|
Các đại biểu đồng chủ trì Hội thảo khoa học "Những vấn đề mới về phát huy sức mạnh nhân dân trong giai đoạn phát triển đất nước hiện nay". |
Hội thảo có sự tham dự của 150 đại biểu, là các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các nhà quản lý, hoạt động thực tiễn; đại biểu các bộ, ban, ngành Trung ương và một số địa phương; lãnh đạo các nhà trường, học viện, các cơ quan nghiên cứu; lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Dân vận các địa phương, lãnh đạo Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản cùng đông đảo lãnh đạo, phóng viên các cơ quan báo chí Trung ương và Hà Nội đến dự và đưa tin về hội thảo.
Hội thảo góp phần tuyên truyền, quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương tám, khóa XIII về tiếp tục phát huy truyền thống đại đoàn kết dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc; trên cơ sở tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 12-3-2003, của Hội nghị Trung ương bảy khóa IX về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
|
PGS-TS Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo |
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch – Tổng thư ký Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhấn mạnh, phát huy sức mạnh nhân dân là quan điểm xuyên suốt nhất quán, ngày càng thể hiện sâu sắc trong yêu cầu, tình hình mới hiện nay. Phát huy sức mạnh của nhân dân được thể hiện ở những việc chúng ta thực hiện đồng bộ các giải pháp để định hướng khơi dậy và phát huy giá trị tích cực như: lòng yêu nước, tính tự tôn dân tộc, khát vọng độc lập tự do... Tất cả những mục đích đó nhằm để xây dựng phát triển đất nước, chăm lo đời sống tốt hơn cho nhân dân.
PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, tại hội thảo, Ban tổ chức muốn tập trung tới vấn đề phát huy sức mạnh nhân dân trong điều kiện toàn cầu hoá hội nhập. Việc tập hợp nắm bắt tình hình nhân dân ở giai đoạn này đặt ra nhiều yêu cầu mới. Văn kiện Nghị quyết 13 của Đảng cũng nhấn mạnh vấn đề phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc để xây dựng đất nước, thực hiện các mục tiêu xóa đói giảm nghèo.
Sau gần 40 năm đổi mới, chúng ta đã đạt nhiều thành tựu nhưng còn đó nhiều vấn đề đặt ra. Hội thảo tập trung 3 chủ đề: Dựa vào dân để giám sát chỉnh đốn Đảng, dựa vào dân đảm bảo an sinh xã hội, dựa vào dân để đảm bảo quốc phòng an ninh trật tự. Các tham luận tại hội thảo không chỉ phục vụ cho nghiên cứu giảng dạy mà còn để tìm ra những giải pháp về mặt lý luận để phát huy sức mạnh nhân dân trong giai đoạn mới hiện nay đặc biệt đặt trong cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”; vai trò làm chủ của nhân dân. Trước đây, chúng ta quen thuộc với chủ trương “dân biết, dân làm, dân kiểm tra”; văn kiện Đại hội XIII của Đảng có thêm cụm từ “dân giám sát, dân thụ hưởng”.
|
PGS-TS Phạm Minh Tuấn, Phó Tổng Biên tập phụ trách Tạp chí Cộng sản phát biểu tại Hội thảo |
Theo PGS-TS Phạm Minh Tuấn, Phó Tổng Biên tập phụ trách Tạp chí Cộng sản, mọi động lực phát triển đều có vai trò quan trọng cần được phát huy và đoàn kết toàn dân là động lực chủ yếu và phát huy sức mạnh nhân dân để phát triển đất nước là một luận điểm mang tầm chiến lược, để nhận diện một động lực, nhân tố trung tâm quyết định đó chính là yếu tố con người, một khi được tổ chức đoàn kết lại sẽ tạo nên sức mạnh không gì có thể ngăn cản được.
Phó Tổng Biên tập phụ trách Tạp chí Cộng sản cũng nêu rõ, việc nhận diện những vấn đề mới đang đặt ra hiện nay về phát huy sức mạnh nhân dân trong từng lĩnh vực, địa bàn cụ thể, để bảo đảm sự công bằng, bình đẳng của mỗi người trong đóng góp cho sự phát triển đất nước và thụ hưởng thành quả phát triển. Làm rõ những vấn đề này sẽ là căn cứ xác đáng để đề xuất những quan điểm, giải pháp, biện pháp hữu hiệu nhằm khắc phục hạn chế và thực hiện tốt nhiệm vụ phát huy sức mạnh nhân dân trong giai đoạn mới, bao hàm cả sức mạnh chính trị, sức mạnh kinh tế, sức mạnh văn hóa tinh thần.
|
Đại biểu tham luận tại Hội thảo |
Tại Hội thảo, Ban tổ chức đã nhận được gần 50 tham luận đầy tâm huyết, trí tuệ, trách nhiệm của các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học và các nhà lãnh đạo, quản lý, hoạt động thực tiễn, thể hiện sự quan tâm, tập trung làm rõ nhiều nội dung liên quan tới vị trí, vai trò, ý nghĩa của sức mạnh nhân dân và phát huy sức mạnh nhân dân trong bối cảnh mới.
Nhiều ý kiến bàn sâu vào nội dung lý luận và căn cứ thực tiễn để khẳng định rằng, phát huy sức mạnh nhân dân đã trở thành một trong những bài học kinh nghiệm lớn, là phương thức và cũng là điều kiện bảo đảm thực hiện thành công sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Bài học kinh nghiệm này còn nguyên giá trị, cần tiếp tục vận dụng nhằm khơi dậy sức mạnh to lớn của toàn dân tộc để thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới đất nước.
Các tác giả đi sâu phân tích về chủ thể, nội dung, phương thức, cơ chế phát huy vai trò và sức mạnh nhân dân. Đặc biệt, nhiều tham luận đã phân tích, làm rõ một số vấn đề lý luận cơ bản về “vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân”, vai trò của thực hành dân chủ, những thành tố cấu thành, cội nguồn sức mạnh của nhân dân, ý nghĩa của việc phát huy sức mạnh nhân dân trong tiến trình đổi mới, phát triển đất nước; tập trung làm rõ nội dung trọng tâm của hội thảo, đó là nhận diện, trao đổi về những vấn đề mới đang đặt ra hiện nay về phát huy sức mạnh nhân dân nói chung và trong từng lĩnh vực, địa bàn cụ thể nói riêng.
Dẫn lại lời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói “một dân tộc dốt là dân tộc yếu”, GS-TS Đinh Xuân Dũng, nguyên Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật TƯ cho rằng, trong phát huy sức mạnh nhân dân, vai trò của việc nâng cao dân trí để đáp ứng yêu cầu của sự phát triển là nhiệm vụ rất quan trọng trong giai đoạn sắp tới. Phát triển dân trí bằng con đường tập hợp của văn hóa và xây dựng con người, vai trò của nhân dân cần phải được nâng tầm, để làm tốt vấn đề này có vai trò quan trọng của Mặt trận Tổ quốc, Ban Dân vận TƯ, của ngành Giáo dục, đặc biệt là cơ quan văn hóa, sẽ tạo nên sức mạnh nội sinh của nhân dân trong sự phát triển và gắn bó của đất nước.
Cũng theo GS-TS Đinh Xuân Dũng, chỉ có thể phát huy sức mạnh niềm tin và sức mạnh nhân dân trên cơ sở niềm tin vào người lãnh đạo. Vì thế, khâu cuối cùng để phát huy sức mạnh nhân dân đặt trong điều kiện mới hiện nay chính là việc chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng trong sạch.
“Đây là vấn đề rất lớn chúng ta đang giải quyết và sẽ giải quyết sắp tới. Chúng ta có thể phát huy đến cùng sức mạnh nhân dân trên cơ sở sự lãnh đạo và tấm gương của Đảng lãnh đạo”, GS-TS Đinh Xuân Dũng nhấn mạnh.
Phát biểu kết luận hội thảo, TS Phạm Tất Thắng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương cho biết, sau hội thảo, Ban tổ chức sẽ tiến hành tổ chức biên tập kỹ Kỷ yếu hội thảo, bổ sung, điều chỉnh thông qua các ý kiến trao đổi của các nhà khoa học, các đại biểu đã phát biểu trong hội thảo, trước khi xuất bản thành tài liệu có giá trị tham khảo đối với các cơ quan, đơn vị, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách… quan tâm đến vấn đề này.
Riêng đối với Tạp chí Cộng sản, với tư cách là Cơ quan lý luận chính trị của Trung ương Đảng, sẽ tiến hành chọn lọc những bài viết có chất lượng để biên tập, đăng tải trên các ấn phẩm của Tạp chí Cộng sản.
PV