|
Ông Phùng Khánh Tài, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Công đoàn Cơ quan UBTƯ MTTQ Việt Nam phát biểu |
Tham dự buổi sinh hoạt có ông Phùng Khánh Tài, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Công đoàn Cơ quan UBTƯ MTTQ Việt Nam cùng toàn thể cán bộ, công chức, người lao động trong Cơ quan.
Tại buổi sinh hoạt chuyên đề, các đại biểu đã được nghe báo cáo viên giới thiệu chuyên đề “Giám sát cán bộ, đảng viên”, phổ biến một số văn bản pháp luật của Đảng, Nhà nước liên quan đến nội dung giám sát cán bộ, đảng viên của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân.
|
Ông Phan Văn Vượng, Phó Trưởng Ban Dân chủ - Pháp luật UBTƯ MTTQ Việt Nam trình bày chuyên đề |
Trình bày chuyên đề tại buổi sinh hoạt, ông Phan Văn Vượng, Phó Trưởng Ban Dân chủ - Pháp luật UBTƯ MTTQ Việt Nam cho biết, việc giám sát cán bộ, đảng viên hiện nay có thể căn cứ vào các quy định của Đảng, Nhà nước về giám sát của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân, các Nghị quyết của Trung ương Đảng liên quan đến công tác giám sát của MTTQ Việt Nam, Quy định 217, Luật MTTQ Việt Nam, Nghị quyết liên tịch 403,...
Trong đó, cần chú trọng đến nguyên tắc giám sát, bảo đảm sự lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, phù hợp với Hiến pháp, pháp luật, Điều lệ MTTQ Việt Nam và Điều lệ của các tổ chức chính trị - xã hội; Phối hợp chặt chẽ giữa MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội với các cơ quan, tổ chức có liên quan; không làm cản trở hoặc ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt của tổ chức, cá nhân, gia đình người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên. Đặc biệt cần dựa trên tinh thần xây dựng, bảo đảm dân chủ, công khai, khách quan, minh bạch; tránh nể nang, né tránh hoặc để bị lợi dụng.
Theo ông Phan Văn Vượng, hình thức giám sát cần tập trung vào các nội dung như: Giám sát thường xuyên thông qua theo dõi, phát hiện và tiếp nhận các thông tin, phản ánh, kiến nghị từ phương tiện thông tin đại chúng, từ phản ánh của các tổ chức, cá nhân, cán bộ, đảng viên, đoàn viên công đoàn và người lao động; Tổ chức đối thoại giữa đại diện tổ chức Công đoàn với đối tượng được giám sát về nội dung người lao động đang quan tâm cần làm rõ, trả lời nhằm ổn định tư tưởng công chức, viên chức và người lao động, góp phần ổn định tình hình chính trị, xã hội đất nước và trên địa bàn quản lý; Tổ chức lấy ý kiến người lao động về nội dung giám sát qua gửi phiếu khảo sát hoặc góp ý kiến qua hòm thư góp ý, hoặc bằng phương thức khác phù hợp.
Cùng với đó cần tiếp thu ý kiến, kiến nghị phản ánh trực tiếp của đoàn viên công đoàn, người lao động về nội dung giám sát đối với đối tượng giám sát; Thông qua kết quả thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, báo cáo hoạt động của Ban thanh tra nhân dân trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước; Tổng hợp, nghiên cứu nội dung và kết quả giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo của tổ chức, công dân, đoàn viên, người lao động về nội dung giám sát.
“Việc tập hợp ý kiến giám sát cần thông qua kiểm điểm, đánh giá, góp ý, nhận xét định kỳ, nhiệm kỳ, khi quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử đối với người đứng đầu, cán bộ chủ chốt, cán bộ, đảng viên tại nơi làm việc; đồng thời thông qua phản ánh của MTTQ, các Tổ chức CTXH các cấp và của chi bộ, Ban công tác Mặt trận nơi cư trú của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt, cán bộ, đảng viên gửi đến”, ông Phan Văn Vượng nhấn mạnh.
Tại buổi sinh hoạt, ông Phan Văn Vượng cũng đề cập đến một số nội dung giám sát, việc tổ chức triển khai giám sát, kiến nghị sau giám sát đối với việc giám sát cán bộ, đảng viên nơi cư trú. Nội dung giám sát sẽ tập trung vào một số Quy định như: Giám sát theo nội dung quy định tại Quy định số 101 - QĐ/TW ngày 07/6/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Quy định số 55 - QĐ/TW ngày 19/12/2016 của Bộ Chính trị; Quy định 124- QĐ/TW, ngày 02/02/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Quy định số 213 - QĐ/TW, ngày 02/01/2020 của Bộ Chính trị khoá XII; Giám sát theo nội dung quy định tại Hướng dẫn khung để các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương tiếp tục phát huy vai trò của Nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, " tự diễn biến", " tự chuyển hóa" trong nội bộ….
Việc giám sát cán bộ, đảng viên ở nơi làm việc tập trung vào một số nội dung trọng tâm như: Giám sát theo nội dung quy định tại Quy định số 101 - QĐ/TW ngày 07/6/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Quy định số 55 - QĐ/TW ngày 19/12/2016 của Bộ Chính trị; Quy định 124- QĐ/TW, ngày 02/02/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Quy định 205- QĐ/TW, ngày 23/9/2019 của Bộ Chính trị; Quy định số 213 - QĐ/TW, ngày 02/01/2020 của Bộ Chính trị khoá XII; Giám sát theo nội dung quy định tại Hướng dẫn khung để các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương tiếp tục phát huy vai trò của Nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, " tự diễn biến", " tự chuyển hóa" trong nội bộ.
|
Quang cảnh buổi sinh hoạt chuyên đề |
Phát biểu tại buổi sinh hoạt chuyên đề, Phó Chủ tịch Phùng Khánh Tài khẳng định, việc giám sát cán bộ, đảng viên là nhiệm vụ quan trọng của mỗi cán bộ Mặt trận, giúp phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.
Quán triệt quan điểm của Đảng về giám sát cán bộ, đảng viên, Phó Chủ tịch Phùng Khánh Tài cho rằng, đây là việc khó, đòi hỏi mỗi cán bộ Mặt trận phải có sự am hiểu sâu rộng về các quy định pháp luật về giám sát, đồng thời cần thời gian tìm hiểu, nghiên cứu, kiên trì thực hiện của mỗi cán bộ, nhân viên trong cơ quan.
“Trong những năm qua, nhân dân rất mong chờ vai trò của MTTQ Việt Nam, thông qua Mặt trận, nhân dân có thể giám sát được vai trò của cán bộ, đảng viên. Bên cạnh đó, số lượng văn bản pháp luật quy định về hoạt động giám sát, phản biện xã hội nói chung và giám sát cán bộ, đảng viên nói riêng là rất lớn, với nhiều góc độ tiếp cận trong thực tiễn áp dụng”, Phó Chủ tịch Phùng Khánh Tài nhấn mạnh.
Từ yêu cầu thực tiễn trên, Phó Chủ tịch Phùng Khánh Tài mong muốn, qua buổi sinh hoạt chuyên đề, các Ban, đơn vị chủ động rà soát những văn bản đã ban hành trong thời gian qua, trên cơ sở đó định hướng sinh hoạt chuyên đề cho mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện tốt những gì đã hưởng ứng, tiếp thu, từ đó triển khai những nội dung sinh hoạt hiệu quả trong cơ quan.
Hương Diệp