|
Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh dẫn đầu đoàn công tác đã tới dâng hương tưởng niệm Luật sư Nguyễn Hữu Thọ tại nhà riêng. (Ảnh: Hồng Phúc). |
Trong không khí trang nghiêm, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cùng các thành viên đoàn công tác UBTƯ MTTQ Việt Nam đã dâng hương tưởng niệm cố Luật sư, Quyền Chủ tịch nước Nguyễn Hữu Thọ nhân kỷ niệm 24 năm ngày cố Luật sư qua đời (24/12/1996-24/12/2020).
Năm 2020, tròn 110 năm Ngày sinh cố Chủ tịch Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Quyền Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Hữu Thọ (1910-2020).
Trước đó, vào tháng 7/2020, ông Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam; Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Phùng Khánh Tài cùng lãnh đạo một số Ban thuộc cơ quan cũng đã đến dâng hương tưởng niệm cố Luật sư Nguyễn Hữu Thọ tại nhà riêng của gia đình tại quận 3, TP HCM.
Nhắc lại sự quan tâm của lãnh đạo UBTƯ MTTQ Việt Nam đối với các thế hệ lãnh đạo tiền nhiệm, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh nhấn mạnh, đồng thời bày tỏ sự trân trọng đối với quá trình hoạt động cách mạng, những cống hiến của Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đối với với sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đối với công tác của MTTQ Việt Nam, cũng như trong công cuộc đổi mới xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
|
Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh dẫn đầu đoàn công tác đã tới dâng hương tưởng niệm Luật sư Nguyễn Hữu Thọ tại nhà riêng. (Ảnh: Hồng Phúc). |
Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh bày tỏ sự trân trọng và mong muốn gia đình cố Luật sư Nguyễn Hữu Thọ tiếp nối tấm gương truyền thống của cố Luật sư, tiếp tục có nhiều cống hiến, đóng góp hơn nữa cho TP HCM và đất nước.
Thay mặt gia đình, ông Nguyễn Hữu Châu, con trai trưởng cố Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã cảm ơn sự quan tâm của UBTƯ MTTQ Việt Nam và những chia sẻ, tình cảm từ Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh và các thành viên đoàn công tác dành cho cha mình và gia đình.
Ông Nguyễn Hữu Châu khẳng định, trước sự quan tâm của cơ quan Trung ương và đặc biệt là các lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đã tiếp thêm động lực để bản thân ông và gia đình tiếp tục nỗ lực, noi gương cha ông, từ đó luôn phấn đấu đóng góp nhiều hơn cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của TP HCM và đất nước.
Trong dịp này, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh và đoàn công tác đến thăm quan phòng trưng bày ảnh tư liệu về quá trình hoạt động Cách mạng của cố Luật sư Nguyễn Hữu Thọ tại nhà riêng của gia đình tại quận 3, TP HCM.
|
Ông Nguyễn Hữu Châu, con trai trưởng cố Luật sư Nguyễn Hữu Thọ thay mặt gia đình cảm ơn đoàn công tác của UBTƯ MTTQ Việt Nam. (Ảnh: Hồng Phúc). |
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Hữu Châu, Quyền Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, cố Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Thọ sinh ngày 10/7/1910, tại xã Long Phú, huyện Bến Lức, tỉnh Long An.
Từ năm 1921, ông bắt đầu du học tại Pháp, học luật từ năm 1930 và trở về nước năm 1933. Sau đó, ông hành nghề luật sư khắp các tỉnh miền Tây Nam Bộ, nhất là luôn bảo vệ người dân vô tội trước tòa án thực dân.
Từ năm 1947, ông Nguyễn Hữu Thọ tham gia vận động các luật sư, kỹ sư, bác sĩ, dược sĩ, nhà giáo, nhà báo... ký tên vào bản Tuyên ngôn của trí thức Sài Gòn - Chợ Lớn gửi Chính phủ Pháp, đòi Chính phủ Pháp đàm phán với Chính phủ Việt Nam.
Năm 1948, ông tiếp tục tham gia Mặt trận Liên Việt và năm sau được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Ông hoạt động trong phong trào trí thức và bị Pháp bắt tháng 6/1950, bị giam ở Lai Châu rồi Sơn Tây cho đến tháng 11/1952. Ngay sau đó, ông tham gia vào phong trào đấu tranh hợp pháp, đòi hòa bình ở Sài Gòn - Chợ Lớn, là Phó chủ tịch Phong trào hòa bình Sài Gòn - Chợ Lớn.
|
Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh chụp ảnh lưu niệm cùng đại diện gia đình cố Luật sư Nguyễn Hữu Thọ tại khu trưng bày bức tượng đồng cố Luật sư Nguyễn Hữu Thọ. (Ảnh: Hồng Phúc). |
Luật sư Nguyễn Hữu Thọ có công rất lớn trong bàn bạc, đóng góp ý kiến về tình hình chiến sự cùng một số đơn vị trong Mặt trận Dân tộc giải phóng và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (1969).
Năm 1954, ông bị chính quyền Ngô Đình Diệm bắt và bị giam tại Phú Yên. Khi Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam thành lập ngày 20/12/1960, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đang bị quản thúc tại Phú Yên.
Sau cuộc giải thoát thành công vào cuối tháng 11/1961, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ về đến bắc Tây Ninh. Tháng 2/1962, Đại hội lần thứ I Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được tổ chức và Luật sư Nguyễn Hữu Thọ được bầu làm Chủ tịch.
Khi Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam được thành lập vào tháng 6/1969, ông giữ chức Chủ tịch Hội đồng cố vấn. Năm 1976, ông được bầu làm Phó Chủ tịch nước Việt Nam thống nhất.
Tháng 4/1980, sau khi Chủ tịch nước Việt Nam Tôn Đức Thắng qua đời, ông làm Quyền Chủ tịch nước cho đến tháng 7/1981.
Năm 1981, ông là Chủ tịch Quốc hội Việt Nam cho đến năm 1987, rồi Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam tại Đại hội năm 1988.
Ông giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng nhà nước khóa VII, VIII. Ông được thưởng Huân chương Sao vàng năm 1993…
Luật sư qua đời tại TP HCM ngày 24/12/1996.
Thành Luân