Tin mới

Thực hiện nhất quán chiến lược về công tác dân tộc, cơ sở quan trọng xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc

(Mặt trận) - Vấn đề dân tộc, đoàn kết các dân tộc có vai trò quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của nước ta. Thực hiện nhất quán chiến lược về công tác dân tộc, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc giai đoạn hiện nay là những vấn đề lý luận, thực tiễn vừa cơ bản, vừa cấp bách, cần được nhận thức thấu đáo và tổ chức thực hiện đồng bộ, toàn diện. Đoàn kết các dân tộc là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trao giải cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc lần thứ 20

Đoàn công tác của UBTƯ MTTQ Việt Nam khảo sát thực tế tại Ninh Bình

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến tiếp Đại sứ Cuba tại Việt Nam

Nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến tặng quà cho hộ nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn 

Chủ trương của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc

Việt Nam là một quốc gia thống nhất, gồm 54 dân tộc anh em. Trong quá trình lịch sử, các dân tộc Việt Nam luôn gắn bó với nhau trong các cuộc đấu tranh sinh tồn, chống lại thách thức khắc nghiệt của thiên nhiên, giặc ngoại xâm, tương trợ, giúp nhau cùng đi lên trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Nhận thức được sức mạnh to lớn của đoàn kết các dân tộc ở nước ta, vấn đề dân tộc, chính sách dân tộc và đại đoàn kết dân tộc luôn được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm.

Trên cơ sở vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra và thực hiện chính sách dân tộc phù hợp với từng giai đoạn lịch sử, đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần vào thắng lợi chung của sự nghiệp cách mạng của cả nước.

Ngay từ khi ra đời, Đảng ta đã xác định “Vấn đề dân tộc và đoàn kết các dân tộc có vị thế chiến lược trong sự nghiệp cách mạng” và giải quyết vấn đề dân tộc phải tiếp cận trên cơ sở nguyên tắc “Bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển”. Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ nhất đã đề ra khẩu hiệu: “Các dân tộc thiểu số được quyền tự quyết, Đảng Cộng sản thừa nhận các dân tộc được quyền tự do hoàn toàn. Đảng chống chế độ thuộc địa, chống hết các hình thức trực tiếp và gián tiếp đem dân tộc này đàn áp và bóc lột dân tộc khác”1.

Đồng thời, Đại hội Đảng đã ban hành Nghị quyết về công tác dân tộc thiểu số, khẳng định: “Ta đã thấy vận mạng và sự giải phóng của các dân tộc Đông Dương có liên quan mật thiết thì ta phải đặc biệt chú ý sự vận động các dân tộc và các dân tộc thiểu số phải nghiên cứu những phương pháp cụ thể để thực hành nhiệm vụ ấy”2. Trong Nghị quyết Trung ương lần thứ VIII (ngày 19/5/1941), Đảng đã khẳng định: “Sau lúc đánh đuổi được Pháp - Nhật sẽ thành lập một nước Việt Nam dân chủ mới không phải thuộc quyền riêng của một giai cấp nào mà là của chung cả toàn thể dân tộc”3.

Tháng 8/1952, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết về chính sách dân tộc thiểu số của Đảng, Nghị quyết khẳng định: “Việc vận động các dân tộc thiểu số là một trong những công tác quan trọng vào bậc nhất của Đảng, Mặt trận và Chính phủ. Chính sách dân tộc thiểu số là một bộ phận quan trọng trong chính sách đại đoàn kết của Đảng”.

Từ những Văn kiện, Nghị quyết của Đảng trong giai đoạn đầu dưới sự lãnh đạo của Đảng đã minh chứng cho sự quan tâm của Đảng đối với chính sách dân tộc, vì chỉ khi thực hiện tốt chính sách dân tộc mới đoàn kết các dân tộc để “kháng chiến kiến quốc”. Đồng thời, trong thời kỳ này Đảng đã đề ra phương châm vận động dân tộc thiểu số là: “kiên nhẫn, thận trọng và chắc chắn” để giáo dục cán bộ, bộ đội thực hiện chính sách dân tộc, đoàn kết dân tộc để kháng chiến thành công.

Sau khi thống nhất đất nước, hoàn thành cách mạng dân chủ nhân dân, bước vào thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Đảng đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết quan trọng trong lĩnh vực công tác dân tộc. Trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng (tháng 12/1976) đã khẳng định: “Giải quyết đúng đắn vấn đề dân tộc là một trong những nhiệm vụ có tính chất chiến lược của cách mạng Việt Nam”.

Đảng đã đánh giá cao sự đóng góp sức người, sức của, sự hy sinh của đồng bào các dân tộc trong những năm chống Mỹ cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội, đã đề ra nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước là “đưa miền núi tiến kịp miền xuôi, vùng cao tiến kịp vùng thấp, làm cho tất cả các dân tộc đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, đều phát triển về mọi mặt, đoàn kết giúp nhau cùng tiến bộ, cùng làm chủ tập thể”.

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà và đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Mai Văn Tuất trao quà cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn của xã Xuân Chính, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình 

Trong thời kỳ đổi mới từ năm 1986 đến nay, Đảng đã ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề về công tác dân tộc như: Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 27/11/1989 “Về một số chủ trương, chính sách lớn phát triển kinh tế - xã hội miền núi”; Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 12/3/2003 “Về công tác dân tộc” đã khẳng định: “Vấn đề dân tộc và đoàn kết dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, đồng thời cũng là vấn đề cấp bách hiện nay của cách mạng Việt Nam".

Đại hội lần thứ IX của Đảng một lần nữa khẳng định: "Vấn đề dân tộc và đoàn kết dân tộc luôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp cách mạng”. Trên cơ sở kế thừa các quan điểm, đường lối của các Đại hội trước đó, Đại hội Đảng lần thứ XI, tiếp tục khẳng định: “Đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược trong sự nghiệp cách mạng của nước ta". Tiếp tục bổ sung, phát triển chủ trương đường lối của Đảng về công tác dân tộc và chính sách dân tộc, Đại hội Đảng lần thứ XII nêu rõ: “Đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược trong sự nghiệp cách mạng của nước ta. Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, bảo đảm các dân tộc bình đẳng, tôn trọng, đoàn kết, giải quyết hài hòa quan hệ giữa các dân tộc, giúp nhau cùng phát triển, tạo chuyển biến rõ rệt trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Tây duyên hải miền Trung”.

Đến Đại hội Đảng lần thứ XIII, Văn kiện Đại hội Đảng tiếp tục khẳng định: “Đảm bảo các dân tộc bình đẳng, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển. Huy động phân bổ, sử dụng, quản lý hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển, tạo sự chuyển biến căn bản về kinh tế, văn hoá, xã hội ở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Chú trọng tính đặc thù của từng vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong hoạch định và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc”.

Thực tiễn đã khẳng định, trong 37 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị về công tác dân tộc, chính sách dân tộc. Đặc biệt là Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14/1/2011 của Chính phủ về công tác dân tộc, đây là khung pháp lý quan trọng, bao gồm 12 nhóm chính sách trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh đã được hệ thống chính trị các cấp từ Trung ương đến cơ sở tích cực tổ chức quán triệt, triển khai, xây dựng chương trình, kế hoạch, phân công cấp ủy viên phụ trách, tổ chức thực hiện.

Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ban hành Kết luận số 01 ngày 20/8/2015 về đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công tác dân tộc. Ở các địa phương, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, sự quản lý chính quyền, sự tham gia phối hợp của Mặt trận và các tổ chức đoàn thể các cấp, sự nỗ lực, cố gắng của đồng bào các dân tộc thiểu số, tạo nên bước chuyển khá căn bản trong phát triển kinh tế - xã hội, làm thay đổi từng bước diện mạo nông thôn miền núi, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc trong hội nhập khu vực và quốc tế.

Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến thăm hỏi đồng bào các dân tộc tại Lễ khai mạc Tuần "Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam năm 2023" 

Thực hiện chính sách dân tộc góp phần củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc

Nhận thức sâu sắc ý nghĩa chiến lược của vấn đề dân tộc và đoàn kết dân tộc, cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta luôn quan tâm xây dựng và đổi mới việc thực hiện tốt chính sách dân tộc, giải quyết thành công vấn đề dân tộc, góp phần tạo sự đồng thuận xã hội và củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Nhờ vậy, cách mạng nước ta đã đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Thông qua quá trình lãnh đạo cách mạng, nhận thức và tư duy của Đảng ta về vấn đề dân tộc, đoàn kết dân tộc, vấn đề chiến lược của cách mạng ngày càng thực chất hơn, sâu sắc hơn. Chính vì vậy, trong mỗi kỳ Đại hội, nhất là từ nhiệm kỳ VI đến nay, Đảng ta luôn quan tâm tới việc đề ra và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc, đại đoàn kết dân tộc.

Từ Đại hội VI (1986), Đảng ta đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước, mở ra bước ngoặt trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, trong khi xác định chính sách dân tộc là bộ phận của chính sách xã hội, Đảng ta đã khẳng định chính sách dân tộc hướng vào giải quyết vấn đề kinh tế - xã hội, nhằm phát triển mối quan hệ tốt đẹp gắn bó giữa các dân tộc trên tinh thần đoàn kết, bình đẳng, giúp đỡ nhau cùng làm chủ tập thể: “Trong việc phát triển kinh tế - xã hội ở những nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số, cần thể hiện đầy đủ chính sách dân tộc, phát triển mối quan hệ tốt đẹp gắn bó giữa các dân tộc trên tinh thần đoàn kết, bình đẳng, giúp đỡ nhau cùng làm chủ tập thể… Sự phát triển mọi mặt của từng dân tộc đi liền với sự củng cố, phát triển của cộng đồng các dân tộc trên đất nước ta”.

Đến Đại hội VII (1991), Đảng ta tiếp tục khẳng định chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước ta trong việc giải quyết vấn đề dân tộc: “Đoàn kết, bình đẳng, giúp đỡ nhau giữa các dân tộc, cùng xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, đồng thời giữ gìn, phát huy bản sắc tốt đẹp của mỗi dân tộc là chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước ta”. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội thông qua trong Đại hội VII cũng khẳng định: “Thực hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giữa các dân tộc, tạo mọi điều kiện để các dân tộc phát triển đi lên con đường văn minh, tiến bộ, gắn bó mật thiết với sự phát triển chung của cộng đồng các dân tộc Việt Nam”.

Đến Đại hội VIII (1996), đồng thời với việc khẳng định vị trí chiến lược của vấn đề dân tộc: “Vấn đề dân tộc có vị trí chiến lược lớn. Thực hiện “bình đẳng, đoàn kết, tương trợ” giữa các dân tộc trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Xây dựng luật dân tộc”.

Đến Đại hội IX (2001), nhận thức mới của Đảng về vấn đề dân tộc được thể hiện khi gắn vấn đề dân tộc với đại đoàn kết dân tộc và xem đây là vấn đề có vị trí chiến lược của cách mạng nước ta: “Vấn đề dân tộc và đoàn kết dân tộc luôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp cách mạng. Thực hiện tốt chính sách dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, giúp nhau cùng phát triển”.

Báo cáo chính trị tại Đại hội X (2006), trong khi tiếp tục khẳng định vấn đề dân tộc, đoàn kết dân tộc là vấn đề chiến lược, cơ bản, lâu dài của sự nghiệp cách mạng nước ta, Đảng ta còn đưa ra nguyên tắc giải quyết vấn đề dân tộc: “Đảng ta luôn coi vấn đề dân tộc và đoàn kết các dân tộc là vấn đề chiến lược, cơ bản, lâu dài của sự nghiệp cách mạng nước ta. Các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ; cùng nhau thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa… Đấu tranh ngăn chặn các hành vi lợi dụng các vấn đề dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo để hoạt động trái pháp luật, kích động, chia rẽ nhân dân, chia rẽ các dân tộc, tôn giáo làm phương hại đến lợi ích chung của đất nước”.

Trên thực tế, mặc dù vấn đề dân tộc còn tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp, bởi kẻ địch thường xuyên lợi dụng để kích động, chia rẽ khối đoàn kết toàn dân, song về cơ bản việc thực hiện chính sách dân tộc đã thu được những kết quả quyết định: những vấn đề kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được giải quyết khá thành công; những điểm nóng về vấn đề dân tộc đã được chính đồng bào các dân tộc tự giải quyết một cách thỏa đáng; nội dung bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ trong chính sách dân tộc ngày càng được thực hiện một cách sinh động và có kết quả.

Tuy nhiên, đến nay, trình độ kinh tế, văn hóa, xã hội giữa đồng bào dân tộc thiểu số và đa số còn chênh lệch, thậm chí có nơi còn chênh lệch khá lớn, song nội dung, yêu cầu bình đẳng, tôn trọng giữa các dân tộc là thực tế khách quan. Hiện nay, vẫn còn chính sách ưu tiên đối với đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, hải đảo hoặc những nơi khó khăn, song chủ trương “Các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ” ngày càng được thực hiện hiệu quả, góp phần tạo nên sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Trong bối cảnh đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và toàn cầu hóa, việc giải quyết vấn đề dân tộc có thể sẽ thuận lợi hơn, song vẫn còn nhiều khó khăn, phức tạp, do đó, đòi hỏi chúng ta phải thường xuyên đối mới và thực hiện tốt chính sách dân tộc nhằm giải quyết tốt vấn đề dân tộc, góp phần củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đây thực sự là sự nghiệp của toàn dân, mà trực tiếp là của cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. Điều đó cũng đòi hỏi việc mở rộng và phát huy dân chủ trong xây dựng, hoàn thiện và thực hiện đầy đủ các hình thức dân chủ (dân chủ đại diện, dân chủ trực tiếp và chế độ tự quản của cộng đồng dân cư), đồng thời phải giữ vững kỷ cương xã hội và đạo lý dân tộc.

Chỉ có trên cơ sở thực hiện tốt, có hiệu quả đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về vấn đề dân tộc, đoàn kết dân tộc thì khối đại đoàn kết toàn dân tộc mới được củng cố và tăng cường tạo thành động lực to lớn cho công cuộc đổi mới và phát triển đất nước.

 Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chủ trì Hội nghị Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam lần thứ 9, khóa IX tháng 1/2024

Phát huy vai trò của đồng bào các dân tộc thiểu số trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Đảng ta khẳng định vai trò của đồng bào các dân tộc thiểu số ngày càng quan trọng, bởi vì: “Đồng bào các dân tộc thiểu số là nguồn lực quan trọng của đất nước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…”. Bảo đảm quyền của các dân tộc thiểu số, Nhà nước tiếp tục dành những nguồn lực đầu tư phát triển thông qua các chương trình, dự án đã triển khai như: Chương trình giảm nghèo, Chương trình nông thôn mới, Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 và nhiều chương trình, chính sách khác... Theo báo cáo của Bộ Tài chính, số liệu giải ngân vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi đến hết ngày 30/6/2023, nguồn vốn ngân sách Trung ương của các địa phương đạt khoảng 7.142.753 triệu đồng (đạt 17%); trong đó đầu tư phát triển là 5.638.831 triệu đồng (đạt 22%), vốn sự nghiệp là 1.503.922 triệu đồng (đạt 9%).

Có thể nói, các dự án, tiểu dự án, nội dung chính sách thuộc Chương trình đã xây dựng theo đúng quan điểm, mục tiêu, phạm vi, nội dung, nhiệm vụ, giải pháp, cơ chế quản lý, điều hành quy định tại Nghị quyết số 88/2019/QH14 và Nghị quyết số 120/2020/QH14 của Quốc hội, tập trung vào các giải pháp cụ thể đảm bảo việc ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư giải quyết các vấn đề cấp thiết của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi như thiếu nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; sắp xếp, bố trí ổn định dân cư ở địa bàn đặc biệt khó khăn, nhất là vùng nguy cơ cao về thiên tai; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, đảm bảo cho người dân có thu nhập ổn định từ bảo vệ và phát triển rừng, đảm bảo sinh kế bền vững; đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu; chăm sóc sức khỏe nhân dân, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em; bảo đảm quốc phòng an ninh, chủ quyền biên giới quốc gia; quan tâm công tác truyền thông, tuyên truyền và biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc.

Đến nay, diện mạo nông thôn cả nước nói chung và vùng dân tộc thiểu số nói riêng được đổi thay rõ rệt, thu nhập và điều kiện sống của người dân được cải thiện và nâng cao, riêng giai đoạn 2015 - 2019, đã có 8/64 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a thoát nghèo; 14/30 huyện nghèo hưởng cơ chế theo Nghị quyết 30a thoát khỏi tình trạng khó khăn; 124/2.139 xã, 1.322/20.176 thôn đặc biệt khó khăn ra khỏi diện đầu tư của Chương trình 135. Đến hết năm 2020, cả nước có 5.506 xã (62%) đạt chuẩn nông thôn mới; bình quân cả nước đạt 14,57 tiêu chí/xã; số xã dưới 5 tiêu chí còn 10 xã, giảm 103 xã so với năm 2017, tập trung vào các tỉnh: Hà Giang, Bắc Kạn, Điện Biên, Kon Tum.

Tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi, đã có 1.052/5.266 xã (chiếm 22,29% số xã của vùng) đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 106/2.139 xã đặc biệt khó khăn đạt chuẩn nông thôn mới. Có 61 đơn vị cấp huyện thuộc 31 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được công nhận đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, trong đó có 27 đơn vị cấp huyện thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Phát huy truyền thống đoàn kết, yêu nước của đồng bào các dân tộc thiểu số, nhằm thực hiện tốt chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước cần phát huy tiềm năng và thế mạnh của vùng miền núi và các dân tộc thiểu số, đó là:

1) Đồng bào các dân tộc thiểu số là nguồn lực quan trọng cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội vùng núi, vùng dân tộc thiểu số. Đồng bào các dân tộc thiểu số ở các vùng núi, vùng biên giới, vùng dân tộc thiểu số thực sự có vai trò to lớn trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Họ vừa là đối tượng, vừa là người tuyên truyền và phổ biến tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nhằm dần xóa đi ranh giới cách biệt giữa vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới với đồng bằng. Đồng thời, họ góp phần thực hiện tốt chính sách bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giữa các dân tộc tạo điều kiện để các dân tộc phát triển đi lên con đường văn minh tiến bộ, gắn bó với sự phát triển chung của cộng đồng dân tộc Việt Nam.

2) Trong công cuộc đổi mới, đồng bào các dân tộc thiểu số vừa là đối tượng, vừa là chủ thể của cách mạng khoa học - công nghệ ở vùng núi, vùng dân tộc thiểu số. Những người con ưu tú của đồng bào các dân tộc thiểu số đó là đội ngũ trí thức người dân tộc thiểu số có trách nhiệm chủ yếu trong việc nghiên cứu khoa học - kỹ thuật, nghiên cứu khoa học về phân công lao động xã hội. Những thành tựu mới của nghiên cứu khoa học của cộng đồng các dân tộc thiểu số được kết tinh ở những sản phẩm như: Các kế hoạch, dự án, phương án… và ở mức độ khác là những phát minh, sáng chế, giải pháp hữu ích nhằm phát triển kinh tế - xã hội vùng núi, vùng dân tộc thiểu số. Do vậy, thành tựu nghiên cứu khoa học của những người con ưu tú của đồng bào các dân tộc thiểu số là những trí thức người dân tộc thiểu số giúp Đảng, Nhà nước hoạch định những chủ trương, chính sách sát hợp với thực tiễn ngay trên mảnh đất quê hương.

3) Trong các bước đi lên của vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, vai trò của tầng lớp trí thức của đồng bào các dân tộc thiểu số góp phần quan trọng thực hiện trí tuệ hóa lao động nhằm nâng cao năng suất lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nâng cao dân trí cho đồng bào các dân tộc thiểu số là nhằm mục đích trí tuệ hóa lao động, làm cho sản phẩm lao động tăng lên dồi dào. Ngày nay, chúng ta hội nhập kinh tế quốc tế, nền kinh tế tri thức lại càng đòi hỏi trí tuệ hóa lao động. Hàm lượng chất xám kết tinh trong mỗi sản phẩm vật chất tăng lên không ngừng. Qua đó, sản phẩm của xã hội đa dạng hơn và chất lượng cao hơn, đồng thời chất lượng cuộc sống các dân tộc được nâng lên và sẽ rút dần được khoảng cách giữa vùng núi và vùng đồng bằng. Chính điều đó đảm bảo cho sự thực hiện quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ, đưa miền núi tiến kịp miền xuôi.

4) Đồng bào các dân tộc thiểu số có vai trò quan trọng trong việc xây dựng nền văn hóa của các dân tộc thiểu số nói riêng và nền văn hóa Việt Nam nói chung. Đồng bào các dân tộc thiểu số góp phần duy trì và phát triển nền văn hóa dân tộc thiểu số. Qua các tác phẩm nghệ thuật của mình, các văn nghệ sĩ của đồng bào các dân tộc thiểu số luôn cố gắng thể hiện khát vọng của Nhân dân các dân tộc thiểu số về chân, thiện, mỹ và hướng cho nền văn hóa của họ phát triển cùng nhịp với văn hóa của cả nước, của thời đại.

5) Đồng bào các dân tộc thiểu số góp phần to lớn vào lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam và là lực lượng to lớn, hiệu quả canh gác bảo vệ, giữ gìn biên cương của Tổ quốc. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, đồng bào các dân tộc thiểu số là lực lượng đông đảo, đoàn kết với tinh thần quật cường của họ được ví như núi cao, thác đổ. Họ bền bỉ bám đất, bám làng, bảo vệ núi rừng, sát cánh cùng các anh hùng dân tộc, cùng bộ đội Cụ Hồ chiến đấu chống kẻ thù xâm lược. Những người con ưu tú của đồng bào các dân tộc thiểu số sống mãi với lịch sử đấu tranh cách mạng vẻ vang. Ngày nay, chúng ta có hàng nghìn km đường biên giới với các quốc gia (Trung Quốc, Lào, Campuchia…), trong đó miền núi phía Bắc gồm 8 tỉnh, thì có 6 tỉnh giáp Trung Quốc và có nhiều vùng cao, với chiều dài đường biên trên 1.450 km; có 32 huyện, thị xã, với 156 xã giáp biên. Vì vậy, đồng bào các dân tộc thiểu số chính là người lính gác bảo vệ biên cương của Tổ quốc, đồng thời là hiện thân của mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết các dân tộc Việt Nam và các quốc gia láng giềng. Sự ổn định về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng biên được quyết định bởi chính trách nhiệm của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Xây dựng, phát huy được vai trò của đồng bào các dân tộc thiểu số trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh là nhân tố mang lại sự ổn định, phát triển bền vững của những vùng đất phên dậu của Tổ quốc.

Công tác dân tộc trong giai đoạn hiện nay

Vùng đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay đang đặt ra những khó khăn, thách thức đối với công tác dân tộc như: Trình độ sản xuất ở vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa vẫn còn lạc hậu; ở nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất và nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, nước sinh hoạt. Việc di dịch cư, tranh chấp đất đai, xâm lấn đất rừng, chặt phá rừng trái phép vẫn diễn ra; thiên tai, dịch bệnh xảy ra thường xuyên và bất thường làm cho đời sống đồng bào dân tộc thiểu số vốn đã khó khăn, càng khó khăn hơn... Để giải quyết những khó khăn, thách thức ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hiện nay, cần tập trung vào một số nội dung sau:

Thứ nhất, cần nghiên cứu đổi mới tư duy lý luận, tổng kết thực tiễn công tác dân tộc của Đảng, thực hiện tốt quan điểm của Đảng về bình đẳng, đoàn kết và giúp đỡ nhau cùng phát triển giữa các dân tộc, tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa đồng bào các dân tộc thiểu số đối với Đảng và Nhà nước.

Nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội; các tầng lớp nhân dân về đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc để củng cố nhận thức, nâng cao tinh thần trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị và Nhân dân. Trong đó, đặc biệt chú trọng Nhân dân ở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Tăng cường dân chủ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chú trọng thực hiện nghiêm Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Nghiên cứu chính sách đầu tư trọng tâm vào kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo đặc điểm vùng, chính sách hỗ trợ phải đạt mục tiêu khuyến khích và phát huy được nội lực của vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Thứ hai, tăng cường và đổi mới công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 (khoá XI) về công tác dân vận.

Tăng cường củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị, tổ chức cơ sở đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bố trí, sắp xếp cán bộ theo hướng hài hòa giữa các dân tộc. Từng cấp ủy, tổ chức đảng phải chủ động đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch cán bộ tại địa phương để phát triển nhanh đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số có đủ phẩm chất, năng lực đảm đương được nhiệm vụ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nâng cao vai trò lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng, mỗi đảng viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số phải là người đi đầu trong thực hiện nhiệm vụ ở cơ quan, địa phương, đơn vị mình, thực sự là chỗ dựa về lòng tin, là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

Thứ ba, các ngành, địa phương tập trung giải quyết những bức xúc, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân, nhất là những vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống, đất đai, nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp, đào tạo nghề và tạo việc làm ổn định, phòng chống các tệ nạn xã hội. Trong xây dựng thể chế, chính sách, cần quán triệt và thực hiện nguyên tắc: mọi chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phải thuận lòng dân, xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của Nhân dân. Chú ý cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, nhất là điều kiện sống, lao động, học tập, sáng tạo, sinh hoạt văn hóa, nghỉ ngơi, chăm sóc sức khỏe.

Thứ tư, quan tâm điều chỉnh hài hòa lợi ích giữa các giai tầng xã hội, các vùng miền, các lĩnh vực; gắn nghĩa vụ với quyền lợi, cống hiến với hưởng thụ, lợi ích cá nhân với lợi ích tập thể và cộng đồng xã hội. Xử lý nghiêm những vụ việc tiêu cực, tham nhũng; giải quyết dứt điểm những vụ việc khiếu kiện đông người, phức tạp, kéo dài có liên quan đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Thứ năm, nghiên cứu và tiến hành tốt công tác đối ngoại nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chú ý đến những vấn đề thực tiễn nảy sinh trong đời sống đồng bào dân tộc thiểu số ở nước ta (đặc biệt là khu vực biên giới) có mối quan hệ đồng tộc, thân tộc, giao thương với Nhân dân các nước láng giềng.

Thứ sáu, cần có những đề án cụ thể về cải tạo phong tục, tập quán lạc hậu nhằm đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay; đổi mới công tác giáo dục và đào tạo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, công tác giáo dục phải tạo động lực và khuyến khích Nhân dân tham gia, trong đó có việc chống và xóa mù chữ, công tác đào tạo nghề phải phù hợp với văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số và có việc làm ổn định sau đào tạo.

Một số giải pháp tiếp tục đổi mới chính sách dân tộc và công tác dân tộc

Một là, hệ thống chính trị các cấp từ Trung ương đến cơ sở cần đẩy mạnh tuyên truyền, động viên đồng bào các dân tộc phát huy nội lực, ý chí tự lực tự cường, nỗ lực vươn lên thoát nghèo, chăm lo xây dựng và giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp và bản sắc dân tộc. Thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, công khai các chính sách, chương trình, dự án, vốn đầu tư trong các lĩnh vực đồng bào được hưởng thụ để đồng bào tham gia quản lý, giám sát việc thực hiện chính sách dân tộc, nhằm hưởng thụ được đầy đủ chính sách dân tộc ưu việt của Đảng, Nhà nước và đây là giải pháp hữu hiệu nhất nhằm ngăn chặn từ sớm, từ xa các âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng vào những yếu kém, khuyết điểm ở một số địa phương trong việc triển khai thực hiện chính sách dân tộc để lợi dụng chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc.

