|
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cùng bà con đồng bào dân tộc Dao tại Lễ khai mạc Ngày hội Văn hóa dân tộc Dao toàn quốc lần thứ II |
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đổi mới nội dung và phương thức tuyên truyền vận động đồng bào các dân tộc
Vị trí, vai trò Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã được hiến định trong Hiến pháp năm 2013 của Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài”. Với nhiệm vụ tập hợp, xây dựng khối đoàn kết toàn dân tộc, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có trách nhiệm quan trọng tập hợp, đoàn kết hơn 14 triệu đồng bào các dân tộc thiểu số theo Đảng làm cách mạng để thực hiện mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ hội nhập quốc tế ở nước ta hiện nay. Để tăng cường công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thiểu số theo hướng thiết thực, hiệu quả, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ban hành Kết luận số 01/KL-ĐCT “Về đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công tác dân tộc” và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn Mặt trận Tổ quốc 51/63 tỉnh, thành phố triển khai thực hiện Kết luận của Đoàn Chủ tịch nhằm đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công tác dân tộc trên cơ sở phối hợp với chính quyền và các tổ chức thành viên các cấp từ Trung ương đến cơ sở. Đồng thời, để công tác phối hợp tuyên truyền, vận động “bài bản, nề nếp” thống nhất từ Trung ương đến cơ sở, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ký kết Chương trình phối hợp công tác với Ủy ban Dân tộc và một số cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình để tăng cường công tác tuyên truyền ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Thực hiện nội dung chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Thường trực Mặt trận Tổ quốc các tỉnh có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống đã vận dụng cụ thể vào tình hình của từng địa phương, phối hợp với chính quyền và các tổ chức thành viên đẩy mạnh thực hiện công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở 463 huyện, 5.453 xã và gần 50 ngàn khu dân cư thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh ở địa phương. Mặt trận Tổ quốc các cấp ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã tích cực phối hợp với chính quyền và các tổ chức thành viên tập hợp, vận động đồng bào tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước mang tính sâu rộng toàn dân, toàn diện, như: Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia”… đạt được những kết quả tích cực trên cơ sở hướng về cơ sở, về địa bàn khu dân cư. Các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước đã được sự chỉ đạo thường xuyên của các cấp uỷ Đảng, sự phối hợp đồng bộ của chính quyền và sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân ở khu dân cư.
Thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, Mặt trận Tổ quốc các cấp ở vùng dân tộc thiểu số đã phối hợp với các ngành, các cấp lồng ghép với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng triển khai sâu rộng đến cơ sở, đến khu dân cư thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, như: Chương trình 135, Chương trình 30a, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững… gắn với việc thực hiện 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới nên đã mang lại những hiệu quả thiết thực, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc, góp phần tạo không khí vui tươi, phấn khởi, đoàn kết giữa các dân tộc. Cuộc vận động đã đóng góp quan trọng trong việc xây dựng, củng cố tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Thực hiện Chương trình số 09/Ctr-BCA-MTTW của Bộ Công an và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về “Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới” và thực hiện Chỉ thị số 06 của Thủ tướng Chính phủ về “Phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, Mặt trận các cấp ở các tỉnh vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã chủ động phối hợp với Công an cùng cấp thực hiện công tác xây dựng, bồi dưỡng, phát huy vai trò của người có uy tín làm nòng cốt trong công tác vận động cộng đồng thực hiện phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” nên đã phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh với nhiều đối tượng phạm tội, nhiều vụ việc phức tạp ảnh hưởng đến an ninh, trật tự.
|
Bà con đồng bào dân tộc Dao tại Lễ khai mạc Ngày hội Văn hóa dân tộc Dao toàn quốc lần thứ II |
Thực hiện công tác phối hợp giữa Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng về triển khai thực hiện phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia”, Mặt trận 25 tỉnh có đường biên giới trên đất liền đã phối hợp với Bộ đội Biên phòng vận động đồng bào các dân tộc quản lý và bảo vệ gần 5.000 km biên giới quốc gia trên đất liền thông qua các mô hình quần chúng tự quản đường biên, mốc quốc giới, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, như: “Tổ tự quản đường biên, mốc quốc giới”; “Tổ tự quản an ninh trật tự thôn, bản”; “Tổ đoàn kết đảm bảo an ninh trật tự”; “Kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới”... đã nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương và quần chúng nhân dân đối với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ biên giới; ý thức quốc gia, quốc giới, ý thức chấp hành luật pháp và các quy chế, quy định về quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới của cán bộ và Nhân dân khu vực biên giới được nâng lên rõ rệt; góp phần huy động được sức mạnh tổng hợp, tạo chuyển biến toàn diện về nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ biên giới, củng cố, giữ vững lòng tin của đồng bào các dân tộc với Đảng, Nhà nước, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững chắc trong thế trận quốc phòng toàn dân. Hiện trên toàn tuyến biên giới đã thành lập 14.822 tổ/2.327.737 thành viên tự quản an ninh trật tự; đã xây dựng được 3.519 Tổ tự quản đường biên, mốc quốc giới, tự quản 3.262 km đường biên giới, 2.345 mốc quốc giới.
Mặt trận Tổ quốc các cấp đã phối hợp với các tổ chức thành viên và Bộ đội Biên phòng thực hiện nhiều chương trình có ý nghĩa thiết thực cho đồng bào vùng biên giới như: Chương trình “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo”, “Bò giống giúp người nghèo nơi biên giới”, “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản”… Các chương trình đã trao tặng 7.000 căn nhà cho người nghèo ở biên giới, hải đảo; 300 công trình dân sinh ở địa bàn biên giới; trao 24.876 con bò giống cho người nghèo biên giới, Bộ đội Biên phòng nhận đỡ đầu 87 xã biên giới; các cơ quan, ban, ngành, địa phương nhận đỡ đầu 278 xã biên giới xây dựng nông thôn mới. Điển hình trong công tác phối hợp thực hiện là: Mặt trận Tổ quốc tỉnh Điện Biên đã phối hợp với Bộ đội Biên phòng và Công an tỉnh xây dựng các mô hình “Tổ tự quản an ninh trật tự” tại các thôn, bản ở các xã biên giới. Đến nay, 100% các xã biên giới đã triển khai thực hiện nội dung tự quản đường biên, cột mốc với 125 tập thể (thôn, bản) đăng ký tự quản 365,861 km/400,861 km đường biên; 2.789 hộ/3.816 người đăng ký tự quản 173/187 cột mốc và 4 công trình biên giới... Hiện nay, các tổ tự quản đang hoạt động có hiệu quả, các thành viên trong tổ đều nêu cao tinh thần trách nhiệm, thường xuyên nắm chắc tình hình, kịp thời thông báo cho đồn Biên phòng và chính quyền địa phương những vụ việc, vấn đề phức tạp về an ninh trật tự và vi phạm pháp luật, góp phần đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả các loại tội phạm trên địa bàn. Mặt trận các cấp tỉnh Tây Ninh đã phối hợp với Bộ đội Biên phòng và Công an tỉnh trong triển khai thực hiện công tác phối hợp tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân nâng cao nhận thức, ý thức cảnh giác, tích cực tham gia phong trào tự quản an ninh trật tự ở địa phương; xây dựng, củng cố thế trận biên phòng toàn dân gắn với thế trận quốc phòng và thế trận an ninh nhân dân vững chắc; đã vận động 516 hộ gia đình có đất sản xuất dọc biên giới nhận và bảo vệ 234,25 km đường biên giới, 81/100 cột mốc và 52/52 ấp giáp biên đăng ký tự quản, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ biên giới quốc gia; giúp cấp uỷ, chính quyền địa phương và Bộ đội Biên phòng phát hiện, xử lý kịp thời các tình huống xảy ra trên địa bàn. Mặt trận tỉnh An Giang đã phối hợp với Bộ đội Biên phòng tổ chức phong trào “Quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc và giữ gìn an ninh trật tự khóm, ấp khu vực biên giới” đã thường xuyên duy trì được 98 tổ/73 khóm, ấp giáp biên về tự quản đường biên, cột mốc và 855/855 hộ dân có đất sản xuất giáp biên giới tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc và giữ gìn an ninh trật tự khóm, ấp khu vực biên giới. Qua các nguồn tin từ Nhân dân cung cấp, các đồn Biên phòng đã tiếp nhận được 1.646 nguồn tin có giá trị, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới.
|
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cùng các đại biểu và bà con đồng bào dân tộc Dao tại Lễ khai mạc Ngày hội Văn hóa dân tộc Dao toàn quốc lần thứ II
|
Một số vấn đề đặt ra trong công tác tuyên truyền, vận động của Mặt trận ở vùng dân tộc thiểu số
Thứ nhất, việc phổ biến, quán triệt các nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc ở một số địa phương vẫn nặng về truyền đạt một chiều, chủ yếu thông qua các hội nghị, các cuộc họp.
Thứ hai, việc bồi dưỡng, phổ biến kiến thức cho người uy tín chưa được quan tâm thường xuyên, làm giảm hiệu quả công tác phát huy vai trò của người uy tín trong việc nắm bắt, cập nhật thông tin để tuyên tuyền, vận động đồng bào các dân tộc thiểu số ở các khu dân cư. Vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống là địa bàn rộng, địa hình phức tạp nếu không tăng cường công tác tuyên truyền, vận động trực tiếp của đội ngũ người có uy tín đến đồng bào thì hiệu quả tuyên truyền không cao.
Thứ ba, việc triển khai thực hiện các phong trào, các cuộc vận động giữa Mặt trận các cấp và các tổ chức thành viên ở một số địa phương trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn bộc lộ một số điểm hạn chế như thiếu sự phối hợp thường xuyên, chặt chẽ để tạo sự phối hợp thống nhất hành động. Việc phát hiện nhân tố mới, kiểm tra và sơ kết, tổng kết thực tiễn các phong trào, các cuộc vận động tiến hành chưa kịp thời. Nhiều cuộc vận động, nhiều phong trào chưa thực sự phát huy được tính tự nguyện, tự giác của đồng bào, chưa xây dựng được nhiều mô hình điển hình trong từng lĩnh vực cụ thể ở từng dân tộc thiểu số.
Thứ tư, công tác dân tộc của Mặt trận ở các địa phương, đặc biệt là cấp huyện, xã đòi hỏi phải sâu sát đến từng khu dân cư, hộ gia đình, đến từng cá nhân với phương châm "cùng ăn, cùng ở, cùng làm", "cầm tay chỉ việc" nhưng phương tiện, kinh phí được thực hiện theo mức khoán hành chính nên cán bộ Mặt trận không thể hoàn thành nhiệm vụ tập hợp, vận động đồng bào dân tộc. Công tác xây dựng tổ chức bộ máy làm công tác dân tộc của Mặt trận các cấp còn chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra.
|
Bà con đồng bào dân tộc Dao tại Lễ khai mạc Ngày hội Văn hóa dân tộc Dao toàn quốc lần thứ II |
Một số giải pháp đổi mới nội dung, phương thức thực hiện công tác dân tộc trong thời kỳ mới
Một là, nâng cao nhận thức về công tác dân tộc cho đội ngũ cán bộ làm công tác Mặt trận các cấp, tăng cường công tác phối hợp thống nhất chương trình hành động giữa Ủy ban Mặt trận và các tổ chức thành viên, trong đó Mặt trận đóng vai trò chủ trì phối hợp với các cấp chính quyền triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, như: Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững 2021-2025; Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 trên cơ sở lồng ghép với các phong trào, các cuộc vận động do Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội phát động hướng về cơ sở, về các khu dân cư. Tăng cường công tác giám sát của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội đối với các chương trình, dự án đầu tư ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số để thực hiện tốt phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Hai là, chú trọng thực hiện công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ làm công tác dân tộc trong hệ thống Mặt trận các cấp, góp phần quan trọng trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thiểu số. Yếu tố quan trọng để tạo nên niềm tin và sự thành công của công tác vận động đồng bào dân tộc thiểu số là cán bộ Mặt trận phải hiểu đặc điểm tâm lý, phong tục, tập quán sinh hoạt và tổ chức xã hội truyền thống của từng dân tộc thiểu số để thuyết phục, vận động, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; phải luôn “ba cùng” tôn trọng, tin tưởng và gắn bó mật thiết với đồng bào dân tộc thiểu số để tuyên truyền, vận động phát huy ý thức tự lực, tự cường của đồng bào dân tộc thiểu số.
Ba là, tiếp tục đổi mới các hình thức, phương pháp công tác vận động đồng bào dân tộc thiểu số cho phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện và các đối tượng cụ thể, quan tâm xây dựng, bồi dưỡng, phát huy vai trò của lực lượng cốt cán, người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động theo phương châm công tác dân tộc: “Chân thành, tích cực, thận trọng, kiên trì, tế nhị, vững chắc”; đồng thời cần quán triệt và thực hiện tốt phong cách công tác dân vận: “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân”.
Bốn là, đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Tuyên truyền về tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc, các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước về dân tộc, tôn giáo; về đầu tư, phát triển kinh tế, xã hội; các phong trào, các cuộc vận động do Mặt trận và các tổ chức thành viên phát động; tuyên truyền vận động giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá tốt đẹp tiến bộ của các dân tộc thiểu số, nhất là việc gìn giữ tiếng nói, chữ viết, văn học, nghệ thuật, công trình kiến trúc, nghề truyền thống, các phong tục, lễ hội tiến bộ... Tuyên truyền, vận động thay đổi các thói quen, tập quán lạc hậu, bài trừ các tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Đa dạng hóa các hình thức phổ biến, tuyên truyền, kết hợp các hình thức tuyên truyền thông qua báo chí, phát thanh, truyền hình với việc trang bị tài liệu, tờ rơi, Đội thông tin lưu động, các hoạt động văn hóa, thể thao, các hội thi, đối thoại tiếp xúc của cán bộ Mặt trận với đồng bào… đặc biệt coi trọng hình thức phát thanh, truyền hình bằng tiếng dân tộc, công tác tuyên truyền miệng thông qua đội ngũ người có uy tín tiêu biểu và các vị Ủy viên Ủy ban Mặt trận các cấp ở vùng dân tộc thiểu số, thông qua Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư dịp 18/11 hàng năm và các lễ hội của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Xây dựng chương trình phối hợp tuyên truyền giữa các cơ quan báo chí của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên; phát huy vai trò, sự liên kết giữa các cơ quan truyền thông của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc thông tin, tuyên truyền sâu rộng những chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về dân tộc và chính sách dân tộc ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan chức năng ở Trung ương tổ chức hội nghị biểu dương, tôn vinh những gương người tốt, việc tốt trong đội ngũ người có uy tín tiêu biểu vùng đồng bào dân tộc thiểu số có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước theo từng khu vực ở địa bàn Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ.
Năm là, chủ trì, phối hợp tốt trong thực hiện công tác giám sát và phản biện xã hội đối với các chủ trương, chính sách về dân tộc và công tác dân tộc. Chủ động giám sát và chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng trong hệ thống chính trị rà soát, giám sát, kiến nghị điều chỉnh, bổ sung các chính sách đã ban hành, tập trung là các chính sách về xóa đói, giảm nghèo, giáo dục, y tế, môi trường và văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội của các Hội đồng tư vấn, Ban tư vấn của Ủy ban Mặt trận các cấp; phát huy vai trò của đội ngũ chuyên gia, cộng tác viên và Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng ở các khu dân cư vùng đồng bào dân tộc thiểu số đối với các chính sách về dân tộc và công tác dân tộc. Phối hợp tham gia thực hiện hiệu quả công tác phản biện xã hội thông qua việc tham gia xây dựng các chính sách, pháp luật về phát triển kinh tế, xã hội, giữ gìn phát triển văn hóa của đồng bào các dân tộc; chương trình giảm nghèo ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, đặc biệt đối với những dân tộc có tỷ lệ phát triển dân số thấp. Quan tâm sơ kết, tổng kết việc thực hiện các chủ trương, chính sách ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng thời tập hợp ý kiến, kiến nghị của đồng bào các dân tộc thiểu số, đặc biệt là kiến nghị của các vị Ủy viên Ủy ban, người có uy tín tiêu biểu là người dân tộc thiểu số để kiến nghị với Đảng, Nhà nước, Quốc hội về những vấn đề liên quan đến dân tộc và công tác dân tộc.
Sáu là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá và tập quán của các dân tộc; quan tâm sưu tầm, bảo tồn và phát huy có hiệu quả các giá trị văn hoá truyền thống, kể cả vật thể và phi vật thể. Vận động người dân xoá bỏ các hủ tục lạc hậu và sớm chấm dứt tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Nâng cao hơn nữa mức hưởng thụ về văn hoá của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Vũ Đăng Minh*
Trưởng Ban Dân tộc, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam