|
Quang cảnh cuộc làm việc |
Tham gia buổi làm việc có Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè, đại diện các Sở, ban, ngành thành viên Hội đồng phối hợp PBGDPL thành phố Cần Thơ.
Theo Hội đồng phối hợp PBGDPL thành phố Cần Thơ, năm 2022, Sở, ban ngành thành phố đã tổ chức tuyên truyền được 2.697 cuộc với 109.972 lượt người dự. Hội đồng phối hợp PBGDPL cấp huyện tổ chức tuyên truyền được 2.203 cuộc với 79.883 lượt người dự. Sở Tư pháp phối hợp với các Sở, ban ngành, đoàn thể tổ chức thành công Hội nghị triển khai các văn bản luật được Quốc hội khóa XV, kỳ họp thứ 1, 2, 3. Trong 6 tháng đầu năm 2023, Sở, ban ngành thành phố đã tổ chức tuyên truyền được 55 cuộc, với 6.719 lượt người dự. Hội đồng phối hợp PBGDPL cấp huyện tổ chức tuyên truyền được 930 cuộc, với 49.069 lượt người dự.
Nội dung tuyên truyền tập trung vào các hoạt động như: Tăng cường công tác PBGDPL trên địa bàn thành phố nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; các dự thảo chính sách, pháp luật có tác động lớn đến xã hội; các văn bản, quy định có liên quan trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp; Tuyên truyền phổ biến pháp luật về biển, đảo; cải cách hành chính; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tội phạm, ma túy, dịch bệnh, thiên tai; bảo vệ môi trường; an toàn vệ sinh thực phẩm; phòng cháy, chữa cháy; an toàn giao thông đường bộ; các vấn đề dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội...
Bên cạnh đó, Hội đồng phối hợp PBGDPL đã đổi mới hình thức xây dựng tài liệu tuyên truyền thông qua việc xây dựng các video clip tuyên truyền có nội dung ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu với chủ đề như “một phút để hiểu biết pháp luật” nhằm thay thế cho cách phát hành in ấn tờ rơi, tờ gấp truyền thống, cách làm này hiện nay mang lại hiệu quả rất thiết thực và tiết kiệm hàng trăm triệu đồng tiền in ấn so với cách làm truyền thống. Đã biên tập và phát hành tờ thông tin phổ biến pháp luật hàng tháng dưới dạng văn bản, điện tử để tuyên truyền, cập nhật các quy định pháp luật mới, tìm hiểu, hỏi - đáp pháp luật; Tờ gấp pháp luật; câu hỏi tình huống và giải đáp pháp luật…vv được đăng tải trên Trang thông tin điện tử và các nền tảng mạng xã hội như Zalo, Fb…từ đó giúp cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận pháp luật một cách nhanh chóng.
Năm 2022, các quận, huyện tiếp nhận tổng số vụ hòa giải là 2.203 vụ, trong đó đưa ra hòa giải 2.203 vụ, hòa giải thành 1.621 vụ đạt tỷ 80,13%. Trong 6 tháng đầu năm 2023, các quận, huyện tiếp nhận tổng số vụ hòa giải là 828 vụ, trong đó đưa ra hòa giải 828 vụ, hòa giải thành 673 vụ đạt tỷ lệ 81,28%.
|
Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh phát biểu tại buổi làm việc |
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng PBGDPL Trung ương Trương Thị Ngọc Ánh đánh giá cao sự chuẩn bị nghiêm túc của địa phương; ghi nhận và biểu dương những kết quả tích cực đạt được của Hội đồng phối hợp PBGDPL thành phố trong thời gian qua cũng như chỉ ra một số tồn tại, hạn chế, nguyên nhân của tồn tại, hạn chế của địa phương trong công tác này.
Đồng thời nhấn mạnh, trước yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân trong giai đoạn mới theo tinh thần của Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 12/5/2023 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, đòi hỏi cần tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL, triển khai có chiều sâu, thực chất công tác hoà giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật với định hướng lấy người dân làm trung tâm, trong đó có vai trò rất quan trọng của Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp.
Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh yêu cầu thành phố phát huy vị trí, vai trò, trách nhiệm của Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp nói chung, trách nhiệm của các cơ quan thành viên Hội đồng nói riêng trong triển khai thực hiện có kết quả Kế hoạch công tác năm 2023 của Hội đồng, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Tư pháp, các Chương trình, Đề án của bộ, ngành trung ương, kịp thời tham mưu UBND thành phố lãnh đạo, chỉ đạo triển khai tại địa phương. Chủ động nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thực tiễn trong công tác PBGDPL trên địa bàn thành phố.
Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cũng yêu cầu thành phố tập trung nguồn lực thực hiện có hiệu quả, bảo đảm chất lượng, tiến độ các nhiệm vụ, đề án PBGDPL mới được ban hành, trong đó tập trung vào việc thực hiện có hiệu quả các Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022-2027” theo Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ; Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân” của thành phố từ nay đến năm 2030.
“UBND thành phố ban hành các chương trình, đề án phù hợp với đặc thù, yêu cầu của địa phương trong đó ưu tiên các nhóm đối tượng đặc thù, yếu thế, gắn với thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, đề án phát triển kinh tế - xã hội, địa bàn trọng yếu về quốc phòng, an ninh; có các giải pháp đẩy mạnh việc huy động nguồn lực xã hội tham gia, hỗ trợ công tác PBGDPL”, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh lưu ý.
Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh yêu cầu thành phố cần chú trọng tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng PBGDPL cho báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật. Gắn kết chặt chẽ công tác hòa giải ở cơ sở với công tác dân vận; nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên để đóng góp thiết thực vào việc ổn định an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở, phát huy tinh thần đoàn kết tương thân, tương ái trong quần chúng nhân dân, qua đó vận động nhân dân tuân thủ, tự giác chấp hành pháp luật.
Cùng với đó Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh yêu cầu địa phương cần tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL và hoạt động của Hội đồng. Chú trọng kiểm tra công tác PBGDPL và hoạt động của Hội đồng tại địa phương; kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc, giải quyết theo thẩm quyền hoặc báo cáo, đề xuất với Bộ Tư pháp, Hội đồng trung ương xem xét, giải quyết. Đồng thời tăng cường huy động nguồn lực xã hội cho công tác PBGDPL, trong đó phát huy vai trò của đội ngũ luật sư, luật gia tham gia công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở.
Trước đó sáng cùng ngày, Đoàn kiểm tra của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật trung ương cũng đã làm việc tại quận Thốt Nốt. Đoàn cũng định hướng quận cần chủ động đổi mới, áp dụng các hình thức, mô hình PBGDPL hiệu quả cho các đối tượng trên địa bàn quận để người dân chủ động tiếp cận thông tin pháp luật một cách đầy đủ, chính xác, kịp thời, hiệu quả.
NGUYÊN DU