|
Đồng chí Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam dự Ngày hội "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc" năm 2023 tại xã Yên Lâm, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang. ẢNH: TIẾN ĐẠT |
Nhiều năm qua, việc thực hiện Chương trình phối hợp đã trở thành nhiệm vụ chính trị, trọng tâm và thường xuyên của lực lượng Công an, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên. Mỗi đơn vị thành viên tham gia thực hiện Chương trình phối hợp đã phát huy vai trò, trách nhiệm trong quá trình triển khai thực hiện, tập trung tham mưu cho các cấp ủy Đảng, phối hợp với chính quyền và cả hệ thống chính trị thực hiện các giải pháp đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi và kiềm chế hoạt động của các loại tội phạm, tệ nạn xã hội.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Công an và các tổ chức thành viên đã tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh Tổ quốc, coi đó là nghĩa vụ và quyền lợi nhằm bảo vệ sự bình yên cho cá nhân, gia đình và cộng đồng. Xây dựng tinh thần cảnh giác cách mạng, trách nhiệm và năng lực bảo vệ an ninh, trật tự của mọi người trong việc chấp hành pháp luật, tham gia phòng ngừa, phát hiện đấu tranh ngăn chặn mọi hoạt động “diễn biến hòa bình”, “bạo loạn lật đổ” và âm mưu thủ đoạn phá hoại của các thế lực thù địch, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phục vụ đắc lực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trên địa bàn có đồng bào dân tộc, tôn giáo đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân chủ động phòng ngừa, phát hiện và đấu tranh với các hoạt động chống chính quyền, phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc, tôn giáo của các thế lực thù địch. Hỗ trợ đồng bào phát triển sản xuất, ổn định đời sống; tăng cường củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, cử cán bộ, chiến sĩ xuống cơ sở thực hiện “3 cùng”, “4 cùng” với Nhân dân nhằm xây dựng tình đoàn kết cộng đồng dân cư.
Khu vực các tỉnh Tây Bắc đã phối hợp thành lập các Tổ công tác xuống cơ sở tuyên truyền, vận động chuyển hóa, đưa nhiều thôn, bản ra khỏi diện bị ảnh hưởng hoạt động lập “Nhà nước Mông”; ngăn chặn tà đạo “Giê Sùa”, “Bà Cô Dợ”, hoạt động của “Tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình”. Khu vực các tỉnh Tây Nguyên đã tập trung phối hợp tuyên truyền vận động Nhân dân tham gia phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, đấu tranh ngăn chặn tái hoạt động FULRO, “Tin lành Đêga”, tà đạo “Hà Mòn”, các hoạt động của các thế lực thù địch, phản động lợi dụng dân tộc, tôn giáo để phá hoại chính sách đại đoàn kết dân tộc; lôi kéo, tổ chức cho người dân tộc thiểu số xuất cảnh trái phép ra nước ngoài; tranh chấp, khiếu kiện liên quan đến đất đai, tôn giáo, dân tộc.
Trên địa bàn các tỉnh Tây Nam Bộ: phối hợp các ban, ngành chức năng tuyên truyền, vận động bảo đảm an ninh trật tự vùng tập trung Phật giáo Hòa Hảo; tiếp tục phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia, vận động Nhân dân tham gia đấu tranh, ngăn chặn các hoạt động biểu tình, gây rối và tổ chức đưa người vượt biên trái phép sang các nước Campuchia, Thái Lan... Tuyến biên giới, biển đảo tập trung đẩy mạnh phong trào gắn với công tác giữ gìn toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Nhiều mô hình hay hoạt động hiệu quả tiếp tục được duy trì và nhân rộng như: Mô hình “Tổ liên gia”, “Tổ tự quản”, “Dòng họ an toàn”, “Câu lạc bộ tìm hiểu pháp luật”, “Câu lạc bộ phòng, chống tội phạm”, “Câu lạc bộ giáo dục đồng đẳng”, “Nhà trọ văn hoá”, “Cụm liên kết an toàn về an ninh, trật tự”… Tiêu biểu là các mô hình: “Hộ tự phòng, số nhà tự quản” của phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, được triển khai từ năm 1997 và tiếp tục được duy trì hiệu quả trong mỗi hộ gia đình.
Mô hình “Quản lý, cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ người lầm lỗi tại cộng động dân cư” 5+1: Công an, Mặt trận Tổ quốc, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Người cao tuổi giúp đỡ, được Mặt trận Tổ quốc, Công an và các tổ chức thành viên Thành phố Hồ Chí Minh tổng kết và triển khai thực hiện đồng loạt ở các quận, huyện trên địa bàn Thành phố; Mô hình chi Hội “An toàn về an ninh trật tự” của xã Cư M'gar, huyện Cư M'Gar, tỉnh Đắk Lắk; Mô hình “Tiếng kẻng an ninh” ở các thôn thuộc xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh...
Đến cuối năm 2022, trên địa bàn cả nước đã xây dựng thêm trên 14 nghìn hòm thư tố giác tội phạm, củng cố hơn 29.500 đường dây nóng tại khu dân cư và các địa bàn trọng điểm. Thành lập thêm 75 nghìn “Tổ an ninh nhân dân”, “Tổ dân phòng”; củng cố trên 23 nghìn “Tổ hoà giải” với hơn 110 nghìn hòa giải viên. Qua phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, Nhân dân đã cung cấp 91.201 nguồn tin tố giác tội phạm, trong đó có 90,15% nguồn tin có giá trị; giúp lực lượng chức năng điều tra, khám phá 42.558 vụ vi phạm hình sự; đấu tranh, triệt phá 1.997 băng, nhóm tội phạm, vận động đầu thú 6.278 đối tượng truy nã; phối hợp cảm hoá, giáo dục tại cộng đồng và gia đình 62.187 lượt đối tượng vi phạm pháp luật, thanh thiếu niên chậm tiến, trong đó có 80% người tiến bộ; phối hợp giúp đỡ hơn 600 trường hợp là nạn nhân bị mua bán trở về địa phương tái hòa nhập cộng đồng.
Từ kết quả hoạt động cho thấy, nội dung của Chương trình phối hợp đã được bổ sung và cụ thể hóa phù hợp với từng địa bàn, từng đối tượng, từng bước đi sâu vào các cơ quan, đơn vị và mọi cộng đồng dân cư; tích hợp được các phong trào, các cuộc vận động do cấp ủy, chính quyền Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên ở địa phương phát động. Nét mới trong phong trào là lực lượng Công an, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp đã phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, của các tổ chức trong lĩnh vực tự quản về an ninh trật tự, chủ động phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh, trật tự ngay trên từng đoạn ngõ, tổ dân phố, khu dân cư, trong các cơ quan, xí nghiệp; tạo thế chủ động trong phòng ngừa, phát hiện và đấu tranh trấn áp ngay khi các hành vi vi phạm pháp luật mới manh nha hoặc hành vi phạm tội vừa xảy ra.
Tập trung xây dựng phong trào ở các địa bàn trọng điểm; tăng cường các lực lượng xóa bỏ các địa bàn trắng về phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Trên các địa bàn cơ sở, lực lượng Công an viên, Ban Công tác Mặt trận, các chi hội, chi đoàn tích cực bám dân, bám địa bàn để xây dựng phong trào; củng cố, duy trì và nhân rộng mô hình tự quản về an ninh trật tự; phát huy vai trò người có uy tín, già làng, trưởng bản trong việc tổ chức cho Nhân dân đấu tranh phòng, chống các hoạt động vi phạm pháp luật; nâng cao tinh thần cảnh giác, kịp thời phát hiện, ngăn chặn mọi hoạt động gây chia rẽ, kích động làm mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại mỗi cộng đồng dân cư. Ý thức tự quản về an ninh trật tự, tự bảo vệ tài sản của gia đình, tự quản lý con em và người thân không vi phạm pháp luật, mắc các tệ nạn xã hội trong các hộ gia đình đã được nâng cao; nhiều địa bàn dân cư, hộ gia đình đã chủ động lắp đặt các hệ thống camera an ninh; vận động đầu tư, nâng cấp các hệ thống chiếu sáng vào ban đêm; thực hiện các biện pháp “Đi gửi về xin”.
Trong các đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường đã tập trung xây dựng và thực hiện quy định an toàn về an ninh trật tự; củng cố và nâng cao hoạt động của các tổ bảo vệ, đội thanh niên sao đỏ, tổ thanh niên xung kích... làm công tác giữ gìn an ninh trật tự. Tích cực phối hợp với các ngành chức năng của các địa phương nắm tình hình, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn cơ quan, doanh nghiệp tăng cường các biện pháp tự bảo vệ vật tư, trang thiết bị, tài sản trong cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường gắn với các hoạt động đảm bảo bí mật Nhà nước, phòng chống cháy, nổ và tai nạn nghiêm trọng.
Trong thời gian tới, hoạt động của các loại tội phạm, tệ nạn xã hội tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp. Các thể lực thù địch lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo, sự suy giảm lòng tin của một bộ phận nhân dân đã tạo dựng các nhân tố chống đối trong nước cấu kết chặt chẽ với bọn phản động bên ngoài để tăng cường các hoạt động chống phá, tấn công, thâm nhập, tác động, chuyển hóa,… ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và chất lượng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” tại các địa phương.
Trước tình hình đó, đòi hỏi trong thời gian tới, Công an với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên các cấp tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, phương thức hoạt động trong thực hiện Chương trình phối hợp với các nội dung trọng tâm sau:
Một là, Công an, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên các cấp tập trung tham mưu với cấp ủy Đảng, chính quyền tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả nội dung Kết luận số 44-KL/TW ngày 22/1/2019 của Ban Bí thư về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TW ngày 1/12/2011 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới; Chiến lược quốc gia phòng, chống và kiểm soát ma túy ở Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 của Chính phủ; Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016 - 2025 và định hướng đến năm 2030 gắn với thực hiện Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá"; đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong toàn hệ thống chính trị từ Trung ương đến các địa phương.
Hai là, đổi mới nội dung, phương pháp tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao cảnh giác cách mạng; ý thức thực thi, chấp hành pháp luật trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân; tích cực tham gia bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền, giữ bí mật Nhà nước. Tăng cường sự đồng thuận trong Nhân dân, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết giữa các dân tộc, tôn giáo với xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân và phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, góp phần đấu tranh, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, “bạo loạn lật đổ”, lôi kéo kích động của các thế lực thù địch, đảm bảo sự ổn định về chính trị và trật tự an toàn xã hội, phục vụ cho sự phát triển của mỗi địa phương và đất nước.
Ba là, gắn thực hiện phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” và phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới” với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và các phong trào cách mạng cụ thể của mỗi địa phương, đơn vị. Lồng ghép hiệu quả nội dung của phong trào với nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, an sinh xã hội, nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho Nhân dân; xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, giúp nhau làm giàu chính đáng… góp phần giảm thiểu nguyên nhân phát sinh tội phạm và tái phạm tội trong xã hội.
Bốn là, nâng cao chất lượng công tác phối hợp trong xây dựng các mô hình phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội từ các thôn, xóm, tổ dân phố tập trung cho các địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự, an toàn xã hội. Tổ chức tổng kết, đánh giá và nhân rộng các mô hình trong thực hiện phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” hiệu quả ở mỗi địa phương. Tiếp tục nâng cao vai trò làm chủ của mọi tầng lớp nhân dân, đổi mới nội dung, biện pháp nhằm thu hút sự tham gia của mỗi người dân, từng gia đình, người uy tín ở cộng đồng dân cư, chức sắc các tôn giáo trong thực hiện phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; phòng ngừa, tố giác đối với các loại tội phạm; cảm hóa, giáo dục người phạm tội, người mắc tệ nạn xã hội, người mãn hạn tù, đặc xá, thanh thiếu niên hư tại gia đình và cộng đồng dân cư, tạo ra thế trận toàn dân phòng, chống tội phạm ngay từ địa bàn cơ sở, góp phần chuyển hóa tích cực các địa bàn phức tạp về an ninh trật tự.
Năm là, Công an, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên các cấp tăng cường các hoạt động nắm bắt tình hình dư luận trong quần chúng nhân dân và công tác dự báo, đề xuất thực hiện Chương trình phối hợp phù hợp với từng giai đoạn. Củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các lực lượng làm công tác giữ gìn an ninh trật tự, các chi hội, chi đoàn ở từng địa bàn cơ sở; tổ chức hiệu quả các diễn đàn quần chúng nhân dân tham gia phòng, chống tội phạm; diễn đàn xây dựng lực lượng Công an, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong sạch vững mạnh, từng bước đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ trong thực hiện phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” thời kỳ mới.
Trong tình hình mới, phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” tiếp tục được xác định là nhiệm vụ chính trị, phong trào trọng tâm, xuyên suốt trong công tác phối hợp giữa Công an với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên; phát huy các kết quả đạt được, tinh thần trách nhiệm của mỗi địa phương, đơn vị với các biện pháp chỉ đạo sáng tạo, thiết thực, phù hợp, phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” trong thời gian tới sẽ đạt nhiều kết quả tốt đẹp, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thạc sĩ Nguyễn Quang Hòa, Ban Phong trào Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam