Tin mới

Vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công tác bầu cử

(Mặt trận) - Vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong công tác bầu cử được quy định tại Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân (Luật Bầu cử), Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và được cụ thể hóa trong các văn bản pháp luật, hướng dẫn thi hành luật liên quan. Đặc biệt, trong 98 điều của Luật Bầu cử, có tới 40 điều quy định về vai trò, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong tham gia công tác bầu cử.

Tổng kết thực hiện Đề án Vận động hỗ trợ làm nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo tỉnh Điện Biên: 9 tháng thần tốc xóa 5.000 căn nhà tạm, nhà dột nát

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà thăm và chúc mừng Tòa Giám mục Giáo phận Bắc Ninh nhân Đại lễ Phục sinh 2024

Bàn giao 5.000 căn nhà đại đoàn kết: Hiện thực hóa giấc mơ của hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Điện Biên

Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng bầu cử Quốc gia Đỗ Văn Chiến làm việc với Uỷ ban Bầu cử tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu 

Xác định tham gia công tác tổ chức bầu cử là nhiệm vụ trọng tâm, từ cuối năm 2020 đến nay, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã chủ động, tích cực chuẩn bị và tham gia tổ chức tốt các bước, các công việc để ngày bầu cử 23/5/2021 thực sự là ngày hội của toàn dân, qua đó khẳng định vai trò và những đóng góp xuyên suốt của Mặt trận trong công tác bầu cử.

Hoàn thành từng bước quan trọng trong quá trình bầu cử

Theo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được giao trọng trách là chủ thể hiệp thương, lựa chọn, giới thiệu những người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, đồng thời tham gia phụ trách và giám sát quá trình bầu cử, thể hiện sự dân chủ của quá trình nhân dân lựa chọn bầu ra cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất ở Trung ương và địa phương.

Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất 

Thực hiện trách nhiệm của mình, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Việt Nam 63 tỉnh, thành phố đã tổ chức thành công ba vòng hiệp thương ở mỗi cấp để giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026,

Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất là sự kiện mở đầu trong quy trình ba vòng hiệp thương để thỏa thuận về cơ cấu, thành phần và số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương và địa phương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Theo đó, từ ngày 3/2 đến ngày 17/2 , Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam và Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã tiến hành tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ nhất.

Sau hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, tổng số người được phân bổ giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội ở 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (cả Trung ương và địa phương giới thiệu) là 1.076 người, đạt tỷ lệ bình quân 2,15 lần so với tổng số đại biểu dự kiến được bầu (500 đại biểu). Về bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, số người được hội nghị hiệp thương lần thứ nhất phân bổ giới thiệu ứng cử là 7.656/3.715 đại biểu được bầu theo luật định, đạt tỷ lệ bình quân 2,06 lần trên số đại biểu được bầu.

Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị Hiệp thương lần thứ hai để thỏa thuận lập danh sách sơ bộ người của các cơ quan Trung ương ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV 

Tiếp nối thành công của các hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, trong các ngày từ 15 - 19/3, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam và Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tiến hành tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ hai. Theo số liệu tại Báo cáo số 326/BC-MTTW- BTT ngày 16/5/2021 của Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam về tình hình triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 của MTTQ Việt Nam, tại các hội nghị hiệp thương lần thứ hai, các địa phương đã lập danh sách sơ bộ được 880 người ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XV (trong đó có: 804 người được giới thiệu ứng cử và 76 người tự ứng cử) trên tổng số 295 đại biểu được bầu; đạt tỉ lệ bình quân là 2,98 lần so với tổng số đại biểu được bầu ở địa phương (Khóa XIV tỉ lệ bình quân là 3,14 lần; khóa XIII tỉ lệ bình quân là 2,85 lần; khóa XII là 3,47 lần). Theo thực tế ở các nhiệm kỳ bầu cử trước, việc để tỷ lệ số lượng người ứng cử thấp so với số đại biểu được bầu như một số tỉnh nêu trên sẽ khó đảm bảo yêu cầu chung về số dư tại các hội nghị hiệp thương. 

Như vậy, kết thúc hội nghị hiệp thương lần thứ hai, tính chung ở cả Trung ương và địa phương thì tổng số người được đưa vào danh sách sơ bộ ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV là 1.085 người (gồm 205 người ở Trung ương và 880 người ở địa phương), đạt tỉ lệ 2,17 người ứng cử trên 01 đại biểu được bầu (khóa XIV tỷ lệ là 2,29%, khóa XIII đạt tỉ lệ 2,17 lần).

Danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh là 7.161 người trong tổng số đại biểu được bầu theo luật định là: 3.714 người, đạt tỷ lệ 1,93 lần (bằng tỷ lệ nhiệm kỳ 2016-2021). Nhiều tỉnh có tỉ lệ người ứng cử trên số đại biểu được bầu cao như: Quảng Ninh 2,5 lần; Cà Mau 2,31 lần; Hải Dương 2,34 lần, Kiên Giang, 2,32 lần. Bên cạnh đó, một số địa phương có tỉ lệ thấp như các tỉnh Khánh Hòa 1,64 lần; Lai Châu 1,68 lần; Kon Tum 1,67 lần; Đồng Nai 1,68 lần; Hải Phòng 1,69; Bình Phước 1,65 lần; Bình Dương, Bình Thuận 1,66 lần; An Giang 1,66 lần.

Cử tri tổ dân phố số 6 phường Quán Thánh biểu quyết tại Hội nghị cử tri

Từ kết quả Hội nghị hiệp thương lần thứ hai, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh, thành phố đã tổ chức hội nghị hướng dẫn việc lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội cư trú trên địa bàn. Cùng với đó, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã phối hợp với Ủy ban nhân dân cùng cấp triệu tập và chủ trì hội nghị lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cư trú trên địa bàn.

Phiên họp thứ hai Ban Chỉ đạo công tác bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 của UBTW MTTQ Việt Nam để triển khai hoạt động giám sát 
Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh kiểm tra, giám sát công tác bầu cử tại tỉnh Vĩnh Phúc
Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng kiểm tra, giám sát công tác bầu cử tại tỉnh Bình Dương

Cùng với việc phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Bầu cử Quốc gia và các cơ quan, tổ chức có liên quan ở Trung ương và địa phương chuẩn bị các nội dung cho hội nghị hiệp thương lần thứ ba, giai đoạn này, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức 5 Đoàn kiểm tra, giám sát công tác bầu cử (đợt 1) ở 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; cử đại diện tham gia các Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Bầu cử Quốc gia để theo dõi, đánh giá tình hình triển khai công tác bầu cử; tổng hợp, đề xuất, kiến nghị với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Bầu cử Quốc gia, các cơ quan, tổ chức hữu quan ở Trung ương về khó khăn, vướng mắc đang đặt ra đối với địa phương và đề xuất phương án giải quyết kịp thời.

Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ tư

Trong các ngày từ 14 - 18/4/2021, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam và Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã tiến hành hội nghị hiệp thương lần thứ ba để lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV.

Ngày 16/4/2021, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tiến hành hội nghị hiệp thương lần thứ ba để thoả thuận lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XV của các cơ quan, tổ chức ở trung ương.

Tại Hội nghị, đại biểu tham dự đã biểu quyết bằng hình thức giơ tay, 67/67 đại biểu (tỷ lệ 100%) có mặt nhất trí thông qua danh sách 205 người của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV. Cơ cấu kết hợp như sau: người ứng cử là phụ nữ có 46/205 người, tỉ lệ 22,43%; người ứng cử là người dân tộc thiểu số có 22/205 người, tỉ lệ 10,73%; người ứng cử là người ngoài Đảng có 4/205 người, tỉ lệ 1,9%; người ứng cử là người trẻ tuổi (từ 40 tuổi trở xuống) có 5/205, tỉ lệ 2,43%; người tái ứng cử có 100/205, tỷ lệ 48,78%.

Đến hết ngày 18/4/2021, Ủy ban MTTQ Việt Nam 63 tỉnh, thành phố trong cả nước đã tổ chức thành công hội nghị hiệp thương lần thứ ba. Kết quả, các địa phương đã lập danh sách được 665 người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, trong đó có 656 người được giới thiệu ứng cử và 9 người tự ứng cử. Giảm 215 người so với danh sách sơ bộ được lập tại các hội nghị hiệp thương lần thứ hai; đạt tỉ lệ số dư là 2,25 lần so với tổng số đại biểu Quốc hội được bầu ở địa phương (là 295 đại biểu). Tỉ lệ này ở khóa XIV là 2,25 lần; khóa XIII là 2,05 lần; khóa XII là 2,13 lần. Đặc biệt, qua 3 vòng hiệp thương, số lượng người tự ứng cử là 9 người, tỉ lệ 1,35%; giảm 67 người so với danh sách sơ bộ được lập tại hội nghị hiệp thương lần thứ hai (là 76 người) ở 6 tỉnh, thành phố là Bắc Cạn, Cần Thơ, Nam Định, Sóc Trăng, mỗi địa phương 1 người; T.P Hà Nội 03 người, và T.P Hồ Chí Minh 02 người. (Khóa XIV là 11 người, tỉ lệ 1,61%).

Nhìn chung, sau hội nghị hiệp thương lần thứ ba, đến 17h00 ngày 18/4/2021, số liệu về danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XV là 870 người, trong đó có 205 người ở trung ương và 665 người ở địa phương, đạt tỉ lệ số dư là 1,74 lần. Tại Khóa XIV là 879 người, đạt tỉ lệ số dư là 1,76 lần; khoá XIII là 832 người, đạt tỉ lệ số dư là 1,66 lần.

Kết quả từ hội nghị hiệp thương lần thứ ba là cơ sở quan trọng để ngày 27/4, Hội đồng Bầu cử Quốc gia công bố danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV gồm 868 người (giảm 2 người do xin rút vì lý do sức khỏe và lý do gia đình), ứng cử tại 184 đơn vị bầu cử trong cả nước, để bầu 500 đại biểu Quốc hội khóa XV

Tuy nhiên, trên cơ sở việc xin rút tên khỏi danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội của hai cá nhân và đề nghị của Ủy ban bầu cử cấp tỉnh nơi hai cá nhân này ứng cử, Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã cân nhắc tình hình và chấp thuận, đồng thời điều chỉnh lại số lượng ứng cử viên bảo đảm bầu đủ số lượng đại biểu Quốc hội đại diện cho cử tri tại từng đơn vị bầu cử. Như vậy, đến nay, danh sách những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV gồm 866 người. 

Đại biểu biểu quyết tại Hội nghị hiệp thương lần thứ ba của Đoàn Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam

Theo Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia Đỗ Văn Chiến, Hội nghị hiệp thương lần thứ ba là một nhiệm vụ rất quan trọng của quá trình bầu cử, đây là hội nghị hiệp thương lần cuối cùng để lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn gửi Hội đồng bầu cử Quốc gia để thực hiện các bước tiếp theo; đồng thời khẳng định Mặt trận các cấp đã hoàn thành một khối lượng công việc lớn, góp phần vào thành công chung của cuộc bầu cử. Kết thúc hội nghị hiệp thương lần thứ ba cũng là mốc cơ sở để các hội nghị tiếp xúc cử tri của các ứng viên được tiến hành theo đúng kế hoạch.

 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Quân uỷ Trung ương trình bày Chương trình hành động. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN 

Sau khi tổ chức thành công ba hội nghị hiệp thương, MTTQ các cấp đã thực hiện lịch trình theo các kế hoạch đã được xây dựng trước đó về những nội dung công tác bầu cử thuộc trách nhiệm của Mặt trận, trong đó có tổ chức hội nghị cử tri nơi công tác và nơi cư trú; giám sát việc thực hiện công tác chuẩn bị bầu cử; tiếp công dân về nội dung liên quan đến trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công tác bầu cử; tiếp nhận, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh liên quan đến công tác bầu cử; hướng dẫn công tác tuyên truyền bầu cử cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các địa phương; tập hợp dư luận xã hội về công tác bầu cử; thực hiện các hình thức để tuyên truyền về bầu cử...

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp xúc cử tri ở Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp xúc cử tri tại thành phố Cần Thơ

Bằng sự nỗ lực của Mặt trận các cấp, các hội nghị cử tri nơi công tác và nơi cư trú, hội nghị tiếp xúc cử tri đã được tổ chức dân chủ, đúng luật, góp phần vào thành công cho cuộc bầu cử. Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch COVID-19, sau khi thống nhất với Hội đồng Bầu cử Quốc gia, ngày 4/5/2021, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã ban hành ngay hướng dẫn số 61/HD-MTTW-BTT về việc tổ chức tiếp xúc cử tri phù hợp với công tác phòng, chống dịch; đồng thời ngày 8/5/2021, tại công văn số 2343/MTTW-BTT, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cũng nhấn mạnh tới việc Mặt trận chủ động phối hợp tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri nơi cư trú phù hợp với diễn biến dịch bệnh trên địa bàn.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến trình bày chương trình hành động tại huyện Hưng Nguyên. Ảnh Thành Duy - Báo Nghệ An 

Ngoài ra, với sự tham mưu, phối hợp của Mặt trận, Hội đồng Bầu cử Quốc gia cũng đã ban hành văn bản số 234/HĐBCQG-TBVBPLTTTT ngày 13/4 về hướng dẫn việc lập danh sách cử tri và phương án thực hiện bỏ phiếu đối với các trường hợp đang cách ly y tế phòng, chống dịch COVID-19 và tại các địa phương có dịch bệnh; văn bản số 684/HĐBCQG-TBVBPLTTTT ngày 15/5/2021 về việc một số vấn đề cần tiếp tục lưu ý trong quá trình tổ chức bầu cử.

Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh tiếp xúc cử tri tại thành phố Cần Thơ

Bởi vậy, công tác tổ chức lấy ý kiến của cử nơi công tác và nơi cư trú được triển khai đồng bộ, đảm bảo số lượng cử tri tham dự, việc tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri với người ứng cử để thực hiện vận động bầu cử được tiến hành khẩn trương, công khai, dân chủ và có sự điều tiết hài hòa phù hợp với từng địa phương, đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Dân chủ, công khai, minh bạch và đúng luật

Hội nghị Hướng dẫn Quy trình giới thiệu người của các cơ quan Trung ương ứng cử Đại biểu Quốc hội Khóa XV 

Từ thực tiễn công tác Mặt trận tham gia công tác tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp trong thời gian qua, có thể thấy, hệ thống Mặt trận từ Trung ương đến địa phương đã chủ động, tích cực tham gia ý kiến vào các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo bầu cử; xây dựng kế hoạch, văn bản hướng dẫn trong hệ thống Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể; tổ chức tốt các hội nghị tập huấn để cán bộ Mặt trận nắm vững pháp luật bầu cử và các văn bản hướng dẫn của các cơ quan Trung ương, để các nội dung công việc được thực hiện đúng luật, tránh sai sót dẫn đến khiếu nại, tố cáo.

Quá trình tham gia tổ chức bầu cử, Mặt trận đã bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, sự phối hợp chặt chẽ giữa UBTƯ MTTQ Việt Nam với Hội đồng Bầu cử Quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam ở Trung ương và các cơ quan, tổ chức có liên quan; giữa Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp với Ủy ban bầu cử, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và các tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam cùng cấp.

Ban Thường trực MTTQ Việt Nam các cấp đã phát huy vai trò chủ trì trong việc chuẩn bị, điều hành các hội nghị hiệp thương, tạo điều kiện để các đại biểu tham dự hiệp thương có đầy đủ thông tin, được trao đổi, thể hiện rõ quan điểm, chính kiến của mình và có quyết định đúng đắn; đẩy mạnh các hình thức trao đổi, bàn bạc trong Đoàn Chủ tịch, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên cùng cấp để hội nghị hiệp thương có sự tập trung trí tuệ của các thành viên khối Mặt trận, tăng cường trao đổi dân chủ để lựa chọn được những ứng cử viên xứng đáng, đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn mà pháp luật đã quy định, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân.

Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến kiểm tra, giám sát niêm yết danh sách đại biểu tại phường Vĩnh Thanh Vân, tỉnh Kiên Giang
Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh tại buổi kiểm tra, giám sát công tác chuẩn bị bầu cử tại huyện Long Phú tỉnh Sóc Trăng 
Cùng với đó, hoạt động giám sát của MTTQ Việt Nam các cấp được triển khai khá bài bản, các đoàn giám sát do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chủ trì đạt chất lượng, giúp các địa phương có sự chuẩn bị chu đáo khi triển khai công tác bầu cử, đồng thời cũng phát hiện những việc tổ chức thực hiện một số trình tự, thủ tục, nội dung chưa đầy đủ. Đặc biệt, kiến nghị kịp thời có văn bản hướng dẫn nhiều nội dung đối với những địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội hoặc phong tỏa do dịch COVID-19. Công tác tiếp dân, xử lý đơn thư liên quan đến bầu cử được quan tâm, cơ bản không xảy ra khiếu nại, tố cáo phức tạp.
Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực kiểm tra, giám sát công tác bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 của tỉnh Thái Nguyên
Phó Chủ tịch Phùng Khánh Tài kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử tại tỉnh Đắk Nông

Trong công tác tuyên truyền, Ủy ban bầu cử, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh chủ động phối hợp với cơ quan liên quan tuyên truyền các nội dung về bầu cử phù hợp với từng giai đoạn, từng bước của quy trình hiệp thương... qua đó, tạo sự thống nhất về nhận thức, tư tưởng chính trị và hành động về cuộc bầu cử, để cuộc bầu cử đạt kết quả cao, thực sự là ngày hội của toàn dân. Các hình thức tuyên truyền về bầu cử tại các địa phương phong phú, đa dạng, thu hút được sự quan tâm, chú ý của các tầng lớp nhân dân như: Sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng (hệ thống phát thanh, truyền hình, báo chí...); đăng tải lên các Website của cơ quan, tổ chức, đơn vị; hệ thống băng zôn, pa nô, áp pic tại các khu trung tâm, khu đông dân cư; qua hoạt động của mạng lưới báo cáo viên, tuyên truyền viên của các tổ chức đảng, đoàn thể, qua các hội nghị tại thôn, bản, tổ dân phố…

Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia Vương Đình Huệ đánh giá cao vai trò của MTTQ Việt Nam trong công tác chuẩn bị bầu cử

Đánh giá về sự đóng góp của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia Vương Đình Huệ cho rằng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp có vai trò, trách nhiệm hết sức quan trọng trong thời gian qua; tích cực, công tâm khi thực hiện chức trách, nhiệm vụ trong chuẩn bị bầu cử; bảo đảm các bước, các khâu giới thiệu đại biểu, hiệp thương, tham gia chuẩn bị dự kiến cơ cấu thành phần và phân bổ số lượng đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp đúng quy định của pháp luật và yêu cầu của Trung ương, Hội đồng Bầu cử Quốc gia; tích cực tham gia tiếp nhận, xử lý khiếu nại, tố cáo và tổ chức tuyên truyền sâu rộng về ngày bầu cử...

Nhấn mạnh từ nay tới ngày 23/5 và sau đó, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc vẫn rất nặng nề, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Mặt trận Tổ quốc các cấp tiếp tục phát huy tốt vai trò; bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt, kịp thời giữa Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với các cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương trong bầu cử; phối hợp chặt chẽ giữa các ban, đơn vị trong các hoạt động bảo đảm phục vụ công tác bầu cử; đẩy mạnh công tác nắm bắt dư luận xã hội để tuyên truyền về bầu cử; kiến nghị, phản ánh tới các cấp ủy, chính quyền xử lý các vụ việc phát sinh để kịp thời giải quyết trước ngày bầu cử.

Để Ngày bầu cử thực sự là Ngày hội non sông

Thay mặt Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến mong muốn và kêu gọi đồng bào, cử tri cả nước hăng hái đi bầu cử vào ngày 23/5/2021

Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã kịp thời hướng dẫn các địa phương tổ chức các hội nghị trên tinh thần vừa bảo đảm vừa an toàn phòng, chống dịch, song vẫn bảo đảm tiến độ về thời gian theo quy định của pháp luật.

Tại Hội nghị hiệp thương lần thứ ba, thay mặt Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến mong muốn và kêu gọi đồng bào, cử tri cả nước tích cực tham gia các Hội nghị tiếp xúc cử tri, các cuộc trao đổi, mạn đàm do Mặt trận Tổ quốc phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức; đặc biệt là hăng hái đi bầu cử vào ngày 23/5/2021 để thực hiện quyền lợi, trách nhiệm của công dân, để ngày bầu cử thực sự là ngày hội của non sông.

Để ngày 23/5 thực sự là ngày hội của non sông, Ban Thường trực MTTQ các cấp đang tiếp tục tổ chức và vận động Nhân dân tích cực tham gia bầu cử; phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền, các cơ quan, tổ phụ trách chức bầu cử để tổ chức chu đáo Ngày Bầu cử. Tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bầu cử; phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể ở cơ sở theo phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, nhất là các gia đình có người đi làm ăn xa để nắm sự thay đổi, bổ sung danh sách cử tri, phát thẻ cử tri; thông tin để nhân dân tìm hiểu danh sách người ứng cử tại đơn vị bầu cử, số phiếu mỗi người được bầu để cử tri sáng suốt lựa chọn; thông tin về ngày bầu cử 23/5, thời gian, địa điểm bỏ phiếu, bố trí cử tri đi bỏ phiếu theo giờ; những quy định về phòng, chống dịch trước, trong và sau ngày bầu cử.

Cùng với đó, Ban Thường trực MTTQ các cấp tiếp tục theo dõi, giám sát thường xuyên công tác bầu cử, góp phần bảo đảm để cuộc bầu cử diễn ra thực sự dân chủ, đúng quy định, an toàn, tiết kiệm; phát huy vai trò của tổ giám sát cộng đồng trong phòng chống dịch và vận động từng người dân trực tiếp đi bầu cử; chỉ đạo tổng hợp tình hình ngày bầu cử, phân công cán bộ trực ngày bầu cử để kịp thời nắm bắt tình hình các địa phương, thực hiện việc báo cáo Hội đồng bầu cử quốc gia về tình hình địa phương thông qua kênh báo cáo của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản