Tin mới

Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị phản biện xã hội Dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

(Mặt trận) - Sáng ngày 13/4, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu và Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực chủ trì Hội nghị phản biện xã hội Dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Hội nghị được tổ chức trực tuyến tới 64 điểm cầu trong cả nước với tổng số gần 4.000 đại biểu tham dự.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến chúc mừng Giáng sinh tại Thành phố Hồ Chí Minh

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến thông báo dự thảo báo cáo kết quả kiểm tra đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến thăm, chúc mừng Bộ Quốc phòng nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu và Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực chủ trì Hội nghị  

Phát huy vai trò nòng cốt của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực nhấn mạnh, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở trình Quốc hội kỳ này phải là bước thể chế quan trọng tinh thần Đại hội XIII của Đảng về phát huy quyền làm chủ của nhân dân, về trách nhiệm bảo đảm thực hiện của các cơ quan nhà nước và vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội để nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình ở cơ sở.

Theo ông Ngô Sách Thực, trong những năm qua nhìn chung việc thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 18/12/1998 của Bộ Chính trị về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở và Kết luận số 120-KL/TW ngày 7/1/2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, các văn bản pháp luật về dân chủ ở cơ sở đã thúc đẩy thực hiện dân chủ ở cơ sở, tăng sự đồng thuận trong nhân dân trong thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu kinh tế, xã hội, giữ gìn an ninh trật tự, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực phát biểu tại Hội nghị

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện có nảy sinh nhiều hạn chế, bất cập, một số nơi thực hiện còn hình thức, thậm chí vi phạm dân chủ gây bức xúc trong bộ phận nhân dân.

Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực đề nghị các đại biểu dự Hội nghị tập trung đóng góp ý, phản biện vào một số nhóm vấn đề chính: Tính thống nhất, đồng bộ, liên thông của dự thảo Luật so với quy định của Hiến pháp năm 2013 và pháp luật hiện hành; phạm vi, đối tượng điều chỉnh của dự thảo Luật; tính đầy đủ của các nguyên tắc thực hiện dân chủ ở cơ sở được thể hiện trong dự thảo Luật; việc thể chế hóa quan điểm của Đảng về thực hiện dân chủ ở cơ sở thể hiện trong dự thảo Luật, quy định để “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”…

PGS.TS Phạm Hữu Nghị, Ủy viên Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát biểu tại Hội nghị 

Đóng góp ý kiến tại hội nghị, PGS.TS Phạm Hữu Nghị, Ủy viên Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, trong dự thảo Luật chưa đưa ra cơ chế bảo đảm MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện vai trò nòng cốt để nhân dân làm chủ. Bởi vậy, cần bổ sung các quy định xác định rõ vai trò trách nhiệm của Ủy ban MTTQ các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội trong tổ chức, bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Nhìn từ góc độ tư tưởng của Đảng về dân chủ, ông Phạm Hữu Nghị cũng đề xuất sắp xếp lại các nguyên tắc về thực hiện dân chủ cơ sở được thể hiện ở Điều 5 của dự thảo Luật cho hợp lý hơn, điển hình như nguyên tắc công khai, minh bạch trách nhiệm giải trình trong quá trình thực hiện dân chủ ở cơ sở cần được xếp thứ tự thứ hai trong 5 nguyên tắc.

Nêu thực tế về việc có thể phát sinh các vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, chẳng hạn như chậm trễ hoặc cản trở công dân thực hiện các quyền dân chủ; hoặc lợi dụng, lạm dụng việc thực hiện dân chủ ở cơ sở để kích động, gây rối làm ảnh hưởng xấu đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, làm mất tính chính danh, uy tín của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp; ông Phạm Hữu Nghị cho rằng, dự thảo Luật cần bổ sung các quy định về chế tài, về các hình thức xử lý vi phạm khi thực hiện các quy định về thực hiện dân chủ ở cơ sở như đã nêu.

Ông Đỗ Duy Thường, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát biểu tại Hội nghị 

Ông Đỗ Duy Thường, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, để phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt để nhân dân làm chủ trong thực hiện dân chủ ở cơ sở, trước hết phải quán triệt chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về MTTQ Việt Nam, về vai trò nhân dân trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Muốn đẩy mạnh, theo ông Đỗ Duy Thường, phải quy định rõ về vai trò, trách nhiệm của các chủ thể trong dự thảo luật, nhất là trách nhiệm của công chức, cơ quan nhà nước trong bảo làm việc thực hiện dân chủ ở cơ sở. Cần nêu rõ trách nhiệm của các cơ quan thanh tra, kiểm tra đối với những phản ánh của nhân dân về những vụ việc có dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng.

“Ví dụ, những vi phạm về đất đai, quy hoạch, dân biết hết. Khi dân phản ánh thì phải vào cuộc thanh tra, cùng với đó, thanh tra nhân dân cũng có thể phối hợp làm được việc này”, ông Đỗ Duy Thường nói.

Ông Đỗ Duy Thường cũng kiến nghị không quy định về cơ chế thanh tra nhân dân trong Luật này vì có những bất cập. Đây là Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở chứ không phải là Luật giám sát của nhân dân, nên chỉ có thể quy định nội dung quyền nhân dân giám sát việc thực hiện dân chủ ở cơ sở, mà quyền này đã được quy định ở mục 4 chương II, mục 3 chương III trong dự thảo Luật.

“Hiện nay, UBTƯ MTTQ Việt Nam đang chuẩn bị nội dung trình Quốc hội xây dựng Luật giám sát của nhân dân, do vậy cơ chế về tổ chức và hoạtt động của Ban Thanh tra nhân dân vẫn để trong Luật Thanh tra là phù hợp. Sau khi có Luật giám sát của nhân dân, sẽ bỏ cơ chế về Thanh tra nhân dân trong Luật thanh tra”, ông Thường đề xuất.

 GS. Hoàng Chí Bảo, nguyên chuyên gia cao cấp Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu tại Hội nghị

Ở một góc nhìn khác, GS. Hoàng Chí Bảo, nguyên chuyên gia cao cấp Hội đồng Lý luận Trung ương nêu rõ, việc có được đạo luật về dân chủ ở cơ sở là bước đột phá, là bước tiến rất quan trong trong việc xây dựng nền dân chủ Việt Nam. Đây là một chính sách lớn và rất thuận với xu thế phát triển của dân chủ hiện đại thế giới, thuận với yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nước ta hiện nay

Khẳng định dân chủ phải chịu sự kiểm soát, điều chỉnh của luật pháp, Luật pháp là tối cao, nhất là trong Nhà nước pháp quyền, GS. Hoàng Chí Bảo cho rằng, dự thảo luật phải chú trọng làm rõ mối quan hệ giữa luật pháp và dân chủ. Nguyên tắc hàng đầu phải chú ý là dân chủ phải thuận với pháp luật, đúng với pháp luật và pháp luật bảo vệ quyền dân chủ của người dân.

Nêu lên 3 chủ thể thực hiện quyền dân chủ là người dân, doanh nghiệp, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp, GS Hoàng  Chí Bảo đề nghị, dự thảo Luật phải đặc biệt chú trọng vào người dân ở xã (địa bàn nông thôn, chiếm tỉ lệ lớn trong cộng đồng dân cư). Cùng với dân chủ ở xã thì cũng không xem nhẹ dân chủ ở đô thị khi mà hiện nay một số nơi không còn tổ chức mô hình HĐND phường, HĐND quận.

“Nếu chúng ta thành công chống tham nhũng, quan liêu, thực hiện cho được các quyền của dân thì luật này sẽ có bước đột phá trong xây dựng nền dân chủ ở Việt Nam. Đây sẽ là công cụ hữu hiệu để nhân dân tham gia cùng Nhà nước xây dựng và phát triển đất nước.”, GS. Hoàng Chí Bảo nói.

PGS.TS Bùi Xuân Đức phát biểu tại Hội nghị 

PGS.TS Bùi Xuân Đức cho rằng, dân chủ cơ sở chỉ có ở cộng đồng dân cư, còn ở cơ quan hành chính, doanh nghiệp rất khó thực hiện mà người dân cũng chỉ quan tâm ở cộng đồng dân cư của mình, người dân thôn này không quan tâm việc của thôn khác làm. Do đó, theo ông, thực hiện dân chủ tốt là thực hiện giám sát thật tốt ở các cấp, ngành, còn ở cộng đồng dân cư là thực hiện tốt vai trò tự quản của người dân.

Thúc đẩy đại đoàn kết toàn dân tộc và tăng cường củng cố niềm tin của Nhân dân

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu phát biểu kết luận Hội nghị 
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Lê Tiến Châu khẳng định, việc xây dựng, ban hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở là việc làm cần thiết để thể chế hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng, trực tiếp và gần nhất là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về “... phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa”; “Tiếp tục hoàn thiện, cụ thể hóa, thực hiện tốt cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Mặt khác, đây cũng là là yêu cầu khách quan để cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về xây dựng “Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”.

“Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở khi được thông qua và được tổ chức thực hiện tốt sẽ không chỉ là kết quả thể chế hóa đường lối của Đảng, cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, pháp điển hóa các văn bản hiện hành về thực hiện dân chủ ở các loại hình cơ sở; mà còn là cơ sở chính trị, pháp lý để thúc đẩy đại đoàn kết toàn dân tộc và tăng cường, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa”, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Lê Tiến Châu nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Lê Tiến Châu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật cần tiếp tục chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức nghiên cứu thấu đáo, tổng rà soát kỹ để dự án Luật đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, liên thông với quan điểm chỉ đạo của Đảng về mở rộng và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa; với Hiến pháp và các đạo luật quy định về quyền làm chủ của Nhân dân, về quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân.

Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Lê Tiến Châu nhận định, nhiều ý kiến tại Hội nghị cho rằng quy định về phạm vi, đối tượng điều chỉnh của dự thảo Luật chưa cụ thể, rõ ràng về từng loại hình cơ sở và tương ứng với đó là những nội dung thực hiện dân chủ để tạo lập cơ chế pháp lý hữu hiệu, phù hợp đặc điểm riêng có của từng loại hình cơ sở. Do đó, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật thể hiện rõ hơn nữa về phạm vi, đối tượng điều chỉnh và cơ chế pháp lý thực hiện dân chủ ở từng loại hình cơ sở.

Cùng với đó, các ý kiến đều nhấn mạnh dự thảo Luật cần quy định rõ hơn nữa cơ chế để phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội theo đúng quan điểm chỉ đạo tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt để nhân dân làm chủ”. Tại dự thảo Luật chưa quy định đầy đủ quyền và nghĩa vụ của Nhân dân; quyền và trách nhiệm của Chính quyền cơ sở; quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội trong thực hiện dân chủ ở cơ sở; sự phối hợp giữa cơ quan, đơn vị, chính quyền cơ sở với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị -xã hội cùng cấp trong thực hiện các khâu thực hiện dân chủ. Đây là vấn đề cốt lõi, rất cơ bản để thực hiện dân chủ ở cơ sở.

“Đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo thể hiện rõ hơn nữa vai trò của Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện dân chủ ở cơ sở, nhất là các vấn đề “dân bàn, dân kiểm tra””, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu nói.

 Quang cảnh Hội nghị
Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Lê Tiến Châu cho rằng, vai trò của Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội phải được nhấn mạnh ở khâu chủ động đề xuất các vấn đề dân bàn, dân quyết định, dân được tham gia ý kiến; phải làm rõ hơn nữa vai trò của Mặt trận trong giám sát việc thực hiện các vấn đề dân quyết định, dân kiến nghị, yêu cầu; các phương thức để thực hiện các hoạt động giám sát xã hội theo các kiến nghị, đề xuất, yêu cầu của  nhân dân; trong việc hỗ trợ Nhân dân thực hiện kiểm tra chính quyền địa phương cấp xã thực hiện các nội dung được kiểm tra; trong việc hỗ trợ nhân dân tham gia đối thoại với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân đi vào thực chất và có hiệu quả…

Bày tỏ quan điểm khi các quy định của dự thảo Luật về thanh tra nhân dân vẫn còn nhiều vấn đề cần được nghiên cứu và làm rõ hơn, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu nhắc tới việc dự thảo Luật tiếp tục quy định hoạt động “thanh tra nhân dân” và tổ chức “ban thanh tra nhân dân”, kế thừa phần lớn các quy định tại Luật thanh tra năm 2010 và nâng một số quy định trong các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành. Tuy nhiên, các nội dung trong Dự thảo vẫn còn thiếu so với Luật thanh tra, chưa đủ cơ sở để Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục quy định cụ thể. Vì vậy, trong Dự thảo này cần bổ sung các quy định để bảo đảm tính đầy đủ, toàn diện hơn.

Cũng theo Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Lê Tiến Châu, tại dự thảo Luật định nghĩa “thanh tra nhân dân là hình thức kiểm tra, giám sát của Nhân dân…”, như vậy, bản chất của hoạt động này là “hình thức để thực hiện chức năng kiểm tra, giám sát nhân dân”. Hiện nay, trong xu hướng phân định ngày càng rõ ràng các hoạt động “thanh tra”, kiểm tra, giám sát gồm giám sát quyền lực và giám sát nhân dân, thì việc tiếp tục sử dụng “thanh tra nhân dân” là hình thức kiểm tra, giám sát của Nhân dân và đặt trong phạm vi điều chỉnh của Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở là cần được cân nhắc thêm.

Nhắc tới vấn đề quyền hạn, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Lê Tiến Châu cho biết, dự thảo Luật tiếp tục quy định quyền hạn của Ban thanh tra nhân dân chỉ giới hạn trong phạm vi “kiến nghị” với người có thẩm quyền xử lý theo quy định… So với các phương thức kiểm soát khác như thanh tra nhà nước, kiểm tra, giám sát quyền lực nhà nước thì hiệu lực của hoạt động giám sát của Ban Thanh tra Nhân dân chỉ dừng ở mức “kiến nghị” và giám sát tiếp việc thực hiện kiến nghị, không có những biện pháp mạnh mẽ buộc đối tượng bị giám sát phải thực thi yêu cầu, kiến nghị của mình.

Do đó, để khắc phục tính hình thức, chưa bảo đảm thực chất trong hoạt động và nâng cao quyền hạn, giá trị pháp lý của hoạt động giám sát của Ban thanh tra nhân dân, cần phải có quy định cụ thể, hợp lý hơn về việc tiếp thu, xử lý các kiến nghị và xác định rõ trách nhiệm giải trình, chế tài đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp khi để xảy ra chậm trễ hoặc không tiếp thu, xem xét, trả lời yêu cầu, kiến nghị của Ban Thanh tra nhân dân đúng thời hạn. Đồng thời cũng cần quy định việc xử lý hành vi lợi dụng dân chủ.

Về tổ chức Ban thanh tra nhân dân tại các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Lê Tiến cho rằng, dự thảo Luật tiếp tục quy định về thành lập Ban thanh tra nhân dân tại các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước cũng là vấn đề cần phải bàn kỹ. Dự thảo quy định phạm vi dân chủ ở cơ sở bao gồm dân chủ trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước là phù hợp với chủ trương của Đảng, tuy nhiên, việc sử dụng tên gọi của thiết chế này gắn với khái niệm “nhân dân” là cần nghiên cứu thấu đáo do trong các cơ quan nhà nước có các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và trong cơ cấu tổ chức chỉ có cấp trên – cấp dưới. Việc bảo đảm khách quan, độc lập giữa Ban thanh tra nhân dân với các đối tượng bị giám sát cũng là vấn đề lớn gây cản trở cho hoạt động thực chất, hiệu quả của Ban thanh tra nhân dân trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước trong thực tiễn.

“Do đó, việc đặt ra vấn đề giám sát của nhân dân theo phạm vi, nội hàm của dự thảo Luật này cho các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp là cần được cân nhắc thêm. Tuy nhiên đây là vấn đề rất lớn, phức tạp cần xin ý kiến chỉ đạo của cấp có thẩm quyền”, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu nêu rõ.

Từ những ý kiến phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Lê Tiến Châu nhấn mạnh, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở là rất cần thiết, rất quan trọng; song cũng rất khó và phức tạp, nhạy cảm. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam không chỉ chia sẻ với những khó khăn, vất vả và áp lực của cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật mà còn luôn sẵn sàng đồng hành cùng cơ quan chủ trì để có được dự thảo tốt nhất có thể trình Kỳ họp thứ 3, Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV xem xét, quyết định.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản