|
Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu tại Hội nghị lấy ý kiến các tổ chức, nhà khoa học về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
|
Việc ban hành Kế hoạch nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên về công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực năm 2023; phát huy ưu điểm, khắc phục những hạn chế trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên. Từ đó tiếp tục thực hiện các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực; nâng cao ý thức trách nhiệm của từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; tạo chuyển biến tích cực và thống nhất về nhận thức của các cơ quan, tổ chức và cá nhân trong hệ thống MTTQ Việt Nam về công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực phù hợp với tình hình và nhiệm vụ mới.
Nội dung Kế hoạch cũng yêu cầu việc triển khai kế hoạch cần bảo đảm thực hiện đúng các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, xác định rõ các mục đích, yêu cầu đặt ra trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực của MTTQ Việt Nam; Thực hiện tốt nội dung Chương trình hành động số 19/CTr-MTTW ngày 19/01/2017 của MTTQ Việt Nam; thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ gắn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Kế hoạch số 03-KH/TW, ngày 01/12/2021 của Bộ Chính trị thực hiện Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa".
Đồng thời phát huy sự chủ động của MTTQ Việt Nam các cấp và sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, bám sát thực tiễn, triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp để đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực; bảo đảm đoàn kết, ổn định, tăng cường đồng thuận xã hội.
Để triển khai hiệu quả Kế hoạch, hệ thống MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên từ Trung ương đến địa phương cần tập trung vào bảy nội dung trọng tâm sau:
Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến và vận động Nhân dân thực hiện pháp luật về phòng chống tham nhũng, tiêu cực
Nội dung Kế hoạch nêu rõ, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp chủ trì phối hợp với các tổ chức thành viên tuyên truyền, phổ biến và vận động Nhân dân thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng chống tham nhũng, tiêu cực; theo dõi, phát hiện, tố giác các hành vi tham nhũng, tiêu cực của cán bộ, công chức, viên chức. Kiến nghị thực hiện tốt cơ chế bảo vệ, tôn vinh và khen thưởng các tập thể, cá nhân tích cực phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Lồng ghép nội dung tập huấn, bồi dưỡng để nâng cao nhận thức, trách nhiệm và trình độ cho cán bộ của Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên các cấp về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Chỉ đạo các cơ quan tuyên truyền của Mặt trận tiếp tục triển khai việc xây dựng chuyên trang, chuyên mục về công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực của MTTQ Việt Nam; phát huy vai trò trực tiếp phát hiện, đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực thông qua các tin, bài, phóng sự; tăng cường tuyên truyền về các nội dung Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng liên quan đến phòng chống tham nhũng, tiêu cực; Luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi) và các văn bản hướng dẫn thi hành; các kết quả đạt được của Đảng và Nhà nước, Ban Chỉ đạo Trung ương trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực; tuyên truyền, biểu dương những tổ chức, cá nhân có thành tích tốt trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Chủ động, tích cực tham gia xây dựng, góp ý và phản biện xã hội nhằm góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật để phòng chống tham nhũng, tiêu cực
Để triển khai nội dung này, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp tiếp tục nâng cao ý thức trách nhiệm, năng lực và hiệu quả việc tham gia góp ý, phản biện xã hội đối với các dự thảo chính sách, pháp luật về PCTN,TC và về các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực như: Chính sách, pháp luật về quản lý đất đai, tài nguyên; công tác cán bộ; các quy định liên quan đến cơ chế phân công, phân cấp, xác định trách nhiệm giữa các cơ quan, tổ chức và cá nhân; thủ tục hành chính; tài chính công...
Trong năm 2023, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức lấy ý kiến Nhân dân vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và phản biện xã hội một số dự thảo Luật như: Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội lần 2; Dự thảo Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi); Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi)...; phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội phản biện xã hội theo Kế hoạch của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Ngoài ra, căn cứ tình hình thực tiễn và yêu cầu của các cơ quan soạn thảo, tiến hành phản biện xã hội đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật khác liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, đoàn viên, hội viên theo quy định của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 và các văn bản có liên quan góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật, khắc phục "khe hở", giảm thiểu việc lợi dụng chính sách, pháp luật làm nảy sinh tiêu cực, tham nhũng.
Chủ động nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, góp phần phòng chống tham nhũng, tiêu cực
Nội dung Kế hoạch đề cập tới việc thực hiện công tác giám sát theo hướng đổi mới, hiệu quả, thực chất và chủ động; nội dung giám sát bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, lựa chọn những vấn đề lớn, quan trọng, liên quan mật thiết đến đời sống Nhân dân; hình thức phù hợp, đáp ứng tình hình thực tế, tập trung nguồn lực thực hiện một cách đồng bộ, dứt điểm và có kết quả cụ thể. Xây dựng các kế hoạch triển khai cụ thể, phối hợp chặt chẽ, bảo đảm chất lượng và tiến độ theo yêu cầu; quá trình triển khai cần bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, tránh lãng phí; nâng cao chất lượng công tác giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật; chú trọng bản lĩnh, ý thức chính trị, không bị chi phối, tác động bởi các hành vi không lành mạnh của bất cứ tổ chức, cá nhân nào trong quá trình giám sát.
Trong đó, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chủ trì và phối hợp thực hiện một số hoạt động giám sát như: Giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về bồi thường, hỗ trợ tái định cư một số dự án trọng điểm, một số dự án chậm tiến độ, đầu tư dở dang ảnh hưởng đến đời sống của Nhân dân; Giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị cử tri và Nhân dân của các bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp; Giám sát việc xây dựng các dự án, công trình đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi (theo Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn I (2021 - 2025); Giám sát việc thực hiện Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015; Giám sát một số vụ việc khiếu nại, tố cáo theo Chương trình phối hợp số 02/CTPH-MTTQ-TTCP-BTP-HLG-LĐLS ngày 11/10/2018 giữa Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp, Hội Luật gia Việt Nam và Liên đoàn luật sư Việt Nam.
Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với các cơ quan hữu quan thực hiện các nội dung giám sát như: Phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao giám sát các nội dung theo Quy chế phối hợp công tác số 01/QC/MTTQ-VKSNDTC ngày 27/8/2014 giữa Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam thực hiện các hoạt động giám sát theo Kế hoạch của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.
Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp tổ chức các hoạt động giám sát đột xuất để phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi tham nhũng, tiêu cực; giám sát những vụ việc, lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng, lãng phí, gây sách nhiễu, phiền hà đối với người dân, doanh nghiệp; nghiên cứu, xem xét văn bản đã có hiệu lực pháp luật (giám sát văn bản) liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; giám sát việc thực hiện các quy định về công khai, minh bạch, cải cách thủ tục hành chính để góp phần khắc phục tham nhũng vặt.
Tổ chức tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh, tố cáo về tham nhũng, tiêu cực
Tại nội dung này, Kế hoạch đề cập tới việc tiếp tục sử dụng hiệu quả các kênh thông tin, phản ánh về tham nhũng, lãng phí của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp, của báo chí, cơ quan, tổ chức và cá nhân; xử lý kịp thời các đơn thư, khiếu nại, tố cáo, các phản ánh gửi đến Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp. Trên cơ sở tiếp nhận các thông tin phản ánh, ý kiến về tham nhũng, lãng phí, kịp thời kiến nghị với các cơ quan có trách nhiệm giải quyết; theo dõi, giám sát quá trình giải quyết và công khai kết quả giải quyết để Nhân dân biết.
Cùng với đó cần đa dạng hóa cách thức để lắng nghe, tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân về những vấn đề tham nhũng, tiêu cực để kiến nghị, phản ánh với Đảng và Nhà nước.
Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp phối hợp với các cơ quan báo chí trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực
Để triển khai nhiệm vụ này, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp cần phối hợp với các cơ quan báo chí tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia phòng chống tham nhũng, tiêu cực; kịp thời phản ánh về các hành vi, vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, lãng phí; trực tiếp phát hiện, đấu tranh với các biểu hiện, các hành vi tham nhũng, lãng phí thông qua các tin, bài, phóng sự... tuyên truyền, biểu dương những tổ chức, cá nhân có thành tích tốt trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam cùng các cơ quan báo chí triển khai đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực; tiếp tục phối hợp tổ chức tốt giải Báo chí toàn quốc Báo chí với công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ tư.
Đổi mới, nâng cao chất lượng tổ chức bộ máy, cán bộ và phương thức hoạt động của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp để thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực
Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống MTTQ Việt Nam theo hướng phát huy vai trò chủ động, tích cực của mỗi thành viên, mỗi cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hệ thống Mặt trận và tăng cường sự phối hợp thống nhất hành động giữa các thành viên của Mặt trận trong công tác PCTN,TC.
Tiếp tục rà soát, cải cách thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chia sẻ thông tin thực tiễn cho cán bộ cơ quan Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp.
Tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX.
Thực hiện công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong cơ quan Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp
Việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực ngay tại cơ quan Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp cần tập trung vào việc tuyên truyền nâng cao nhận và vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan tham gia tích cực vào công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Thực hiện nghiêm các quy định của Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) và các văn bản hướng dẫn thi hành tại cơ quan Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp; Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản, các quy định để phòng ngừa tham nhũng, lãng phí, giảm thủ tục và thời gian thực hiện các nhiệm vụ công tác.
Đảm bảo thực hiện đúng quy định về công tác tổ chức, cán bộ và các quy định về quản lý tài chính, tài sản trong cơ quan Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp, bảo đảm quản lý, sử dụng kinh phí từ nguồn ngân sách, quỹ cứu trợ, quỹ vì người nghèo theo đúng quy định của pháp luật.
Hương Diệp - ảnh Quang Vinh