Tin mới

Nâng cao hiệu quả phối hợp công tác giữa Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

(Mặt trận) - Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ký ban hành Nghị quyết liên tịch số 01/2023/NQLT-CP-ĐCTUBTƯMTTQVN về công tác phối hợp giữa Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Nghị quyết liên tịch quy định mục đích, nguyên tắc, nội dung, cơ chế, trách nhiệm trong công tác phối hợp giữa Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến chủ trì Hội nghị triển khai công tác hỗ trợ đợt 3 đối với các địa phương bị thiệt hại do cơn bão số 3 (yagi) gây ra

Ban Vận động Cứu trợ Trung ương phân bổ đợt 3 số tiền 948 tỷ đồng hỗ trợ các tỉnh khắc phục hậu quả cơn bão số 3 (yagi)

Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trao quyết định nghỉ hưu cho các Phó Chủ tịch nhiệm kỳ 2019-2024

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến ký kết Nghị quyết liên tịch về công tác phối hợp giữa Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam - Ảnh: Quang Vinh

Mục đích của Nghị quyết liên tịch nhằm nâng cao hiệu quả phối hợp công tác giữa Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của mỗi bên theo quy định của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước.

Đồng thời bảo đảm sự thống nhất, chặt chẽ, thực chất, kịp thời, trọng tâm, trọng điểm, hiệu lực, hiệu quả đối với nội dung phối hợp từng năm, nhiệm kỳ, giai đoạn theo đúng quy định của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước và Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Tuân thủ nguyên tắc hoạt động, đồng thời phát huy tối đa vai trò, trách nhiệm của mỗi bên trong việc tham gia xây dựng, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc.

Ban Biên tập trân trọng đăng nội dung Nghị quyết:

NGHỊ QUYẾT LIÊN TỊCH

Về công tác phối hợp giữa Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày 09 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;

Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ban hành Nghị quyết liên tịch về công tác phối hợp giữa Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị quyết liên tịch này quy định mục đích, nguyên tắc, nội dung, cơ chế, trách nhiệm trong công tác phối hợp giữa Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Điều 2. Mục đích, nguyên tắc

1. Nâng cao hiệu quả phối hợp công tác giữa Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của mỗi bên theo quy định của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước.

2. Bảo đảm sự thống nhất, chặt chẽ, thực chất, kịp thời, trọng tâm, trọng điểm, hiệu lực, hiệu quả đối với nội dung phối hợp từng năm, nhiệm kỳ, giai đoạn theo đúng quy định của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước và Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

3. Tuân thủ nguyên tắc hoạt động, đồng thời phát huy tối đa vai trò, trách nhiệm của mỗi bên trong việc tham gia xây dựng, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc.

Chương II

NỘI DUNG PHỐI HỢP

Điều 3. Tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc

1. Hai bên phối hợp trong việc tập hợp nhân dân, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc phối hợp động viên nhân dân phát huy mọi nguồn lực, khả năng sáng tạo, chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

2. Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ phối hợp và bảo đảm các điều kiện cần thiết để Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức vận động, tập hợp nhân sĩ, trí thức, cá nhân tiêu biểu, chuyên gia, nhà khoa học trên các lĩnh vực tham gia các hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; tuyên truyền, vận động người Việt Nam ở nước ngoài hướng về quê hương, đất nước góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam.

3. Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mời Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ và các Thành viên Chính phủ tham dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc hằng năm ở khu dân cư.

Điều 4. Công tác dân tộc, tôn giáo

1. Hai bên phối hợp tuyên truyền, vận động người dân vùng đồng bào dân tộc, theo tôn giáo; phát huy vai trò nòng cốt của người uy tín, tiêu biểu, già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, chức sắc, chức việc, nhà tu hành gương mẫu chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết tôn giáo. Phát huy nguồn lực, giá trị văn hóa, đạo đức của các dân tộc, tôn giáo tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; xã hội hóa y tế, giáo dục, bảo trợ xã hội, an sinh xã hội, dạy nghề, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; đối ngoại nhân dân. Phối hợp đề xuất giải quyết hoặc giải quyết các vụ việc khi có phát sinh về công tác dân tộc, tôn giáo. Phối hợp thực hiện các dự án, chương trình mục tiêu nhằm phát huy vai trò của đồng bào dân tộc trong phát triển kinh tế - xã hội.

2. Hai bên chủ động nghiên cứu, rà soát, đề xuất các giải pháp và tiếp thụ, giải trình ý kiến của mỗi bên trong quá trình xây dựng và thực hiện cơ chế, chính sách về dân tộc, tôn giáo.

Điều 5. Công tác tuyên truyền, vận động

1. Hai bên thống nhất phát động và tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực hưởng ứng tham gia các cuộc vận động; các phong trào thi đua yêu nước; các chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội; các Chương trình mục tiêu quốc gia. Hằng năm, căn cứ vào nghị quyết, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ, hai bên thống nhất nội dung trọng tâm, trọng điểm phối hợp thực hiện.

2. Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương phối hợp chặt chẽ, bảo đảm điều kiện cần thiết để Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp triển khai tuyên truyền, động viên Nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ, quyền, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

3. Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn việc triển khai tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực hưởng ứng thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật, đề án, chương trình, kế hoạch, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng dân, an ninh nhân dân, các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước; sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân nhằm bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ giữa công tác xây dựng pháp luật với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật.

Điều 6. Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân

1. Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương tiếp thu, giải trình ý kiến của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trước khi ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành đối với các chủ trương, cơ chế, chính sách, đề án, chương trình có nội dung liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân.

2. Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Nội vụ, các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan, hàng năm tổ chức thực hiện đánh giá chỉ số hài lòng của người dân về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước và chỉ số cải cách hành chính, bảo đảm khách quan, khoa học, đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu.

3. Hai bên phối hợp thực hiện hiệu quả pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở; thực hiện tốt trách nhiệm tiếp công dân, đối thoại với Nhân dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của công dân. Bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của người dân theo quy định của pháp luật và các chính sách xã hội khác.

Điều 7. Xây dựng chính sách, pháp luật

1. Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương mời đại diện Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tham gia Ban soạn thảo, Tổ biên tập; gửi dự thảo văn bản và nghiên cứu, tiếp thu, giải trình, phản hồi ý kiến phản biện, góp ý của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đối với đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và dự thảo văn bản quy phạm pháp luật theo quy định.

2. Chính phủ mời đại diện Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam dự và phát biểu tại các phiên họp của Chính phủ về chuyên đề xây dựng pháp luật.

3. Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mời đại diện Chính phủ tham gia Ban soạn thảo, Tổ biên tập; lấy ý kiến và nghiên cứu, у giải trình, tiếp thu góp ý của Chính phủ đối với các dự án luật, pháp lệnh, Nghị quyết liên tịch do Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì soạn thảo trước khi trình cơ quan có thẩm quyền ban hành.

Điều 8. Công tác bầu cử

1. Hai bên phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện các nhiệm vụ về công tác bầu cử theo quy định của pháp luật.

2. Hai bên phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết liên tịch hướng dẫn quy trình hiệp thương lựa chọn, giới thiệu những người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp và các văn bản hướng dẫn khác về công tác bầu cử theo quy định của pháp luật.

3. Hai bên phối hợp tổ chức thực hiện việc tham gia các tổ chức phụ trách bầu cử; tổ chức các hội nghị hiệp thương lựa chọn, giới thiệu những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; tổ chức hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi công tác, nơi cư trú đối với những người ứng cử; vận động bầu cử; giám sát bầu cử; tham gia tuyên truyền, vận động cử tri thực hiện pháp luật về bầu cử và tham gia giải quyết những vấn đề vướng mắc, phát sinh trong quá trình tiến hành bầu cử, bảo đảm thống nhất trong chỉ đạo, hướng dẫn.

Điều 9. Hoạt động giám sát, phản biện xã hội và kiểm tra, thanh tra

1. Hai bên phối hợp triển khai các hoạt động giám sát, phản biện xã hội theo quy định của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

2. Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương mời đại diện Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tham gia hoạt động kiểm tra, thanh tra khi xét thấy có liên quan hoặc cung cấp thông tin, tài liệu (nếu có).

Điều 10. Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực

1. Hai bên phối hợp trong tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; động viên Nhân dân tham gia tích cực vào việc phát hiện, phản ánh, tố cáo, cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực theo quy định pháp luật.

2. Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp khi phát hiện tham nhũng, lãng phí, tiêu cực thì cung cấp thông tin và đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương áp dụng các biện pháp phòng ngừa, xem xét xử lý theo quy định của pháp luật; kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền việc bảo vệ, khen thưởng người phát hiện, tố giác hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Phối hợp giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

3. Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương xem xét, trả lời kiến nghị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Nhân dân về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

Điều 11. Kiến nghị và giải quyết, trả lời kiến nghị của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

1. Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân để phản ánh với Chính phủ tại các phiên họp Chính phủ; báo cáo phản ánh tình hình nhân dân hằng quý gửi Chính phủ; báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân tại các kỳ họp Quốc hội hoặc đột xuất, phát sinh. Chính phủ có trách nhiệm xem xét, giải quyết, trả lời hoặc chỉ đạo bộ, ngành, địa phương xem xét, giải quyết, trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri và có văn bản gửi Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

2. Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm xem xét, giải quyết và trả lời bằng văn bản đối với đơn khiếu nại, tố cáo của công dân do Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chuyển đến theo quy định của pháp luật.

Điều 12. Công tác đối ngoại nhân dân

1. Hai bên phối hợp trong việc mở rộng và tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác quốc tế, đối ngoại nhân dân.

2. Chính phủ tham khảo ý kiến của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khi ban hành chính sách nhằm khuyến khích người Việt Nam định cư ở nước ngoài đoàn kết cộng đồng, giữ gìn bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, giữ quan hệ gắn bó với gia đình, quê hương, đất nước; cung cấp thông tin tình hình quốc tế, trao đổi kinh nghiệm về hoạt động đối ngoại nhân dân và ký kết văn bản với các đối tác nước ngoài có liên quan; giúp các đoàn của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khi công tác ở nước ngoài. Chính phủ mời đại diện Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia các hội nghị, sự kiện trong nước và đoàn công tác ở nước ngoài khi có nội dung làm việc về hoạt động đối ngoại nhân dân.

3. Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tuyển truyền, thông tin về hoạt động đối ngoại của Đảng, ngoại giao của Nhà nước đến Nhân dân; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người Việt Nam ở nước ngoài; phối hợp hỗ trợ để người Việt Nam ở nước ngoài có địa vị pháp lý vững chắc, phát triển kinh tế và đời sống, hòa nhập xã hội tại nước sở tại; phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, hướng về quê hương, đất nước.

Điều 13. Trao đổi thông tin và làm việc liên tịch

1. Hai bên thường xuyên trao đổi thông tin về những vấn đề có liên quan để bảo đảm hiệu quả trong phối hợp công tác. Chính phủ thông báo cho Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về tình hình kinh tế - xã hội và các quyết định, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ. Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thông báo cho Chính phủ về tình hình Nhẫn dân và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

2. Hai bên phối hợp tổ chức hội nghị liên tịch định kỳ hằng năm vào cuối quý IV để kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết liên tịch và thống nhất về những nội dung phối hợp công tác trong năm sau. Khi cần thiết, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức hội nghị liên tịch đột xuất để bàn về nội dung phối hợp công tác hoặc xử lý đề xuất, kiến nghị của mỗi bên.

3. Căn cứ nội dung của Nghị quyết liên tịch, chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các đề án, chương trình do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xây dựng để nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Điều 14. Tham gia các hội nghị, phiên họp

1. Chính phủ mời Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam dự các phiên họp của Chính phủ, cuộc họp của Thủ tướng Chính phủ bàn về những vấn đề liên quan. Tại hội nghị của Chính phủ, đại diện Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phản ánh tình hình nhân dân, dư luận xã hội, những nội dung cử tri và Nhân dân quan tâm, bức xúc; đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, tháo gỡ các khó khăn.

2. Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mời Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ hoặc các thành viên của Chính phủ dự các hội nghị, hoạt động của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Tại hội nghị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chính phủ thông báo về tình hình kinh tế - xã hội, các chủ trương quan trọng của Chính phủ hoặc phối hợp thực hiện các chương trình công tác có liên quan.

Điều 15. Thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin

Hai bên phối hợp thúc đẩy thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia. Chính phủ bảo đảm việc hỗ trợ chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các địa phương. Triển khai các đề án, dự án ứng dụng công nghệ, nâng cao năng lực quản lý, điều hành, đảm bảo an toàn, an ninh mạng đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin và kỹ năng số cho cán bộ trong hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 16. Tổ chức thực hiện

1. Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong phạm vi vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm tổ chức thực hiện Nghị quyết này.

2. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam căn cứ vào Nghị quyết liên tịch này và chức năng, nhiệm vụ được giao thảo luận, thống nhất ký kết và triển khai chương trình, kế hoạch phối hợp công tác hằng năm.

3. Văn phòng Chính phủ, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có trách nhiệm làm đầu mối theo dõi, phối hợp tham mưu giúp Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện Nghị quyết liên tịch này và định kỳ phối hợp rà soát, đánh giá, đôn đốc việc thực hiện các nội dung Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ. Hai cơ quan có trách nhiệm thường xuyên liên hệ, trao đổi thông tin, kịp thời tham mưu Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công tác phối hợp.

4. Căn cứ Nghị quyết liên tịch này và tình hình thực tế tại địa phương, Ủy ban nhân dân và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức ký kết quy chế phối hợp công tác giữa hai bên để thống nhất triển khai thực hiện ở địa phương.

5. Định kỳ hai bên tiến hành sơ kết, tổng kết, kiểm tra, đánh giá, khen thưởng việc thực hiện Nghị quyết liên tịch.

Điều 17. Hiệu lực thi hành

Nghị quyết liên tịch này có hiệu lực thi hành từ ngày 10 tháng 10 năm 2023 và thay thế Nghị quyết liên tịch số 19/2008/NQLT-CP-UBTUMTTQVN ngày 22 tháng 8 năm 2008 của Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về việc ban hành Quy chế phối hợp công tác của Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Điều 18. Sửa đổi, bổ sung, thay thế

Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề phát sinh, chưa phù hợp hoặc cần sửa đổi, bổ sung, thay thế, Văn phòng Chính phủ và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp báo cáo, đề xuất Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thống nhất, quyết định.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản