|
Hội nghị trực tuyến sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTƯMTTQVN ngày 15/6/2017 quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ngày 06/7/2023. Ảnh: Quang Vinh |
Khi xem xét đến hiệu lực, hiệu quả của giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tức là xem xét việc thực hiện của đối tượng chịu sự giám sát, phản biện đối với yêu cầu, kết luận của chủ thể giám sát, phản biện xã hội; hiệu lực này được thể hiện thông qua các hành động cụ thể của đối tượng chịu sự giám sát, phản biện xã hội như: xây dựng chương trình hành động; lập kế hoạch; tổ chức thực hiện; đôn đốc, kiểm tra, bảo đảm tiến độ theo kế hoạch; báo cáo đầy đủ, kịp thời theo quy định và khắc phục hậu quả sau giám sát...
Việc tiếp thu, phản hồi của đối tượng giám sát, phản biện xã hội chính là căn cứ để đánh giá hiệu quả giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chính là kết quả thực tế đạt được, bao gồm: mức độ đạt được yêu cầu của công việc giám sát, phản biện và mức độ tiến bộ sau một thời gian thực thi kiến nghị, kết luận của hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Bên cạnh đó, nếu hiểu hiệu quả là kết quả như yêu cầu của một việc làm mang lại, thì hiệu quả của một đợt giám sát, phản biện xã hội, của vấn đề được giám sát, của một hoạt động giám sát, phản biện có thể được nhìn dưới hai góc độ, theo đó:
1) Là sự chuyển biến theo hướng tiến bộ, tích cực của đối tượng chịu sự giám sát, phản biện xã hội sau một thời gian thực hiện theo yêu cầu của chủ thể giám sát, phản biện xã hội;
2) Mang lại lợi ích cho Nhân dân, đáp ứng với yêu cầu, nguyện vọng của Nhân dân.
Trong hoạt động giám sát, phản biện xã hội, yếu tố đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhân dân được quan tâm nhiều hơn các yếu tố khác.
Có thể thấy, tiếp thu, giải trình có mối quan hệ tương hỗ nhau, thường đi đôi với nhau; có tiếp thu, có giải trình sẽ thể hiện trách nhiệm của... đối tượng được giám sát, phản biện xã hội.
Trên thực tế, đánh giá việc tiếp thu, phản hồi thường thông qua một số kênh: tiếp thu báo cáo giám sát và có kế hoạch khắc phục...; tiếp thu văn bản phản biện và sửa đổi vào dự thảo Dự án Luật; phản hồi bằng văn bản ý kiến giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Thực trạng việc phản hồi, tiếp thu giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Từ năm 2015 đến nay, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì phối hợp với các tổ chức thành viên của Mặt trận xây dựng, ký kết các Chương trình phối hợp về giám sát và tổ chức triển khai thực hiện. Các lĩnh vực, nội dung giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong thời gian qua xuất phát và tập trung vào việc giải quyết những bức xúc, đòi hỏi của đông đảo Nhân dân, trên cơ sở xây dựng kế hoạch thực hiện một cách khoa học, sát với yêu cầu và điều kiện thực tế, bảo đảm tính khả thi.
Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì phối hợp với các tổ chức thành viên của Mặt trận tiếp tục triển khai các Chương trình phối hợp về giám sát đã ký kết.
Sau giám sát, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có báo cáo kết quả giám sát và kiến nghị sau giám sát. Các cơ quan, tố chức có thẩm quyền có xem xét, giải quyết và trả lời những nội dung kiến nghị sau giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Theo tổng hợp số liệu, trong 8 năm (2013 - 2021) Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã chủ trì tổ chức 190.080.395 cuộc giám sát, trong đó, cấp Trung ương: 92 cuộc; cấp tỉnh 4.036 cuộc; cấp huyện 23.831 cuộc; cấp xã 190.052.436 cuộc; Hội Nông dân Việt Nam tổ chức được 14.127 cuộc trong đó (cấp Trung ương 93 cuộc; cấp tỉnh: 518 cuộc, cấp huyện 2.691 cuộc; cấp xã: 10.825 cuộc); Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức được: 66.562 cuộc (cấp Trung ương: 29 cuộc; cấp tỉnh 1.553 cuộc; cấp huyện 8.484 cuộc; cấp xã 56.496 cuộc; Hội Cựu chiến binh Việt Nam tổ chức 24.084 cuộc trong đó (cấp Trung ương: 13 cuộc; cấp tỉnh: 1.438 cuộc; cấp huyện: 5.176 cuộc; cấp xã: 17.457 cuộc).
Tuy nhiên, có thể nói, việc tiếp thu, phản hồi các kiến nghị sau giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội thời gian qua còn rất hạn chế, tỷ lệ rất thấp. Trong 8 năm tổ chức thực hiện, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã nhận được 54.622/135.988 văn bản phản hồi của các cơ quan, tổ chức được giám sát đạt 40,16 %, trong đó cấp Trung ương 38/46 văn bản được phản hồi, đạt 82,6 %; cấp tỉnh 1.425/2.697 văn bản, đạt 52,83%; cấp huyện 8.028/18.212 văn bản đạt 44,08 %, cấp xã 45.140/115.064 văn bản đạt 39,23 %.
Thực trạng việc phản hồi, tiếp thu phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong thời gian qua
Ở Trung ương Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức góp ý, phản biện xã hội đối với hàng trăm dự thảo các văn bản quan trọng của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền khác.
Một số nội dung phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được các cơ quan phản hồi, tiếp thu đưa vào sửa đổi, bổ sung một số dự án Luật như: Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi)...
Ở địa phương, trong 8 năm (2013 - 2021) Mặt trận Tổ quốc các cấp đã chủ trì tổ chức được 46.368 cuộc, cấp tỉnh chủ trì 1.137 cuộc, cấp huyện 6.876 cuộc; cấp xã 38.343 cuộc; Hội Nông dân Việt Nam tổ chức được 7.548 cuộc trong đó Trung ương Hội chưa tổ chức hội nghị phản biện; cấp tỉnh 395 cuộc, cấp huyện 1.657 cuộc; cấp xã 5.496 cuộc; Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức được 21.673 cuộc, trong đó Trung ương Hội chủ trì 3 cuộc; cấp tỉnh chủ trì 474 cuộc, cấp huyện 3.010 cuộc; cấp xã 20.386 cuộc; Hội Cựu chiến binh Việt Nam tổ chức được 8.614 cuộc trong đó Trung ương Hội chủ trì 18 cuộc; cấp tỉnh chủ trì 411 cuộc, cấp huyện 2.167 cuộc; cấp xã 6.018 cuộc.
Tuy nhiên, việc tiếp thu, phản hồi các kiến nghị sau phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội của các cơ quan, tổ chức có văn bản được phản biện xã hội thời gian qua còn rất thấp. Theo thống kê số liệu từ các địa phương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã nhận được 18.778/45.473 văn bản, đạt tỷ lệ 41,29 % trong đó cấp Trung ương 2/12 văn bản được phản hồi đạt 16,66%; cấp tỉnh 814/1.272 văn bản được phản hồi đạt 63,99 %; cấp huyện 3.477/6.655 văn bản, đạt 52,24%, cấp xã 15.215/37.534 văn bản đạt 40,53%.
Việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả giám sát, phản biện xã hội trên cơ sở nguyên tắc: phải đi đến cùng vấn đề; giám sát, phản biện gắn với trách nhiệm, chế tài thực hiện của đối tượng giám sát, phản biện xã hội là bài học quý giá trong hoạt động giám sát, phản biện xã hội...
Một số giải pháp thực hiện tốt hoạt động giám sát, phản biện xã hội, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Một là, chú trọng nâng cao nhận thức về tầm quan trọng đặc biệt của hoạt động sau giám sát, phản biện xã hội bằng các biện pháp như đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường chỉ đạo, điều hành hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Hai là, nâng cao năng lực của cán bộ Mặt trận. Thực tế cho thấy, hiệu lực và hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc được quyết định bởi chất lượng hoạt động giám sát, phản biện xã hội của từng cán bộ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Bên cạnh phẩm chất, năng lực cần có; cán bộ Mặt trận Tổ quốc cần phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, những kỹ năng về phát hiện, phân tích, tổng hợp, đánh giá khách quan, đúng đắn đối với vấn đề thuộc nội dung giám sát, phản biện xã hội; theo sát vấn đề giám sát, đôn đốc, nhắc nhở các đối tượng giám sát, phản biện xã hội một cách thường xuyên; khi các kết luận giám sát, phản biện xã hội chưa được thực hiện, các ban, đơn vị, cán bộ cần kiên quyết phản ánh, truy đến cùng vấn đề chưa thực hiện để tạo chuyển biến trong thực tế.
Ba là, chú trọng và nâng cao trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đặc biệt là cơ quan tiến hành giám sát, phản biện xã hội. Đối với Mặt trận Tổ quốc, việc quan tâm, chỉ đạo của người đứng đầu Mặt trận Tổ quốc các cấp là hết sức quan trọng, ảnh hưởng rất lớn đến tổ chức hoạt động, chất lượng, hiệu quả, kết quả thực hiện nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội chung của cơ quan.
Bên cạnh bản lĩnh vững vàng, không ngại va chạm, có quyết tâm chính trị cao, người đứng đầu cơ quan Mặt trận Tổ quốc các cấp phải là người tâm huyết với hoạt động giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; nắm rõ cách thức tổ chức, các quy định có liên quan về hoạt động giám sát, phản biện...; hiểu biết sâu về lĩnh vực chuyên môn phụ trách. Trách nhiệm, bản lĩnh, cách ứng xử và năng lực của người tiến hành giám sát, phản biện xã hội là vấn đề cốt lõi, có tính chất quyết định đến chất lượng giám sát, phản biện xã hội.
Bốn là, tiếp tục hoàn thiện cơ chế về giám sát, phản biện xã hội. Rà soát, đánh giá toàn diện, đầy đủ các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác giám sát, phản biện xã hội; kịp thời đề xuất việc sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các cơ chế, nhằm đáp ứng yêu cầu, thực tiễn công tác giám sát, phản biện xã hội; tiến tới nghiên cứu xây dựng các đạo Luật riêng quy định về giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, Luật Giám sát của Nhân dân nhằm tạo hành lang pháp lý quan trọng đầy đủ để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Nhân dân thực hiện quyền làm chủ, quyền giám sát, phản biện xã hội.
Trong đó, chú trọng việc nghiên cứu ban hành các quy định về quy trình giám sát, phản biện xã hội; quyền và trách nhiệm cụ thể của các chủ thể trong hoạt động giám sát, phản biện xã hội (như: trách nhiệm giải trình, tiếp thu ý kiến của cơ quan, tổ chức, cá nhân được giám sát; cơ quan, tổ chức có văn bản được phản biện...) và về các điều kiện, bảo đảm cho việc thực hiện, hiệu lực và hiệu quả của hoạt động giám sát, phản biện xã hội. Quy định đầy đủ, chặt chẽ và cụ thể trách nhiệm chính trị, trách nhiệm pháp lý đối với những cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhất là đối với cá nhân người đứng đầu cơ quan, tổ chức không thực hiện nghiêm việc tiếp thu, phản hồi các kiến nghị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.
Năm là, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền trong tổ chức thực hiện. Đặc biệt, người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp phải quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo việc tiếp thu, trả lời các văn bản kiến nghị sau giám sát, sau phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Đối với Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc trung ương, nghiên cứu ban hành và thực hiện nghiêm túc Quy chế tiếp thu, phản hồi ý kiến kiến nghị sau giám sát, sau phản biện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, trường hợp cấp ủy đã ban hành cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Định kỳ hàng năm chỉ đạo các cơ quan hữu quan phối hợp sơ kết, tổng kết, kiểm tra công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.
Sáu là, Chính phủ cần nghiên cứu, ban hành quy định về trách nhiệm tiếp thu, giải trình kiến nghị sau giám sát, sau phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam của Chính phủ, các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và chính quyền địa phương các cấp. Cần xây dựng một bộ tiêu chí cụ thể, thậm chí, có thể quy ra điểm để so sánh mức độ tiếp thu, phản hồi và khắc phục kết luận sau giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: Ví dụ: việc tiếp thu giải trình ý kiến của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có thể trên một số tiêu chí như: Việc ban hành chương trình hành động, tổ chức thực hiện chương trình hành động; tổ chức giám sát, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện; tổ chức đánh giá kết quả thực hiện, xác định trách nhiệm. Từng tiêu chí lại có những chỉ số cụ thể.
Bảy là, Mặt trận Tổ quốc các cấp tích cực phối hợp tổ chức các hội nghị đối thoại. Các ý kiến tại các hội nghị đối thoại các cấp do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức đều được người đứng đầu tiếp thu giải trình, hầu hết số ý kiến được giải quyết ngay tại các hội nghị đối thoại. Đối thoại trực tiếp đã góp phần tạo môi trường dân chủ, cởi mở, đối thoại nhiều bên, nhiều cấp cùng tham gia. Tại các cuộc đối thoại, người dân được bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, phản ảnh, kiến nghị với thái độ tích cực, góp ý với tinh thần thẳng thắn, có trách nhiệm, người đứng đầu giải trình, tiếp thu hầu hết các ý kiến ngay tại Hội nghị đối thoại. Qua đó, đã góp phần tạo niềm tin của Nhân dân với Đảng và Nhà nước, người dân hiểu và chấp hành pháp luật tốt hơn, giúp họ yên tâm sản xuất, tích cực tham gia vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tám là, Sửa đổi Nghị quyết liên tịch số 403 về các hình thức giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo hướng: quy định rõ trách nhiệm nghiên cứu, tiếp thu, giải trình, phản hồi ý kiến giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc. Bổ sung quy định cụ thể về trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ trong việc chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phối hợp chặt chẽ trong thực hiện giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Cung cấp hồ sơ, tài liệu, thông tin, báo cáo, số liệu, khảo sát, thu thập thông tin, bằng chứng, ý kiến Nhân dân… liên quan tới nội dung giám sát; trách nhiệm chỉ đạo, phân công các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội. Quy định có chế tài xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân không tiếp thu, hoặc chậm tiếp thu, trả lời ý kiến, kiến nghị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sau giám sát, phản biện xã hội.
Đặng Thị Kim Ngân - Thạc sĩ, Ban Dân chủ, Giám sát và Phản biện xã hội
cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam