Tin mới

Tiếp tục đổi mới công tác tổ chức, cán bộ Mặt trận theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng

(Mặt trận) - Trong mỗi giai đoạn cách mạng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân ngày càng phát huy tốt hơn vai trò đại diện quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và Nhân dân; làm tốt vai trò cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị, góp phần tích cực vào những thành tựu chung của đất nước. Chặng đường lịch sử vẻ vang của Mặt trận, cũng chính là quá trình phát triển về tổ chức bộ máy và cán bộ của hệ thống tổ chức Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Trong giai đoạn mới, Mặt trận cần có sự đổi mới căn bản và đạt đến đích là tổ chức bộ máy, cán bộ của hệ thống tổ chức Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tinh gọn, hoạt động có chất lượng, hiệu quả, đáp ứng được tốt hơn yêu cầu trong giai đoạn mới, phát huy vai trò Mặt trận xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. 

Hơn 2 tỷ đồng hỗ trợ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống

Hội đồng tư vấn Dân chủ và Pháp luật UBTƯ MTTQ Việt Nam tổng kết công tác nhiệm kỳ 2019 - 2024

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến chúc mừng Giáng sinh tại Thành phố Hồ Chí Minh

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến, nguyên Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu và Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng tại cuộc gặp mặt các đại diện tiêu biểu về dự Hội nghị biểu dương Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc cấp xã và Trưởng ban công tác Mặt trận tiêu biểu toàn quốc (tháng 11/2022). Ảnh: Quang Vinh

Để triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng bộ máy tổ chức, cán bộ trong hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng “Xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, "lợi ích nhóm", những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ. Xây dựng đội ngũ đảng viên và cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Củng cố lòng tin, sự gắn bó của Nhân dân với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa”1 có ý nghĩa rất quan trọng, vì “Cán bộ là gốc của mọi công việc, công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”.

Trong công cuộc đổi mới đất nước gần 40 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác kiện toàn bộ máy tổ chức, cán bộ trong hệ thống Mặt trận đã từng bước được chú trọng qua các kỳ Đại hội Mặt trận các cấp. Do vậy, hệ thống bộ máy tổ chức, cán bộ cơ quan chuyên trách Ủy ban Mặt trận các cấp được tăng cường về số lượng và chất lượng.

Thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương tham mưu nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Quy định số 282-QĐ/TW ngày 1/4/2015 của Ban Bí thư “Về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh, cấp huyện”, làm cơ sở để tổ chức lại bộ máy cơ quan chuyên trách Mặt trận Tổ quốc các cấp đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và kết quả đã giảm được hơn 200 biên chế trong hệ thống Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh, cấp huyện

Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã triển khai thực hiện xây dựng Đề án vị trí việc làm của cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và hệ thống Mặt trận các cấp, thí điểm tổ chức thi tuyển lãnh đạo cấp Vụ; sắp xếp chấm dứt hoạt động của 23 đơn vị cấp phòng, 18 công chức thôi giữ chức vụ lãnh đạo cấp phòng và tương đương; thực hiện tinh giản biên chế, nâng cao tiêu chuẩn, chất lượng cán bộ, công chức trong hệ thống Mặt trận.

Hiện tổ chức bộ máy và biên chế của cơ quan chuyên trách Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được Ban Chấp hành Trung ương Đảng phê duyệt theo Quyết định 120 -QĐ/TW ngày 6/9/2023 gồm 10 ban, đơn vị chuyên môn cấp vụ, 4 đơn vị sự nghiệp, 2 đơn vị hỗ trợ cho hoạt động Công giáo. Đồng thời, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành lập các Hội đồng tư vấn, thực hiện chế độ chuyên gia, cán bộ biệt phái và cộng tác viên phục vụ cho hoạt động của Mặt trận với gần 170 biên chế. Cán bộ, chuyên viên chuyên trách Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh có khoảng 1.250 biên chế. Cán bộ, chuyên viên chuyên trách Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện có khoảng gần 3.600 biên chế. Cán bộ chuyên trách cấp xã hơn 10 nghìn biên chế...

Đồng thời với công tác kiện toàn cán bộ Mặt trận chuyên trách, Mặt trận các cấp đã chú trọng củng cố, kiện toàn và mở rộng số lượng Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trên cơ sở tăng thêm số lượng thành viên cá nhân là người tiêu biểu, đại diện cho các tầng lớp nhân dân, các dân tộc, các tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài, các chuyên gia trên các lĩnh vực, đảm bảo tính tiêu biểu và đại diện, thiết thực trong Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp.

Cụ thể, trong nhiệm kỳ 2019 - 2024, số lượng Uỷ viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp là 431.333 người (cấp Trung ương là 382 người, cấp tỉnh 5.243 người, cấp huyện 39.500 người, cấp xã 377.724 người). Mặt trận các cấp đã nâng cao hiệu quả hoạt động của các Hội đồng tư vấn, Ban tư vấn, Tổ tư vấn, mở rộng lực lượng cán bộ không chuyên trách, đội ngũ chuyên gia, cộng tác viên… phát huy hiệu quả vai trò tư vấn cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội trên cơ sở đưa công tác Mặt trận về cơ sở về khu dân cư.

Các Hội đồng tư vấn, Ban Tư vấn, Tổ tư vấn đã chủ động trong công tác phối hợp, tham mưu, tư vấn cho Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp những vấn đề liên quan trực tiếp đến hoạt động của Mặt trận, các thành viên của Mặt trận; tích cực tham gia giám sát, phản biện xã hội đối với các dự thảo nghị quyết, quyết định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Cụ thể: Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã thành lập 7 Hội đồng tư vấn, với 126 thành viên; Ủy ban Mặt trận các tỉnh, thành phố đã thành lập được 171 Hội đồng tư vấn với 1.440 thành viên; Ủy ban Mặt trận cấp huyện đã thành lập được 695 Ban tư vấn với 5.467 thành viên; Ủy ban Mặt trận cấp xã đã thành lập được 4.379 Ban tư vấn với 26.072 thành viên2.

Triển khai thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW, cán bộ chuyên trách công tác Mặt trận từ Trung ương đến cấp huyện được chuẩn hóa về trình độ, bồi dưỡng nâng cao chất lượng hoạt động; cán bộ cơ sở xã, phường, thị trấn, Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư được chú trọng bồi dưỡng nâng cao kỹ năng tuyên tuyền, vận động các tầng lớp nhân dân, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân.

Hệ thống Mặt trận đã tổ chức các khóa bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác Mặt trận, nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu công tác Mặt trận thời kỳ mới; tổ chức các hình thức giao ban để kịp thời phổ biến, quán triệt yêu cầu, nhiệm vụ đến đông đảo cán bộ Mặt trận; đã chủ động đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền xây dựng chế độ chính sách đối với cán bộ làm công tác Mặt trận, nhất là việc kiến nghị sửa đổi những bất hợp lý về tiền lương, phụ cấp đối với cán bộ chuyên trách công tác Mặt trận các cấp và phụ cấp cho Trưởng Ban công tác Mặt trận, Phó Chủ tịch Mặt trận cấp xã, Ban Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn, Ban tư vấn Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp, Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng; kinh phí cho hoạt động giám sát, phản biện xã hội.

Do vậy, hệ thống Mặt trận Tổ quốc các cấp từ Trung ương đến cơ sở đã từng bước củng cố, kiện toàn, đào tạo, bồi dưỡng tạo động lực cho đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống có đủ năng lực hoàn thành các nhiệm vụ chính trị được phân công, góp phần cùng hệ thống chính trị tiếp tục xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp nhân dân, góp phần củng cố vững chắc lòng tin của Nhân dân đối với Đảng; tập hợp, vận động Nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát huy sức mạnh to lớn của Nhân dân, tạo phong trào cách mạng rộng lớn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và đã có những đóng góp tích cực vào thành quả chung của hệ thống chính trị, được khẳng định trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng “Công tác lãnh đạo của Đảng với Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội được tăng cường, mối quan hệ phối hợp ngày càng chặt chẽ, đồng bộ; chính trị, xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh không ngừng được củng cố, kiên quyết, kiên trì giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia, dân tộc; quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và hiệu quả; vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao”.

Trong những năm đại dịch Covid-19 xảy ra, gây ra nhiều thiệt hại về kinh tế - xã hội, tính mạng và của cải… nhưng nhờ đội ngũ cán bộ Mặt trận các cấp đã tận tụy hết mình với tinh thần “chống dịch như chống giặc” phục vụ Nhân dân, nhất là trong những ngày cách ly toàn xã hội, vai trò của Mặt trận được Đảng, Nhà nước, Nhân dân ghi nhận, đã phát huy được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, sự ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, sự tham gia đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự đồng lòng ủng hộ của Nhân dân, đất nước đã kiểm soát có hiệu quả đại dịch Covid-19; từng bước phục hồi sản xuất, kinh doanh và các hoạt động kinh tế - xã hội; ổn định đời sống Nhân dân; góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tổ chức bộ máy, cán bộ hệ thống Mặt trận vẫn chưa đáp ứng được những yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ hội nhập khu vực và quốc tế. Tổ chức bộ máy và cán bộ chuyên trách chưa được kiện toàn đầy đủ về số lượng và chất lượng; một bộ phận chưa đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ, cơ cấu còn nhiều điểm chưa phù hợp; chưa phát huy được đội ngũ cán bộ không chuyên trách, chuyên gia tư vấn; cộng tác viên cho các hoạt động đa dạng, sâu sát các tầng lớp nhân dân của Mặt trận.

Tổ chức bộ máy cơ quan chuyên trách của Mặt trận các cấp tuy đã được quy định trong một số văn bản hướng dẫn của Mặt trận, nhưng còn chung chung, chưa rõ ràng, cụ thể và thống nhất, còn chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ. Đội ngũ cán bộ chuyên trách thường xuyên thay đổi, chưa được đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu chuyên sâu về các hoạt động xã hội, nên việc đổi mới cơ chế hoạt động còn gặp nhiều khó khăn…

Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được và tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống, đòi hỏi trách nhiệm của hệ thống Mặt trận các cấp cần tiếp tục đổi mới công tác tổ chức, cán bộ - “cái gốc của công việc”, đáp ứng về tiêu chuẩn, chất lượng cụ thể sau:

Một là, Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương và các cơ quan chức năng tham mưu Ban Bí thư, Bộ Chính trị xây dựng tổ chức bộ máy, cán bộ hệ thống Mặt trận các cấp theo Thông báo Kết luận số 160-KL/TW ngày 15/1/2020 của Bộ Chính trị “Về tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội”. Việc quy hoạch, bố trí các chức danh cán bộ chủ chốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phải nằm trong quy hoạch tổng thể về cán bộ trong hệ thống chính trị, do Đảng thống nhất lãnh đạo.

Hai là, Mặt trận các cấp cần chủ động, tham mưu cho cấp uỷ, phát huy vai trò các tổ chức thành viên để tạo nguồn cán bộ cho Mặt trận. Công tác quy hoạch cán bộ phải được thực hiện đúng quy trình, công khai, dân chủ, thực hiện nhất quán, khắc phục tình trạng chắp vá, bị động. Đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng trình độ năng lực chuyên môn, kỹ năng, phương pháp công tác cho cán bộ, công chức Mặt trận các cấp, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Mặt trận có tâm huyết, trách nhiệm, hết lòng vì công việc, không ngừng đổi mới tư duy, sáng tạo, có bản lĩnh, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách vì sự phát triển chung của đất nước.

Ba là, tăng cường công tác nghiên cứu khoa học và các hoạt động điều tra, khảo sát, tọa đàm, hội thảo chuyên sâu… để làm rõ hơn những vấn đề lý luận và thực tiễn của công tác Mặt trận. Tăng cường tổ chức các hoạt động thực tiễn cho đội ngũ cán bộ Mặt trận chuyên trách “gần dân, hiểu dân” để nâng cao trình độ, năng lực, trên cơ sở kết hợp các hoạt động chuyên môn với tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm, khảo sát thực tế, hội thảo, tổng kết thực tiễn theo chuyên đề... Tập hợp, phát huy tối đa vai trò, sự đóng góp của các nhà khoa học, các chuyên gia, các cá nhân tiêu biểu trong các tầng lớp nhân dân, trong các dân tộc, tôn giáo và người Việt Nam ở nước ngoài.

Bốn là, cấp ủy các cấp cần chú trọng lựa chọn những cán bộ được rèn luyện, trưởng thành từ phong trào quần chúng, được Nhân dân tín nhiệm, tin yêu tham gia cán bộ chuyên trách trong hệ thống Mặt trận. Cán bộ được rèn luyện, thử thách, trưởng thành từ phong trào ở cơ sở mới có sự hiểu biết quần chúng một cách đầy đủ, cán bộ mới hiểu dân hơn, tích luỹ được nhiều kinh nghiệm quý báu, giúp ích nhiều cho công tác hiện tại. Từ trong phong trào hành động cách mạng, quần chúng có sự so sánh, lựa chọn, nếu cán bộ chủ chốt chưa trải qua hoạt động thực tiễn sẽ thiếu hiểu biết về quần chúng, ít kinh nghiệm công tác, hiệu quả công tác vận động quần chúng sẽ kém, bộ máy hoạt động nhiều khi bị hành chính hoá, cán bộ ít xuống cơ sở, mối quan hệ công tác bị ngăn cách, hiệu quả công tác Mặt trận khó đạt kết quả như mong muốn.

Năm là, cán bộ Mặt trận phải thường xuyên rèn luyện phong cách, đổi mới lề lối làm việc để gắn bó chặt chẽ với Nhân dân. Hiểu tâm lý quần chúng là “chìa khoá” để người cán bộ Mặt trận đi vào lòng dân, nhân tố quan trọng để nâng cao chất lượng hiệu quả công tác Mặt trận. Cán bộ Mặt trận phải thực hiện 3 tác phong "gần dân, tôn trọng dân, có trách nhiệm với dân" và 4 phương pháp "nghe dân nói, nói dân hiểu, hướng dẫn dân làm, làm cho dân tin”. Ngoài các vấn đề nêu trên, người cán bộ Mặt trận còn phải có sự hiểu biết sâu sắc phong tục, tập quán, truyền thống của Nhân dân nơi địa bàn công tác, đây là một yêu cầu rất cần thiết đối với đội ngũ cán bộ của hệ thống chính trị nói chung, của đội ngũ cán bộ Mặt trận nói riêng.

Chú thích:

1.  Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội 2021, t.I, tr. 185.

2.  Báo cáo Sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tháng 7/2018.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản