Tin mới

Những kỷ vật nhân lên sức mạnh đại đoàn kết

(Mặt trận) - Nhiều kỷ vật được trao tặng cho Bảo tàng MTTQ Việt Nam để lưu giữ lại ký ức về một “cuộc chiến” chưa từng có - cuộc chiến với đại dịch Covid-19. Mỗi một kỷ vật lại mang theo nhiều câu chuyện xúc động về những tấm gương sẵn sàng xả thân vì cộng đồng. Họ là những người thắp lửa - thắp sáng tinh thần dân tộc và sức mạnh của người Việt Nam trong một cuộc chiến không tiếng súng.

Phó Chủ tịch Hoàng Công Thủy tiếp nhận hỗ trợ số tiền 1,8 tỷ đồng cho người nghèo tỉnh Điện Biên

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến dự Lễ Kỷ niệm 70 năm Ngày ký Hiệp định Geneve về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam

Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam thành phố Cần Thơ lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029: “Đoàn kết - Dân chủ - Sáng tạo - Phát triển“

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng trao giấy ghi nhận cho các tổ chức, cá nhân hiến tặng hiện vật cho Bảo tàng MTTQ Việt Nam 

Chúng tôi đến TP Hồ Chí Minh khi thành phố sôi động này đã trở lại nhịp sống bình thường mới. Vượt qua đại dịch Covid-19, thành phố năng động này, giàu sức sống, thành phố của những con người say mê lao động, hào sảng, nhân ái đang nỗ lực từng ngày để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Giữa dòng chảy tấp nập, nhộn nhịp của cuộc sống, trái tim của những công dân thành phố từng kiên cường, xông pha trong tâm dịch vẫn còn lưu giữ và lắng đọng rất nhiều những câu chuyện, những tâm sự vô cùng xúc động.

NSƯT, MC Quyền Linh, người đã được công chúng yêu mến không chỉ trên màn ảnh mà còn trở thành một trong những tâm điểm của truyền thông khi anh tham gia công tác thiện nguyện với bộ đồ bảo hộ ướt sũng, đôi dép tổ ong tất bật đi đến từng con hẻm giữa những ngày TPHCM bị phong tỏa. Khi dịch bùng phát, anh đang có bệnh, nỗi lo về nguy cơ bị lây nhiễm luôn thường trực trong đầu nhưng rồi đọc những dòng comment “kêu cứu” trên trang Facebook cá nhân, ngày lẫn đêm nghe tiếng còi xe cấp cứu, tiếng khóc của trẻ thơ dội vào tim anh đau nhói khiến anh không thể ngồi yên. Từ một nghệ sĩ, anh trở thành một người nội trợ, một shipper, một nhà từ thiện, một tuyên truyền viên, một “bác sĩ tâm lý”… khi xếp hàng mua từ bó rau, chai mắm, vỉ thuốc cảm, khuân vác lương thực, thực phẩm đến cứu trợ, tổ chức bếp ăn miễn phí, vận chuyển suất ăn đến từng hộ gia đình...

Ngày nào anh cũng quần quật từ sáng đến tối, có đêm ngủ vạ vật bên ngoài vài ba tiếng rồi lại dậy ra cửa ngõ thành phố để đón nhu yếu phẩm mà anh huy động được về phân phát cho bà con.

Nghệ sĩ Quyền Linh trao hiện vật cho Bảo tàng MTTQ Việt Nam 

Nhớ lại những ngày tháng khó quên ấy, Nghệ sĩ Quyền Linh rưng rưng kể: Khi đó, cứu trợ cũng gấp gáp như cứu hỏa vậy, có những ngày chỉ kịp húp tạm mỳ tôm hộp, ăn bánh qua bữa rồi lại xoay vần với công việc. Có nhà cũng không dám về vì sợ không an toàn cho vợ con. Hàng tháng trời, anh thường xuyên ở trong tình trạng thiếu ngủ, ăn uống tạm bợ. Đi lại nhiều, nguy cơ lây nhiễm càng cao, vaccine chưa có đủ để tiêm, có lúc anh đã nghĩ biết đâu có ngày mình cũng bị mắc Covid-19 mà chết nhưng rồi lại gạt đi: Ngày nào còn sống thì cố hết sức để giúp đỡ đồng bào càng nhiều, càng nhanh càng tốt. Giúp được nhiều người khiến anh thấy vui, quên hết vất vả, mệt mỏi và bệnh tật trong cơ thể, quên cả nỗi lo sợ trước cái chết. Có gia đình thấy anh đến, họ mừng rỡ chạy ra ôm chầm lấy mà quên mất phải giữ khoảng cách. Lại có những người đang ốm yếu, họ lo lắng, bi quan khi đến tiếp tế, anh còn trao cho họ “liều thuốc tinh thần” động viên, trấn an họ bình tĩnh, lạc quan. Có những lúc vội, chỉ kịp chỉ tay vào dòng chữ: "Tiếp sức hồi sinh", "Vượt lên chính mình" trên chiếc áo anh đang mặc để truyền nguồn năng lượng tích cực cho bà con rồi tiếp tục cuộc hành trình.

Năm 2021, Nghệ sĩ Quyền Linh đã được vinh danh là Nghệ sĩ vì cộng đồng. Khi được hỏi điều đọng lại sâu lắng nhất trong anh khi trực tiếp tham gia công tác thiện nguyện giữa tâm dịch căng thẳng, nguy hiểm, anh bộc bạch: “Có tận mắt chứng kiến mới cảm nhận được tình đoàn kết của dân tộc Việt Nam, của con người Việt Nam giản dị, đời thường nhưng thiêng liêng và cao quý vô cùng. Đồng bào mình thương nhau lắm, trong lúc thiếu thốn, họ sẵn sàng bẻ đôi cho nhau ổ bánh, san sẻ cho nhau từng gói mỳ tôm, từng nhúm rau cuối cùng…”.

Nghệ sĩ Nhân dân Kim Cương, năm nay đã 85 tuổi, bà có bệnh nền và thuộc nhóm nguy cơ lây nhiễm cao, thế nhưng khi dịch Covid-19 bùng phát, bà đã tích cực tham gia công tác cứu trợ. Chia sẻ về quyết định khó khăn đó, bà xúc động kể lại, “trước đó, tôi đã có ý định tham gia nhưng con cháu thương và lo nên ra sức can ngăn. Bản thân tôi cũng rất lo lắng về sức khỏe của mình khi ngày nào cũng sống chung với đủ loại thuốc. Nhưng khi ở nhà xem truyền hình, thấy cảnh có em bé mất mẹ trong đại dịch, hai bên nội ngoại đến đón nhưng em bé ấy nhất định ngồi lại trước bàn thờ chờ đợi mẹ quay về. Tôi không thể cầm lòng được. Bằng các cách khác nhau, tôi đã vận động bạn bè, các hội nghề nghiệp lập được quỹ bảo trợ trẻ em mồ côi do đại dịch để bảo trợ cho 150 cháu có hoàn cảnh khó khăn đến năm 18 tuổi”.

Khi chúng tôi hỏi điều gì khiến bà vượt qua được mọi nỗi lo lắng, bất chấp nguy hiểm để tham gia công tác thiện nguyện trong tâm dịch căng thẳng, Nghệ sĩ Kim Cương trải lòng: “Đó chính là tình thương yêu đồng bào, là trách nhiệm của một công dân, của một nghệ sĩ đối với cộng đồng, với đất nước. Trong hoạn nạn, gian khó, chứng kiến cái tình, cái nghĩa của đồng bào, tôi tự hào vì mình là người Việt Nam”.

Đó còn là câu chuyện của bác sĩ trẻ Phạm Thị Thanh Thúy, công tác tại Khoa Cấp cứu Bệnh viện Trưng Vương, TPHCM. Khi dịch bùng phát, chị phải chia tay đứa con nhỏ mới 10 tháng tuổi để lên đường làm nhiệm vụ. Cứ nghĩ đi một vài tuần rồi về với con, nào ngờ đằng đẵng cả mấy tháng trời. Xa con, tất bật với công việc nhưng trong lòng nhớ con quay quắt nhất là những lúc tức sữa. Chị đã dùng sữa của mình để nuôi một em bé 7 tháng tuổi có mẹ mắc Covid-19 bị cách ly trong bệnh viện. Ngày trở về đoàn tụ, thấy con khỏe mạnh, phổng phao, chị chỉ muốn chạy đến ôm con vào lòng nhưng ánh mắt con thơ nhìn mẹ lạ lẫm. Đôi giày xinh xắn chị mua cho con nhưng khi trở về thì con đã lớn, chân không đi vừa nữa.

Đôi giày đó được chị giữ lại và trao tặng cho Bảo tàng MTTQ Việt Nam như một kỷ vật của tình mẫu tử trong một “cuộc chiến” chưa từng có. Và những tháng ngày nén thương nhớ, nén cả sự yếu mềm khi phải xa con, dồn sức, căng mình ra để chăm sóc bệnh nhân Covid-19 sẽ là những ký ức, trải nghiệm không bao giờ quên trong cuộc đời của một bác sĩ.

“Trong đại dịch, có những người người xung kích tuyến đầu, bố mẹ mất cũng chẳng về chịu tang được, so với họ, việc mình xa con nhỏ nào có thấm tháp gì. Khi chúng ta biết hy sinh những chuyện riêng tư vì những điều lớn lao hơn thì đó là sự hy sinh có ý nghĩa” - bác sĩ Thúy chia sẻ.

Thiếu tá Nguyễn Trung Kiên hiến tặng “Dũng sĩ” robot diệt Covid-19 cho Bảo tàng MTTQ Việt Nam 

Thiếu tá Nguyễn Trung Kiên, công tác tại Ban Chỉ huy Quân sự thành phố Thủ Đức bước vào tâm dịch với tâm thế của một người lính sẵn sàng xông pha vào những nơi nguy hiểm để giúp đỡ, cứu trợ và bảo toàn tính mạng cho nhân dân. Trong quá trình tham gia cứu trợ, nhận ra những khó khăn, bất tiện khi tiếp xúc với nhân dân, anh đã ngày đêm trăn trở nghiên cứu và sáng chế ra 2 robot.

Trong hoàn cảnh của TP HCM lúc đó, mọi hoạt động gần như “đóng băng”, việc mua các trang thiết bị để lắp ráp vô cùng khó khăn vì không thuộc nhóm “hàng thiết yếu”. Thiếu tá Kiên đã kêu gọi, vận động sự ủng hộ của cộng đồng. Nhận thấy việc làm ý nghĩa của anh, nhiều người đã chung tay góp sức, trong đó có những người dân cho mượn những thứ họ sẵn có. Những thứ cần mua thì vận động các chủ cửa hàng đóng góp hoặc nhờ bạn bè mua hộ rồi phải thông qua các chốt kiểm tra mới đến được nơi sản xuất, lắp ráp.

Ban ngày, bận rộn với nhiệm vụ đơn vị giao, đêm đến, Thiếu tá Kiên cùng đồng đội tranh thủ từng phút, từng giờ chạy đua với thời gian để thử nghiệm, lắp ráp. Mấy lần đầu thất bại nhưng anh và đồng đội quyết không bỏ cuộc. Với quyết tâm cao độ, sau 1 tháng, 2 con robot đã hoàn thành đưa ra phục vụ cho việc phun khử khuẩn và vận chuyển nhu yếu phẩm đến với nhân dân một cách tiện lợi, an toàn. Không những thế, mỗi khi xuất hiện, 2 con robot giống như “sứ giả” mang đến niềm vui bất ngờ cho bà con trong hoàn cảnh dịch bệnh căng thẳng và nỗi lo lắng bủa vây.

Và cũng chính trong khi thực hiện nhiệm vụ gửi tro cốt chị Nguyễn Thị Ngọc N. - nạn nhân qua đời vì Covid-19, chứng kiến hoàn cảnh gia đình chị N. rất éo le, anh Kiên đã suy nghĩ rất nhiều. Mặc dù cuộc sống gia đình còn khó khăn nhưng anh đã thuyết phục vợ đồng ý cho anh đỡ đầu 3 đứa trẻ (4 tuổi, 6 tuổi, 10 tuổi) để các cháu không bơ vơ, để nỗi đau mất mẹ trong trái tim trẻ thơ vơi bớt.

“Trong một lần đến thăm các cháu, cháu Bảo N., con của chị N. có nói với tôi, “chú cho con gọi chú bằng ba nha. Con không có ba”, tôi đã lặng người đi. Tôi thấy mình cần có trách nhiệm để trở thành chỗ dựa và nuôi dạy các cháu khôn lớn, trưởng thành” - Thiếu tá Kiên chia sẻ.

Là một doanh nhân trẻ, khi dịch Covid-19 bùng phát, ông Hoàng Tuấn Anh - Tổng Giám đốc Công ty Vũ Trụ Xanh đã cho ngừng mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty để tập trung nghiên cứu, kịp thời cho ra đời những ATM gạo, ATM khẩu trang phục vụ miễn phí cho nhân dân. Văn phòng giao dịch của công ty cũng trở thành điểm phát gạo, phát khẩu trang miễn phí. Từ chiếc ATM gạo đầu tiên sau đó ông đã phát triển với hơn 100 máy trên toàn quốc với số lượng từ 50-500 tấn gạo mỗi ngày.

Để duy trì hoạt động của ATM gạo, ATM khẩu trang, nhân viên công ty được huy động tham gia phục vụ: Từ việc điều khiển máy đến tiếp nhận, khuân vác gạo, phát gạo, phát khẩu trang... mỗi người đều làm việc hết công suất. Ông Tuấn Anh cho biết, “với cường độ làm việc cao trong tình hình dịch bệnh căng thẳng rất vất vả và áp lực nhưng anh em ai cũng chăm chỉ, hăng hái. Tôi và anh em trong công ty thấy công việc của mình có ý nghĩa khi được chung tay, góp sức, san sẻ với cộng đồng để cùng nhau vượt qua khó khăn”.

Thấu cảm trước những mất mát, đau thương trong đại dịch cùng với những xúc cảm mãnh liệt về những người “thắp lửa” - thắp sáng tinh thần dân tộc và sức mạnh của người Việt Nam trong cuộc chiến không tiếng súng, những tấm gương đã không quản ngại khó khăn, hiểm nguy, xông pha nơi tuyến đầu, có những người đã vĩnh viễn ra đi trong khi làm nhiệm vụ, họa sĩ Lê Sa Long - giảng viên Đại học Mở TPHCM đã nung nấu ý tưởng sáng tác bộ tranh “Những người truyền cảm hứng trong phòng, chống Covid-19”. Sau gần 3 tháng miệt mài, anh đã cho ra mắt bộ tranh như một lời tri ân sâu sắc bằng ngôn ngữ hội họa.

Bộ tranh đã khắc họa hình ảnh cả dân tộc cùng đồng lòng “ra trận” qua những bức chân dung: Từ các vị lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam đến các lực lượng xung kích tuyến đầu, các nghệ sĩ, doanh nhân và cả những người dân bình thường. Mỗi người ở một vị trí, công việc khác nhau nhưng đã gắn kết thành một khối thống nhất, nhân lên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đưa đất nước vượt qua đại dịch.

Bộ tranh hấp dẫn, cuốn hút người xem không chỉ ở những sắc màu biểu cảm của hội họa mà còn hàm chứa trong đó thông điệp hết sức ý nghĩa: Tổn thất, đau thương do đại dịch gây ra không thể làm dân tộc ta gục ngã mà trái lại càng tôi luyện thêm bản lĩnh, kiên cường. Nụ cười ánh lên trên khuôn mặt của những nhân vật được vẽ tranh - nụ cười đã vượt qua lằn ranh sinh - tử, thắp sáng niềm tin, khát vọng hướng về tương lai phía trước.

Rất nhiều những hiện vật, kỷ vật trong cuộc chiến phòng, chống Covid-19 như: ATM gạo, ATM khẩu trang, Robot - “dũng sĩ diệt Covid-19”, xe xét nghiệm lưu động, tư trang, kỷ vật của các bác sĩ, nghệ sĩ và các tầng lớp nhân dân tham gia phòng, chống dịch, bộ tranh 20 bức chân dung “Những người truyền cảm hứng trong phòng, chống Covid-19”… cùng những câu chuyện lắng đọng về những con người sẵn sàng xả thân vì cộng đồng, những tấm gương bình dị mà cao quý đã được các cá nhân, tổ chức trao tặng lại cho Bảo tàng MTTQ Việt Nam với mong muốn thông qua những hiện vật và ngôn ngữ bảo tàng sẽ tái hiện câu chuyện về những ngày tháng cả nước chung sức, đồng lòng chống dịch, góp phần giáo dục về truyền thống đại đoàn kết, nhân ái, lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Tại Hội nghị tiếp nhận hiện vật hiến tặng Bảo tàng MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng khẳng định: “Truyền thống đại đoàn kết, sức mạnh trường tồn của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng ta đã, đang và sẽ tiếp tục được khơi dậy, phát huy, tỏa sáng, đặc biệt là trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19”.

Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng cho rằng, trong cuộc chiến này đã sáng ngời tinh thần hy sinh quên mình của cán bộ, đảng viên, chiến sĩ trên tuyến đầu chống dịch; sự sẻ chia to lớn, nghĩa tình về nhân lực, trí lực, tài lực, vật lực của các mạnh thường quân với cộng đồng; sự chung tay góp sức đầy trách nhiệm của mỗi người dân thành phố với công tác chống dịch chung. Rất nhiều cá nhân tiêu biểu là tấm gương sáng, đã và đang truyền động lực và nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho cuộc chiến chống đại dịch, phục hồi và phát triển kinh tế của TP HCM nói riêng và cả nước nói chung. Đó là minh chứng sống động cho sức mạnh văn hóa, chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, tinh thần đại đoàn kết và tính ưu việt của chế độ ta như một dòng chảy liên tục của lịch sử.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản