|
Đại biểu tham dự Hội nghị |
Dự Hội nghị có Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, Hội Thủy sản Việt Nam và các đại biểu đại diện Ủy ban Mặt trận cấp tỉnh, Ban Trường trực Mặt trận cấp huyện, xã và Ban công tác Mặt trận Khu dân cư 5 tỉnh Duyên hải: Bình Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa.
Chia sẻ kinh nghiệm trong công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu
Thực hiện Chương trình phối hợp giữa Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Bộ Tài Nguyên và Môi trường về thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường giai đoạn 2021-2025, Hội nghị được tổ chức nhằm trang bị thêm kiến thức, kỹ năng tuyên truyền, vận động cho cán bộ Mặt trận các cấp nắm vững và tuyên truyền vận động nhân dân nghiêm túc thực hiện đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quản lý, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu trong thời kỳ mới.
Cũng trong khuôn khổ Hội nghị, các đại biểu được chia sẻ những kỹ năng chuyên môn từ các chuyên gia, nhà quản lý do các chuyên gia thuộc các cơ quan của Bộ tài Nguyên và Môi trường, các cán bộ Mặt Trận các cấp.
|
Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng cùng các đại biểu tham dự Hội nghị |
Các chuyên gia và đại biểu tham dự Hội nghị đã giành nhiều thời gian trao đổi, thảo luận và tham vấn về các vấn đề như vị trí, vai trò và tầm quan trọng của biển, đảo Việt Nam trong sự nghiệp bảo vệ môi trường và phát triển bền vững đất nước; việc sử dụng hợp lý, hiệu quả, bền vững tài nguyên biển đảo và ngăn ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường biển, chủ động ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu và nước biển dâng…Vai trò của công tác phối hợp giữa MTTQ Việt Nam và ngành Tài nguyên – Môi trường, các cơ quan chức năng trong triển khai Chương trình phối hợp, nhất là trong công tác phản biện chính sách, giám sát, kiểm tra việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường.
Các đại biểu ở các Khu dân cư tham dự chia sẻ nhiều kinh nghiệm, cách làm cụ thể, thiết thực, sáng tạo trong công tác bảo vệ môi trường với trọng tâm là mô hình điểm khu dân thu gom, phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt tại nguồn và giữ gìn vệ sinh môi trường cộng đồng khu dân cư, từ đó rút kinh nghiệm chung và nhân rộng một cách bền vững các mô hình hay, hiệu quả ra các địa phương trên toàn quốc. Hội nghị cũng ghi nhận nhiều kiến nghị, đề xuất của các chuyên gia, đại biểu tham dự đối với Đảng, Nhà nước về quan điểm, cơ chế, chính sách bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu nhằm triển khai thực hiện nhiệm vụ đạt kết quả cao trong thời gian tới.
Tập trung xây dựng mô hình điểm thu gom, phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt tại nguồn ở cộng đồng dân cư
|
Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng phát biểu tại Hội nghị |
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng nhấn mạnh, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu là vấn đề lớn mang tính toàn cầu. Nhiều nghiên cứu và báo cáo đã đưa ra đánh giá: vấn đề ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu đã và đang là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại trong thế kỷ 21, có tác động nghiêm trọng đến phát triển kinh tế - xã hội và an ninh môi trường thế giới. Do đó, hiện nay nhiều quốc gia trên thế giới có xu hướng ngày càng quan tâm thúc đẩy tăng trưởng xanh, thương mại điện tử, phát triển kinh tế số, phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi nghề, chuyển dịch cơ cấu năng lượng...
Ở nước ta, Đảng và Nhà nước trong nhiều năm qua đã có những chủ trương, chính sách đúng đắn, có nhiều nỗ lực và đạt được kết quả quan trọng về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe của Nhân dân là mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”.
Cũng theo Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã triển khai thực hiện được hơn 2 năm. Luật đã đưa ra nhiều chính sách, từ cách tiếp cận đổi mới, từng bước đưa phương thức quản lý, giải quyết các vấn đề về môi trường từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa, kiểm soát các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường để đóng góp cho tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững.
“Tuy nhiên, chúng ta vẫn đang phải đối mặt với những thách thức lớn về tình trạng ô nhiễm, suy thoái môi trường, nhất là ở một số khu vực thành thị, nông thôn, khu công nghiệp và làng nghề, thậm trí là ngay ở cả các khu dân cư; tài nguyên thiên nhiên ở nhiều nơi vẫn còn bị khai thác quá mức, thiếu trách nhiệm kiểm soát, thiếu bền vững”, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng trăn trở.
Từ nội dung thảo luận của các đại biểu tham dự Hội nghị và để triển khai công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trong năm 2023 đạt kết quả thực chất và bền vững hơn nữa, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp cần tiếp tục tập trung triển khai thực hiện Chương trình phối hợp số 05, ngày 12/01/2021 giữa Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam với Bộ Tài Nguyên và môi trường về thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường giai đoạn 2021 – 2025, theo đó cần nghiên cứu kỹ, lựa chọn nội dung phù hợp và có giải pháp cụ thể, quyết liệt để triển khai đạt hiệu quả, rõ sản phẩm, tạo sự chuyển biến thực chất, nhất là từ địa bàn cơ sở.
Cùng với đó cần sáng tạo, đa dạng các hình thức tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức việc chấp hành Luật BVMT năm 2020, qua đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động của mỗi người dân, gia đình, cộng đồng dân cư trong công tác bảo vệ môi trường; trong đó tập trung nghiên cứu sâu, đẩy mạnh tuyên truyền Chương 13 về: trách nhiệm của MTTQ Việt Nam, tổ chức CT-XH, tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp và cộng đồng dân cư trong bảo vệ môi trường.
Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng cũng đề nghị, MTTQ các cấp cần duy trì việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Tháng hành động vì môi trường” và Ngày Môi trường thế giới 5/6; kết hợp tổ chức ra quân làm vệ sinh môi trường ở khu dân cư, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ Mặt trận cơ sở để cập nhật kiến thức, chuyên môn, nghiệp vụ về bảo vệ môi trường để có đủ điều kiện triển khai công tác bảo vệ môi trường có kết quả cả về chiều rộng và chiều sâu, từ cơ sở đến tỉnh.
“Cần tập trung xây dựng mô hình điểm thu gom, phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt tại nguồn ở cộng đồng dân cư nhất là rác thải nhựa sử dụng một lần, nhân rộng ra phạm vi xã, huyện, tỉnh và Trung ương. Một số tỉnh có mô hình tiêu biểu đang triển khai nhân rộng trong toàn tỉnh mô hình này như: Tuyên Quang, Hà Nam, Hưng Yên. Các tỉnh nên liên hệ lấy tài liệu nghiên cứu, áp dụng tại địa phương mình”, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng gợi mở và cho rằng từ việc nhân rộng các mô hình cần kịp thời phát hiện, biểu dương các mô hình hay, điển hình tiên tiến trong các hoạt động, phong trào bảo vệ môi trường để nhân rộng, biểu dương các tập thể, cá nhân có đóng góp quan trọng trong xây dựng triển khai mô hình; phê phán những hành vi vi phạm pháp luật về môi trường.
Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng cũng lưu ý các tỉnh cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các tổ chức thành viên, các tổ chức tôn giáo nâng cao hiệu quả phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường” góp phần xây dựng diện mạo khu dân cư nông thôn mới, đô thị văn minh Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp, khu dân cư văn hóa. Duy trì tổ chức ký cam kết đến từng hộ gia đình, từng khu dân cư về BVMT, làm chuyển biến mạnh mẽ nhận thức và trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân về tầm quan trọng của công tác BVMT và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đặc biệt cần phát huy kết quả công tác phối hợp với ngành tài nguyên môi trường và các cơ quan chức năng trong công tác giám sát, kiểm tra việc chấp hành pháp luật BVMT nhất là những vụ việc, hành vi gây nhiều bức xúc trong nhân dân; tham gia phản biện, xây dựng, góp ý kiến vào dự thảo các văn bản pháp luật về lĩnh vực tài nguyên, môi trường, các đề tài dự án phát triển kinh tế - xã hội gắn với nhiệm vụ bảo vệ môi trường, phát triển bền vững; tổ chức tập hợp ý kiến, kiến nghị của nhân dân về lĩnh vực tài nguyên, môi trường phản ánh đến cấp ủy, chính quyền; phối hợp khảo sát đánh giá sự hài lòng của người dân về chất lượng môi trường sống năm 2023.
Hương Diệp