Năm nay, Lễ trao Giải Báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ tư, năm 2022 - 2023 sẽ được Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức vào lúc 20 giờ 00 ngày 5/11 tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt - Xô (Hà Nội). Trước thềm buổi Lễ, phóng viên đã có cuộc trao đổi với một số tác giả về những loạt bài có sức lan tỏa lớn, góp phần quan trọng vào kết quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước, vì lợi ích chung của nhân dân.
|
Nhà báo Nguyễn Hồng Nguyên với loạt bài 5 kỳ "Vụ phá rừng tự nhiên ở Bắc Kạn". Ảnh: (NVCC) |
Kiên quyết trước những cám dỗ lợi ích
Là người tâm huyết với loạt bài tham dự Giải Báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ tư, năm 2022 - 2023, nhà báo Nguyễn Hồng Nguyên đã chia sẻ về sự dấn thân của mình khi thực hiện loạt bài 5 kỳ: "Vụ phá rừng tự nhiên ở Bắc Kạn", đăng trên Báo Bảo vệ pháp luật.
Theo đó, khối lượng gỗ tự nhiên được phát hiện lên tới hơn 170 m3. Đây là vụ phá rừng được xác định có quy mô lớn nhất tại tỉnh Bắc Kạn trong khoảng hơn 20 năm qua. Trong vụ phá rừng này, đối tượng chủ mưu là chủ doanh nghiệp, là người am hiểu pháp luật và có quan hệ với nhiều lãnh đạo các cơ quan, sở, ban, ngành. Tác giả đã vạch trần âm mưu, thủ đoạn của một nhóm đối tượng lợi dụng chế biến khoáng sản để khai thác gỗ trái phép nhằm thu lợi bất chính.
|
Nhà báo Nguyễn Hồng Nguyên với loạt bài 5 kỳ "Vụ phá rừng tự nhiên ở Bắc Kạn". Ảnh: (NVCC) |
Loạt bài không chỉ đơn thuần phản ánh việc gần 3 ha rừng tại xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn bị chặt phá trái phép mà còn chỉ ra sự buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm của một số cơ quan chức năng đã để nhiều hộ dân được giao đất, giao rừng, tự chuyển nhượng trái pháp luật hàng chục hec-ta đất rừng. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến rừng bị chặt phá trái phép.
Điều đáng nói, khi vụ phá rừng bị phát hiện, các đối tượng chủ mưu sẵn sàng dùng quan hệ và tiền bạc hòng mua chuộc những người thực thi nhiệm vụ, nhằm che đậy hành vi vi phạm pháp luật. Kiên quyết đấu tranh phòng, chống tội phạm, tham nhũng, tiêu cực, phóng viên Báo Bảo vệ pháp luật đã vững vàng hoàn thành loạt 5 kỳ về phá rừng tự nhiên ở Bắc Kạn.
|
Nhà báo Nguyễn Hồng Nguyên trong một lần tác nghiệp tại Hà Giang |
Liên quan đến vụ phá rừng này, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Chợ Đồn khởi tố vụ án hình sự "Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản" quy định tại Khoản 3, Điều 232 Bộ luật Hình sự, có khung hình phạt tù từ 5 năm - 10 năm. Hiện, vụ việc đang tiếp tục được các cơ quan tiến hành tố tụng huyện Chợ Đồn điều tra, xác minh, làm rõ đối tượng chủ mưu phá rừng và những đối tượng có liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật.
Hiến kế gỡ trói buộc từ "sợi dây vô hình" - tâm lý "sợ sai"
|
Nhóm tác giả loạt bài "Thuốc nào trị "bệnh sợ sai"?". Từ trái qua: Nhà náo Nguyễn Thị Hồng Nhung, nhà báo Nguyễn Thị Tuyết Mai, nhà báo Lại Thị Hoa. (Ảnh: NVCC) |
Phát sóng trên Kênh VOV1, Đài Tiếng nói Việt Nam, loạt ba bài "Thuốc nào trị "bệnh sợ sai"? của nhóm tác giả: Nguyễn Thị Tuyết Mai, Nguyễn Thị Hồng Nhung, Lại Thị Hoa đã đi sâu phân tích, "hiến kế" để "chữa" một căn bệnh đã và đang tồn tại ở nhiều lĩnh vực, gây ra hệ lụy vô cùng lớn, dẫn tới sự trì trệ, vướng mắc, cản trở sự phát triển của đất nước.
Chia sẻ về quá trình thực hiện loạt bài, nhà báo Lại Thị Hoa cho biết, những tháng đầu năm 2023, qua hoạt động tác nghiệp tại các bệnh viện và địa phương, chị cùng các đồng nghiệp đã ghi nhận một thực tế phổ biến: Đó là hàng loạt vật tư, thiết bị y tế đắp chiếu trong kho; sinh phẩm y tế dồi dào trên thị trường trong và ngoài nước, nhưng hàng loạt bệnh viện lại rơi vào trình trạng thiếu khẩn cấp các thiết bị, hóa chất, vật tư y tế phục vụ công tác khám chữa bệnh khiến không ít bệnh nhân nằm ở "lằn ranh" của sự sống và cái chết chỉ biết…"chờ đợi". Cùng với đó, hàng loạt công trình, dự án ì ạch, chậm tiến độ tại các địa phương nhiều năm không xử lý được trong khi nguồn lực về vốn, tài nguyên không thiếu...
Đi tìm căn nguyên của thực tế này, nhóm phóng viên nhận thấy: Sợ sai không dám làm, cùng tâm lý "chờ cơ chế - đợi thông tư" chính là nguyên nhân. Tâm lý này không chỉ có trong ngành Y, mà phổ biến ở nhiều bộ, ngành, địa phương, đơn vị, giống như một "sợi dây vô hình" trói buộc khiến nhiều nơi không thể xử lý được những tồn tại, bất cập đang diễn ra. Tuy nhiên, quá trình phỏng vấn trực tiếp những người đứng đầu, không ai nhận ở cơ quan, đơn vị mình có cán bộ sợ sai. Thực hiện loạt phóng sự, nhóm phóng viên đã làm rõ nguyên nhân của tình trạng này, chỉ rõ tâm lý sợ sai và quan niệm "không làm không sai, để bảo toàn cá nhân" của không ít cán bộ.
Các tác giả đã "hiến kế", nêu ra giải pháp để điều trị "bệnh sợ sai", đó là cách làm của thành phố Hà Nội. Theo đó, thành phố đã xây dựng Đề án phân cấp nhà nước, ủy quyền trên nguyên tắc cấp nào làm tốt hơn thì giao cho cấp đó thực hiện trong khuôn khổ quy định của pháp luật, nhờ vậy đã tạo nhận thức đúng cho cán bộ đảng viên, đặc biệt công chức viên chức thực hiện có ý thức trách nhiệm, tổ chức lại bộ máy làm việc các cấp để khi phân cấp trên nguyên tắc công việc chạy hơn, rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, đặc biệt người đứng đầu. Loạt bài cũng chỉ ra giải pháp bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống pháp luật cũng cần có những bộ óc tư duy có tầm và có tâm, dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo. Đó là bản lĩnh của người đứng đầu quyết liệt trong mọi hành động vì lợi ích chung.
Ngay sau khi phát sóng, loạt bài nhận được sự phản hồi tích cực của các đồng chí lãnh đạo bộ, ngành, các đại biểu Quốc hội và đông đảo thính giả. Gần 7 tháng sau ngày loạt bài phát sóng, ngày 29/9/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 73 Quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Các lĩnh vực trì trệ bắt đầu có những chuyển biến tích cực.
Xót xa khi người bệnh phải gánh lỗi do cơ chế
|
Nhà báo Cao Thị Thùy Giang với loạt 4 bài "Cơn khát" thuốc điều trị, vật tư y tế: "Khi trăm dâu đổ đầu tằm". (Ảnh: NVCC) |
Đi vào phản ánh thực trạng ở một trong những lĩnh vực liên quan đến dân sinh luôn "nóng" và nhận được nhiều sự quan tâm trong thời gian qua, loạt 4 bài: "Cơn khát" thuốc điều trị, vật tư y tế: "Khi trăm dâu đổ đầu tằm" của tác giả Cao Thị Thùy Giang, đăng trên Báo điện tử VietnamPlus (Thông tấn xã Việt Nam) đã nêu ra một góc nhìn mới về một vấn đề nổi cộm đang diễn ra trong ngành Y tế.
Sau đợt dịch COVID-19 bùng phát trên diện rộng toàn quốc vào đầu năm 2022, từ giữa năm 2022 - khi dịch đã tạm lắng xuống, người dân bắt đầu bắt nhịp trở lại với cuộc sống thường ngày và quay trở lại các bệnh viện để đi khám bệnh, chăm sóc sức khỏe thường xuyên.
"Là một phóng viên theo dõi lĩnh vực y tế, tôi nhận thấy có một thực tế đáng buồn, đó là tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế đang diễn ra ở nhiều mức độ khác nhau, tại nhiều cơ sở y tế cả ở tuyến trung ương và tuyến địa phương ảnh hưởng rất lớn đến người bệnh. Chứng kiến cảnh ngộ rất nhiều người bệnh khi đi khám bệnh hay điều trị nội trú phải tự đi mua thưốc, dây dịch truyền bên ngoài, thậm chí có bệnh nhân đi khám bệnh tại bệnh viện công không được chiếu chụp mà phải ra ngoài làm với chi phí đắt đỏ là những điều trăn trở khiến tôi đi sâu tìm hiểu để thực hiện loạt bài", nhà báo Cao Thị Thùy Giang nhớ lại.
Để hiểu rõ nguyên nhân sâu xa dân tới tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế cũng như các giải pháp để triệt tiêu "căn bệnh trầm kha" này, nhà báo Cao Thị Thùy Giang cũng đã đi sâu vào tìm hiểu tiếp cận khía cạnh từ chính lãnh đạo các bệnh viện, từ bộ y tế trong các bài tiếp theo. Tuy nhiên, khi tiếp cận góc độ này không dễ dàng, bởi ngành y tế sau "cơn bão" mang tên Việt Á đã làm nảy sinh tâm lý lo ngại, lưỡng lự của những người đứng đầu hay có trách nhiệm khi triển khai các hoạt động đấu thầu, mua sắm tại các cơ sở y tế…
Những người đứng đầu các bệnh viện và Bộ Y tế dường như cũng "né" và rất ít khi lên tiếng. Có những thời điểm mà hầu như khi đề cập tới vấn đề này, tôi thường xuyên nhận được câu trả lời từ lãnh đạo các bệnh viện cũng như Bộ Y tế rằng "đây là thời điểm nhạy cảm của ngành Y tế nên không thể phát ngôn."
Đi sâu vào thực tế, loạt bài đã cho thấy việc thiếu thuốc và vật tư y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh không phải là vấn đề mới, song "cơn khát" đã trở nên nghiêm trọng làm ảnh hưởng rất lớn đến nhiều bệnh nhân, nhất là những bệnh nhân có bảo hiểm y tế, đẩy người bệnh vào tình thế "phải tự cứu lấy mình". Trong khi đó, các bệnh viện thì chỉ tìm mọi lý do đùn đẩy trách nhiệm, dổ hết lỗi cho "cơ chế."
Loạt bài với các ý kiến thấu đáo từ các chuyên gia cũng như các đại biểu Quốc hội đề xuất việc xử lý nghiêm sai phạm tại các cơ sở y tế sẽ góp phần lành mạnh hóa hệ thống, tạo môi trường thuận lợi cho các bệnh viện công "sống khỏe," nâng chất lượng dịch vụ phục vụ người dân. Làm sao để không còn tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư, trang thiết bị, đáp ứng thuốc cho người dân là một yêu cầu cấp thiết để đảm bảo quyền lợi cho người dân là chủ đề xuyên suốt 4 bài.
Sau khi đăng tải, loạt bài đã nhận được sự phản hồi tích cực của rất nhiều bạn đọc - là chính những bệnh nhân/người nhà bệnh nhân mắc phải tình cảnh như vậy đồng thời nhận được sự ủng hộ là tiếng nói của các cơ quan quản lý cũng như sự chỉ đạo từ Chính phủ với nhiều văn bản khác nhau để cùng chung tay giải quyết tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế trong thời gian sớm nhất để quyền lợi của người bệnh được đảm bảo.
Phản ánh trực diện bất cập tại địa phương
|
Nhóm tác giả loạt phóng sự 2 kỳ "Khi quy hoạch "ì ạch" |
Một trong những tác phẩm truyền hình được đầu tư công phu có thể nhắc tới loạt phóng sự 2 kỳ: "Khi quy hoạch "ì ạch" của nhóm tác giả: Trần Thị Thu Trang, Nguyễn Thành Chung; phát trên sóng Đài Phát thanh - Truyền hình Thái Nguyên.
Phóng sự "Khi quy hoạch "ì ạch" đã phản ánh trực diện về những bất cập, vướng mắc, tồn tại trong quy hoạch các khu, cụm công nghiệp có hạ tầng kỹ thuật lạc hậu, xuống cấp, tỷ lệ lấp đầy thấp và hiện có những phần diện tích trong quy hoạch không còn phù hợp với điều kiện thực tiễn, thậm chí gây cản trở sự phát triển của địa phương. Thực tế, nhiều Quy hoạch mang tính dài hơi, đi trước, giờ lại "ì ạch" dò dẫm từng bước, kéo sự phát triển đi tụt lại phía sau. Đây không phải là câu chuyện riêng của Thái Nguyên mà còn là tình trạng chung của nhiều tỉnh, thành trong cả nước, cần sớm được khắc phục, giải quyết.
Vấn đề quy hoạch "treo" tại các Khu, cụm công nghiệp không phải là đề tài mới đối với các loại hình báo chí. Tuy nhiên, để làm mới tác phẩm, đòi hỏi nhóm tác giả vừa phải khai thác tốt câu chuyện tại chính địa phương của mình, vừa phải nâng tầm, khái quát vấn đề để tạo sức ảnh hưởng.
Theo nhà báo Trần Thị Thu Trang, với một Đài địa phương, đây là lợi thế, nhưng cũng là thách thức không nhỏ. Hai kỳ của loạt phóng sự "Khi quy hoạch "ì ạch" được nhóm tác giả tập trung khai thác những chi tiết đắt, câu chuyện sinh động từ cơ sở; đồng thời mở rộng vấn đề khi lấy ý kiến từ các chuyên gia, nhà nghiên cứu uy tín. Đó chính là những mảnh ghép vô cùng quan trọng làm nên tác phẩm.
Tuy nhiên, để đảm bảo tính chân thực, khách quan và toàn diện của phóng sự, việc tổng hợp thông tin, lấy ý kiến phỏng vấn từ chính lãnh đạo các ngành chức năng liên quan của địa phương, có trách nhiệm đối với vấn đề đề cập lại là vấn đề khó. Bởi thực tế phải thừa nhận rằng, những tác phẩm về nhóm đề tài này thường vẫn được định kiến là "vạch áo cho người xem lưng"; quá trình hoàn thiện và phát sóng tác phẩm luôn bị những ràng buộc bởi những định hướng, chỉ đạo tuyên truyền từ cấp trên.
Song, với định hướng và sự tạo điều kiện từ Ban biên tập, cùng sự chủ động của nhóm tác giả, những ý kiến xác đáng, mang tinh thần xây dựng, "nhìn thẳng vào sự thật" từ lãnh đạo các cơ quan chức năng của tỉnh, của các huyện, thành phố liên quan đã được thực hiện thành công, góp phần hoàn thành những mảnh ghép cuối cùng của tác phẩm./.
Hương Diệp (tổng hợp)