(Mặt trận) - Sáng 13/5, Đoàn khảo sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng làm Trưởng đoàn đã làm việc với UBND thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình về việc thực hiện các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021.
|
Quang cảnh buổi làm việc |
Tham dự buổi làm việc có: Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Phương; Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Tô Văn Tám; Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Nguyễn Hải Nam; Ủy viên Chuyên trách Ủy ban Pháp luật Lê Thanh Hoàn; Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Quách Tất Liêm; các thành viên Đoàn giám sát và đại diện một số sở, ngành địa phương.
Theo báo cáo của UBND thành phố Hòa Bình, trước khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính, thành phố Hòa Bình cũ có 15 đơn vị hành chính cấp xã (8 phường, 7 xã); huyện Kỳ Sơn có 10 đơn vị hành chính cấp xã (9 xã và 1 thị trấn). Thực hiện Nghị quyết số 830/NQ-UBTVQH14 ngày 17.12.2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, tỉnh Hòa Bình đã sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số, đơn vị hành chính huyện Kỳ Sơn vào thành phố Hòa Bình. Hiện nay, thành phố Hòa Bình mới có diện tích tự nhiên trên 348 km2, dân số trên 135.700 người, có 19 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm: 12 phường và 7 xã. Tổng số cán bộ, công chức, viên chức hiện có (tính đến thời điểm ngày 15.4.2022) là 726 người, trong đó: Thành phố: 297 người; cấp xã: 429 người.
|
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng phát biểu tại buổi làm việc |
Việc sắp xếp các đơn vị hành chính đã góp phần tinh gọn bộ máy, bảo đảm quy mô quản lý phù hợp; tinh giản đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Qua đó, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ chính trị địa phương.
Theo kế hoạch phát triển đô thị tỉnh Hòa Bình đã được phê duyệt, phấn đấu đến năm 2025, thành phố Hòa Bình đạt các tiêu chí của đô thị loại II. Do đang trong quá trình triển khai lập đồ án quy hoạch, thành phố Hòa Bình chưa lập Chương trình phát triển đô thị thành phố Hòa Bình. Để bảo đảm thực hiện phấn đấu đầy đủ các tiêu chí về phân loại đô thị và phấn đấu đạt các tiêu chí đô thị loại II, Ban Chấp hành Đảng bộ đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TH.U ngày 20.4.2021 về việc xây dựng thành phố Hòa Bình theo các tiêu chí đô thị loại II hoàn thành trước năm 2025, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 2459/KH-UBND ngày 16.7.2021 về triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TH.U ngày 20.4.2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố về xây dựng thành phố Hòa Bình theo các tiêu chí đô thị loại II hoàn thành trước năm 2025. Đồng thời, đề nghị Trung ương, UBND tỉnh ưu tiên nguồn vốn đối với các dự án trọng điểm về hạ tầng giao thông, nước thải, công viên cây xanh nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế và phát triển đô thị sau sáp nhập cho địa phương. Tập trung tháo gỡ vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng, thu hút đầu tư đối với các khu, cụm công nghiệp, các khu đô thị, khu dân cư mới, khu du lịch trên địa bàn.
|
Bí thư Thành ủy Hòa Bình Ngô Ngọc Đức phát biểu tại buổi làm việc |
Tại buổi làm việc, sau khi Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị thành phố làm rõ một số vấn đề từ thực tế đặt ra sau khi sắp xếp, các đại biểu đã thẳng thắn nêu lên một số khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn của địa phương trong quá trình thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính, như: Vấn đề nhà văn hóa của một số xóm, tổ dân phố sau khi sáp nhập có diện tích còn nhỏ hẹp, trang thiết bị còn thiếu hoặc đã xuống cấp và không sử dụng được. Khi thực hiện sáp nhập thì nhà văn hóa không đủ diện tích và chỗ ngồi để phục vụ cho việc họp xóm và sinh hoạt cộng đồng của khu dân cư.
Ngoài ra, khi thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính thì số lượng cán bộ, công chức dôi dư lớn, khó khăn trong việc bố trí, sắp xếp và giải quyết chế độ dôi dư. Đặc biệt, việc sắp xếp các đơn vị hành chính còn tác động đến các chính sách đặc thù, một số các nguồn lực hỗ trợ đầu tư bị cắt giảm, các đơn vị hành chính nếu có sự thay đổi về địa bàn, khu vực sẽ phải rà soát, đánh giá lại các tiêu chí khó khăn, đặc biệt khó khăn nếu không đạt thì sẽ không được hưởng các chính sách hỗ trợ; tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo có sự thay đổi, do đó chính sách hỗ trợ đối với các đối tượng này cũng có sự thay đổi.
Vì vậy, thành phố Hòa Bình đề nghị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung Khoản 2, Điều 9, Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 như sau: “... Đô thị loại II ở miền núi, vùng cao, có đường biên giới quốc gia thì tiêu chí quy mô dân số có thể thấp hơn nhưng tối thiểu đạt 70% mức quy định, các tiêu chí khác tối thiểu đạt 80% mức quy định của loại đô thị tương ứng”. Đồng thời, đề xuất sửa đổi tiêu chí 3 - Mật độ dân số: Đối với dân số của đô thị miền núi áp dụng 50% mức quy định tối thiểu; đề xuất giảm tiêu chuẩn đất cây xanh công cộng khu vực nội thị đối với đô thị miền núi. Cùng với đó, kéo dài thời điểm sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính đến hết năm 2026; tăng số lượng cán bộ, công chức cấp xã ở những đơn vị hành chính thực hiện việc sắp xếp;…
|
Đoàn khảo sát thực tế tại trụ sở của một số cơ quan đóng trên địa bàn huyện Kỳ Sơn trước đây |
Thay mặt đoàn giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, tỉnh Hòa Bình nói chung, thành phố Hòa Bình nói riêng là một trong những địa phương rất tích cực, chủ động trong việc thực hiện chủ trương của Đảng, Nghị quyết Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Qua sắp xếp, tỉnh đã giảm được 59 đơn vị hành chính cấp xã, thành phố Hòa Bình giảm được 6 xã, 2 xã ở thành phố Hòa Bình và 4 xã ở huyện Kỳ Sơn, đây là nỗ lực rất lớn. Liên quan đến việc sắp xếp cán bộ dôi dư sau khi sắp xếp đơn vị hành chính, Đoàn sẽ ghi nhận và tổng hợp báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Về quản lý, xử lý tài sản dôi dư sau khi sắp xếp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị Bộ Tài chính cùng quan tâm đến những vấn đề nổi lên trong công tác quản lý, xử lý tài sản dôi dư sau việc sắp xếp của giai đoạn vừa rồi để có hướng dẫn chung tháo gỡ khó khăn cho các địa phương về thủ tục, trình tự giải quyết được nhanh hơn nhưng vẫn bảo đảm quy định của pháp luật, trên cơ sở đó sẽ có quy định đầy đủ hơn để sắp xếp cho giai đoạn sau. Bên cạnh đó, thành phố cũng cần quan tâm đồng bộ đến việc đầu tư, nâng cấp, đáp ứng các tiêu chuẩn đô thị để sớm đạt đô thị loại II; rà soát những quy định trong nghị quyết 1210 và 1211 xem những gì cần điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp với quy định của thực tiễn trong giai đoạn phát triển hiện nay, nhất là đối với địa bàn miền núi như Hòa Bình - Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng đề nghị.
Trần Tâm