Hai là, triển khai thực hiện nhất quán trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh các vùng trên cơ sở thực hiện các Chương trình hành động, các Quyết định phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số của Chính phủ theo đúng quy hoạch tổng thể đã được phê duyệt. Kiên quyết xử lý những sai phạm trong việc thực hiện hay tùy tiện thay đổi quy hoạch làm phá vỡ quy hoạch tổng thể dẫn đến thất thoát, lãng phí.

Ba là, tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 88 của Quốc hội khóa XIV và Nghị quyết 120 của Chính phủ về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 trên cơ sở ưu tiên các dự án về đầu tư kết cấu hạ tầng, quy hoạch định canh, định cư nhằm sắp xếp, bố trí dân cư hợp lý gắn với đảm bảo sinh kế và nhiệm vụ bảo đảm an ninh - quốc phòng ở vùng biên giới, vùng trọng điểm về an ninh, quốc phòng. Đảm bảo mọi nguồn lực để thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số trên cơ sở lồng ghép với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững; Chương trình thực hiện mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ đối với đồng bào dân tộc thiểu số… từng bước rút ngắn khoảng cách chênh lệch giữa các vùng, miền nhằm đảm bảo sự bình đẳng, đoàn kết giữa các dân tộc.

Bốn là, ưu tiên thực hiện các chính sách đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc trong hệ thống chính trị các cấp. Chú trọng đổi mới công tác tổ chức cán bộ và chọn công tác xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc là khâu đột phá, là “mắt xích” quan trọng nhằm đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới trên cơ sở tuyển chọn, tăng cường cán bộ giỏi, có phẩm chất đạo đức tốt làm công tác dân tộc ở các cấp từ Trung ương đến cơ sở. Đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc trong hệ thống chính trị phải nỗ lực, cố gắng nâng cao trình độ chuyên môn, thực sự tâm huyết, gắn bó với nghề, có trách nhiệm với đồng bào các dân tộc.

Năm là, đa dạng hóa, phát triển nhanh các loại hình đào tạo, bồi dưỡng, dạy nghề ở vùng dân tộc và miền núi; đưa chương trình dạy nghề thực chất, hiệu quả vào các trường dân tộc nội trú, thực hiện tốt nhiệm vụ phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp tại trường phổ thông dân tộc nội trú, các trường đại học, cao đẳng và dạy nghề để tránh lãng phí trong đào tạo. Có chính sách và chế tài trong đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng học viên là người dân tộc thiểu số sau khi tốt nghiệp các trường, nhất là các trường nghề, hệ trung cấp, cao đẳng, thực hiện hướng nghiệp cho học sinh dân tộc thiểu số trong thời kỳ hội nhập khu vực và quốc tế.

Sáu là, khắc phục tư tưởng bao cấp, trông chờ, ỷ lại, động viên phát huy tinh thần tự chủ, tự lực, tự cường, vươn lên trong xóa đói, giảm nghèo. Thực hiện và đổi mới các chương trình, các chính sách về xóa đói giảm nghèo theo hướng bền vững, hạn chế tình trạng đói nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Bảy là, tiếp tục nghiên cứu, triển khai các giải pháp, chính sách đồng bộ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số. Thực hiện đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Có chính sách, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nhanh và bền vững.

Thực hiện chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc trên cơ sở nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, thắt chặt tình đoàn kết gắn bó giữa các dân tộc với Đảng, Nhà nước thời kỳ chủ động hội nhập khu vực và quốc tế trong giai đoạn mới, hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở cần tiếp tục triển khai thực hiện tốt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác dân tộc.v

Chú thích:

1.   Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ nhất, Chính sách và pháp luật của Đảng, Nhà nước về dân tộc, Nxb. Văn hóa dân tộc, 2000, tr. 13.

2. Nghị quyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ngày 6,7,8/11/1939.

3.  Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ VIII của Đảng (ngày 19/5/1941).

Nguyễn Thị Thu Hà -  Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng,

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản