|
Ông Vũ Trọng Kim, Chủ tịch Hội Cựu TNXP Việt Nam phát biểu tại Hội nghị |
Góp ý vào dự thảo Đề án “Quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, bộ máy cơ quan Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam”, ông Vũ Trọng Kim, Chủ tịch Hội Cựu TNXP Việt Nam cho rằng, không nên đặt MTTQ Việt Nam tương đương với các ban, bộ, ngành Trung ương, bởi chức năng nhiệm vụ của Mặt trận đã được quy định trong Hiến pháp, còn các ban, bộ, ngành Trung ương thì không có. Do đó cần diễn đạt theo hướng: “cơ quan UBTƯ MTTQ Việt Nam là cơ quan của MTTQ Việt Nam có tính chất và nhiệm vụ đặc biệt khác với các bộ, ban, ngành”, từ đó mới có những chức năng, nhiệm vụ khác với các bộ, ngành.
Bên cạnh đó, về việc đổi tên Ban Phong trào thành “Ban đoàn kết và vận động xã hội”, cần lưu ý 2 vế “đoàn kết” và “vận động xã hội”, ông Vũ Trọng Kim đặt ra câu hỏi, đoàn kết để vận động xã hội hay vận động xã hội để đoàn kết? Theo ý kiến cá nhân ông Vũ Trọng Kim, đoàn kết để vận động xã hội, 2 nội dung này không thể trở thành 2 vế của 1 tên gọi. Mặt khác, đoàn kết là nhiệm vụ của tất cả chúng ta phải làm, không chỉ là nhiệm vụ gắn vào 1 ban cụ thể.
“Cần sửa lại thành “Ban vận động và xây dựng cộng đồng”, xây dựng, tổ chức các phong trào, xây dựng cộng đồng hướng về địa bàn dân cư và hướng về cơ sở”, ông Vũ Trọng Kim nêu ý kiến.
Ông Vũ Trọng Kim cũng đề nghị cần sớm tổ chức lại Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học thành Trường Bồi dưỡng và hướng lên Học viện. Trong công tác đào tạo càn hướng tới đối tượng học viên là những cán bộ Mặt trận trẻ, đội ngũ những người làm công tác thanh niên, phụ nữ, nông dân, tổ chức quần chúng và các tổ chức xã hội khác.
|
Ông Nguyễn Túc, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Văn hóa - Xã hội phát biểu tại Hội nghị |
Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã chia sẻ những suy nghĩ về việc phải có Nghị quyết của Bộ Chính trị về vị trí, vai trò, chức năng của Mặt trận.
Theo ông Nguyễn Túc, từ Đại hội X của Đảng đến nay, Đảng đã giao cho Mặt trận nhiều nhiệm vụ, trong đó có giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh. Đây là những nhiệm vụ hết sức khó khăn. Rồi một loạt các vấn đề mới về dân tộc, tôn giáo, doanh nhân.
“Đặc biệt là những vấn đề về doanh nhân vừa xảy ra ví dụ như vụ việc Tân Hoàng Minh, Việt Á... làm Mặt trận phải ‘suy nghĩ” lại đối với doanh nhân phải giải quyết như thế nào? Rất nhiều vấn đề mới đang đặt ra đối với công tác Mặt trận.”, ông Nguyễn Túc trăn trở.
Theo ông Nguyễn Túc, cơ thể của chúng ta đang dần mạnh lên, nhưng chiếc áo của của chúng ta chật quá, cần phải có chiếc áo mới. Tôi đồng tình với việc cần phải có Nghị quyết của Bộ Chính trị về vị trí, vai trò, chức năng của Mặt trận.
Góp ý vào Đề án “Quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, bộ máy cơ quan Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam”, ông Nguyễn Túc đề xuất sửa đổi “Ban đoàn kết và vận động xã hội” thành “Ban cộng đồng và vận động xã hội”. Bởi, Mặt trận là nơi tập hợp, đoàn kết những người Việt Nam yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội.
|
Nguyên Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Lê Bá Trình phát biểu tại Hội nghị |
Góp ý vào Đề án trình Bộ Chính trị “Quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy Cơ quan UBTƯ MTTQ Việt Nam”, nguyên Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Lê Bá Trình cho rằng, Hiến pháp năm 2013 và Luật MTTQ Việt Nam năm 2015 là căn cứ chính trị, pháp lý vững chắc cho việc trình Đề án lên Bộ Chính trị xem xét quyết định.
Ông Lê Bá Trình đề nghị cần bổ sung thêm ở phần thực tiễn tính đặc thù về tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam so với các tổ chức khác trong hệ thống chính trị nước ta. Trong đó cần nêu rõ, Uỷ ban MTTQ Việt Nam các cấp tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động. Nhưng cơ quan chuyên trách của Uỷ ban MTTQ Việt Nam cùng cấp là cơ quan phục vụ của UBTƯ MTTQ Việt Nam thì được tổ chức và hoạt động theo tính chất 1 đơn vị hành chính Nhà nước; Cán bộ, công chức thực thi công vụ theo quy định của Luật công chức, Luật viên chức.
Nhắc tới Uỷ ban MTTQ Việt Nam các cấp thực hiện tất cả các nhiệm vụ về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại… như tổ chức Đảng, Quốc hội, Chính phủ và chính quyền các cấp, ông Lê Bá Trình cho rằng, với khối lượng công việc rất nhiều, nhiệm vụ nặng nề như vậy, để toàn bộ các nhiệm vụ này được chuyển tải và tổ chức thực hiện có hiệu quả trong Uỷ ban MTTQ Việt Nam cùng cấp với nguyên tắc hiệp thương dân chủ, phối hợp thống nhất hành động thì cơ quan chuyên trách của Uỷ ban MTTQ Việt Nam cấp đó phải có địa vị chính trị và pháp lý tương đồng với các cơ quan của Đảng, Nhà nước; được đầu tư đủ mạnh về lực lượng và bảo đảm các điều kiện cơ bản thì Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mới hoàn thành được nhiệm vụ theo chủ trương, đường lối của Đảng; quy định của Hiến pháp và pháp luật.
Về nhiệm vụ của Cơ quan UBTƯ MTTQ Việt Nam, ông Lê Bá Trình cho rằng, cần làm rõ nội dung tham mưu, giúp việc cho Đảng đoàn, Ban Thường trực, Đoàn Chủ tịch và UBTƯ MTTQ Việt Nam. Trong đó cần tập trung vào một số nhiệm vụ như: xây dựng và triển khai chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; thực hiện vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử và cán bộ, công chức nhà nước, việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu.
Cùng với đó, phát động, tổ chức các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước; hướng dẫn, kiểm tra Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp thực hiện công tác huy động xã hội, tiếp nhận các khoản quyên góp, hỗ trợ, ủng hộ phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, sự cố nghiêm trọng…; Nghiên cứu, tham mưu, đề xuất nhiệm vụ và giúp việc theo yêu cầu công tác của Đảng đoàn, Ban thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
|
Bà Nguyễn Thị Doan, Phó Chủ tịch không chuyên trách UBTƯ MTTQ Việt Nam phát biểu tại Hội nghị |
Góp ý tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Doan, Phó Chủ tịch không chuyên trách UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, trong 6 tháng vừa qua, MTTQ các cấp đã làm được rất nhiều công việc quan trọng, đóng góp cho Đảng, Nhà nước thông qua các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động; lắng nghe ý kiến của nhân dân và tiếp thu ý kiến từ các chương trình giám sát, hoạt động phản biện xã hội để gửi tới Quốc hội. Từ đó, tiếng nói của Mặt trận đã tạo được sự chuyển biến lớn cho những nhà lập pháp đưa ra những quyết sách đúng đắn cho đất nước.
Bà Nguyễn Thị Doan đề xuất, thời gian tới, cần quan tâm đến chiều sâu của công tác Mặt trận, trong đó, nhấn mạnh tới sự tham gia của Mặt trận vào công tác của Đảng, Nhà nước với tính chất là giám sát, phản biện, xây dựng Đảng, chính quyền,... bởi hiện nay, hoạt động giám sát, phản biện xã hội mới chỉ tập trung vào các văn bản pháp luật, trong khi hoạt động này có thể mở rộng hơn nữa, đặc biệt là phản biện xã hội cần sâu hơn nữa.
Bên cạnh đó, MTTQ Việt Nam cần quan tâm hơn nữa đến những tâm tư nguyện vọng của nhân dân, nhất là diễn biến trong tâm tư của nhân dân hiện nay, trong đó tập trung vào 3 vấn đề là giáo dục, y tế và khoa học.
Về giáo dục, phân luồng giáo dục, phân luồng học sinh với tỷ lệ 60-40, với phương châm “đại học không phải là con đường duy nhất dẫn đến thành công”, tuy nhiên cần có biện pháp tuyên truyền sao cho tạo được sự thống nhất trong chương trình giảng dạy. Hiện nay nhân dân đang phản ánh rằng không có sự thống nhất giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Lao động Thương binh Xã hội về vấn đề đào tạo cho học sinh được “phân luồng”. Nhân dân rất hoan nghênh khi thực hiện “phân luồng” học sinh sau Trung học cơ sở, học sinh có thể học một lúc hai bằng, một bằng phổ thông trung học và một bằng nghề, như vậy mới có thể động viên học sinh theo học nghề. Vấn đề này liên quan đến hai luật là Luật đào tạo nghề và Luật giáo dục, đang được nhân dân rất quan tâm. Do đó, công tác tuyên truyền, vận động cần được quan tâm thực hiện tốt hơn trong thời gian tới.
|
Đại biểu trao đổi tại Hội nghị |
Bà Nguyễn Thị Doan cũng đề nghị, MTTQ Việt Nam cần quan tâm đến ngành Y tế. Hiện nay, Chính phủ đang tháo gỡ những khó khăn trong chế độ, chính sách đối với ngành Y tế, tuy nhiên vẫn còn một bộ phận không nhỏ các y, bác sĩ bày tỏ sự chán nản và muốn bỏ nghề, gây tổn thất rất lớn về nhân sự cho ngành Y. Để phát huy vai trò của Mặt trận trong lĩnh vực này, hoạt động phản biện xã hội phải được MTTQ Việt Nam tăng cường, thực hiện vững chắc, thể hiện tính thuyết phục để đảm bảo chính sách cho bác sĩ điều dưỡng,
Bên cạnh đó, Mặt trận cần lắng nghe tâm tư của nhân dân về vấn đề khám chữa bệnh do ách tắc trong thiết bị y tế trong đấu thầu. Việc này cần được giải quyết, tháo gỡ kịp thời để tránh gây xáo trộn về tư tưởng, tinh thần của nhân dân.
“Trong lĩnh vực khoa học, đối ngoại, nhân dân đang tâm tư hai ngành này luôn được tin tưởng từ trước đến nay nhưng sau các sự kiện như chuyến bay giải cứu, kit test Covid-19,... đã xuất hiện nhiều vấn đề gây bức xúc trong nhân dân. Nên chăng MTTQ Việt Nam cần có kiến nghị với Đảng, Nhà nước tổ chức sinh hoạt tư tưởng trong Đảng và trong Nhà nước, để lấy lại tinh thần, củng cố niềm tin lại cho nhân dân, để nhân dân hiểu được rằng trong đổi mới sẽ có những bước đi chưa đúng, những khuyết điểm cần tháo gỡ và khắc phục”, bà Nguyễn Thị Doan đề xuất.
Đề cập đến nội dung Kết luận số 34-KL/TW, ngày 7/8/2018 của Bộ Chính trị, bà Nguyễn Thị Doan cho rằng, chủ trương trong thực hiện Kết luận số 34-KL/TW là đúng đắn nhằm giảm đầu mối quản lý để tăng hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước. MTTQ Việt Nam cần tổ chức Hội thảo tổng kết trong khối Mặt trận và dân vận để thảo luận về lợi ích cũng như khó khăn trong thực hiện và đề ra phương hướng thực hiện trong thời gian tới. “Nếu còn vướng mắc mà có thể làm giảm uy tín của Mặt trận, của các đoàn thể thì cần có sự xem xét lại”, bà Doan nêu rõ.
Bà Nguyễn Thị Doan cũng đề xuất, MTTQ Việt Nam cần tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của các Hội đồng tư vấn, các ban chuyên môn, nâng cao năng lực nghiên cứu, học tập của cán bộ trong cơ quan, trong đó tránh chồng chéo cũng như tăng hiệu lực, hiệu quả; hỗ trợ, tạo điều kiện cho các thành viên trong Hội đồng tư vấn; tăng cường Hội thảo, Hội nghị, lấy ý kiến của đông đảo các tầng lớp nhân dân, các chuyên gia, nhà khoa học...
|
Ông Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam phát biểu tại Hội nghị |
Đóng góp ý kiến tại Hội nghị, ông Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng, thời gian qua, MTTQ Việt Nam các cấp đã triển khai hiệu quả các chương trình giám sát, phản biện xã hội, trong đó phải kể đến công tác xây dựng thể chế, tổ chức thực hiện pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp thu phản ánh nguyện vọng của nhân dân, cử tri đối với Đảng, Nhà nước. Điều này rất cần phải tiếp tục được đẩy mạnh để hoạt động này ngày càng thiết thực và hiệu quả hơn.
Ông Đỗ Ngọc Thịnh đề xuất, cần xác định rõ và đúng, nhận thức thống nhất về địa vị pháp lý của MTTQ Việt Nam trong hệ thống chính trị của Việt Nam hiện nay. Mô hình tổ chức phải xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ, phải đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước trong tình hình mới nhằm nâng cao nhận thức về vị trí vai trò của MTTQ Việt Nam.
Phải làm rõ, MTTQ Việt Nam không phải là một thiết chế Nhà nước nhưng là một thiết chế được quy định trong Hiến pháp và Luật MTTQ Việt Nam nên có vai trò và vị trí rất quan trọng, có thể nói là quan trọng bậc nhất sau Đảng, Nhà nước trong hệ thống chính trị. Vì vậy, công tác giám sát, phản biện của xã hội của MTTQ Việt Nam cũng cần được nhận thức như vậy, từ đó, kết quả giám sát, phản biện sẽ tác động rất nhiều đến đời sống xã hội.
Ông Đỗ Ngọc Thịnh cho biết, qua thực tiễn đã cho thấy, chủ thể nào trong xã hội cũng có thể giám sát, phản biện xã hội để giúp cho Nhà nước hoạt động đúng pháp luật và hiệu quả, bởi xuất phát từ bản chất Nhà nước và chế độ của nước ta là dân chủ, nhưng không phải chủ thể nào cũng có địa vị pháp lý như MTTQ Việt Nam. Nếu Mặt trận phát huy được tối đa vai trò thì kết quả tác động sẽ rất lớn.
Theo ông Đỗ Ngọc Thịnh, khi MTTQ Việt Nam giám sát về việc giải quyết kiến nghị, tố cáo của người dân, Mặt trận có văn bản kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân, nhưng cơ quan nhà nước không đối thoại cùng với MTTQ Việt Nam để cùng bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người dân, nên tính hiệu quả giám sát của MTTQ còn có hạn chế.
“Giám sát, phản biện xã hội phải đi đến cùng sự việc, cần phải chọn việc phù hợp với khả năng Mặt trận, qua đó đạt được hiệu quả thiết thực, nhất là giúp cho các cơ quan nhà nước hoạt động hiệu quả, giúp cho việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho nhân dân, nhưng cốt lõi nhất là làm như thế nào để nhân dân tin vào hoạt động của MTTQ Việt Nam, xa hơn nữa là nhân dân tin vào Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa tốt đẹp của Việt Nam”, ông Đỗ Ngọc Thịnh nêu ý kiến.
Cũng theo ông Đỗ Ngọc Thịnh, giám sát, phản biện xã hội là một vấn đề rất khó, nhạy cảm, do đó phải làm thế nào để không hiểu nhầm mà luôn thể hiện được tính xây dựng, tập hợp đoàn kết được đông đảo người dân trong xã hội; đồng thời cần có sự chuẩn bị tốt để vượt qua khó khăn, có cách làm sáng tạo, linh hoạt và đúng theo đường lối, chính sách của Đảng, quy định pháp luật thì công tác này mới có thể đạt được các mục tiêu đáp ứng được các yêu cầu phát triển đất nước.
|
Ông Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Kinh tế UBTW MTTQ Việt Nam phát biểu tại Hội nghị. |
Bày tỏ sự ủng hộ cao với Đề án “Quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, bộ máy cơ quan UBTƯ MTTQ Việt Nam”, ông Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, cần phải sắp xếp lại tổ chức bộ máy.
Có hai việc mà trong Đề án đã làm rõ được, trong đó rõ nhất là hiện nay, nhiều nội dung liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, tổ chức của MTTQ đã được thiết kế lại để các hoạt động được tăng lên. Theo nghĩa đó thì việc chúng ta phải thay đổi bộ máy hiện hành, chức năng hiện hành để đáp ứng tốt hơn nhiệm vụ là việc làm cần thiết.
Hơn nữa, trong thời đại hiện nay, nhiệm vụ thay đổi, điều kiện hoạt động thay đổi và những thay đổi đó bị tác động và chi phối mạnh mẽ khi thế giới và Việt Nam thay đổi. Do đó, những điều kiện mà chúng ta hoạt động cũng cần phải thay đổi để thích ứng.
Ông Trần Đình Thiên đề nghị, Đề án “Quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, bộ máy cơ quan UBTƯ MTTQ Việt Nam” cần rà soát lại cả hai vế. Một là cái cũ hiện nay hoạt động như thế thì cần phải thay đổi thế nào. Hai là tới đây chúng ta cần phải làm thế nào để đáp ứng được nhiệm vụ, chức năng mới, nếu chỉ đáp ứng một vế thôi thì chưa đủ. Ngoài ra, vấn đề tăng hay giảm biên chế cũng cần bàn thảo.
Theo ông Trần Đình Thiên, biên chế của các cơ quan MTTQ không quan trọng việc tăng hay giảm mà cần được thiết kế theo đúng chức năng, đúng năng lực, đúng nhiệm vụ; còn nếu chỉ đề xuất tăng lên hay giảm xuống thì sẽ thiếu cơ sở.
Bên cạnh đó, MTTQ Việt Nam cần tăng cường phát huy vai trò người Việt Nam ở nước ngoài. Bởi hiện nay trong thời kỳ hội nhập, người Việt Nam ở nước ngoài là một nguồn lực để phát triển, một lực lượng lớn mạnh của đất nước mình. Do đó, trong tương lai, Ban Đối ngoại và Kiều bào UBTƯ MTTQ Việt Nam cần phải nâng cao trách nhiệm hoạt động để đáp ứng yêu cầu. Ngoài ra, MTTQ cũng cần liên kết mạnh mẽ hơn với lực lượng trí thức là những nhà khoa học và lực lượng doanh nhân.
|
Ông Đỗ Duy Thường, nguyên Phó Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam phát biểu tại Hội nghị |
Đóng góp ý kiến vào dự thảo Đề án “Quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, bộ máy cơ quan Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam”, ông Đỗ Duy Thường tán thành với việc đổi mới, điều chỉnh, bổ sung nhiệm vụ của các Ban chuyên môn hiện có của MTTQ Việt Nam.
