, giám sát công tác bầu cử của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực lưu ý, trong quá trình triển khai thực hiện, nếu phát hiện những việc làm chưa đúng quy định, hành vi vi phạm pháp luật, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp phải thông tin, phản ánh, kiến nghị kịp thời đến các cơ quan có thẩm quyền để xem xét giải quyết, khắc phục ngay, không tự ý xử lý những vấn đề không thuộc thẩm quyền và chức năng của cơ quan MTTQ Việt Nam các cấp.

Bên cạnh đó, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, giám sát công tác bầu cử theo quy định; tổ chức các đoàn giám sát việc thực hiện công tác bầu cử tại một số địa phương; tham gia các đoàn kiểm tra, giám sát công tác bầu cử do Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hội đồng bầu cử quốc gia chủ trì.

Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực đề nghị Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng kế hoạch chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai kiểm tra, giám sát. Kết thúc cuộc bầu cử, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổng hợp báo cáo tình hình, kết quả hoạt động kiểm tra, giám sát công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 gửi về Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam Việt Nam trước ngày 10/6/2021.

Bên cạnh đó, các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức thành viên của Mặt trận các cấp phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp tham gia kiểm tra, giám sát công tác bầu cử.

Cũng theo Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực, việc sử dụng kinh phí phục vụ công tác kiểm tra, giám sát công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 cần thực hiện theo quy định tại Thông tư số 102/2020/TT-BTC, ngày 23/11/2020 của Bộ Tài chính và các quy định khác có liên quan.

“Trong quá trình kiểm tra, giám sát công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, nếu có vấn đề gì phát sinh, khó khăn, vướng mắc hoặc phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về bầu cử, có thể gây ảnh hưởng xấu đến việc tổ chức và kết quả bầu cử thì báo cáo ngay cho Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam để kịp thời hướng dẫn xử lý”, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực nhấn mạnh.

Hoàn thành những nhiệm vụ mới, nhiệm vụ khó, nhiệm vụ đột xuất

Đại biểu tham dự tại các điểm cầu

Từ những nội dung thảo luận tại Hội nghị, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn ghi nhận và đánh giá cao sự tham gia của đại biểu tại các điểm cầu, đặc biệt là các ý kiến trao đổi, thảo luận đề cập tới những vấn đề phát sinh từ thực tiễn và sự chủ động vào cuộc của Mặt trận từ Trung ương tới địa phương khi triển khai các văn bản liên quan tới công tác bầu cử.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị, từ hệ thống văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn của Đảng, Nhà nước, UBTƯ MTTQ Việt Nam được ban hành đầy đủ, đồng bộ, rõ ràng, quy định chi tiết các nội dung liên quan đến công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Mặt trận các cấp cần tổ chức triển khai đảm bảo thực chất, khách quan và có chất lượng.

“Hệ thống Mặt trận từ Trung ương tới địa phương cần nghiên cứu Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, Hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, các Thông tri của Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam và của các ban bộ ngành liên quan để triển khai công tác bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp tới từng địa bàn khu dân cư”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn yêu cầu.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị, để đảm bảo tiến độ tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất diễn ra trong khoảng thời gian từ ngày 3/2/2021 đến ngày 17/2/2021, Mặt trận các địa phương cần khẩn trương và chủ động chuẩn bị các nội dung liên quan để hội nghị hoàn thành đúng tiến độ đề ra. Hội nghị hiệp thương lần thứ hai xong trước ngày 19/3/2021 và Hiệp thương lần thứ ba xong trước ngày 18/4/2021.

“Đặc biệt, chậm nhất là đến 17h00 ngày 14/3/2021, người ứng cử phải hoàn thành việc nộp hồ sơ ứng cử. Việc tổ chức Hội nghị lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú, nơi công tác được diễn ra từ ngày 21/3 đến ngày 13/4/2021. Chậm nhất là ngày 13/4/2021 phải hoàn thành việc xác minh và trả lời các vụ việc cử tri nêu đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp. Ngày 24/4/2021, phải gửi danh sách người ứng cử tới Hội đồng bầu cử quốc gia và ngày 28/4/2021, Hội đồng bầu cử quốc gia công bố danh sách chính thức ứng cử để ngày 23/5/2021 diễn ra bầu cử toàn quốc đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nêu rõ.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, việc tham gia công tác bầu cử là nhiệm vụ trọng tâm số một của hệ thống Mặt trận từ Trung ương đến địa phương. Trong khoảng thời gian cao điểm này, nhiệm vụ của Mặt trận các cấp vừa tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động vừa phải thực hiện kiểm tra giám sát.

“Tôi tin tưởng với kinh nghiệm, sự nhiệt tình trách nhiệm cao của của đội ngũ cán bộ các địa phương, Mặt trận sẽ quyết tâm hoàn thành những nhiệm vụ mới, nhiệm vụ khó, nhiệm vụ đột xuất; đảm bảo đúng tiến độ, yêu cầu đề ra nhằm góp phần vào thành công cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026” Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nói.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cũng lưu ý Mặt trận các địa phương cùng với việc tham gia chỉ đạo công tác bầu cử phải tiếp tục tập trung triển khai tốt các chương trình công tác đã đề ra trong năm để tiếp tục thực hiện thắng lơi Nghị quyết Đại hội IX MTTQ Việt Nam. Cùng với đó, Mặt trận các cấp tiếp tục phối hợp với các tổ chức thành viên tham gia vào công tác phòng chống dịch Covid-19; quan tâm chăm lo cho các gia đình chính sách, hộ nghèo nhân dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021.

“Mặt trận các cấp quán triệt tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư, Bộ Chính trị, Chính phủ về tổ chức Tết Nguyên đán năm 2021 để Tết đến mọi nhà, đến mọi người nhất là các hộ gia đình nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt đội ngũ cán bộ trong hệ thống Mặt trận thực hiện nghiêm các quy định trong Chỉ thị của Ban Bí thư, của Thủ tướng Chính phủ đảm bảo đón Tết vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.” Chủ tịch Trần Than Mẫn lưu ý.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản