|
Ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Trưởng đoàn giám sát liên ngành phát biểu tại buổi làm việc. |
Theo đó, thực hiện Nghị quyết số 42 và Quyết định số 15 của Thủ tướng Chính phủ, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận các cấp ở tỉnh Quảng Bình đã phối hợp chặt chẽ, chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách cho các đối tượng bị ảnh hưởng do dịch Covid-19.
Triển khai chính sách hỗ trợ cho người dân do dịch Covid-19 ở trên địa bàn tỉnh Quảng Bình thuộc đối tượng người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội đã chi trả kịp thời, đảm bảo đúng đối tượng, đúng số tiền và công khai, minh bạch, tạo niềm tin, phấn khởi trong nhân dân.
Báo cáo tại buổi làm việc, tính đến ngày 30/5, Quảng Bình đã cơ bản chi trả xong tiền hỗ trợ cho 4 nhóm đối tượng người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, người thuộc hộ cận nghèo, người thuộc đối tượng bảo trợ xã hội gặp khó khăn do đại dịch Covid - 19 với trên 142.000 đối tượng.
Trong đó, đối tượng người có công với cách mạng trên 18.400 người; người thuộc hộ nghèo trên 31.000 người; thuộc hộ cận nghèo gần 58.000 người; đối tượng bảo trợ xã hội trên 36.000 người. Tổng số tiền hỗ trợ trên 148 tỷ đồng.
Hiện nay, Quảng Bình đang khẩn trương tiếp tục rà soát, thẩm định và tổng hợp danh sách chi trả tiền hỗ trợ cho 3 nhóm đối tượng người lao động, người sử dụng lao động và hộ kinh doanh gặp khó khăn do dịch Covid theo quy định của Nghị quyết 42.
Tại buổi làm việc, đại diện các sở ngành, Mặt trận, đoàn thể ở tỉnh Quảng Bình đã thảo luận, trao đổi cách làm; đồng thời kiến nghị những khó khăn trong việc hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19.
Ông Trần Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, Quảng Bình là địa phương có kinh nghiệm trong việc chi trả, bồi thường cho người dân.Hiện nay, khó khăn nhất đối với Quảng Bình là nguồn dự phòng ít, quỹ dự trữ tài chính không có nhiều, chỉ gói gọn trong 200 tỷ. Trong khi đó, Quảng Bình là địa phương thường hay bị ảnh hưởng của thiên tai, lũ lụt. Vì vậy, việc hỗ trợ 3 nhóm đối tượng còn lại, dù đã thống kê xong nhưng khó về nguồn chi trả.
|
Đoàn giám sát liên ngành làm việc với tỉnh Quảng Bình về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19. |
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Trưởng đoàn giám sát liên ngành đã đánh giá cao công tác triển khai, cách thức tuyên truyền; kết quả hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 của các cấp chính quyền, đoàn thể, Mặt trận ở tỉnh Quảng Bình.
Theo ông Ngô Sách Thực, “việc hỗ trợ 4 nhóm đối tượng ở Quảng Bình diễn ra chặt chẽ trong các giai đoạn lập danh sách, thẩm định, niêm yết, chi trả, phát hiện sai sót và khắc phục ngay… qua đó đã tạo phấn khởi, giúp nhân dân ổn định cuộc sống”.
Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, trong quá trình giám sát, Mặt trận các cấp ở Quảng Bình đã triển khai đảm bảo nguyên tắc chủ động, tích cực, xuyên suốt; giám sát gắn liền với đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền và nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của nhân dân.
Ông Ngô Sách Thực chia sẻ: “Của cho không bằng cách cho, việc hỗ trợ các nhóm đối tượng theo Nghị quyết 42 và Quyết định số 15 của Thủ tướng Chính phủ đã giúp người dân Quảng Bình tháo gỡ khó khăn, vươn lên phát triển kinh tế khi dịch bệnh Covid-19 đi qua, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân”.
Về những đề xuất, kiến nghị trong quá trình thực hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực cho biết, đoàn giám sátsẽ tiếp thu, tổng hợp để báo cáo giám sát về những nội dung, tạo điều kiện thuận lợi trong thực hiện Nghị quyết số 42 của Chính phủ và Quyết định số 15 của Thủ tướng Chính phủ.
|
Giám sát việc hỗ trợ người dân tại thị xã Ba Đồn (tỉnh Quảng Bình). |
Trước đó, vào sáng ngày 5/6, Đoàn giám sát liên ngành đã có buổi kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết số 42 và Quyết định số 15 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 tại thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình.
Tính đến thời điểm hiện tại, UBND thị xã Ba Đồn (tỉnh Quảng Bình) đã chi trả thực tế cho tổng số 11.767 người với kinh phí hơn 13,3 tỷ đồng cho 4 nhóm đối tượng người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người thuộc bảo trợ xã hội; tổng số người không đủ điều kiện với 402 người với kinh phí gần 325 triệu đồng.
Trong quá trình giám sát việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 trên địa bàn, Mặt trận thị xã Ba Đồn đã phát hiện 5 trường hợp đề nghị xem xét cho hưởng 1 chế độ cao nhất; 9 trường hợp sai họ; 6 trường hợp sai địa chỉ đề nghị rà soát lại; 104 trường hợp không có tên trong danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo do thị xã phê duyệt và danh sách người có công, bảo trợ xã hội đề nghị đưa ra khỏi danh sách hỗ trợ…
Tại buổi làm việc, nhiều ý kiến đã trao đổi, thảo luận và đề xuất những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị quyết 42 và Quyết định số 15 của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể về việc nắm bắt dư luận trong nhân dân trước, trong và sau khi thực hiện Nghị quyết 42 và Quyết định số 15 của Thủ tướng Chính phủ.
Công tác rà soát các hộ nghèo, cận nghèo ở trên địa bàn thị xã Ba Đồn trước ngày 31/12/2019 nhưng do quá trình cập nhật dữ liệu bị sót nên một số xã, phường không đưa danh sách đề nghị UBND thị xã phê duyệt hộ nghèo, hộ cận nghèo; hỗ trợ cho vay vốn doanh nghiệp, hộ kinh doanh còn thấp…
Quảng Nghĩa – Xuân Thi