Tin mới

Tập trung hỗ trợ phục hồi sản xuất và đảm bảo an sinh cho đoàn viên, người lao động

(Mặt trận) - Ngày 15/7, tới dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam lần thứ chín (khóa XII), Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến đề nghị Ban Chấp hành, Đoàn Chủ tịch Tổng liên đoàn cần rà soát thận trọng, có sự điều chỉnh cần thiết trong bối cảnh đại dịch Covid-19, tiết kiệm tối đa kinh phí, nguồn lực ở những việc chưa cần thiết để hỗ trợ phục hồi sản xuất và đảm bảo an sinh cho đoàn viên và người lao động.

Nâng cao vai trò nòng cốt chính trị của MTTQ Việt Nam, phát huy dân chủ, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc

Ban Vận động cứu trợ Trung ương đã tiếp nhận tổng số tiền là 2.114,8 tỷ đồng

Tấm lòng kiều bào hướng về quê hương

Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu tại Hội nghị

Cùng tham dự Hội nghị có Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang, đại diện Ban xây dựng Đảng Trung ương. Cùng tham dự còn có Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Phùng Khánh Tài.

Thực hiện cho bằng được mục tiêu kép

Hội nghị có nhiệm vụ thảo luận, quyết định một số vấn đề quan trọng, gồm: dự thảo báo cáo sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam; Báo cáo kết quả hoạt động công đoàn 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2021; Chương trình hành động của Tổng Liên đoàn thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”; Tờ trình về miễn đóng đoàn phí công đoàn cho đoàn viên gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 và một số vấn đề quan trọng khác.

Ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2021, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã thực hiện tốt các nhiêm vụ đặt ra. Đặc biệt, trong kỳ bầu cử ĐBQH và HĐND các cấp, trong số các đại biểu trúng cử ĐBQH khóa XV, có 12 đại biểu là cán bộ công đoàn. Chương trình 75 nghìn sáng kiến vượt khó, phát triển được đông đảo công nhân, lao động hưởng ứng với 250 nghìn sáng kiến, đạt hơn 300% mục tiêu, điều này thực sự có ý nghĩa, là điểm sáng của công nhân và tổ chức Công đoàn trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh.

 Ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam phát biểu tại Hội nghị

Điều đặc biệt trong 6 tháng vừa qua là công đoàn các cấp phải căng mình cùng toàn hệ thống chống dịch, đã có nhiều tấm gương, hình ảnh cán bộ công đoàn không quản khó khăn, chấp nhận rủi ro có thể bị lây nhiễm dịch bệnh, lăn xả vào các hoạt động chăm lo cho công nhân, người lao động bị cách ly trong vùng dịch. Các cấp công đoàn đã tổ chức tốt các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động nhất là công nhân, lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn đã quyết định chi hỗ trợ khẩn cấp cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4 từ ngày 27/4/2021, đây là chủ trương kịp thời, hiệu quả, góp phần san sẻ những khó khăn của người lao động; thông qua chủ trương về việc lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn đến ngày 31/12/2021 đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19; chủ trì, phối hợp với Ủy ban TW MTTQ Việt Nam và Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Lễ phát động Chương trình nhắn tin “Toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch bệnh Covid -19” trên Cổng Thông tin điện tử nhân đạo Quốc gia 1400; phát động Chương trình “Vắc-xin cho công nhân” thông qua Quỹ Xã hội Từ thiện Tấm lòng vàng Lao động.

“Đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trong tổ chức các hoạt động chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, người lao động và trong công tác phòng, chống dịch bệnh như: Mô hình “Tổ An toàn Covid – 19” trong cơ quan, đơn vị của LĐLĐ tỉnh Hải Dương; thành lập các tổ chống dịch Covid – 19 tại khu nhà trọ công nhân và các xe ô tô chở công nhân  của LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa; “Tổ cứu trợ khẩn cấp”, “Siêu thị 0 đồng” của LĐLĐ tỉnh Bắc Giang; Đề xuất chính sách đặc thù cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 của LĐLĐ tỉnh Bắc Ninh….”, ông Nguyễn Đình Khang khẳng định.

 Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cùng các đại biểu tham dự Hội nghị

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Phi Thường, Chủ tịch Công đoàn Thủ đô cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2021 trước diễn biến phức tạp của nhiều địa phương, trong đó có Hà Nội. Đặc biệt, dịch bệnh đã lây lan nhanh vào các KCN và khu chế xuất, ảnh hưởng đến kinh doanh sản xuất của nhiều doanh nghiệp và đời sống, việc làm của hàng trăm nghìn lao động.

Riêng TP Hà Nội đã có trên 1.000 doanh nghiệp phải dừng hoạt động, 48.000 công nhân, người lao động thiếu việc làm, mất việc làm. Tuy nhiên, với tinh thần thần tốc “chống dịch như chống giặc”, “khó khăn gấp đôi thì cố gắng gấp ba”, Ban Thường trực LĐLĐ Hà Nội đã khẩn trương chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt công tác phòng, chống dịch bệnh với nhiều giải pháp mang tính đột phá, sáng tạo, đem lại kết quả tích cực, cụ thể. Để đảm bảo an toàn sản xuất, đến nay, toàn thành phố đã có 4.148 doanh nghiệp thành lập được “Tổ An toàn Covid -19” với 11.151 tổ và 49.440 người lao động tham gia. 100% Công đoàn cơ sở doanh nghiệp ở KDC, doanh nghiệp có đông công nhân đều đã thành lập được “Tổ An toàn Covid - 19”. Đây là mô hình sáng tạo của tổ chức công đoàn Thủ đô đã được thành phố và Tổng LĐLĐ Việt Nam đánh giá cao.

Phối hợp với Mặt trận các cấp nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, phản biện xã hội nhằm đảm bảo quyền lợi cho mỗi đoàn viên

 Quang cảnh Hội nghị

Ghi nhận, biểu dương và chúc mừng những kết quả xuất sắc của giai cấp công đoàn trong 6 tháng đầu năm 2021, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh tới vai trò của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Việt Nam khi phối hợp chặt chẽ với Đảng đoàn Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khi nghiên cứu, tham mưu cho tiểu ban nội dung, xây dựng, đưa vào văn kiện Đại hội XIII của Đảng; cụ thể hóa điều 10 – Hiến pháp năm 2013 với 2 nội dung mới, có giá trị thực tiễn cao; đồng thời, tổ chức công đoàn, công đoàn viên và người lao động đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp và các tổ phụ trách bầu cử thực hiện thắng lợi cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Cũng theo Chủ tịch Đỗ Văn Chiến, tổ chức công đoàn và giai cấp công nhân đã đóng góp to lớn công sức, tài chính vào công cuộc phòng, chống dịch Covid-19 thông qua việc đẩy mạnh tuyên truyền vận động đoàn viên chấp hành các biện pháp phòng dịch tại cơ sở; vận động mỗi người cùng chung tay ủng hộ nguồn lực tài chính để công nhân và nhân dân sớm được tiếp cận nguồn vaccine phòng Covid-19. Đặc biệt là có nhiều cách làm sáng tạo, thấm đẫm tình đồng chí, nghĩa đồng bào, mang đạm dấu ấn của công đoàn để mỗi đoàn viên cùng tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau vượt qua đại dịch với nhiều mô hình như “tổ an toàn Covid-19”, “tổ cứu trợ khẩn cấp”, “siêu thị 0 đồng”, tổ phòng chống dịch ở khu nhà trọ, …

“Mỗi công nhân đã đóng góp xứng đáng công sức của mình vào mục tiêu phát triển sản xuất, không để đứt gãy các chuỗi sản xuất, cung ứng vật tư, sản phẩm. Từ đó góp phần vào duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt 5,64%”, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh.

Đồng tình và đánh giá cao sự chủ động của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã sớm tổ chức Hội nghị Ban chấp hành và lựa chọn đúng, trúng các vấn đề, trong 6 tháng cuối năm 2021, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến đề nghị, các cấp công đoàn cần tập trung vào việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, mấu chốt nhất là có lộ trình cụ thể; đồng thời thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 02 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới.

“Các cấp công đoàn và giai cấp công nhân Việt Nam tiếp tục phát huy truyền thống 90 năm xây dựng và phát triển, phát huy tinh thần tương thân tương ái, đồng lòng chung sức cùng với toàn Đảng, toàn quân, toàn dân phòng chống, chiến đấu và chiến thắng dịch Covid-19”, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến đề nghị.

Nhân dịp này, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến gửi lời sẻ chia với thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận khi đang gồng mình chống lại sự lây lan của dịch Covid-19, chỉ tính từ đợt dịch thứ tư bùng phát, số ca nhiễm mới đã vượt ngưỡng trên 30.000 ca và số ca nhiễm tại thành phố Hồ Chí Minh đã ở mức trên 19.000 ca. Bởi vậy, cuộc chiến đấu với giặc dịch còn rất cam go, “5K+vaccine+công nghệ” là chủ trương xuyên suốt nhưng hiện nay toàn cầu đang đứng trước khó khăn là khan hiếm vaccine phòng Covid-19.

"Những ngày này, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và đoàn Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam, số tiền ủng hộ Quỹ vaccine phòng chống Covid-19 đã lên tới trên 8.200 tỷ đồng. Số tiền này cùng với nguồn ngân sách nhà nước là đủ tiền mua vaccine tiêm miễn phí cho nhân dân trong năm 2021 để hướng tới năm 2022 Việt Nam sẽ đạt mức miễn dịch cộng đồng", Chủ tịch Đỗ Văn Chiến thông tin.

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến mong muốn Ban Chấp hành, Đoàn Chủ tịch, Thường trực Đoàn Chủ tịch Công đoàn Việt Nam tiếp tục thực hiện và đề nghị cấp có thẩm quyền ban hành chính sách hỗ trợ thiết thực giúp đỡ công nhân, người lao động mất việc làm, giảm việc làm để đảm bảo cuộc sống, không để ai bị thiếu lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm thiết yếu.

Đánh giá cao ngay trong chương trình Hội nghị lần thứ 9 này, Ban Chấp hành đã có chương trình phổ biến nhanh Kết luận số 11 của Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị lần thứ ba về kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến đề nghị Ban Chấp hành, Đoàn Chủ tịch chỉ đạo xây dựng chương trình hành động và có kế hoạch cụ thể để thực hiện thắng lợi kết luận của Bộ Chính trị và các chỉ tiêu cụ thể mà kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV sẽ quyết định. Từ đó góp phần đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh dịch vụ, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.

Cũng theo Chủ tịch Đỗ Văn Chiến, trong chương trình công tác năm 2021 của UBTƯ MTTQ Việt Nam đã ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, trong đó sẽ đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, phản biện xã hội và nâng cao vai trò của nhân dân trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, bởi vậy đề nghị Ban Chấp hành, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam phối hợp hành động hiệu quả những nội dung mà MTTQ Việt Nam và tổ chức công đoàn cùng quan tâm.

Hoan nghênh Ban Chấp hành, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn đã sớm chủ động xây dựng văn kiện để kiểm điểm giữa nhiệm kỳ, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cho rằng, Ban Chấp hành, Đoàn Chủ tịch Tổng liên đoàn cần rà soát thận trọng, có sự điều chỉnh cần thiết trong bối cảnh đại dịch Covid-19, tiết kiệm tối đa kinh phí, nguồn lực ở những việc chưa cần thiết để hỗ trợ phục hồi sản xuất và đảm bảo an sinh cho đoàn viên và người lao động.

Nhấn mạnh trong bối cảnh quốc tế và trong nước có nhiều thuận lợi, khó khăn, thách thức đan xen, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến tin tưởng dưới sự lãnh đạo đúng đắn, kịp thời của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban bí thư, hoạt động hiệu lực, hiệu quả của Quốc hội, sự điều hành linh hoạt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, chung sức của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức thành viên khác.

"Chúng ta sẽ phát huy và tăng cường được khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy ý chí tự lực, tự cường, trí thông minh và tính sáng tạo của người Việt Nam, nhất định chúng ta sẽ vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, xây dựng đất nước phát triển phồn vinh, hạnh phúc", Chủ tịch Đỗ Văn Chiến tin tưởng.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản