|
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa tham dự Lễ trao giải. |
Dự Lễ trao Giải có ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng: Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Thường vụ, Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; ông Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, nguyên Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh; ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Trưởng ban Chỉ đạo Giải Báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Cùng tham dự có ông Phạm Tất Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương; ông Hầu A Lềnh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; bà Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng biên tập báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; ông Lương Quốc Đoàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ban chấp hành Hội Nông dân Việt Nam; ông Đỗ Tiến Sỹ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; Trung tướng Nguyễn Văn Gấu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; ông Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Hải Phòng, cùng đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành, cơ quan Trung ương và 54 tác giả, nhóm tác giả đoạt giải.
Đây là hoạt động nhằm cổ vũ, tiếp thêm động lực cho những người làm báo cả nước đã kịp thời phát hiện, đấu tranh, lên án những hiện tượng, hành vi tham nhũng, tiêu cực, được dư luận đánh giá cao và có những tác động tích cực với xã hội và những người làm báo. Qua đó, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước; huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, xây dựng đất nước phát triển phồn vinh, hạnh phúc.
|
Đại biểu tham dự Lễ trao giải |
Nhiều tác phẩm có tính phát hiện và thể hiện sự dấn thân của nhà báo
Sau hai năm tổ chức và triển khai, tính đến hết ngày 31/8/2023, Ban Tổ chức Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ tư, năm 2022 - 2023 đã nhận được 1.078 tác phẩm hợp lệ đối với 4 thể loại: báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình của 121 cơ quan báo chí ở Trung ương và địa phương. Với tinh thần dân chủ, khách quan, công tâm, trách nhiệm cao, các thành viên Hội đồng Chung khảo đã tiến hành xét chọn kỹ lưỡng, thống nhất tuyển chọn được 54 tác phẩm xuất sắc để trao 4 Giải A; 10 giải B; 12 giải C; 28 giải Khuyến khích.
4 tác phẩm đoạt giải A gồm:
Loạt bài 5 kỳ: Vụ phá rừng tự nhiên ở Bắc Kạn; Tác giả: Nguyễn Hồng Nguyên; đăng trên Báo Bảo vệ pháp luật;
Loạt bài 5 kỳ: Ngang nhiên "phân lô" mua bán đất nghĩa trang trái phép tại Hà Nội; Nhóm tác giả: Nguyễn Quán Tuấn, Trần Văn Quốc, Quách Hà Đương; đăng trên Báo điện tử Nhà báo và Công luận;
Loạt 3 bài: Thuốc nào trị "bệnh sợ sai"?; Nhóm tác giả: Nguyễn Thị Tuyết Mai, Nguyễn Thị Hồng Nhung, Lại Thị Hoa; phát sóng trên Kênh VOV1, Đài Tiếng nói Việt Nam;
Phim tài liệu: Không lùi bước; Nhóm tác giả: Nguyễn Nhật Duy, Phan Ý Linh; phát sóng trên Kênh VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam.
|
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên Giáo Trung ương và ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Trưởng ban Chỉ đạo Giải trao giải A cho các tác giả, nhóm tác giả |
Theo đánh giá của Ban Tổ chức, nhìn chung các tác phẩm tham dự Giải năm nay đã bám sát với chủ đề và tiêu chí Thể lệ Giải. Nhiều tác phẩm có chất lượng tốt, tính phát hiện cao, thể hiện sự dấn thân, đeo bám tới cùng vụ việc tham nhũng, tiêu cực của các nhà báo, tạo hiệu ứng tác động xã hội rất lớn, đem lại hiệu quả tích cực trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thông qua những đề tài khá phong phú, sinh động theo phong cách làm báo hiện đại.
Phản ánh toàn diện sự quyết tâm của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, sự hưởng ứng và tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực từ Trung ương đến các địa phương, các tác phẩm dự giải là kết tinh thành quả lao động miệt mài của các nhà báo, vượt lên mọi khó khăn, áp lực, thậm chí nguy hiểm trong quá trình tác nghiệp để có được các tác phẩm báo chí mang tính chiến đấu cao, tính nhân văn sâu sắc.
Điểm mới của Giải lần này là đã có nhiều hơn các tác phẩm viết về đề tài phòng, chống tiêu cực được Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức giải đánh giá cao; đồng thời cũng có thêm những tác phẩm về đề tài biểu dương, cổ vũ các gương dũng cảm trong đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực, có tác động lan tỏa trong xã hội.
|
Ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam và bà Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam lên trao giải B cho các tác giả, nhóm tác giả |
54 tác phẩm được Hội đồng Chung khảo xét chọn đoạt Giải là những tác phẩm được điều tra công phu. Có những tuyến bài được thực hiện trong nhiều tuần, nhiều tháng, thậm chí cả năm trời để đi đến tận cùng của sự thật. Nhiều tác phẩm ở thể loại báo in được Hội đồng chung khảo đánh giá cao như: Loạt bài 5 kỳ về “Vụ phá rừng tự nhiên ở Bắc Kạn” đăng trên Báo Bảo vệ pháp luật; loạt 3 bài "Bóp méo và trục lợi" chính sách nhà ở công nhân tại Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh - Hà Nội) đăng trên Báo Tiếng nói Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam; loạt 3 bài “Không để tổ chức đảng thành công cụ của sai phạm” đăng trên Báo Quân đội nhân dân…
Nhiều tác phẩm ở thể loại báo điện tử được thể hiện thông qua những đề tài phong phú, sinh động theo phong cách làm báo hiện đại như: Loạt bài 5 kỳ “Ngang nhiên "phân lô" mua bán đất nghĩa trang trái phép tại Hà Nội” đăng trên Báo điện tử Nhà báo và Công luận; loạt 4 bài "Cơn khát" thuốc điều trị, vật tư y tế: "Khi trăm dâu đổ đầu tằm" đăng trên Báo điện tử VietnamPlus, Thông tấn xã Việt Nam; loạt 4 bài “Về sửa Luật Đất đai năm 2013” đăng trên Báo điện tử Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh...
Các tác phẩm phát thanh cũng tập trung vào việc phát hiện, phản ánh những vụ việc nổi cộm về hàng loạt vật tư, thiết bị y tế “đắp chiếu” trong kho; hàng loạt công trình, dự án ì ạch, chậm tiến độ tại các địa phương nhiều năm nay không xử lý được trong khi nguồn lực về vốn, tài nguyên không thiếu..., như: Loạt 3 bài “Thuốc nào trị "bệnh sợ sai"?” phát sóng trên Đài Tiếng nói Việt Nam; loạt 2 kỳ “Khi quy hoạch "ì ạch"” phát trên sóng Đài Phát thanh - Truyền hình Thái Nguyên...
Đối với thể loại truyền hình, nhiều tác phẩm mang tính thời sự cao, phản ánh rõ nét công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước như: Phim tài liệu: "Không lùi bước” phát sóng trên Kênh VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam; tác phẩm “Một thập kỷ đơn thư” phát trên sóng Đài Phát thanh - Truyền hình Nghệ An...
Tăng cường phối hợp và đồng hành giữa giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với các cấp, các ngành, các cơ quan báo chí
|
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa biểu dương, chúc mừng các tác giả, nhóm tác giả của 54 tác phẩm xuất sắc nhất được biểu dương, tôn vinh tại Lễ trao Giải |
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đánh giá cao Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam đã tổ chức Giải báo chí có ý nghĩa này; đồng thời biểu dương, chúc mừng các tác giả, nhóm tác giả của 54 tác phẩm xuất sắc nhất được biểu dương, tôn vinh tại Lễ trao Giải.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được Đảng, Nhà nước ta, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo triển khai với quyết tâm chính trị cao, ngày càng quyết liệt theo phương châm kiên quyết, kiên trì, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng, toàn diện, góp phần giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, được dư luận quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.Công tác thông tin truyền thông về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cũng được đẩy mạnh với nhiều nội dung, biện pháp và các giải pháp hết sức phong phú và hiệu quả.
“Nổi bật đó là đã duy trì thường xuyên Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và sau ba năm đã được tổ chức thành công rất tốt đẹp. Giải báo chí phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ tư, năm 2022 - 2023 là hoạt động nhằm nâng cao và phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của báo chí, của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tầng lớp nhân dân đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; góp phần cổ vũ, tôn vinh, biểu dương và tiếp thêm động lực cho những người làm báo cả nước kịp thời phát hiện, đấu tranh, lên án những hiện tượng, hành vi tham nhũng, tiêu cực”, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nêu rõ.
|
Ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam và bà Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam lên trao giải B cho các tác giả, nhóm tác giả |
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng, đằng sau những tác phẩm báo chí được Ban tổ chức Giải vinh danh hôm nay là tinh thần lao động đầy trách nhiệm, là sự dấn thân, là bản lĩnh của các nhà báo với quyết tâm đưa ra ánh sáng và công luận những vụ việc tham nhũng, tiêu cực. Các nhà báo thường xuyên phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, những cám dỗ về vật chất, thậm chí bị đe dọa cả về tinh thần. Điều đó đòi hỏi mỗi nhà báo không chỉ có năng lực, nghiệp vụ chuyên môn sâu mà cần có đạo đức trong sáng, bản lĩnh vững vàng để vượt qua khó khăn, nguy hiểm, tạo ra những tác phẩm báo chí có giá trị, đóng góp thiết thực cho công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Nhắc lại nội dung phát biểu tại Hội nghị tổng kết 10 năm công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 - 2022 ngày 30 tháng 6 năm 2022, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định, điều quan trọng, có ý nghĩa quyết định là nhận thức phải chín, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải lớn và phương pháp phải đúng, góp phần từng bước làm chuyển biến tình hình, thực sự có kết quả rõ ràng và cụ thể.
|
Ông Phạm Tất Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương và ông Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, nguyên Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam lên trao giải C cho các tác giả, nhóm tác giả |
Quán triệt sâu sắc định hướng chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, để phát huy những kết quả đã đạt được, tăng cường hơn nữa vai trò xung kích, tiên phong của báo chí trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, trước hết, phải tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước để báo chí cách mạng Việt Nam hoạt động đúng định hướng, tham gia tích cực, có hiệu quả vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
“Phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội của báo chí, người dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ của đảng viên và đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; phản ánh và phê phán mạnh mẽ tình trạng đùn đẩy, thoái thác, sợ trách nhiệm, không dám làm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên”, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa gợi mở.
|
Ông Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Hải Phòng, nguyên Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và ông Đỗ Tiến Sỹ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam lên trao giải Khuyến khích cho các tác giả, nhóm tác giả |
Nội dung tiếp theo mà Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhắc tới đó là phải tăng cường phối hợp và đồng hành giữa giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với các cấp, các ngành, các cơ quan báo chí nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác thông tin, tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; từng bước xây dựng văn hóa tiết kiệm, văn hóa liêm chính, không tham nhũng, lãng phí. Trước hết, trong cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, chú trọng tăng cường sự đồng thuận xã hội, tạo sự gắn bó khăng khít giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Cùng với đó cần phát huy mạnh mẽ vai trò, trách nhiệm xã hội của đội ngũ những người làm báo trong đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực; chú trọng tuyên truyền gương người tốt, việc tốt công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đề cao báo chí giải pháp, báo chí kiến tạo để kịp thời đề xuất, kiến nghị những giải pháp nhằm tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, khắc phục vướng mắc với những kẽ hở của chính sách pháp luật, xử lý căn cơ, tận gốc, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực.
|
Ông Lương Quốc Đoàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam và Trung tướng Nguyễn Văn Gấu, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương; Phó Chủ nhiệm Tổng cục chính trị QĐND Việt Nam lên trao giải Khuyến khích cho các tác giả, nhóm tác giả |
Cũng theo Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, các cơ quan báo chí, các cấp hội nhà báo phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà báo, của hội viên trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, nâng cao nhận thức về trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của người làm báo đối với công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng và phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
“Cần có cơ chế khen thưởng, khích lệ, động viên, tôn vinh kịp thời, xứng đáng với cơ quan báo chí, những người làm báo có tinh thần dấn thân, đóng góp tích cực, hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tiếp tục đổi mới công tác tổ chức trao giải báo chí phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để các nhà báo có điều kiện tham gia tích cực hơn, với nhiều tác phẩm chất lượng, tại hiệu ứng trong xã hội, góp thêm sức mạnh trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa gợi mở.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa tin tưởng Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ tiếp tục khẳng định vị thế, uy tín, nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của đông đảo các cơ quan báo chí, các nhà báo và nhân dân cả nước, đóng góp tích cực vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh hơn.
|
Quang cảnh Lễ trao Giải |
|
Tiết mục văn nghệ đặc sắc tại chương trình |
Hương Diệp - ảnh Quang Vinh