Ông Đỗ Duy Thường đề xuất nên thành lập một ban chuyên môn mới thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu, tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của các tầng lớp nhân dân, các dân tộc, tôn giáo; theo dõi, tập hợp dư luận xã hội, tâm tư, nguyện vọng, những băn khoăn lo lắng của giai tầng xã hội, các dân tộc, các tôn giáo và người Việt Nam ở nước ngoài. Đây là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam đã được quy định trong Luật MTTQ Việt Nam, mà trong hệ thống MTTQ từ Ban công tác Mặt trận đến Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các cấp, phải thường xuyên, hàng ngày, thậm chí hàng giờ lắng nghe, theo dõi, tập hợp để phản ánh cho Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương.
Ông Đỗ Duy Thường cũng đề nghị Ban Thường trực quan tâm đến cơ cấu tổ chức và hoạt động của Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trong mục “Đổi mới tổ chức, bộ máy, nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ yêu cầu phải nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ MTTQ, hướng mạnh về cơ sở, địa bàn dân cư”.
Vấn đề cần quan tâm của Đoàn Chủ tịch, Ban Thường trực là cần xây dựng và ban hành cơ chế về tổ chức và hoạt động của Ban công tác Mặt trận mà tại khoản 3, Điều 6 Luật MTTQ Việt Nam đã quy định.
Điều lệ MTTQ có quy định một số vấn đề, nhưng chưa đầy đủ, toàn diện về cơ chế tổ chức và hoạt động. Do đó, cần quy định nhiệm vụ này cho Ban Tổ chức cán bộ chủ trì tham mưu, nghiên cứu để Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư.
Một lĩnh vực công tác còn khoảng trống nữa, đó là hoạt động tự quản ở cộng đồng dân cư do MTTQ tổ chức và hướng dẫn thực hiện mấy chục năm qua từ khi tiến hành công cuộc đổi mới, cần quy định nhiệm vụ này cho Ban Phong trào nghiên cứu, tham mưu giúp Đoàn Chủ tịch, Ban Thường trực.
Nhắc đến vai trò của Hội đồng Tư vấn, ông Đỗ Duy Thường cho rằng, hiện nay, Hội đồng Tư vấn chưa có địa vị pháp lý và chưa có đầy đủ cơ chế về tổ chức và hoạt động, bởi vậy Đảng đoàn, Ban Thường trực cần nghiên cứu, xem xét đưa vào đề án trình Bộ Chính trị cho chủ trương để Nhà nước có cơ chế, chính sách, pháp luật.
Nêu tình hình về số lượng Hội đồng Tư vấn ở Trung ương với 144 người tại 7 Hội đồng và ở địa phương có 1.443 người ở tại 168 Hội đồng Tư vấn, ông Đỗ Duy Thường cho biết, số lượng thành viên Hội đồng có chuyên môn trên các lĩnh vực của đời sống xã hội còn nhiều hơn số lượng cán bộ chuyên môn, chuyên trách của Cơ quan Ủy ban MTTQ cùng cấp.
“Thực tế cho thấy, biên chế cán bộ cơ quan Ủy ban MTTQ mỗi cấp là có hạn, nhưng chúng ta có một số lượng cán bộ không chuyên trách là các chuyên gia, nhà khoa học, cộng tác viên nhiều hơn so với số cán bộ chuyên trách có chuyên môn của cơ quan Ủy ban MTTQ ở mỗi cấp thường xuyên tham gia công tác giám sát và phản biện xã hội, lắng nghe và phản ánh tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của nhân dân trên các lĩnh vực đời sống xã hội. Bởi vậy cần có cơ chế cụ thể để phát huy vai trò của mỗi Hội đồng Tư vấn”, ông Đỗ Duy Thường kiến nghị.
Hương Diệp - ảnh Quang Vinh